Huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh

Huyện Cô Tô là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô bao gồm hơn 50 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có ba đảo lớn nhất là Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần. Nhiều đảo đất, cây cối rậm rì như: đảo Cá Chép, Chuột Con, Bát Hương, Hòn Ngựa…

Cô Tô là huyện đảo biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 60 hải lý và tiếp giáp với huyện Vân Đồn. Được thành lập ngày 23/3/1994, trên cơ sở 02 xã Cô Tô và Thanh Lân thuộc huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn); Cô Tô gồm trên 50 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích tự nhiên trên 47,2km2, gồm 02 xã và 01 thị trấn; dân số khoảng 6.700 người, gồm 07 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa). Huyện có tuyến biên giới Biển dài gần 200km, kéo dài từ đảo Trần huyện Cô Tô đến huyện đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng; có trên 300km2 ngư trường đánh bắt thuỷ hải sản, có vùng đánh cá chung. Có vị trí đặc biệt quan trọng về ANQP trên vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Huyện đảo Cô Tô

Vị trí địa lý

Cô Tô là huyện đảo nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, với tọa độ địa lý: Từ 20055’ đến 21015’7” vĩ độ Bắc. Từ 107035’ đến 108020’ kinh độ Đông.

Huyện Cô Tô cách tỉnh lỵ 100km về phía đông bắc Vịnh Bắc Bộ, có tổng chiều dài biên giới biển tiếp giáp với Trung Quốc gần 200km từ khơi thôn đảo Trần đến ngoài phía đông đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng. Phía Bắc giáp đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), đảo Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái). Phía Nam giáp vùng biển đảo Bạch Long Vĩ – Hải Phòng. Phía Tây giáp huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh.

Huyện Cô Tô là một quần đảo với gần 50 đảo lớn nhỏ, trong đó có ba đảo lớn: đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân và đảo Trần. Diện tích đất nổi của huyện là 4750,75 ha. Trong đó, đảo Cô Tô lớn là 1.780ha, đảo Thanh Lân là 1.887 ha, đảo Trần là 512 ha, còn lại là các đảo diện tích nhỏ lẻ khác.

Cô Tô có 3 đơn vị hành chính gồm 2 xã và 1 thị trấn, gồm thị trấn Cô Tô và 2 xã Thanh Lân và Đồng Tiến. Cô Tô gần ngư trường khai thác hải sản lớn của cả nước; Đảo Trần nằm ở vị trí Đông Bắc của huyện, cách khu kinh tế mở Móng Cái khoảng 35 km, nằm trong khu vực cửa khẩu, cách đường Hàng hải quốc tế Hải Phòng – Bắc Hải 30 km.

Đảo Cô Tô cách đất liền khoảng 25 hải lý (cảng Vân Đồn), gần ngư trường khai thác hải sản lớn của cả nước; Đảo Trần một trong những hòn đảo quan trọng trong quần thể các hòn đảo của huyện Cô Tô nằm ở vị trí Đông Bắc của huyện, cách thành phố Móng Cái hơn 10 hải lý, nằm trong khu vực cửa khẩu, cách đường hàng hải Quốc tế Hải Phòng – Bắc Hải gần 17 hải lý.

Với vị trí địa lý nêu trên, Cô Tô là một huyện đảo nằm ở vị trí có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trên biển, du lịch, giao lưu kinh tế với nhân dân Trung Hoa. Quần đảo Cô Tô có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng để làm cơ sở vạch đường cơ bản khi hoạch định đường biên giới trên biển của nước ta. Có vị trí thuận lợi để phát triển dịch vụ cứu hộ cứu nạn trên biển. Huyện Cô Tô còn có ví trí quan trọng tạo thành điểm kết nối và tuyến du lịch, giải trí Hạ Long – Cửa Ông – Vân Đồn – Cô Tô.

Diện tích, địa hình

Cô Tô có diện tích đất tự nhiên là 4.179ha, vùng biển cũng là vùng ngư trường thuộc huyện rộng trên 300km2. Đỉnh Cáp Cháu trên đảo Thanh Lân cao 210m, đỉnh Đài khí tượng trên đảo Cô Tô Lớn cao 160m. Phần giữa các đảo đều cao, vây quanh là những đồi núi thấp và những cánh đồng hẹp, ven đảo có những bãi cát, bãi đá và vịnh nhỏ. Đất đai chủ yếu là đất phelarit trên sa thạch. Đất rừng rộng 2.200ha .Đất có khả năng nông nghiệp (771ha) chiếm 20% diện tích đất tự nhiên, trong đó một nửa có khả năng cấy lúa, trồng màu, già nửa có khả năng chăn thả đại gia súc và trồng cây ăn quả.

Quần đảo Cô Tô bao gồm các đảo lớn, nhỏ kéo dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam và hợp thành một vòng cung thoải quay chiều lõm ra khơi Vịnh Bắc Bộ. Địa hình đồi cao với những nét đặc thù của núi thấp, sườn dốc, bất đối xứng, chia cắt mạnh; đồng bằng phân bố xen kẽ giữa khu vực đồi núi. Bãi biển có những bãi cát dài tương đối bằng phẳng có độ cao từ 2-6m, độ dốc trung bình 00 – 30 được thành tạo bởi cát hạt trung là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch tắm biển.

Những bãi đá gốc có nguồn gốc mài mòn xuất hiện ở khắp nơi, diện tích khá rộng. Do dao động thủy triều khá cao nên thường có sự lẫn lộn giữa đá nổi và đá ngầm. Dạng địa hình này phát triển ở phía bắc đảo Thanh Lân, đảo Trần tạo nên những cảnh đẹp tự nhiên thu hút sự hiếu kỳ của du khách trong các hoạt động du lịch khám phá, nghiên cứu khoa học.

Đặc điểm khí hậu và Tài nguyên khí hậu huyện Cô Tô

Khí hậu Cô Tô tiêu biểu cho khí hậu tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh miền Bắc Việt Nam vừa có nét riêng của một tỉnh miền núi ven biển. Các quần đảo ở huyện Cô Tô có đặc trưng của khí hậu đại dương.

Cô Tô có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ không khí bình quân 22,5oC (cao nhất 36,2°C vào tháng 6- năm 1976, thấp nhất 4,4°C vào tháng 1-1972). Độ ẩm bình quân 83,6%, lượng mưa bình quân 1664mm/năm, lượng bốc hơi 30,7mm/tháng, tổng số giờ nắng trong năm là 18.306h, số ngày có sương mù bình quân 34 ngày/năm. Gió đông bắc thịnh hành từ tháng 9 đến tháng tư năm sau. Gió đông thịnh hành từ tháng 5 đến tháng 8. Gió nam chiếm ưu thế vào tháng 7. Từ tháng 7 đến tháng 9 thường có 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tốc độ gió lớn nhất đến 144km/h. Nước biển có nhiệt độ bình quân 27°C, thấp nhất là 23°C và có độ mặn cao (3,8%).

Khí hậu Cô Tô

Thời tiết Cô Tô có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh mang tính chất khí hậu hải dương. Do chịu ảnh hưởng và tác động của biển đã tạo ra những tiểu vùng sinh thái hỗn hợp miền núi ven biển. Nhiệt độ không khí nhiệt độ trung bình năm 22,7°C, dao động từ 17 – 28°C, nhiệt độ trung bình cao nhất từ 27 – 30°C, nhiệt độ tối cao tuyệt đối 36,2°C. Về mùa đông, nhiệt độ trung bình thấp nhất từ 13,5 – 15,8°C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối 4,4°C.

Chế độ nắng: khá dồi dào trung bình đạt từ 1700-1820 giờ/năm và có sự phân hóa theo mùa. Từ tháng 4 đến 12, số giờ nắng trung bình trên 100 giờ/tháng, cao nhất vào tháng 7. Tháng 1- 3 số giờ nắng dưới 100 giờ/năm.

Lượng mưa Cô Tô là huyện nằm phía Đông tỉnh Quảng Ninh, nơi có mưa lớn. Lượng mưa tương đối cao so với toàn tỉnh, trung bình năm là 1.707,8 mm, năm cao nhất 2.561,8 mm, thấp nhất khoảng 908 mm. Tuy vậy, lượng mưa phân bố không đều trong năm và phân làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa nhiều kéo dài 5 tháng, thường từ tháng 5 đến tháng 9. Lượng mưa chiếm 78 – 80% tổng lượng mưa cả năm. Lượng mưa cao nhất vào khoảng 396 mm vào tháng 8 hàng năm.

Mùa mưa ít: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 20 – 22% tổng lượng mưa năm, tháng có mưa ít nhất là tháng 12, tháng 1 và tháng 2 từ 20 – 26 mm.

Độ ẩm không khí độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 84%, tương đương mức trung bình của các huyện, thị xã trong tỉnh. Độ ẩm không khí thường thay đổi theo mùa và các tháng trong năm, tháng 3 và 4 có độ ẩm cao nhất tới 90%, thấp nhất vào tháng 10 và 11 là 77 – 78%.

Chế độ gió – bão trên địa bàn huyện Cô Tô thường thịnh hành 2 loại gió chính là gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam.

  • Gió mùa đông nam: xuất hiện vào mùa mưa, thổi từ biển vào mang theo hơi nước và gây ra mưa lớn. Hàng năm Cô Tô thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của 5 đến 7 cơn bão với sức gió từ cấp 8 đến cấp 11, giật trên cấp 11. Vào tháng 5 đến tháng 10 hay gặp dông tố, đặc biệt tháng 6 đến tháng 8 cơn dông thường xuất hiện từ 15 đến 20 ngày, khi có dông thường hay gây ra mưa to, gió mạnh tạo ra vùng gió xoáy làm ảnh hưởng xấu đến các phương tiện hoạt động trên biển.
  • Gió mùa đông bắc: Xuất hiện vào mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, tốc độ gió trung bình từ 4-6 m/s. Đặc biệt gió mùa đông bắc tràn về thường lạnh và mang theo giá rét, thời tiết khô hanh, thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gia súc, gia cầm…

Bão: Cô Tô là một trong những nơi chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất nước ta, bão thường xuất hiện vào thời kỳ từ tháng 6 đến tháng 11, nhiều nhất là tháng 6 và tháng 8, ảnh hưởng của bão đối với vùng này là rất lớn, vì bão thường gây ra gió mạnh từ 40 – 50 m/s và mưa lớn từ 300 – 400 mm/ngày.

Sương: có hai loại sương mù và sương muối. Sương muối ít xảy ra, nếu có thì sương muối thường xuất hiện vào cuối tháng 12 và tháng 1 năm sau. Sương mù hàng năm có khoảng từ 15 – 30 ngày.

Như vậy thời tiết khí hậu đáng lưu ý nhất trên huyện đảo là mưa và bão. Mưa tập trung theo mùa đã gây ra thừa nước về mùa mưa nhiều và thiếu nước khá gay gắt vào mùa mưa ít. Bão lũ có thể gây ra những thiên tai, thảm họa ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, khi bố trí các ngành sản xuất và xây dựng cần tính tới thời kỳ mưa và gió bão trên đảo.

Thuỷ văn và hải văn

Hệ thống sông suối trên đảo ít và ngắn, dốc. Toàn huyện có 13 con suối có chiều dài trên 1 km, được phân bố chủ yếu ở đảo Thanh Lân (9 suối), đảo
Cô Tô lớn (có 3 suối) và đảo Cô Tô con (1 suối).

Chế độ thủy văn có sự phân hóa theo mùa: Mùa mưa lượng nước khá dồi dào, tuy nhiên vào mùa khô nước suối cạn, nguồn nước sinh hoạt của cư dân trên đảo chủ yếu dựa vào mạch nước ngầm và các hồ chứa trên đảo.

Toàn huyện có 21 hồ, đập để chứa nước cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Do vậy, các hồ chứa có vai trò vô cùng quan trọng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và du khách tham quan lưu trú trên đảo.

+ Đảo Cô Tô lớn: có 14 hồ lớn nhỏ chứa nước là nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất với tổng dung tích hơn 485.000 m3 và hai hồ nước mặn (hồ Thầu Mỵ và Đồng Muối). Tuy nhiên, vào mùa khô thì hầu như các hồ bị cạn trừ hồ C4, hồ Trường Xuân.

+ Đảo Thanh Lân: có 4 hồ chứa nước, trong đó có hồ Ông Thanh và hồ Ông Cự là nguồn cấp nước sản xuất nông nghiệp với tổng dung tích 119.957 m3, hồ Bạch Vân và hồ Chiến Thắng 2 là nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho người dân trên đảo với dung tích 107.510 m3. Tuy nhiên, do các hồ nước trên đảo chủ yếu là những hồ nhỏ nên chỉ có thể chứa nước vào mùa mưa, còn mùa khô gần như cạn kiệt không đủ cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất.

+ Đảo Trần: Đảo Trần có diện tích nhỏ, địa hình chủ yếu là đồi và núi nên việc hình thành dòng chảy trên đảo, nhất là vào mùa khô là rất khó khăn, các dòng chảy trên đảo chỉ là tạm thời vào mùa mưa. Hiện nay, trên đảo đã xây dựng 3 đập chắn nước phục vụ dự án đưa dân ra đảo Trần sinh sống, tuy nhiên khả năng trữ và giữ nước đáp ứng nhu cầu sử dụng còn nhiều hạn chế.

– Tài nguyên nước ngầm

Trữ lượng nước ngầm tính cho toàn huyện đảo vào khoảng 10,65 triệu m3. Mực nước ngầm có độ cao lớn nhất là 4,5 m và thấp nhất là 2 m. Chất lượng nước ngầm từ trung bình đến kém, độ pH cao. Riêng với các tầng chứa nước nguồn gốc biển và tầng chứa nước khe nứt trong trầm tích, nước ngầm xuất hiện ở độ sâu từ 8 đến 20 m, chất lượng nước nhìn chung tốt, có độ khoáng nhỏ, nước ngọt, nên có thể khai thác nước ngầm từ quy mô nhỏ đến quy mô trung bình dùng cho sinh hoạt của nhân dân và nhu cầu sử dụng khác.

– Hải văn

+ Chế độ sóng: Huyện đảo Cô Tô là khu vực có chế độ hải văn điển hình cho vùng vịnh Bắc Bộ. Chế độ hải văn khu vực quần đảo Cô Tô phụ thuộc vào hoàn lưu của hai loại gió mùa (gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam).

+ Chế độ thuỷ triều: chịu ảnh hưởng chung của chế độ nhật triều đều và thuần nhất của Vịnh Bắc Bộ. Biên độ triều vùng này cao nhất Việt Nam từ 3 – 4 m. Hướng của thuỷ triều cũng thay đổi vào các mùa trong năm.

Tại vùng nước xung quanh đảo Cô Tô, sóng thịnh hành về mùa đông là hướng đông bắc và đông – đông bắc; với độ cao trung bình từ 0,7 đến 1,3m, độ cao cực đại đạt 2,3-2,8 m. Mùa hè, từ tháng VI -VIII, hướng sóng thịnh hành là nam và nam – đông nam, độ cao trung bình từ 0,7 – 0,9m, độ cao cực đại có thể tới 3,5-4,5m, cá biệt, sóng trong bão có thể tới 5-6m. Trong thời gian chuyển tiếp, phổ biến là hướng sóng đông bắc và đông nam.

Với những đặc điểm trên Cô Tô có thể phát triển nhiều khu vực bãi tắm và những sản phẩm du lịch hấp dẫn với các hoạt động vui chơi biển độc đáo thu hút sự
quan tâm của du khách tới đảo.

Tài nguyên đất

Năm 2017: Diện tích đất tự nhiên của Cô Tô là 5.005ha. Bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp (352ha, chiếm 7%), đất lâm nghiệp 2.414ha, chiếm 48,2%), đất chuyen dùng (1.100ha chiếm 22%), đất ở (50ha, chiếm 1%). (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)

Cô Tô có diện tích đất tự nhiên là 4.179ha, vùng biển cũng là vùng ngư trường thuộc huyện rộng trên 300km2.

Cô Tô có địa hình đồi núi. Đỉnh Cáp Cháu trên đảo Thanh Lân cao 210m, đỉnh Đài khí tượng trên đảo Cô Tô Lớn cao 160m. Phần giữa các đảo đều cao, vây quanh là những đồi núi thấp và những cánh đồng hẹp, ven đảo có những bãi cát, bãi đá và vịnh nhỏ. Đất đai chủ yếu là đất phelarit trên sa thạch. Đất rừng rộng 2.200ha .Đất có khả năng nông nghiệp (771ha) chiếm 20% diện tích đất tự nhiên, trong đó một nửa có khả năng cấy lúa, trồng màu, già nửa có khả năng chăn thả đại gia súc và trồng cây ăn quả.

Đất đai huyện Cô Tô được chia thành 3 nhóm chính gồm đất cát, đất giây, đất đỏ vàng.

Nhóm đất cát

Nhóm đất cát được hình thành ven biển, ven các sông chính do sự bồi đắp chủ yếu từ sản phẩm thô với sự hoạt động của các hệ thống sông và biển. Nhóm đất này phân bổ ở thị trấn Cô Tô, xã Thanh Lân và xã Đồng Tiến, gồm có 3 đơn vị đất là: Bãi cát ven sông, ven biển: đơn vị đất này gồm có 1 đơn vị phân loại đất phụ là: Bãi cát ngập triều, loại đất này thường ở địa hình thấp ngoài đê biển và thường xuyên ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều. Đất cồn cát trắng vàng: loại đất này chủ yếu thành phần cơ giới là cát, ở địa hình cao tạo thành những cồn cát dài, và được phân bổ ở các xã, thị trấn trong huyện. Loại đất này có một đơn vị phân loại đất phụ là: Đất cồn cát trắng vàng điển hình, đất này có đặc điểm là: có phản ứng chua (pHKCL: 4,50 ở tầng đất mặt). Hàm lượng chất hữu cơ ở các tầng đều rất nghèo. Dung tích hấp thụ (CEC) thấp: 4,40mg/100g đất ở tầng mặt và tăng dần theo chiều sâu. Thành phần cơ giới chủ yếu là cát thô, cát vật lý > 95%. Đất cát biển: loại đất này phân bố ở xã Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô. Đơn vị đất này được chia làm 2 đơn vị đất phụ là: Đất cát biển điển hình: phân bố ở xã Đồng Tiến, thường ở địa hình cao hoặc vàn cao, hình thành chủ yếu do sự hoạt động của sông và biển. Thành phần cơ giới từ cát pha đến cát mịn. Đất có phản ứng chua, hàm lượng chất hữu cơở các tầng đều nghèo. Dung tích hấp thu thấp.

Đất cát biển giây sâu

Phân bố ở xã Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô, đất có quá trình hình thành cũng giống đất cát biển điển hình, song ở điều kiện địa hình thấp hơn nên thường xuất hiện tầng giây ở độ sâu dưới 50cm. Phản ứng của đất chua pHKCL: 4,49-5,22. Hàm lượng hữu cơ và đạm tổng số ở tầng đất mặt nghèo, tương ứng là: 1,01% và 0,48%. Lân tổng số và dễ tiêu ở tất cả các tầng đất. Kali tổng số và dễ tiêu nghèo (Thành phần cơ giới của đất từ thịt trung bình ở tầng mặt, xuống sâu các tầng dưới có thành phần cơ giới cát pha. Nhóm đất Đỏ vàng Đất Đỏ vàng được hình thành trên các loại đá sa thạch. Hình thái phẫu diện đất thường có màu vàng đỏ, hoặc vàng nhạt, tầng đất hình thành dày hay mỏng thường chịu tác động tổng hợp của các yếu tố hình thành đất.

Đất Đỏ vàng

Được phân bố ở các xã và thị trấn trong huyện. Đất Đỏ vàng có 1 đơn vị đất là đất Vàng nhạt. Đơn vị đất này cũng chỉ có 1 đơn vị phân loại đất phụ là: Đất vàng nhạt đá lẫn nhiều ở sâu. Loại đất này có phản ứng chua pHKCL: 5,23. Hàm lượng chất hữu cơ nghèo (1,1%) ở lớp đất mặt, càng xuống sâu hơn hàm lượng hữu cơ càng giảm. Đạm tổng số trung bình ở tầng mặt. Kali tổng số trung bình và dễ tiêu nghèo. Lượng canxi và ma-nhê trao đổi thấp. Dung tích hấp thu (CEC) đạt trên 101đl/100g đất ở tất cả các tầng đất. Thành phần cơ giới ở lớp đất mặt từ thịt nhẹ đến thịt trung bình. Diện tích đất tự nhiên của huyện Cô Tô là 4.750,75 ha, được chia đều chủ yếu trên hai hòn đảo lớn là Cô Tô (bao gồm thị trấnCô Tô: 601,49 ha và xã Đồng Tiến: 1.566,08 ha) và xã Thanh Lân là 2.583,18 ha. Đất tại thị trấn và xã Đồng Tiến bằng phẳng và thuận lợi cho hoạt động kinh tế và phát triển hạ tầng, đô thị hơn so với xã Thanh Lân.

Hiện tại, đất nông nghiệp của huyện Cô Tô chiếm diện tích lớn nhất trong tổng số diện tích đất tự nhiên (chiếm tới 49,5%). Trong đó, phần lớn diện tích đất nông nghiệp là đất lâm nghiệp (chiếm tới 44% tổng diện tích tự nhiên).Diện tích trồng lúa và hoa màu hàng năm khá nhỏ và có xu hướng giảm. Năm 2013 diện tích đất trồng lúa là 120,23 ha, đất trồng màu chỉ là 24ha, diện tích nuôi trồng thủy sản không thay đổi trong vòng 5 năm với 110 ha.

Một thế mạnh của huyện Cô Tô đó là diện tích đất chưa sử dụng vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn (năm 2013 còn 1232,94 ha và chiếm khoảng 30% tổng (diện tích đất tự nhiên). Trong đó, đất núi đá không có rừng cây khoảng 33ha; đất đồi núi chưa sử dụng khoảng 513ha; còn lại khoảng hơn 600 ha đất bằng chưa sử dụng. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển huyện đảo Cô Tô theo hướng đô thị sinh thái biển trong giai đoạn tiếp theo.

Lịch sử phát triển huyện Cô Tô

Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân Vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy phá. Đầu thời Nguyễn, một số dân cư Trung Quốc đánh bắt được những toán cướp biển và xin được nhập cư sinh sống.

Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương – An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Dân cư đông dần, tất cả đều là người gốc nhiều dân tộc thiểu số ở vùng ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam phiêu bạt đến.

Thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng có năm xã (Đông giáp, Nam giáp, Tây giáp, Bắc giáp, Trung giáp) thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Năm 1945, ta chưa kịp lập chính quyền cách mạng thì quân Pháp đã quay lại chiếm đóng Cô Tô. Từ Cô Tô và cảng Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu, tàu chiến Pháp vào quấy rối vùng biển Hòn Gai và Hải Phòng. Tháng 11-1946 Đại đội Ký Con giải phóng quân từ Hòn Gai dùng tàu chiến Le Creysac mới chiếm được của hải quân Pháp tiến ra giải phóng Cô Tô nhưng không thành công. Cho đến cuối năm 1955, thực hiện hiệp định Genève, quân Pháp mới rút, Cô Tô được giải phóng. Đầu năm 1954 ta thành lập chính quyền hai xã Thanh Lân, Cô Tô thuộc huyện Móng Cái – Sau đó là hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh, từ 16-7-1964 , hai xã được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả.

Ngày 9-5-1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Cô Tô, sau đó đây là nơi đầu tiên được dựng tượng toàn thân Hồ Chủ tịch khi Người còn sống. Nay bức tượng Hồ Chủ Tịch cao trên 5m được tôn tạo và giữ gìn đã trở thành một di tích lịch sử – văn hoá được liệt hạng.

Ngày 23-3 -1994, Chính phủ ra Nghị định 28 -CP đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô thành lập huyện Cô Tô. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 24-12-1994 trên đảo Cô Tô Lớn, lễ đón nhận Nghị định được cử hành trọng thể và huyện đảo Cô Tô chính thức ra đời.

Cô Tô – Tiềm năng và cơ hội

Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại Cô Tô đã được đầu tư khá đồng bộ: Hệ thống điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên đảo; cảng bến và đường giao thông đã được kiên cố hóa; 100% các trường học từ Mầm non đến THPT đều đạt chuẩn; các cơ sở y tế, nhà văn hóa thể thao cơ bản đầy đủ; hạ tầng viễn thông tương đương khu vực đất liền. Quỹ đất dự trữ phát triển vẫn còn nhiều và chưa bị chia nhỏ.

Những năm gần đây Cô Tô đang được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Hạ Long – Quảng Ninh. Mỗi năm Cô Tô đón hơn 300 ngàn lượt du khách ra tham quan nghỉ dưỡng. Thế mạnh du lịch Cô Tô được thể hiện qua vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển với nước trong, bờ thoải cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Cô Tô cũng là vùng biển được coi là đa dạng sinh học hàng đầu Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là địa bàn phong phú về cơ cấu hải sản với nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cầu gai, cua, ghẹ, cá song, mú, mực, san hô sừng…

Điện lưới quốc gia đã đem lại cho Cô Tô sự phát triển toàn diện hơn, hải sản đánh bắt được chế biến theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất và chất lượng cao hơn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ du lịch. Với vị trí địa lý thuận lợi, Cô Tô cách vùng khai thác cá chung chỉ khoảng 20km, gần hơn từ 5-7 lần so với các địa phương khác trong tỉnh, càng gần hơn so với các tỉnh khác. Các tàu khai thác của Cô Tô có thể đến ngư trường sớm hơn để đón được các đàn cá lớn và cũng trở về sớm hơn để bảo quản sản phẩm tươi ngon, bán được giá.

Lĩnh vực dịch vụ-du lịch của Cô Tô đang ngày càng được chú trọng đầu tư phát triển và đang từng bước khẳng định vai trò mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo.

Người dân Cô Tô thân thiện, thật thà, chất phác. Văn hóa con người Cô Tô là sự thống nhất trong đa dạng các vùng miền văn hóa của các tỉnh thành ven biển Việt Nam và Đồng bằng Bắc bộ. Cô Tô luôn giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn cho người dân và du khách tham quan, làm ăn, sinh sống.

Trong những năm tới, Cô Tô sẽ tập trung phát triển nhanh ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; tiếp tục phát triển hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của đông đảo người dân, đi đôi với việc kêu gọi đầu tư xây dựng để đến năm 2020 Cô Tô trở thành Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia, trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Hạ Long – Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô – Móng Cái với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí. Phát triển Cô Tô theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thu hút các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các ngành có lợi thế như thủy hải sản, du lịch, dịch vụ biển. Tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên vùng đảo. Lấy phát triển kinh tế làm cơ sở để tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, đồng thời lấy bảo đảm quốc phòng an ninh làm tiền đề số một để phát triển kinh tế. Coi trọng phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao dân trí và đời sống của nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ, tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng và phát triển KT-XH Cô Tô phù hợp với Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặt trong tổng thể phát triển của Quảng Ninh. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển huyện Cô Tô với sự phát triển trong khu vực, nhất là thành phố Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn, TP. Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và Vành đài kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ./.

 

Hướng dẫn từ A-Z du lịch Phú Quý tự túc

Là một hòn đảo ngoài khơi Bình Thuận nên để du lịch Phú Quý cần đi bằng tàu thủy, các bạn nên chọn thời điểm mà biển yên lặng từ (tháng 2-8), ít động thì việc đi lại sẽ thuận lợi hơn. Với Bình Thuận và khu vực Nam Trung Bộ, thời gian từ khoảng tháng 9-11 có khả năng cao có bão ảnh hưởng đến vùng này, các bạn nên tránh khoảng thời gian này cho an toàn.

Nên du lịch đảo Phú Quý thời gian nào?

Là một hòn đảo ngoài khơi Bình Thuận nên để đi ra đảo Phú Quý cần đi bằng tàu cao tốc, thời gian đi du lịch Phú Quý tốt nhất là từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5 âm lịch, còn từ tháng 6 – 9, biển bắt đầu có gió và thời tiết khá thất thường. Với Bình Thuận và khu vực Nam Trung Bộ, thời gian từ khoảng tháng 9 – 12 có khả năng cao có bão ảnh hưởng đến vùng này, các bạn nên tránh khoảng thời gian này cho an toàn.

Khoảng thời gian tháng 6 là bắt đầu mùa bão ở Việt Nam, tuy nhiên lúc này bão lại chỉ quanh quẩn ngoài bắc nên cũng hầu như không ảnh hưởng đến tận Bình Thuận, các bạn có thể lựa chọn thời điểm này để đi du lịch đảo Phú Quý vì đáp ứng đủ các điều kiện biển êm và nắng đẹp.

Phượt trên đảo Phú Quý

Hướng dẫn đi tới đảo Phú Quý

Đảo Phú Quý là một huyện đảo của tình Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km nên để đến được đảo các bạn cần phải đến Phan Thiết trước tiên sau đó ra bến tàu Phan Thiết đi tàu cao tốc ra đảo Phú Quý.

Từ Hà Nội đến Phan Thiết

Để đến được Phan Thiết từ Hà Nội, nếu muốn tiết kiệm thời gian các bạn bắt buộc phải sử dụng ít nhất 2 loại phương tiện kết hợp là máy bay + ô tô/tàu hỏa. Sân bay gần nhất với Bình Thuận là Cam Ranh hoặc Sài Gòn, tùy thuộc vào việc các bạn đặt được vé nào rẻ hơn thì sử dụng cho hành trình của mình. Tuy nhiên, thực tế thì việc bay vào Sài Gòn rồi từ đây đi Phan Thiết tiện hơn bởi từ Sài Gòn có rất nhiều các chuyến xe đi Phan Thiết chạy liên tục, khoảng 2h30-3h tiếng là các bạn sẽ tới Phan Thiết.

Từ Sài Gòn đến Phan Thiết

Sài Gòn cách Phan Thiết khoảng gần 200km, thời gian di chuyển giữa 2 thành phố này sẽ mất khoảng nửa ngày. Các bạn có thể lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân, hoặc lựa chọn phương tiện công cộng tuỳ theo hành trình của mình.

Tàu hoả

Hàng ngày từ ga Sài Gòn có chuyến tàu SPT1 đi Phan Thiết, khởi hành từ ga Sài Gòn lúc 6h40 sáng và đến ga Phan Thiết vào lúc 10h15. Tàu mới được đầu tư nâng cấp để phục vụ du lịch nên khá đẹp, khu vực sắp xếp hành lý được thiết kế rất rộng để du khách có thể thoải mái để đồ. Hành khách đi tàu được phục vụ miễn phí nước suối và khăn lạnh.

Trên tàu cũng có riêng một toa ăn uống để phục vụ khách đi tàu, phục vụ một số món ăn nước như phở, mì…ngoài ra còn có cafe và các loại đồ uống khác. Khoang này có khoảng hơn chục bàn có thể chứa được khoảng vài chục người.

Xe giường nằm

Hiện có rất nhiều nhà xe chạy từ Sài Gòn (và một số tỉnh khác) đi Phan Thiết. So với tàu hoả, vé xe giường nằm đi Phan Thiết sẽ rẻ hơn, thời gian chạy đa dạng hơn nên sẽ có nhiều lựa chọn hơn so với việc đi tàu.

Từ Phan Thiết đi Phú Qúy

Từ Phan Thiết, các bạn di chuyển tới cảng Phan Thiết để có thể bắt tàu đi đảo Phú Quý, hiện tại từ Phan Thiết đi Phú Quý có rất nhiều tàu cao tốc ra đảo hằng ngày như Phú Quý Island, Phú Quý Express, Hưng Phát 26, Superdong Phú Quý I và Superdong Phú Quý II. Giờ tàu và lịch chạy tàu sẽ được cập nhật trên website của taucaotoc.vn tại https://taucaotoc.vn/lich-chay-tau/lich-chay-tau-cao-toc-phu-quy vào định kỳ hằng tháng và sẽ thay đổi tùy thuộc theo thời tiết biển. Các bạn có thể theo dõi lịch tàu chạy tại đây. Tàu chạy từ cảng Phan Thiết ra Phú Quý tầm 2 tiếng 30 phút nếu thời tiết đẹp biển êm, còn đi vào tháng sóng lớn thì có thể lâu hơn.

Để đặt tàu cao tốc từ Phan Thiết đi Phú Quý và ngược lại quý hành khách có thể liên hệ: 088921123408892712340889371234

Quý hành khách nên liên hệ và tham khảo lịch chạy tàu trước và liên hệ đến các số điện thoại trên 24/7 để đặt hành trình cho mình được thuận lợi hơn.

Đi lại trên đảo Phú Quý

Đảo Phú Quý là một hòn đảo nhỏ nên lựa chọn phương tiện di chuyển tại đảo thích hợp nhất chính là xe máy. Xe máy cũng là phương tiện được nhiều du khách thích thú vì bạn cứ tượng tượng hình ảnh ngồi trên chiếc xe vi vu khắp đảo, trên đường bạn có cơ hội chứng kiến nhiều cảnh đẹp hoang sơ, đơn giản nhưng nên thơ mà khi bạn ngồi trong xe ô tô không thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được. Ngoài ra đảo Phú Quý là hòn đảo nhỏ nên có rất nhiều đường hẻm nhỏ, ngóc ngách. Chạy xe bon bon chen chúc vào những con hẻm xem đời sống con người nơi đây, nhất định trải nghiệm này sẽ làm bạn nhớ mãi trong chuyến đi ra Phú Quý này.

Hành khách có thể thuê xe máy trên đảo với chi phí khoảng 100.000 đồng – 150.000 đồng tùy theo từng loại xe. Tại Phú Quý có dịch vụ cho thuê xe ngay tại bến tàu (Cảng Phú Quý) khi đi về du khách cũng trả xe ngay tại đây nên vô cùng thuận tiện.

Vịnh Triều Dương Phú Quý

Lưu trú tại đảo Phú Quý

Đảo tuy nhỏ nhưng cũng có khá nhiều hộ gia đình kinh doanh các dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ và cả homestay. Tuy nhiên các bạn nên chủ động gọi điện đặt phòng trước khi ra đảo bởi số lượng khách du lịch đảo Phú Qúy cũng khá nhiều nên đôi khi cũng xảy ra trường hợp số lượng phòng không đủ so với số lượng du khách.

Khách sạn Hưng Phát

Khách sạn Hưng Phát là khách sạn lớn nhất đảo Phú Quý. Nằm ngay tại trung tâm huyện đảo Phú Quý cách cảng Phú Quý chỉ 300m. Rất thuận cho tiện đi lại và vui chơi.Với quy mô rộng hệ thống phòng ốc sang trọng nên chúng tôi luôn luôn là sự lựa chọn nghỉ dưỡng đầu tiên.

Khách Sạn Gồm Có 3 Loại Phòng: Phòng đơn: 1 giường 2 người có giá 300.000.đ/ngày. Phòng đôi: 2 giường 4 người có giá 450.000.đ/ngày. Phòng tập thể: 4 giường 8 người có giá 750.000.đ/ngày

Tuy là khách sạn Hưng Phát chẳng khác gì so với khách sạn 3 *** nhưng giá phòng lại cực kỳ bình dân. Với lại du khách được sử dụng tất cả đồ dùng miễn phí. Wifi tốc độ cao sài hoài không lỗi mạng đâu nhé!

Tất cả các phòng đều được thiết kế sang trọng, cách phối màu và bày trí phù hợp với xu hướng hiện đại ngày nay. Trong phòng có đầy đủ thiết bị nội thất từ TIVI màn hình phẳng, máy lạnh, tủ lạnh, tủ đồ, bàn làm việc, phòng tắm rộng lớn.

Nhà nghỉ Trường Huy

Nhà nghỉ Trường Huy nằm ở vị trí trung tâm của đảo Phú Quý. Gần Cảng, Chợ huyện, Ngân hàng, Bãi tắm Vịnh Triều Dương, Nhà hàng Hải Đảo và các điểm tham quan trên đảo. Có phòng đơn , phòng đôi được thiết kế độc đáo, sang trọng đầy đủ tiện nghi hiện đại, có sân thượng rộng cho quý khách vui chơi và ngắm biển.

Địa chỉ: 354, Võ Văn Kiệt, Tam Thanh, Phú Quý, Bình Thuận

Homestay Cô Sang đảo Phú Quý

Yên tĩnh, không gian đơn giản và phù hợp với số đông. Cô chú và anh Giỏi rất đáng mến và hiếu khách. Homestay gần sát bờ biển, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là một trong những nơi ngắm hoàng hôn tốt nhất trên đảo đối với bản thân mình!

Rất thích món ăn cô Sang làm, nhất là mắm me heheee. Chấm gì cũng ngon, ăn căng cả bụng. Phòng nghỉ tại homestay đảo Phú Quý yên tĩnh, sạch sẽ. Cô Tư chủ nhà thân thiện, nhiệt tình. Được cô giới thiệu nhiệt tình về những điểm du lịch đẹp, cũng như những điểm ăn chơi lí thú nhất.

Địa chỉ: Hẻm 22 Hùng Vương, Thôn Thương Châu, Xã Ngũ Phụng, Đảo Phú Quý

Điện thoại: 093 719 49 08

Homestay Khôi May Đảo Phú Quý

Homestay Khôi May có không gian phòng thoáng mát, sạch sẽ đầy đủ các thiết bị tiện nghi cho sinh hoạt.

Tùy theo nhu cầu mà du khách có thể sử dụng dịch vụ ăn uống và đi lại tại homestay. Đến với Homestay bạn sẽ có những trải nghiệm đầy thú vị trong thời gian lưu trú homestay đảo Phú Quý đấy.

Giá Phòng Chỉ Có 50k/người. Phòng tập thể: 50k/người. Phòng cho 2 người có toilet riêng: 150k/ngày và toilet ngoài: 120k/ngày. Phòng 4 người toilet ngoài: 240/ngày.

Nấu ăn: 25k/ người/buổi. Đặc biệt sẽ phục vụ các bạn có nhu cầu dã ngoại ngoài biển vào ban đêm. Có cho thuê xe máy ở trên đảo: 80k-100k/ngày

Điện thoại: 0937466700 May – 0949976974 Khôi

Hotel Hiền Được Phú Quý

Hotel Hiền Được là một trong những khách sạn giá rẻ tại đảo Phú Quý.

Gồm có 8 phòng (3 phòng đôi, 5 Phòng đơn), Cơ Sở 2 có 9 phòng (1 phòng đôi, 8 phòng đơn) sang trọng với tiện nghi đầy đủ, thoáng mát, sạch sẽ. Tầm quan sát cao, có đại sảnh, ban công, cửa sổ kính rộng nhìn ra biển từ phòng nghỉ.

Có dịch vụ cho thuê xe máy để khám phá Phú Quý

Địa chỉ: 262 – 264 VÕ VĂN KIỆT- X. TAM THANH- H. PHÚ QUÝ- BÌNH THUẬN

Cơ Sở 2: 208 VÕ VĂN KIỆT- PHÚ QUÝ- BÌNH THUẬN

Liên Hệ: Chị Hiền – ĐT: (062) 3 769 265 – 0902 919 678

Nhà nghỉ Thiên Long – Phú Quý

Nhà nghỉ Thiên Long nằm trên đường Tam Thanh, Phú Quý, Bình Thuận. Nằm gần khu vực cảng và bãi tắm nên rất thuận tiện cho việc đi lại.

Cách ngã tư cảng phú quý khoản 200m,cách khu du lịch vịnh triều dương khoản 150m

Có 3 loại phòng – Giá phòng từ 250k đến 400k/ đêm

Không gian phòng nghỉ sạch sẽ, có cửa kính lớn nhìn ra khung cảnh bên ngoài cực kì ấn tượng.

Chất lượng phục vụ ở đây cũng được nhiều du khách đánh giá cao.

Địa chỉ: Tam Thanh, Phú Quý, Bình Thuận. Điện thoại: 0623 76 76 76 – 0914 769 11

Nhà Nghỉ An Phú

Nhà nghỉ An Phú là nhà nghỉ bình dân được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Chất lượng phòng nghỉ cũng như thái độ phục vụ chuyên nghiệp của nhân viên rất tốt, giá phòng phải chăng.

Từ tầng thượng của nhà nghỉ, du khách có thể thưởng ngắm bao quát khung cảnh của đảo Phú Quý, đặc biệt lung linh hơn về đêm. Nhà nghỉ có chỗ giữ xe cho du khách.

Địa chỉ: 74 – 76 Nguyễn Tri Phương, Ngũ Phụng, Phú Quý, Bình Thuận. Điện thoại: 0912547451

Nhà nghỉ Chấn – Phú Quý

Không tăng giá dù đó là ngày lễ hay tết. Giá phòng 250k/phòng 2 người. Nhà nghỉ còn cung cấp thêm các dịch vụ như: xe đưa đón du khách đến các điểm du lịch, cho thuê xe máy, dụng cụ câu cá.

Địa chỉ: Mỹ Khê, Tam Thanh, Đảo Phú Quý

Các địa điểm du lịch ở đảo Phú Quý

Hải đăng Phú Quý

Núi Cấm là một trong hai ngọn núi ở Đảo Phú Quý với độ cao 108m so với mực nước biển, cách Cảng Phú Quý khoảng 3 km về hướng tây, nằm trên địa bàn xã Ngũ Phụng. Trên đỉnh núi Cấm có một ngọn Hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam.

Hải Đăng Phú Quý cao 18m, tháp đèn hình vuông. Bên dưới chân tháp là tòa nhà 2 tầng dành cho nhân viên trực đèn. Đèn có tầm chiếu xa 22 hải lý, tọa độ của đèn là 10 độ 32’05’’ vĩ độ Bắc, 108 độ 55’07’’ kinh kinh độ Đông.” Ngọn Hải đăng này có tác dụng giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Quý xác định được vị trí của mình, ngoài ra nó còn có mục đích quan trọng là xác định chủ quyền biển đảo đất nước.

Muốn chinh phục ngọn Hải đăng, du khách phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá men theo sườn núi, dài khoảng 200m. Từ đây chúng ta có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh Phú Quý, là điểm ngắm cảnh lý tưởng cho du khách với phong cảnh hết sức hữu tình và nên thơ.

Chùa Linh Bửu

Khởi nguyên Chùa được xây dựng đơn sơ để có nơi tín đồ sinh hoạt, gồm ngôi chánh điện và nhà giảng. Năm 1999 tín đồ xây dựng nơi đây một Bảo Tháp rất uy nghi, Tổng hợp hài hòa giữa nét văn hóa Thái Lan và Việt Nam để tôn trí nhục thể của Hòa Thượng Tường Kim. Hiện nay Chùa Linh Bửu đã được Ban hộ tự phát tâm đại trùng tu thành một ngôi phạm vụ trang nghiêm. Chánh điện được xây dựng bằng bê tông cốt sắt có tiền đường và cổ lầu. Trên cổ lầu được trang trí rồng phượng rất đẹp. Đứng từ xa nhìn vào Chùa ẩn hiện trong những tàng cổ thụ, thấp thoáng khi ẩn khi hiện khiến cho tâm hồn ta được nhẹ nhàng thoát tục.

Chùa Thạnh Lâm

Chùa Thạnh Lâm tọa lạc tại xã Ngũ Phụng huyện Phú Quý, được tạo dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Tại chùa còn lưu giữ trên 30 tượng Phật cổ với nhiều chất liệu như: đồng, gỗ và đất nung. Quần thể kiến trúc chùa Thạnh Lâm gồm nhiều hạng mục có quy mô bề thế, trang nghiêm đan xen giữa lối kiến trúc cổ kính và kiến trúc hiện đại như: Cổng Tam quan, Bảo tháp, Tháp bia, Tháp chuông, Chính điện và nhà Tổ.

Đến với chùa Thạnh Lâm ngoài việc vãng cảnh, bái Phật còn được thưởng thức những nét đặc sắc của một công trình kiến trúc Phật giáo bề thế trên đảo Phú Quý, trong đó nổi bật là ngôi Bảo tháp 7 tầng và Đại hồng chung nặng 1,2 tấn được xem là những công trình kiến trúc, hiện vật lớn và đẹp nhất hiện nay tại các di tích ở Bình Thuận.

Lăng cô Mỹ Khê (Vạn Mỹ Khê)

Vạn Mỹ Khê được tạo lập từ năm 1785, đến nay đã trải qua hơn 231 năm tồn tại. Vạn là thiết chế tín ngưỡng dân gian gắn liền với tập tục thờ cúng cá voi của ngư dân làng Mỹ Khê qua nhiều thế hệ trong cuộc sống mưu sinh trên biển đảo. Sự tồn tại của di tích gắn liền với quá trình khai khẩn đất đai, tạo lập làng xóm và xây dựng lăng vạn của các thế hệ cha ông ngày trước.

Hàng năm, tại vạn Mỹ Khê diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân thu nhị kỳ theo tập tục “xuân cầu thu báo” và lễ kỵ Cố vào ngày 20 tháng tư âm lịch. Lễ tế xuân diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, mục đích của nghi lễ này để khẩn cầu thần Nam Hải phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thuyền ra khơi đánh bắt đầy tôm cá. Tế thu trong khoảng thời gian từ tháng bảy đến tháng chín âm lịch, mục đích của nghi lễ này để tạ lễ, báo đáp thần Nam Hải đã phù hộ, độ trì và bảo trợ cho dân làng qua một năm làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn để có một cuộc sống khấm khá và sung túc.

Lễ kỵ Cố diễn ra ngày 20 tháng tư âm lịch, đây cũng là dịp lễ hội chính yếu và quan trọng nhất hàng năm của vạn. Đây là lễ tế vị thần Nam Hải đầu tiên lụy và trôi dạt vào bờ được ngư dân làng Mỹ Khê làm lễ an táng, thượng ngọc cốt và đưa vào lăng tẩm để thờ phụng theo tập tục, tín ngưỡng dân gian lâu đời của ngư dân vùng biển.

Vạn An Thạnh

Vạn An Thạnh tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc làng Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý. Vạn ở vị trí cách trung tâm huyện khoảng 2.5km về hướng Đông Nam. Vạn An Thạnh được kiến tạo hoàn chỉnh năm Tân Sửu 1781 theo lối kiến trúc dân gian của người Việt như dạng đình làng trong đất liền, các kiến trúc chính gồm chính điện, nhà Tiền hiền, Võ ca. Bên trong vạn còn có chỗ chứa xương cốt cá voi gọi là Tẩm.

Vạn An Thạnh đến nay còn lưu giữ gần 100 bộ xương cốt (gồm cá voi, rùa da). Có thể coi đây là một bảo tàng Hải dương học với những bộ sưu tập phong phú về cá Voi.

Bãi Triều Dương

Bãi Triều Dương nằm trong Vịnh Triều Dương, chỉ cách cảng Phú Qúy khoảng chừng 1km, với bãi cát phẳng và rộng, trắng mịn, nước biển trong xanh, trên bờ có một rừng dương rợp bóng nên đây là điểm đến lý tưởng để cắm trại, tắm biển. Với người dân địa phương thì đây là nơi để nghỉ mát ban trưa hay hóng gió biển mỗi chiều về.

Bãi đá đảo Phú Quý

Bãi đá nằm ngay khu vực cột cờ, nhìn thẳng ra biển. Đây là nơi có phong cảnh đẹp để các bạn có thể làm một bộ ảnh sống ảo giữa bao la biển trời.

Bãi Nhỏ Gành Hang

Là một trong những bãi tắm đẹp của Phú Quý với hình lưỡi liềm được giới hạn bởi những mũi đá nhô ra biển. Bãi cát tuy nhỏ nhưng rất thoáng đãng và yên tĩnh. Nước biển ở đây trong xanh, ít ghe thuyền neo đậu, không khí trong lành, là nơi lý tưởng cho bất cứ du khách nào muốn hòa mình vào với thiên nhiên.

Cột cờ đảo Phú Quý

Cột cờ Tổ quốc tại đảo Phú Quý được xây dựng ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh với chiều cao 22,6 m, bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra biển. Công trình có kiến trúc gồm đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Cờ vải kích thước 4 x 6m được may với chất liệu vải bền vững với đặc thù gió biển.

Cột cờ trên đảo Phú Quý như một tấm bia chủ quyền vững chãi giữa biển, khẳng định vùng lãnh thổ trên biển của Việt Nam.

Dinh mộ Thầy Sài Nại

Đền thờ (Dinh Thầy) được người dân trên đảo xây dựng vào cuối thế kỷ XVII để thờ thầy Sài Nại. Thầy Sài Nại là tên gọi kính cẩn của người dân trên đảo đối với vị thương gia người Hoa đã có công bảo bọc, chở che và cưu mang người dân xứ đảo qua nhiều thế hệ. Đền thờ tọa lạc trên một ngọn đồi cao tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng (riêng mộ của Thầy nằm ở Thôn Đông Hải, xã long Hải).

Hàng năm tại đền thờ thầy Sài Nại diễn ra lễ hội chính vào ngày mùng 4 tháng tư âm lịch, người dân trên đảo gọi là lễ Giao phiên kỵ Thầy. Đây là mốc thời điểm kết thúc phiên trách thờ phụng, cúng tế của làng trước đó và chuyển giao phiên trách lại cho làng kế tiếp; làng đến phiên thờ phụng sắc phong phải sắm sửa đoàn lễ theo đúng tập tục gồm (kiệu, cờ đại, cờ trung, cờ tiểu, tàng, lọng, chiêng, trống, bát bửu…) để tiếp nhận và thỉnh sắc phong về an vị và thờ phụng tại làng mình.

Đền thờ công chúa Bàn Tranh

Đền thờ công chúa Bàn Tranh được gọi theo tên của công chúa vương quốc Chămpa là Bàn Tranh. Đền thờ do người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI để thờ công chúa Bàn Tranh, toạ lạc tại xã Long Hải.

Truyền thuyết kể rằng, công chúa Bàn Tranh vì không nghe lời vua cha nên bị kết tội phản nghịch và bị lưu đày ra hoang đảo. Nàng được ban cho một số nô tỳ để hầu hạ và một chiếc thuyền buồm làm phương tiện ra đi. Từ đó họ bắt đầu vỡ đất, làm nương, câu cá và tạo lập cuộc sống mới trên đảo hoang. Công chúa Bàn Tranh là người có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống lương thực, hoa màu và hướng dẫn người dân trên đảo khai khẩn đất đai làm ruộng vườn, hình thành xóm làng và chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm nghề…. Với những công lao to lớn đó, người Chăm nói riêng và nhân dân trên đảo Phú Quý nói chung đã tôn vinh gọi đền thờ công chúa Bàn Tranh hay đền thờ Bà Chúa Xứ.

Núi Cao Cát

Là một quần thể thắng cảnh đẹp của Phú Quý. Núi Cao Cát được dân đảo xem như ngọn núi thiêng, tọa lạc ở phía Bắc đảo, nơi đây có tượng Phật Bà Quan Âm rất uy nghi được đặt trên đỉnh núi. Từ trên đỉnh Cao Cát, du khách có thể phóng tầm mắt xuống cả một vùng không gian rộng lớn quanh đảo.

Phong điện Phú Quý

“Phong điện” là những chiếc quạt gió được xây dựng để tạo ra nguồn điện phục vụ cho người dân trên đảo. Trên đảo hiện có 3 cây quạt gió, được biết mỗi cây có chiều cao là 60m, và chiều dài của cánh quạt là 37m. Từ trên ngọn hải đăng và đỉnh núi chùa Linh Sơn bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những chiếc quạt gió khổng lồ này. Đặc biệt, đường ra tham quan những cây quạt gió này rất đẹp, một bên là biển, một bên là những hàng dương trồng dọc hai bên đường đi trông rất đẹp mắt.

Phong điện Phú Quý

Chợ hải sản Phú Quý

Từ khi Phú Quý được biết đến là một địa chỉ du lịch, huyện đảo Phú Quý đã đầu tư, quản lý các khu chợ cá bài bản hơn, phục vụ du khách sau khi đến đây tham quan, du lịch, mua hải sản tươi sống ngay tại bãi biển mang về đất liền. Các phiên chợ cá dần trở thành nơi trao đổi mua bán trực tiếp giữa ngư dân và khách du lịch. Dọc bờ biển Phú Quý có rất nhiều điểm chợ bán hải sản, tuy nhiên khu chợ tại cảng Phú Quý là nơi tập trung nhiều tàu thuyền nhất và cũng là chợ hải sản lớn nhất trên đảo.

Hòn Tranh

Hòn Tranh, một hòn đảo nhỏ nằm giữa bốn bề sóng vỗ, cách đảo lớn (Phú Quý) khoảng 15 phút đi xuồng máy. Hòn Tranh nổi lên như một niềm kiêu hãnh giữa đại dương bao la ngập sóng. Gọi là hòn Tranh, vì lúc xưa nơi đây mọc nhiều cỏ tranh, người dân từ hòn lớn qua hòn Tranh làm rẫy, cắt cỏ tranh về lợp mái nhà. Theo những người cao tuổi ở đảo kể lại: “trước đây, hàng năm vào mùa gió Bấc, hải vật thường tấp vào bãi nồm của hòn Tranh, người ta lập đội Hải Môn để đi lấy. Trên hòn Tranh có Miếu thờ một vị tướng đã bảo vệ cho Nguyễn Phúc Ánh khi bị quân Tây sơn truy đuổi, được sắc vua Minh Mạng phong chức “Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sư Tạng Thái Bảo Trấn Thủ Quân Chi Thần”. Năm 1976, Tôn Thất Quỳ, nha phái viên hành chính của chế độ cũ đặt thêm trong Miếu thờ ảnh Vua Gia Long.

Ăn gì ở đảo Phú Quý

Về vấn đề ăn uống, bạn sẽ không thể bỏ qua những món hải sản đặc biệt, trong đó món gọi là “nếu chưa ăn thì chưa du lịch Phú Quý” đó là cua huỳnh đế và tôm hùm. 2 quán khá nổi tiếng dành cho khách du lịch đó là Cột Buồm, Hải Thắm. Ngoài ra mình rất thích ăn món hàu đá ở đây, con hàu to, thịt dòn thơm không giống như hàu bình thường mình ăn.

Đặc biệt có 2 món mình được người dân địa phương giới thiệu đó là cá nóc xào sả ớt. Món này được bán tại quán Ông Già, các bạn tìm tên quán trên Google Map để đi nhé, tại đường đi khá khó.

Món tiếp theo là bò nóng (quán bán món này nổi tiếng là Hòa Thướng). Khách gọi thịt bò theo gram, quán sẽ mang cho bạn miếng bò chưa chín. Việc của bạn là tự chế biến theo những món mà bạn thích (quán chuẩn bị đầy đủ đồ và gia vị).

Cua mặt trăng

Món cua mặt trăng là đặc sản quý hiếm vào hàng bậc nhất ở đảo Phú Quý. Những hình tròn màu đỏ đậm, pha vào màu hồng tươi trên mai cua trông như mặt trăng chính là lý giải cho cái tên đặc biệt của loài cua này.

Cua mặt trăng sống ẩn náu trong các khe đá san hô, nổi tiếng vì thịt rất ngọt thơm, săn chắc, nhất là khi trăng mọc, trong khi các loài cua khác lại thường bị ốp vào thời kỳ này. Cua đem hấp hoặc nướng than, mang ra chấm với muối tiêu chanh, thịt cua ngon đến mức chỉ nếm qua một lần, bạn sẽ nhớ mãi.

Cua Huỳnh Đế

Cua huỳnh đế màu đỏ hồng, mai hình vuông. Đầu cua dài, càng và que ngắn. Loại cua này có rộ nhất là vào tháng 12 Âm lịch.

Thịt cua không chỉ chắc, mà phần gạch cua còn thơm và béo ngậy. Cua huỳnh đế có thể chế biến nhiều cách như hấp, nướng than, nhưng đặc biệt phải kể đến món cháo.

Cua được rửa sạch đem hấp chín để giữ độ ngọt. Tách lấy phần gạch để riêng, phần thịt cua ướp gia vị rồi xào sơ trong chảo dầu cho thấm. Cháo nhừ, cho thịt cua vào, sôi lên lại cho tiếp gạch cua, hành tây cắt lát, hành ngò và rắc tiêu. Tô cháo có màu vàng của lớp mỡ, màu đỏ của gạch cua, màu trắng của thịt cua, vừa bắt mắt vừa hấp dẫn tuyệt vời.

Ốc nhảy Phú Quý

Ốc nhảy là món ăn nổi tiếng ở các vùng biển đảo Việt Nam như Phú Quý, Trường Sa,… Loại ốc này chỉ có ở các vùng biển ấm nóng. Ốc nhảy có miếng mày cứng làm dụng cụ để nhảy di chuyển.

Sở dĩ gọi đây là ốc nhảy vì ốc có cách di chuyển độc đáo, ốc dùng vảy chân cắm xuống mặt đáy rồi thu người búng mạnh để di chuyển, tùy theo dòng chảy mà có khi ốc búng được xa đến gần nửa mét.

Thịt của ốc nhảy rất giòn, thịt ngọt và béo, là một trong những đặc sản ngon trong các loại ốc. Ốc nhảy phù hợp để làm món hấp sả, nướng mọi….mỗi món có mùi vị đặc trưng riêng biệt nhưng vẫn phổ biến nhất vẫn là hấp sả kèm theo chén mắm gừng ngon tuyệt vời…..

Tôm hùm

Tại cầu cảng hay các nhà hàng hải sản địa phương đều có đặc sản này. Có rất nhiều cách chế biến để bạn thưởng thức hương vị hấp dẫn của tôm hùm như hấp, nướng, làm gỏi, nấu cháo….. Tôm khi chín, bóc hết vỏ lộ ra lớp thịt trắng ngần với từng thớ thịt rất săn chắc, ngon lành.

Cá mú đỏ

Loại cá này được xem là số một khi nói đến độ chắc ngọt của thịt cá, cùng mùi thơm tự nhiên. Để nếm được trọn vẹn vị ngon, người ta thường ăn món cá mú đỏ hấp gừng.

Cá hấp với gừng, hành bào, nước tương, vừa chín tới, sẽ có lớp da đỏ tươi béo giòn, thớ thịt trắng phau cùng mùi hương thơm lừng hấp dẫn khứu giác lẫn vị giác. Ngoài ra, món cá mú chiên sốt me cũng là một lựa chọn rất hấp dẫn dành cho các thực khách.

Cá mú bông

Cá mú bông ở đảo Phú Quý tươi rói, thân đẫy đà trơn mướt. Cá mú bông chỉ ăn mồi sống như tôm, cua nên thịt thơm và ngon ngọt, thường được nấu chua hoặc xào với cà, khế, rau mùi.

Tuy nhiên, đặc sắc nhất phải kể đến lớp da của cá màu đen dày 1 cm, lốm đốm vàng nghệ, đôi chỗ ngả màu cam, tưởng chừng tươm mỡ. Da cá được đem phơi thật khô rồi cắt miếng nhỏ, rang cát, ngâm nước cho nở phồng, trộn đều với đậu phộng rang, rau răm cắt nhỏ, tỏi, ớt, nước mắm.

Hải sâm

Theo ngư dân, ở đây có khoảng 100 loài hải sâm nhưng chủ yếu phân biệt được 10 loại. Hải sâm còn gọi là đồn đột, là món ăn quý và đắt tiền vì chúng cung cấp nguồn dinh dưỡng cao, đồng thời có tác dụng như một loại thuốc bổ. Hải sâm thường được nấu với các vị thuốc bắc cùng thịt bồ câu, gà ác, móng heo, chân bò, gân nai.

Cá thu

Đảo Phú Quý vốn có tên là cù lao Thu, vì ở đây có rất nhiều cá thu. Cá thu trên đảo đặc biệt thơm ngon và được chế biến thành rất nhiều món mang hương vị rất đặc trưng.

Các món mực

Nói về hải sản Phú Quý, không thể không kể đến các loại mực, đặc biệt là loại mực cơm. Mực cơm Phú Quý tươi, săn chắc và rất nhiều cơm trong mỗi con mực. Ngư dân Phú Quý tự hào khi mực cơm trên đảo chiếm khoảng 30% mực của cả nước, được ví như là “đảo mực” của cả nước.

Mực Phú Quý

Bò nóng Phú Quý

Phú Quý là đảo nên nổi tiếng về hải sản là điều không gì lạ. Nhưng đặc biệt là ở đây còn nức danh với món “bò nóng”. Bò Phú Quý được chăn thả, cho ăn cỏ tự nhiên nên thịt mềm ngọt, săn chắc, ít mỡ. Bò nóng ý chỉ thịt bò tươi được làm và bán hết trong ngày nên đảm bảo hương vị thơm ngon hơn hẳn.

Khách có thể chọn thịt tươi tại chỗ, tự chế biến thành nhiều món đa dạng. Có thể kể đến món bò tái chanh cuốn rau sống, bò nướng thơm lừng da giòn mềm không dai, bò xào lăn, bò hấp gừng. Và không thể không nhắc món cháo bò.

Lịch trình đi du lịch đảo Phú Quý

Một số lịch trình đi phượt đảo Phú Quý hoặc tour đảo Phú Qúy để các bạn tham khảo. Do phải đến được Phan Thiết trước khi đi ra đảo nên các bạn có thể sắp xếp thêm thời gian để kết hợp du lịch Mũi Né và du lịch Phan Thiết.

Sài Gòn – Phan Thiết – Phú Quý – Sài Gòn

Ngày 1: Sài Gòn – Phan Thiết

Khởi hành từ Sài Gòn lúc sáng sớm đến khoảng trưa các bạn có mặt ở Phan Thiết. Tìm một homestay nào đó ở lại 1 đêm, tranh thủ khám phá một vài địa điểm du lịch ở Tp Phan Thiết.

Ngày 2: Phan Thiết – Phú Quý

Sáng có mặt ở cảng tàu đi đảo Phú Quý, tùy tàu mà thời gian ra đảo mất khoảng từ 2-6 tiếng. Nói chung khoảng đầu giờ chiều có mặt ở Phú Quý

Nhận phòng, nghỉ ngơi ăn trưa rồi thuê xe máy đi khám phá đảo

Đi một vòng núi Cao Cát, chùa Linh Sơn, hải đăng Phú Quý, hệ thống phong điện, Gành Hang và cột cờ Phú Quý

Chiều tối về khách sạn nghỉ ngơi rồi đi ăn.

Ngày 3: Khám phá Phú Quý

Dậy sớm để ngắm bình minh trên đảo. Khu vực Gành Hang hoặc bãi Triều Dương khá phù hợp.

Ăn sáng, uống cafe và tiếp tục khám phá đảo

Trưa có thể lựa chọn một nhà bè nào đấy để thưởng thức hải sản tươi sống. Chiều tắm biển rồi tiếp tục khám phá các địa điểm còn lại trên đảo

Tối nghỉ ngơi trên đảo một đêm nữa, có thể lượn lờ quanh đảo để uống cafe

Ngày 4: Phú Quý – Phan Thiết – Sài Gòn

7h sáng tàu từ Phú Quý về lại Phan Thiết. Đến khoảng trưa có mặt lại ở Tp Phan Thiết, nghỉ ngơi ăn một vài món ngon ở Phan Thiết.

Chiều quay lại Sài Gòn, kết thúc hành trình.

Một số lưu ý khi đi đảo Phú Quý

Các bạn nên đặt vé trước khi ra đảo nhất là vào những dịp lễ tết, lượng người dân sinh sống trên đảo khá nhiều nên những dịp này cộng thêm với lượng du khách đổ về, rất khó để mua vé tàu. Bạn nên mua vé khứ hồi, đặt sớm để chọn chỗ ngồi tốt tránh say sóng. Vị trí nên chọn là phía đầu tàu, không gần máy lạnh. Nếu xuất phát thẳng từ TP HCM, bạn nên lên xe buổi tối và đến cảng Phan Thiết vào sáng sớm để lên tàu ra đảo luôn.

Trên đảo hiện có nhiều cơ sở lưu trú gồm nhà nghỉ, khách sạn, homestay, villa, đều có dịch vụ đưa đón, thuê xe tại cảng. Vì hòn đảo không lớn, diện tích chưa đầy 17 km2, khoảng 50.000 đồng tiền xăng có thể khám phá hết đảo.

Ngoài đảo Phú Quý có ngân hàng Agribank và ATM của ngân hàng này. Tuy nhiên để tránh các trường hợp rủi ro, các bạn nên rút và mang theo lượng tiền đủ cho những ngày ở đây trước khi ra đảo.

Đồ ăn ở Phú Quý rất ngọt. Mình đã đi hết 10 ngày ở miền Tây vẫn ăn được, nhưng riêng Phú Quý, mình xin chịu. Tuy nhiên, những quán hải sản lớn chế biến cho khách du lịch nên vị vừa ăn, bạn không phải lo nhé.

Cuối cùng: có thể bạn không ăn tôm hùm hay cua huỳnh đế, nhưng hãy uống nước dừa thay nước lọc, vì rất ngon!

Lịch sử hình thành và nhiệm vụ Đội Hoàng Sa – Bắc Hải trên đảo Lý Sơn

Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển cộng đồng cư dân trên đảo Lý Sơn, đó là nền tảng văn hóa tín ngưỡng của người Việt nơi đây. Các hoạt động văn hóa, lễ hội hiện nay vẫn được bảo tồn, như: tế đình, tế thần tại các dinh, lăng thờ cúng âm hồn, thờ nữ thần, thờ cúng cá ông… Đặc biệt là những giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với đội Hoàng Sa – Bắc Hải cụ thể là: Lễ cúng “việc lề” kết hợp với cúng “tế lính” tại các nhà thờ tộc họ có người đi Hoàng Sa và tại Âm Linh Tự vào dịp tháng 3 âm lịch, cùng với một hệ thống di tích tích kiến trúc tín ngưỡng được phân bố đậm đặc đã tạo nên vùng đất Lý Sơn trở thành một vùng đặc trưng tiêu biểu giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

THS. TRỊNH XUÂN HẠNH – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÁC YẾU TỐ VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRÊN ĐẢO LÝ SƠN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỘI HOÀNG SA – BẮC HẢI TRONG LỊCH SỬ

Khái quát về cư dân đảo Lý Sơn và đội Hoàng Sa – Bắc Hải trong lịch sử

Lý Sơn – một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách đất liền khoảng 18 hải lý về phía Đông Bắc, nằm trong dòng chảy chung của nền văn hóa miền Trung Việt Nam. Hòn đảo này có vị trí quan trọng trên tuyến đường hàng hải quốc tế và có sự giao lưu rộng mở trong khu vực. Từ thời Nguyễn cho đến nay, Lý Sơn được coi là đảo tiền tiêu trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam và chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Di sản văn hóa trên đảo Lý Sơn phong phú và đa dạng. Trong chiều dài lịch sử khai phá và xây dựng hòn đảo có ba lớp cư dân Sa Huỳnh – Champa – Việt kế tục nối tiếp nhau theo trình tự thời gian trong khoảng từ thế kỷ IX, X trước Công nguyên đến nay. Dòng chảy văn hóa liên tục này đã đem lại hệ quả tất yếu về sự kế thừa, phát triển với nội lực dồi dào và mang tính đa dạng trên cơ sở của sự tiếp thu hội nhập, dung hòa của nền văn hóa sau với nền văn hóa trước đó, đồng thời có sự giao lưu với những nền văn hóa đồng đại từ bên ngoài. Ba lớp văn hóa của cư dân Sa Huỳnh – Champa – Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn.

Lớp văn hóa Việt hiện nay ở đảo Lý Sơn là sự tổng hòa các yếu tố văn hóa khác nhau được hình thành, chuyển hóa và phát triển. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, lớp cư dân đầu tiên đã tạo dựng nên Văn hóa Sa Huỳnh mang tính chất biển – hải đảo rất đặc trưng. Văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn có nguồn gốc hình thành từ giai đoạn tiền Sa Huỳnh, kế tiếp sau văn hóa Sa Huỳnh về mặt thời gian, là lớp cư dân văn hóa Chăm, họ đã tạo dựng nên dạng văn hóa nông – chài kết hợp. Trên một số phương diện, văn hóa Chăm hầu như đã hòa nhập vào văn hóa Việt mà ngày nay, những mảnh vỡ ấy còn thấy ẩn hiện đâu đó trong di sản văn hóa Việt trên đảo. Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, ở Lý Sơn, lớp văn hóa Việt hình thành trên cơ sở dung hợp với văn hóa Chăm bản địa, đồng thời bảo tồn, phát triển các yếu tố cơ bản của văn hóa Việt vùng châu thổ Bắc Bộ để tạo nên văn hóa Việt vùng hải đảo, đa dạng, phong phú với các thiết chế cộng đồng làng xã. Sự quần cư của các dòng họ, các sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm tính chất nông – chài. Tất cả đều được bảo tồn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Về nguồn gốc, cư dân người Việt di cư ra đảo Lý Sơn, theo tài liệu gia phả của một số dòng họ trên đảo, vào những năm 1604 – 1610, có 15 người từ trong đất liền ra đảo khai phá và định cư, hình thành nên hai làng An Vĩnh và An Hải (lấy tên làng quê gốc để đặt tên cho làng mới khai phá). Ở làng An Vĩnh có bảy vị tiền hiền, gồm các dòng họ: Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn, Võ Xuân, Lê, Nguyễn, Trần từ làng An Vĩnh thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Tịnh Sơn ra khai phá vùng đất phía Tây của đảo và lập ra phường An Vĩnh, nay là xã An Vĩnh. Làng An Hải có tám vị tiền hiền, gồm các dòng họ: Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Lê từ làng An Hải thuộc xã Bình Châu ra khai phá vùng đất phía Đông và phía Nam đảo, lập ra làng An Hải.

Xét về nguồn gốc thì người Việt ra định cư ở Lý Sơn là những cư dân Việt từ vùng Thanh – Nghệ di cư vào Quảng Ngãi theo các luồng di cư trong lịch sử, sau đó mới tiến ra đảo Lý Sơn. Vì vậy, ý thức về cội nguồn, về quê hương bản quán rất sâu đậm trong tâm thức của những lưu dân, tâm thức ấy được định hình và biểu hiện qua hình thức sinh hoạt thờ cúng tổ tiên, đó là tín ngưỡng “cúng việc lề” hay “khao lề”. Sau đó, triều đình thành lập ra đội Hoàng Sa (sau này thêm đội Bắc Hải) nhằm xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông thì đã xuất hiện tín ngưỡng Lễ khao lề thế lính/tế lính Hoàng Sa vô cùng đặc sắc của cư dân trên đảo Lý Sơn.

Những ghi chép đầu tiên liên quan đến đội Hoàng Sa được đề cập đến trong Toản tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo, người xã Bích Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An soạn năm Chính Hoà thứ 7 (1686), phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi, phía ngoài biển có vẽ Bãi Cát Vàng và ghi chú rõ: “Bãi cát vàng dài tới 400 dặm, rộng 20 dặm. Mỗi năm đến tháng cuối đông [chúa Nguyễn] đưa 18 chiếc thuyền đến đó [Bãi Cát Vàng] nhặt hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn” 1. Khoảng một thập kỷ sau, vị Hoà thượng người Trung Quốc nổi tiếng trụ trì ở chùa Trường Thọ, tỉnh Quảng Đông là Thích Đại Sán sang Đàng Trong trên đường về nước đã mô tả khá chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa và cho biết: “Các Quốc vương thời trước [tức các chúa Nguyễn trước Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)] hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào” 2. Năm 1701, nghĩa là chỉ 15 năm sau bản đồ Đỗ Bá và 4 – 5 năm sau Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite khẳng định: “Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam” 3.

Bên cạnh đó, theo như bộ chính sử được hoàn thành chỉ một thời gian ngắn sau Phủ Biên tạp lục là Đại Việt sử ký tục biên 4 (1676 – 1789), do Quốc sử viện thời Lê Trịnh tổ chức biên soạn, nối tiếp vào quyển XIX sách Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Đại Nam thực lục tiền biên là phần đầu bộ chính sử của vương triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821, hoàn thành và khắc in năm 1844, nhân nói đến sự kiện tháng 7 năm 1754 “dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa [Nguyễn Phúc Khoát] sai viết thư [cám ơn]” đã mô tả Vạn Lý Trường Sa và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải được tổ chức từ thời “quốc sơ” (tức là từ thời các chúa Nguyễn đầu tiên) không có gì khác với Phủ biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên 5.

Đội Hoàng Sa – Bắc Hải

Căn cứ vào các tài liệu chính sử còn ghi lại, đội Hoàng Sa ra đời vào thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1614 – 1635), hay nói một cách khác, chúa Nguyễn Phúc Nguyên chính là người đã lập ra đội Hoàng Sa – một hình thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền hết sức độc đáo trên các vùng quần đảo giữa biển Đông 6. Cuốn sách cổ ghi chép tương đối đầy đủ và cụ thể về đội Hoàng Sa là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn được viết vào năm 1776, có ghi rằng: “Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyền Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển 4 canh thì đến; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để đi lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải” 7. Và, “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào cắt phiên, mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiến thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy” 8.

Đội Hoàng Sa qua ghi chép của Lê Quý Đôn và tất cả các nguồn sử liệu chính thức đã xác thực là được thành lập trên cơ sở tuyển chọn 70 dân đinh xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. An Vĩnh là một xã ở cửa biển Sa Kỳ (về phía Nam), nay là địa bàn thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Tịnh Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Xã An Vĩnh vào thời điểm chúa Nguyễn tuyển chọn dân đinh tổ chức ra đội Hoàng Sa bao gồm hai khu vực cách xa nhau là làng (thôn) An Vĩnh ở cửa biển Sa Kỳ trong đất liền và xóm (phường) An Vĩnh ở ngoài cù lao Ré (nay là xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) 9. Vào trước thời điểm phường An Vĩnh được tách ra khỏi xã An Vĩnh, những dân đinh xã An Vĩnh được tuyển vào đội Hoàng Sa mặc nhiên phải bao gồm cả dân đinh làng An Vĩnh trong đất liền và phường An Vĩnh ngoài cù lao Ré. Công việc tổ chức nhân lực, chuẩn bị hậu cần và mọi mặt cho các chuyến đi ra Hoàng Sa và Trường Sa đều do xã trưởng và bộ máy chức dịch trong đất liền và phường An Vĩnh ở cù lao Ré cùng thực hiện. Địa điểm xuất phát cho đội Hoàng Sa tiến ra biển khơi có thể ở cả cù lao Ré và cửa biển Sa Kỳ, nhưng cửa biển Sa Kỳ là bến chính thức theo quy định của chính quyền trung ương. Như vậy, có thể nói rằng, đội Hoàng Sa mỗi năm có 70 suất, vốn chủ yếu là người An Vĩnh trong đất liền và đến đầu thế kỷ XIX trở về sau là người An Vĩnh ngoài hải đảo.

Chức năng của đội Hoàng Sa là gì?

Theo sách Phủ Biên tạp lục (Quyển II), Lê Quý Đôn đã khảo tả khá cụ thể về hoạt động chính của đội Hoàng Sa: “cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về” 10. Bên cạnh đó, tờ đơn xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa của phường An Vĩnh cù lao Ré đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) đã nói rất rõ: “Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các cù lao ngoài biển tìm nhặt các hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có truyền báo xẩy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm, xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt bảo vật cùng thuế quan đem phụng nạp, xin dốc lòng làm theo sở nguyện chẳng dám kêu ca…”11.

Theo GS. Nguyễn Quang Ngọc, những dân binh tham gia đội Hoàng Sa, theo quy định của nhà nước họ là các “quân nhân” thực hiện các nghĩa vụ nhà nước giao cho một cách chặt chẽ và chuẩn xác: Cứ tháng 2 nhận giấy sai đi (nghĩa là khi đi ra biển phải có quyết định của triều đình) và tháng 8 về đất liền phải đưa thuyền thẳng vào cửa Eo đến thành Phú Xuân trình báo, nộp sản phẩm và lĩnh bằng (tức là được triều đình xác nhận là đã hoàn thành nhiệm vụ của năm). Đội Hoàng Sa được tổ chức như thế không thể nói là không mang tính chất của một đơn vị quân đội có kỷ luật chặt chẽ. Phạm vi hoạt động của đội Hoàng Sa lúc đầu theo nguyên tắc là vùng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa 12.

Đối với đội Bắc Hải, sau một thời gian thực hiện, nhận thấy đội Hoàng Sa dù có cố gắng đến mấy thì cũng không thể nào bao quát hết được toàn bộ các vùng biển đảo giữa biển Đông, nên chúa Nguyễn đã quyết định lập thêm đội Bắc Hải. Lê Quý Đôn cho biết: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai Cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”13. Địa bàn hoạt động tương đương với khu vực quần đảo Trường Sa, tuy hoạt động độc lập nhưng về nguyên tắc đội Bắc Hải vẫn do đội Hoàng Sa kiêm quản.

Theo sách Đại Nam thực lục Chính biên thì ngay sau khi thành lập Vương triều Nguyễn được vài tháng, vào năm 1803, vua Gia Long “lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa” 14. Cùng với đội Hoàng Sa, ông cũng cho lập lại đội Bắc Hải. Đến đây đội Hoàng Sa đã thực sự trở thành một đơn vị quân đội của nhà Nguyễn dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú là người xã An Vĩnh. Vào năm 1805, ông “hạ lệnh cho từ Quảng Bình vào đến Nam Bình Thuận đều ghi số thuyền, số người các đội Trường Đà để tâu lên. (Quân Trường Đà trước có các đội công sai là Kỵ Hải, Mã Hải, Hoàng Sa (sách chép nhầm là Sa Hoàng), Bắc Hải, Long Yên, Trường Thọ, Đại Lê lấy dân ở ven biển sung vào, Quảng Bình 10 xã thôn phường Cừ Hà, Lý Hòa, Thuận Cô, Cảnh Dương, Lộc Điền, Chi Giáp, An Náu Nam Biên và An Náu Bắc Biên, Nội Hà, Để Võng, có 183 chiếc thuyền, 1427 người; từ Quảng Trị vào Nam đến Bình Thuận có 327 chiếc thuyền, 1604 người). Đổi đội Trường Thọ làm đội Trường Thuận”15. Như thế có thể biết, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đời Gia Long thuộc quân Trường Đà và người của đội Hoàng Sa đều được các nguồn tài liệu ghi chép thống nhất là “quân nhân” (tức là lính của nhà nước) 16.

Liên tục trong các năm 1815, 1816, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa “ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” 17. Như thế, ta biết rõ hơn một chức năng nữa của đội Hoàng Sa (hay một nhiệm vụ chính của đội Hoàng Sa) trong những năm 1815 – 1816 là khảo sát, đo đạc, xác định hải trình ở khu vực giữa Biển Đông. Việc vua Gia Long quan tâm sâu sắc đến vị trí và hải trình quần đảo Hoàng Sa trong những năm có tính chất bản lề này càng thể hiện rõ quyết tâm kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ trọn vẹn vùng biển đảo của vương triều 18.

Như vậy, nhiệm vụ của đội Hoàng Sa rất nặng nề, không thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác xem xét, đo đạc thủy trình, do thám trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhất là trong thời kỳ các chúa Nguyễn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn. Sự tồn tại của đội Hoàng Sa đến năm 1876 thì bị bãi bỏ vì Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, hải quân Pháp uy hiếp mặt biển của Việt Nam khiến cho các hoạt động của hải quân Việt Nam bị đình trệ19.

Từ tín ngưỡng cúng việc lề/khao lề đến tín ngưỡng Lễ khao lề thế/tế lính Hoàng Sa và một số tín ngưỡng dân gian khác

Theo như sự giải thích của những người cao niên và các trưởng họ tộc trên đảo Lý Sơn, từ “việc lề” là “việc” làm thường niên và trở thành “lệ/lề”. Vì vậy, có thể hiểu “việc lề” là công việc thực hiện thường niên và trở thành “lệ” hay “lề” của mỗi dòng họ. Cúng việc lề là sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thường niên của mội tộc họ – công việc trở thành lệ và là sinh hoạt truyền thống thờ cúng tổ tiên mang tính riêng biệt của từng dòng họ. Nội dung của nghi thức cúng việc lề ở Lý Sơn cũng khá đa dạng, gồm nhiều nội dung được đan xen vào nhau, như: cúng việc lề, cúng tế lính Hoàng Sa, cô hồn, cầu an cho dòng họ và sau cùng là cúng đất – thần đất 20.

Nhìn một cách cụ thể hơn, cúng việc lề là một dạng “giỗ họ” là ngày “hiệp kỵ” tổ tiên của một dòng họ. Trước hết, cúng việc lề là cúng các vị thủy tổ dòng họ di cư, khẩn hoang, lập nên cuộc sống mới ở vùng đất mới. Tuy nhiên, theo phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt thì sau năm đời, người mất trong họ sẽ được chuyển về nhà thờ họ tộc để thờ cúng. Vì vậy, nhà thờ họ không chỉ là nơi thờ ông thủy tổ mà còn là nơi thờ cúng chung của con cháu trong họ (qua năm đời). Cúng việc lề là sinh hoạt tín ngưỡng mang tính chất riêng tư của từng dòng họ nên mỗi họ tự quy ước với nhau về ngày cúng, thức cúng và nghi lễ phù hợp với từng tộc họ.
Ở Lý Sơn có nhiều tộc lớn, hàng năm cứ đến tháng 2, 3 Âm lịch đều tổ chức cúng việc lề. Đây cũng là thời gian tổ chức lễ thanh minh theo phong tục của người Việt, vì vậy, ngoài ý nghĩa là “giỗ họ” còn mục đích là “cầu an” cho con cháu trong tộc họ.

Đến ngày cúng việc lề, con cháu trong dòng họ tập trung về nhà thờ tộc để dự lễ cúng. Sau khi sửa soạn lễ vật xong, ông trưởng tộc đứng ra khấn vái tổ tiên ở bên trong nhà thờ. Sau đó, theo thứ bậc, con cháu trong tộc thay nhau vái lạy tổ tiên. Kết thúc buổi tế cáo tổ tiên trong nhà, ông trưởng tộc mang gia bản được đặt trên bàn thờ ra để kiểm tra và điền tên những người trong họ đã mất sau khi mãn tang.

Tính chất cúng việc lề là giỗ họ của mỗi tộc được thể hiện rất rõ qua nghi thức cúng và nội dung bài văn tế của mỗi dòng họ. Cúng việc lề là một tín ngưỡng đặc thù của nhân dân đảo Lý Sơn, được hình thành từ thời khẩn hoang, lập làng trên đảo. Hiện nay, tất cả các dòng họ ở đảo Lý Sơn đều còn lưu giữ nghi thức tín ngưỡng cúng việc lề và các nghi thức cúng khá đậm nét, biểu hiện tính cố kết tình thân tộc và lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên. Đồng thời, việc cúng việc lề gắn liền với lễ cúng thế lính/tế lính Hoàng Sa. Cúng việc lề và tế lính Hoàng Sa là hai nội dung có quan hệ gắn kết chặt chẽ và được thực hiện như là một nghi thức mang tính chất bắt buộc của các dòng họ có người đi lính Hoàng Sa, thể hiện qua câu ca: tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa. Thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện đi lại trên biển bằng những phương tiện thô sơ và thực tế khắc nghiệt là thường “một đi không trở lại”, nên hiện nay trên đảo tồn tại nhiều ngôi mộ kiểu “chiêu hồn nhập cốt” của cai đội Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật và một số “mã liếp” của các chiến sỹ đội Hoàng Sa đã bỏ mình nơi biển cả.

Những người lính đó được thờ tại di tích Âm linh tự với biểu tượng tháp thờ chiến sỹ trận vong và một số đền thờ để ngàn đời nhớ đến công lao của họ. Đặc biệt là lễ khao lề thế lính/tế lính Hoàng Sa xưa được tổ chức vào dịp cúng việc lề của họ tộc.

Nguồn gốc của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đó là, ngày xưa trước khi lên đường làm nhiệm vụ, lễ được tổ chức tại đình làng để tiễn đưa. Theo quan niệm của người dân, nếu được “cúng thế” thì đội Hoàng Sa khi làm nhiệm vụ trên biển sẽ được bình an khi đi biển và trở về, nên trong buổi lễ, người ta làm một cỗ thuyền bằng thân cây chuối và những hình nhân thế mạng bằng tre có dán giấy ngũ sắc, đặt hình nộm lên thuyền để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa, đem ra tế tại đình, tế xong thả ra biển với mong muốn những hình nộm kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính Hoàng Sa và tạo niềm tin và ý chí cho những người lính hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua ban. Về sau khi những người lính Hoàng Sa “một đi không trở lại” các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đã tự tổ chức tế lễ theo nghi thức xưa tại nhà thờ tộc họ mình để tưởng nhớ và trở thành phong tục đẹp, một dấu ấn văn hoá tâm linh trong đời sống của các thế hệ người Lý Sơn.

Nghi lễ khao lề thế lính được bắt đầu vào giữa đêm, tức là vào khoảng 0 giờ ngày 16 tháng 2 Âm lịch. Chọn như vậy là vì thời gian này là giờ thiêng, khí trời còn yên ắng. Ban tế tự dòng họ là lễ túc yết, gọi là lễ tiên thường nhằm tế cáo với các vị tổ tiên.

Lễ vật trong lễ túc yết gồm trầu rượu, bánh khô. Nghi lẽ được diễn ra theo nghi thức thọ mai gia lễ, gồm sơ hiến, á hiến và chung hiến lễ. Trưởng tộc chi nhất là chủ bái, các trưởng chi phái đứng hai bên phân hiến. Trong tế lễ có điển văn, xướng văn, ban nhạc ngũ âm và trống chiêng. Trong lễ này không đọc văn tế, chỉ khấn nguyện với ông bà tổ tiên biết việc con cháu tộc họ tổ chức cúng việc lề và tế lính, nhằm tưởng nhớ các vị binh phu của tộc họ đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đến đầu giờ sáng sớm, khi con cháu tộc họ tập trung đầy đủ về nhà thờ tộc họ thì mới tiến hành lễ tế chính.

Song song với việc cúng việc lề, ban tế tự cũng làm lễ tế lính tại bàn lễ hội đồng, nơi đặt linh thuyền các vị binh phu đội Hoàng Sa – Bắc Hải. Khi lễ cúng việc lề kết thúc, đồng thời lễ tế lính cũng được hoàn tất. Lúc này cụ trưởng tộc cử một nhóm người đại diện là con cháu trong tộc họ đưa linh thuyền trên bàn lễ hội đồng đem ra biển thả về hướng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đội Hoàng Sa – Bắc Hải đã không còn hoạt động từ lâu nhưng việc tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại các nhà thờ tộc họ và đình làng An Vĩnh vẫn được duy trì thường niên để tưởng nhớ công đức của các thế hệ cha ông nhằm góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống có từ lâu đời trên đảo Lý Sơn mang tính đặc trưng tiêu biểu. Tiếp nối truyền thống của ông cha ta ngày xưa, hiện nay hai xã An Vĩnh và An Hải đều tổ chức thành lập nghiệp đoàn nghề cá, khuyến khích ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển, gìn giữ ngư trường truyền thống và khẳng định chủ quyền thiêng liêng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Kết luận

Có thể nói, các yếu tố văn hóa dân gian của cư dân trên đảo Lý Sơn có vai trò quan trọng trong việc minh chứng cho quá trình xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có liên quan đến hai đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Đồng thời, đây là những giá trị văn hóa đặc sắc quý giá không chỉ của cư dân Lý Sơn mà của cả dân tộc, nhất là đối với những giá trị văn hóa biển của Việt Nam./.

THS. TRỊNH XUÂN HẠNH – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÁC YẾU TỐ VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRÊN ĐẢO LÝ SƠN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỘI HOÀNG SA – BẮC HẢI TRONG LỊCH SỬ

Tài liệu tham khảo:

1- Phần chú bằng chữ Nôm Toản tập An Nam lộ trong Thiên hạ bản đồ, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2628. Xem trong Nguyễn Quang Ngọc (2012), “Đội Hoàng Sa: Cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của Việt Nam trên các vùng quần đảo giữa biển Đông trong các thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (143), tr. 5.

2- Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, tr. 125.

3- Jean.Yves Clayes, Journal de Voyage aux Paracels (Indochine No 45, 1941, tr. 7). Nguyễn Quang Ngọc (2012), “Đội Hoàng Sa: Cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của Việt Nam trên các vùng quần đảo giữa biển Đông trong các thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á,số 2 (143), tr. 5.

4- Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789), Bản dịch Nxb. KHXH, Hà Nội, 1991, tr. 243 – 244.

5- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, TI, Bản dịch Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 164.

6- Nguyễn Quang Ngọc (2012), Đội Hoàng Sa: Cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của Việt Nam trên các vùng quần đảo giữa biển Đông trong các thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (143), tr. 5.

7- Lê Quý Đôn toàn tập, T.1, Phủ Biên tạp lục, Bản dịch, Nxb. KHXH, Hà Nội 1977, tr.116.

8- Lê Quý Đôn toàn tập, T.1, Phủ Biên tạp lục, Bản dịch, Nxb. KHXH, Hà Nội 1977, tr. 119.

9- Căn cứ vào tờ đơn của phường An Vĩnh ở cù lao Ré xin tách ra khỏi xã An Vĩnh thì được biết phường này do người xã An Vĩnh chiếm dụng được xứ cù lao Ré ngoài biển lập ra đã lâu đời và từ năm Quý Tỵ (1773) phường đã làm đơn xin được biệt lập với xã An Vĩnh thành một đơn vị hành chính độc lập. Cũng ngay sau đó dân phường An Vĩnh không vào thờ cúng tại chùa, đình, miếu của làng An Vĩnh trong đất liền nữa mà đã lập ra đình, chùa, miếu ở cù lao Ré để thờ cúng riêng. Như thế, đến cuối thế kỷ XVIII, phường An Vĩnh trên cù lao Ré đã tách hẳn ra khỏi làng gốc thành một làng riêng và đến năm Gia Long thứ 3 (1804) phường An Vĩnh mới chính thức được tách khỏi xã An Vĩnh trở thành một đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi.

10- Lê Quý Đôn, Toàn tập (Phủ biên tạp lục), TI, Sđd, tr. 119- 120. Quyển II chép về hình thế núi sông, thành lũy, trị sở, đường sá, bến đò, nhà trạm hai xứ Thuận Hóa Quảng Nam.

11- Tư liệu còn được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, thôn Tây, xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Theo, Nguyễn Quang Ngọc (2012), Đội Hoàng Sa: Cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của vn trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông trong các thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (143), tr. 9.

12- Nguyễn Quang Ngọc (2012), “Đội Hoàng Sa: Cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của vn trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông trong các thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (143), tr. 9.

13- Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ biên tạp lục), TI, Sđd, tr. 120.

14- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T I, Sđd, tr. 556.

15- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T I, Sđd, tr. 634.

16- GS. Trần Kinh Hòa trong Khảo cứu lại lịch sử quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa (tiếng Nhật) cũng cho rằng, trong văn bản sách Đại Nam thực lục đã chép nhầm “Hoàng Sa” thành “Sa Hoàng”. Đội Trường Đà theo Trần Kinh Hòa “cũng giống như các đội thuyền làm nhiệm vụ đặc biệt trên biển”.

17- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T I, Sđd, tr. 898.

18- Nguyễn Quang Ngọc (2012), “Đội Hoàng Sa: Cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của vn trên các vùng quần đảo giữa biển Đông trong các thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (143), tr. 9 – 10.

19- Theo Sơ lược lai lịch đình làng An Vĩnh huyện đảo Lý Sơn, Tài liệu lưu giữ tại đảo Lý Sơn.

20- Phan Đình Độ (2008), “Tín ngưỡng cúng việc lề của cư dân ở đảo Lý Sơn”, trong Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2008, tr. 247 – 248.

Hồ sơ tên Chúa đảo Nguyễn Văn Vệ tại Sài Gòn và Côn Đảo

Nguyễn Văn Vệ là điển hình cho sự tàn bạo và thâm độc, mà sự kiện chuồng Cọp năm 1970 khi bị phơi bày đã làm chấn động cả thế giới với hình ảnh những người tù sặc sụa trong lớp vôi bột, bị.

Nguyễn Văn Vệ và Khám Chí Hòa Sài Gòn

Vào buổi sáng ngày 2/6/1975, Trại giam Chí Hòa được nhận một người đặc biệt, đó là trung tá ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Vệ, từng hai “nhiệm kỳ” làm quản đốc Khám Chí Hòa. Khi cán bộ quản giáo dẫn Vệ về buồng giam chung với nhiều sĩ quan chế độ cũ (mà tất cả số này đều là những kẻ đã gây nhiều tội ác với nhân dân) thì Vệ đi qua buồng giam nào, nơi ấy xôn xao hẳn lên…

Đám tù thường phạm, trong đó có không ít người từng bị giam ở Chí Hòa trong những năm trước la ó, đòi “đập chết thằng ác ôn”. Một phạm nhân tên là Lê Ngọc Lâm, can án tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và giết người, bị Tòa án Sài Gòn cũ kết án 15 năm khổ sai, từng ở Chí Hòa trong những năm 70, và khi vào trại còn giết… thêm 4 phạm nhân nữa thì lồng lộn chửi rủa Nguyễn Văn Vệ và van lạy quản giáo… “Cán bộ cho tôi ra… Tôi đã giết 5 người rồi, thêm thằng này nữa là 6, rồi cán bộ bắn tôi ngay cũng được”.

Cũng phải nói thêm Lê Ngọc Lâm hay còn có biệt danh là Lâm “chín ngón” là tay giang hồ có số má ở miền Nam thời đó. Xung quanh việc Lâm cùng đồng bọn giết 4 tên giang hồ khác trong Trại giam Chí Hòa cũng có nhiều giai thoại. Số là khi ở ngoài xã hội, Lâm “chín ngón” và 4 gã kia có ân oán với nhau. Để trả thù, Lâm cố tình gây án rồi vào Chí Hòa và hối lộ cai ngục nhằm được giam chung với những “tử thù” rồi thanh toán đối thủ ngay trong nhà giam.

Chính vì “thành tích “bất hảo đó mà Lâm “chín ngón” được giới giang hồ vị nể, tôn làm đại ca. Lâm “chín ngón”, Đại Ca Thay là những “tên tuổi lớn” trong giới giang hồ thời chế độ Thiệu.

Thấy Lâm “chín ngón” hô hào, đám tù thường phạm gầm lên, chực phá chấn song để xông ra “ăn thua” với Nguyễn Văn Vệ. Trong ký ức của đám tù thường phạm có “thâm niên” ở Chí Hòa, họ không thể nào quên được vào một ngày cuối năm 1972, Nguyễn Văn Vệ được đưa từ Côn Đảo về, với nhiệm vụ là “lập lại trật tự ở Trung tâm Cải huấn Chí Hòa”.

Vừa nhận nhiệm vụ được 3 hôm, thì ngày 10/12, Vệ đích thân dẫn 100 cảnh sát dã chiến trang bị lựu đạn cay, dùi cui, gậy tre, mặt nạ… xông vào đàn áp tù chính trị trong các buồng giam. Cả bọn ác ôn như bầy thú dữ lao vào đánh đập không chút ghê tay đối với anh em tù chính trị. Thấy cảnh đàn áp quá dã man, số tù thường phạm cũng la ó phản đối, và thế là Nguyễn Văn Vệ lại hô đám cảnh sát “uýnh chết mẹ chúng nó đi”. Trận đòn ấy làm cho Lâm “chín ngón” bị ốm rệt cả tháng…

Sau đợt “lập lại trật tự” có quy mô lớn ấy, cứ mỗi tháng đôi ba lần, Vệ lại tổ chức đàn áp từng khu vực. Mà ngón võ thường dùng của Vệ là dùng lựu đạn cay ném vào buồng giam, cho tù nhân sặc sụa vì hơi cay, thở không được, rồi mới xua quân vào đánh. (Sau này, Lâm “chín ngón” cũng đã tố cáo toàn bộ những tội ác của Nguyễn Văn Vệ đối với tù chính trị cho Ban quản giáo Trại giam Chí Hòa). Nhưng không chỉ tàn ác với các tù chính trị mà Nguyễn Văn Vệ cũng nổi tiếng về trò kiếm tiền từ buôn bán ma túy, cung cấp cho đám con nghiện bị bắt giam với giá cao hơn bên ngoài từ 3 đến 5 lần.

Trong hồ sơ lưu giữ thì từ năm 1954 đến 1975, Khám Chí Hòa đã trải qua 10 đời cai ngục. Đó là: Gia (không rõ họ); Nguyễn Văn Vệ; Lê Quang Nhơn; Trần Văn Đắc; Trung tá Phạm Văn Luyện; thiếu tá Sáu; trung tá Lại Nguyên Tấn; trung tá Đức (không rõ họ); Bùi Văn Tâm và đại tá Phạm Văn Hải.

Trong số này, chỉ có 2 người làm ở đây lâu nhất đó là trung tá Luyện và Nguyễn Văn Vệ. Trung tá Luyện làm quản đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa lần thứ nhất là từ năm 1962 đến hết năm 1963, lần thứ hai là từ năm 1965 đến hết năm 1968, còn Nguyễn Văn Vệ lần thứ nhất làm từ năm 1956 đến năm 1960, lần thứ hai từ năm 1972 đến cuối năm 1973. Trong 10 viên cai ngục thì khét tiếng nhất chỉ có Nguyễn Văn Vệ.

Hồ sơ Nguyễn Văn Vệ

Tại Trung tâm Quản lý hồ sơ nghiệp vụ của Tổng cục An ninh, các cán bộ làm công tác tra cứu hồ sơ đã lắc đầu thở dài khi nhìn tờ phiếu tôi đưa xin tra cứu vẻn vẹn có mấy chữ: Nguyễn Văn Vệ… Theo thông lệ, muốn tra cứu hồ sơ một con người thì phải có đầy đủ các thông số như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ, số lính hoặc số phù hiệu cảnh sát; bố mẹ, vợ con… Tuy vậy sau 2 ngày tra cứu vất vả trong hàng ngàn người có tên Nguyễn Văn Vệ thì các anh chị cũng tìm thấy cho tôi hồ sơ của Nguyễn Văn Vệ là quản đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa.

Nhìn tập hồ sơ của Nguyễn Văn Vệ, tôi rất ngạc nhiên bởi nó có độ dày khủng khiếp: khoảng hơn 400 trang. Hồ sơ của Nguyễn Văn Vệ được lưu giữ cực kỳ tỉ mỉ, trong đó có từ những tấm giấy khai sinh ghi rõ Nguyễn Văn Vệ sinh ngày 12/7/1922; bằng tốt nghiệp bậc Thành chung rồi các loại quyết định nâng lương, đề bạt khen thưởng, thuyên chuyển công tác; các phiếu nhận xét về năng lực của Nguyễn Văn Vệ trong suốt gần 35 năm phục vụ từ chính quyền của Bảo Đại đến thời kỳ sau này. Rồi các bản tự khai của Nguyễn Văn Vệ trong thời gian đi học tập cải tạo và trớ trêu thay Nguyễn Văn Vệ, từng 2 lần làm quản đốc Khám Chí Hòa, 1 lần làm quản đốc nhà tù Côn Đảo lại quay trở lại Khám Chí Hòa từ ngày 2/6/1975 cho đến ngày 13/10/1982, tất nhiên lần này không phải với vai trò quản đốc mà với tư cách phạm nhân…

Nguyễn Văn Vệ sinh ra trong một gia đình đông anh em, là con út. Cha chết khi Vệ mới 11 tuổi. Vệ được đi học hết bậc trung học và giỏi tiếng Anh, Pháp. Tháng 8/1945, Nguyễn Văn Vệ hòa mình vào dòng người đi cướp chính quyền và tham gia “Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ”. Do có học nên Vệ được chọn làm nhân viên thư ký của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Nhưng đi theo Cách mạng chỉ được có 6 tháng, Vệ chịu không nổi và bỏ về nhà.

Suốt từ giữa năm 1946 đến 1952, Vệ làm nhân viên Công an ở Sóc Trăng, Châu Đốc. Sự mẫn cán và tính cứng rắn, thậm chí độc ác của Vệ đã được chính quyền phản động thời đó ghi nhận. Chính vì vậy đến năm 1953, Vệ đã là Trưởng ty Công an Bạc Liêu. Nhận xét trong quá trình công tác của Nguyễn Văn Vệ khi làm Trưởng ty Công an là: “Có thành tích triệt hạ những người kháng chiến tại Bạc Liêu…”. Không hiểu rằng, để có được những dòng nhận xét ấy Vệ đã sát hại bao nhiêu cán bộ và bao nhiêu người dân được hắn khép cho tội theo Việt Minh.

Đến năm 1954, thì Vệ gia nhập quân đội Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm. Trong bản tự thuật lý lịch của mình thời đó, Vệ đã tự nhận như sau: “Sống bình dị, vui vẻ, cởi mở với mọi người. Nhược điểm là tính nóng”. Năm 1956, Vệ được đưa về làm quản đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa thuộc Nha tổng quản đốc các trung tâm cải huấn – Bộ Nội vụ và được phong hàm thiếu tá.

Trong phiếu tính điểm sĩ quan ngày 22/8/1958 của Nguyễn Văn Vệ, có ghi: “Thiếu tá Nguyễn Văn Vệ là sĩ quan mẫn cán, tận tụy với nhiệm vụ, có những nhận xét chính xác về tình hình chung của cơ sở hành chính và Trung tâm Cải huấn Chí Hòa. Đã áp dụng những biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu để giữ gìn trật tự an ninh”. Về tư cách đạo đức tác phong thì: “Nêu cao tinh thần kỷ luật, có tác phong đúng đắn và hạnh kiểm tốt trong khi thi hành chức vụ. “Chấm điểm”, Vệ được 19,5 trên tổng số điểm là 20.

Người nào có mức điểm từ 18 trở lên thì được coi là sĩ quan ưu tú. Trong phiếu nhận xét gồm các mục: sức khỏe, y phục, tinh thần kỷ luật, nhân cách, tính nết, hạnh kiểm, can đảm, chính trực, kiến thức tổng quát, thông minh, trí nhớ, trí xét đoán thì tất cả đều được đánh giá là tốt. Khi làm quản đốc Chí Hòa, Vệ được chấm 19/20 điểm và được đánh giá là sĩ quan siêng năng, tận tâm, rất đáng được khích lệ và tưởng thưởng kịp thời.

Trong thời kỳ từ năm 1956 đến 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm mở các chiến dịch đàn áp khốc liệt những người kháng chiến, vì thế Khám Chí Hòa luôn chật ních tù chính trị. Và tất nhiên, những cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống chào cờ, chống tra tấn, nhục hình liên tục nổ ra. Để trừng phạt những người “cứng đầu”, Nguyễn Văn Vệ cho lập hẳn một khu kỷ luật, mà thực chất là nơi chuyên tra tấn tù nhân. Khu này nằm gần sát nơi mà sau này là pháp trường xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi.

Trong khu này có hai phòng khủng khiếp nhất, được người tù gọi là “phòng điện ảnh” và “phòng truyền hình”. Mỗi phòng diện tích chỉ khoảng 6m2, và vẫn sử dụng những chiếc còng có từ… thời Nhật. Tù nhân bị đưa vào đây buộc phải cởi hết quần áo, còng chân chung vào một thanh sắt dài và mặc cho muỗi đốt, rệp cắn mà không tài nào đuổi được, gãi được. Vệ đã cho lắp một loại còng mới của Mỹ.

Loại còng này quái gở ở mức là nếu người tù càng cựa quậy thì còng lại càng xiết chặt hơn. Sở dĩ có tên “điện ảnh, truyền hình” như vậy là khi người tù bị đưa vào đây, chúng đánh đập tra tấn đến muốn vỡ tung đầu óc, nhìn cái gì cũng thấy nhòe nhoẹt như xem phim đến đoạn cuối thay cuốn, hoặc màn hình bị nhiễu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phòng giam này quét hắc ín đen kịt, khi đóng cửa lại là “tối như phòng “chiếu phim”, nên được gọi là “phòng điện ảnh”.

Tại Chí Hòa, dưới thời Nguyễn Văn Vệ, bọn cai ngục chuyên tra tấn tù nhân đã nâng mức tra tấn lên hàng “nghệ thuật”. Chúng tra khảo, đánh đập người tù bất kể là ngày hay đêm và đặt tên cho các ngón đòn là “đi tàu lặn” (dìm đầu người tù vào thùng phuy nước, cho gần chết ngạt rồi lôi ra, đạp lên bụng cho phọt nước); đi máy bay (treo người tù lên rồi hai tên đứng hai bên đấm, người tù văng từ bên nọ sang bên kia); “đánh tứ giác” (bốn tên đứng bốn góc và đánh người tù văng từ góc này sang góc khác)…

Các hình thức tra tấn đối với tù chính trị của bọn ác ôn Khám Chí Hòa thời này có những chuyện vượt xa sự tưởng tượng. Khám Chí Hòa có số lượng tù nhân đông nhất là vào năm 1972-1973. Các phòng giam lớn của Chí Hòa có diện tích gần 50 m2 nhưng luôn nhét khoảng 100 tù nhân, thậm chí có phòng nhét tới 180 người. Có 40 trẻ em bị bắt nhốt vào Chí Hòa do bị nghi là “Cộng sản”. Nguyễn Văn Vệ cho nhốt chung các trẻ em này vào với tù thường phạm, và thế là môi trường nhà tù đã biến các em trở thành những kẻ du đãng, giang hồ.

Chúa đảo Nguyễn Văn Vệ

Nguyễn Văn Vệ trong thời gian làm chúa ngục Côn Đảo đã có “thành tích” đặc biệt là thẳng tay đàn áp những người tù chính trị. Dưới ách “cai trị” của Nguyễn Văn Vệ suốt từ năm 1965 đến 1968, tù nhân trên Côn Đảo đã phải chịu qua những ngày tháng khốc liệt nhất. Không thể tính được có bao nhiêu người đã chết dưới bàn tay của Nguyễn Văn Vệ. Và sự tàn ác này đã được chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ghi nhận.

Ngày 16/5/1968, Văn phòng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, có văn bản gửi Tổng trưởng Quốc vụ Sài Gòn về việc thăng cấp trung tá cho thiếu tá Nguyễn Văn Vệ. Số quân 42A-101-426. Văn bản có đoạn viết: “Trong dịp đi kinh lý tại Côn Sơn, thủ tướng chính phủ nhận thấy Nguyễn Văn Vệ là chỉ huy ưu tú, hoạt động đảm đang, đầy đủ tinh thần kỷ luật và trách nhiệm… yêu cầu đặc cách, thăng bậc trung tá cho Nguyễn Văn Vệ”. Văn bản này do luật sư Nguyễn Văn Lộc thừa lệnh thủ tướng ký. Đây là một trường hợp đặc biệt vì chưa bao giờ có chuyện thủ tướng yêu cầu Tổng trưởng Quốc phòng thăng hàm cho một sĩ quan.

“Chuồng cọp” chỉ được phát hiện ngày 30.6.1970. Trước đó, một đoàn nghị sĩ Mỹ tới Việt Nam nghi ngờ chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ giấu tù nhân một nơi bí ẩn ở Côn Đảo và tra tấn man rợ. Song làm cách nào để biết được “chuồng cọp” trong khi hệthống canh tù cẩn mật bí hiểm?

Chuyện bắt đầu từviệc ba sinh viên Sài Gòn kể lại họ nghi ngờ có một nơi bí mật giam cầm người tù 30 năm mà không ai biết sau một lần “mục sở thị” “địa ngục trần gian”. Ba sinh viên đã vẽ lại “bản đồ” đường vào “chuồng cọp” và tố cáo trên báo chí Mỹ. Ngay lập tức, ông Harkin và Luce (Trưởng đoàn Nghị sĩ Mỹ) đã ra Côn Đảo để tìm hiểu. Tại đây được chúa đảo lúc đó là Nguyễn Văn Vệ đón tiếp rất nhiệt tình. Hắn khoe khoang việc đối đãi tử tế với những người tù và tặng đoàn “những thực phẩm của người tù làm ra”. Đoàn Nghị sĩ Mỹ yêu cầu chúa đảo Vệ dẫn đoàn thăm hệ thống giam cầm tù nhân, nhưng đi mãi vẫn chưa thấy “chuồng cọp”. Đúng lúc đó, chúa đảo Vệ nói: “Gần hết giờ, xin mời đoàn về sớm nghỉ ngơi”, song Tom Harkin gạt đi: “Chúng ta thăm một trại giam nữa”.

Bị “ép”, buộc chúa đảo Vệ phải đưa đoàn nghị sĩ đến Trại giam Phú Tường. Cánh cổng trại giam Phú Tường mở ra, nhưng đi lối nào khi trước mặt là bức tường cao chót vót, giữa là hai lối rẽ. Bỗng nhiên một người trong đoàn nói: “Chúa đảo bảo tù nhân trồng rau, vậy vườn rau chỗ nào”? Chúa đảo Vệ khoe khoang “tù nhân trồng rất tốt” và “bất đắc dĩ” dẫn đoàn đến thăm. Đó là một khoảng trống với những luống rau mới trồng. Tom Harkin hỏi: “Đây là rau gì”? “Đây là muống”, chúa đảo trả lời. Ai ngờ một thành viên trong đoàn nói ngay “đây là rau lang” (ngọn khoai lang). Người này cúi xuống hái thử, thì đó là những ngọn rau khoai lang vừa được cắm xuống để đánh lừa đoàn nghị sĩ.

Vẫn chưa thấy “chuồng cọp”, Tom Harkin chỉ vào cánh cửa sắt im ỉm đóng hỏi: “Cánh cửa này đi đâu”? Lúc này chúa đảo Vệ bắt đầu lo sợ nhưng hắn vẫn trấn tĩnh: “Trong này không có gì, từ lâu không ai mở và không có chìa khóa”. Nghi ngờ đây là “chuồng cọp”, Tom Harkin yêu cầu mở cửa, song chúa đảo Vệ cứ dối quanh. Lúc sau Vệ “nổi khùng”: “Đã nói là sau cánh cửa đó không có gì, nó cũng chỉ là vườn rau”. Trong lúc “dồn ép” hành động, ông ta cầm đầu gậy ba toong đập mạnh vào cánh cửa quát lớn “Không có gì trong đó hết”. Ai dè đó chính là “tín hiệu mở cửa” hằng ngày của ông ta mỗi lần kiểm tra và tra tấn các người tù. “Kẹt… kẹt”, cánh cửa sắt được mở ra từ một cai tù. Trước đoàn nghị sĩ là một dãy “chuồng cọp” với những người tù bị cùm kẹp, đánh đập dã man trong các “chuồng cọp nhỏ”.

Vào một sáng mùa hè năm 1973, người tù Nguyễn Văn Ẩn cùng anh em tù quyết liệt phản đối chính sách hà khắc của bọn cai ngục; đấu tranh chống chào cờ ngụy, đòi thực hiện dân sinh, dân chủ cho tù nhân… Suốt 23 ngày đấu tranh liên tục, không khoan nhượng với bọn cai ngục, trại giam số 7 đã buộc chúng chấp nhận một số yêu sách của tù nhân. Thế nhưng, tên “chúa  ngục” Côn Đảo lúc đó là Nguyễn Văn Vệ, ra lệnh cho bọn cai ngục đàn áp dã man tất cả trại tù khu A6, A7 và các chuồng cọp để trả thù. Quyết không nhượng bộ, phản đối đàn áp, người tù Nguyễn Văn Ẩn đã mài một bên thẻ tù bằng kim loại sắc như một lưỡi dao. Khi bọn cai ngục đến, ông đứng thẳng dậy, quát vào mặt bọn chúng: “Tụi tao sẽ mổ bụng của mình để cả thế giới biết sự thật về nhà tù Côn Đảo”. Nói rồi, ông lấy thẻ tù đã được mài sắc, rạch vào bụng, máu tuôn xối xả ngay trước mặt những kẻ ác ôn… Bọn cai ngục hoảng sợ, hứa sẽ cải thiện cho tù nhân ăn uống và sinh hoạt tốt hơn.

Thế rồi, đến năm 1973, Thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Nội vụ Trần Thiện Khiêm lại có công văn gửi Tổng trưởng Quốc phòng yêu cầu: “Trong hai lần đảm nhiệm trọng trách tương đối khó khăn, tế nhị và phức tạp, trung tá Vệ luôn được xác nhận có biệt tài, có sáng kiến trong vấn đề cải huấn, duy trì hữu hiệu trật tự tại Công Sơn, là sĩ quan có tinh thần kỷ luật, đảm đang, mẫn cán tận tâm với chức vụ. Đề nghị thăng cấp đại tá cho trung tá Nguyễn Văn Vệ…”. Tuy nhiên, việc thăng cấp này không được thực hiện bởi vì Vệ bị An ninh quân đội nghi là người của thủ tướng, cho nên năm 1974, Vệ được giải ngũ về nhà và buôn bán chất đốt.

Trong bản tự nhận xét của mình sau này, Vệ tự nhận như sau: “Khi làm trưởng ty Công an Bạc Liêu tôi đã chống đối cách mạng khi bắt bớ những chiến sĩ hoạt động chống lại ngụy quyền. Khi làm Giám đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa cũng như Côn Sơn, tôi đã làm đời sống chính trị phạm đã cực khổ càng thêm cực khổ xuyên qua những hình phạt biệt giam, đàn áp khủng bố bằng hạn chế đi đứng dùng lựu đạn cay gây thương tích cho chính trị phạm, gián tiếp chịu trách nhiệm về những cái chết, về bệnh tật của chính trị phạm. Không xúc động trước cảnh đau khổ của chính trị phạm…”.

Còn theo đánh giá của Cơ quan An ninh thì: “Nguyễn Văn Vệ là tên chúa đắc lực của địch có nhiều tội ác trong cai quản, đàn áp, đánh giết tù nhân chính trị đồng thời rất gian ác xảo quyệt trong việc dùng mạng lưới chìm để theo dõi giám sát tù chính trị”

Tên chúa đảo Nguyễn Văn Vệ bây giờ ra sao?

Nguyễn Văn Vệ sinh ngày 12/7/1922 Nhâm Tuất tại Phú Lâm. Để đảm bảo trật tự an ninh, tháng 6/1975, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra thông cáo bắt buộc sĩ quan quân đội và viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa đi học tập cải tạo. Để phân định và có chính sách đối xử thỏa đáng, Chính phủ cũng phân biệt rõ “những công chức làm việc cho địch vì hoàn cảnh, vì đồng lương thì không coi là ngụy quyền”.

Sau thời gian cải tạo tốt, năm 1988 Nguyễn Văn Vệ được trả tự do và qua Mỹ đoàn tụ với gia đình ở California vào tháng 11/1990, qua đời vào ngày 21/6/2021, hưởng thọ 94 tuổi.

Review tổng quan và chia sẽ kinh nghiệm du lịch Côn Đảo

Côn Đảo từ tháng 3 đến tháng 9 có mưa nhưng chóng tạnh và biển êm, cũng là mùa rùa kéo về đẻ trứng, cho du khách thêm nhiều trải nghiệm. Taucaotoc.vn chia sẻ bài tư vấn chi tiết cho chuyến du lịch hòn đảo thiên đường này.

Côn Đảo với cảnh biển xanh trong, núi non cây cối tươi mát, cát trắng, nắng vàng của Côn Đảo, truyền thông Quốc tế và Trong nước mệnh danh “đây là thiên đường du lịch” điều đó quả không sai. Ngoài ra, khi tham quan những di tích nhà tù còn lưu giữ tại đảo, quý hành khách còn có thể hiểu thêm thế nào là địa ngục trần gian mà thế hệ ông cha phải chịu đựng và từ đó thêm trân trọng cuộc sống hôm nay.

Thời điểm đến Côn Đảo

Thực tế du lịch Côn Đảo mùa nào cũng đẹp vì thời tiết lẫn khí hậu ở đảo khá dễ chịu, nếu mùa mưa thì những cơn mưa cũng chỉ kéo dài tầm một tiếng, sau đó trời lại nắng ấm ngay.

Từ tháng 3 đến tháng 9, trời có mưa nhưng biển êm, và có rùa về đẻ trứng nhiều từ tháng 6 đến tháng 8. Còn lại từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau không mưa, nhưng là mùa gió chướng, tàu cao tốc và cano du lịch sẽ bị hạn chế vì biển động và gió khá mạnh tại phía vịnh Côn Sơn. Bạn vẫn có thể dễ dàng tham quan phía bãi Đầm Trầu.

Vịnh Côn Sơn – Côn Đảo

Cách di chuyển

Di chuyển tới Côn Đảo

Máy bay: Hiện có Vietnam Airlines và Bamboo Airways khai thác chuyến bay đến Côn Đảo từ những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng. Tuy nhiên giá vé khá cao vì sân bay Côn Đảo có diện tích hạn chế, nên chỉ đón tàu bay nhỏ, chuyên chở ít hành khách hơn.

Tàu cao tốc: Bạn có thể đi từ 3 bến là Vũng Tàu, Trần Đề – Sóc Trăng và Cần Thơ. Tuy nhiên, vé từ Vũng Tàu và Cần Thơ (khoảng trên 600.000 đồng) đắt gấp đôi vé từ Sóc Trăng (khoảng 320.000 đồng) và thời gian đi cũng gần gấp đôi. Do đó, nếu say sóng, bạn nên tới Sóc Trăng đi tàu để hành trình đỡ vất vả hơn.

Trực thăng: Xa xỉ nhất và một trong những trải nghiệm mà ít hành khách lựa chọn là trực thăng Vũng Tàu đi Côn Đảo, vì số lượng vé tương đối ít 22 vé khứ hồi/tuần với giá vé là 2.200.000 đồng/lượt, khứ hồi là 4.400.000 đồng là tương đối cao so với thu nhập của một số người. Nhưng nếu bạn là một người thích khám phá những cái mới, muốn trải nghiệm những dịch vụ đặc biệt cũng nên thử một lần trong đời. Bạn có thể liên hệ đặt vé tại: https://tructhang.vn/

Di chuyển tại Côn Đảo

Theo chia sẽ từ những người dân trên đảo, khoảng cách từ cảng Bến Đầm hay sân bay Cỏ Ống, khách đều phải di chuyển một quãng đường bằng nhau (khoảng 14km) để đến trung tâm thị trấn ở giữa đảo.

Bạn có thể đi xe điện giá 20.000 đồng/km chở được khoảng 10 người hoặc gọi taxi hoặc thuê xe máy ngay tại cảng Bến Đầm để vào thị trấn.

Giá thuê xe máy ở Côn Đảo là 100.000-120.000 đồng/ngày, đổ 30.000 đồng tiền xăng đi thoải mái cả ngày chưa hết. Bạn cứ khóa xe, để gọn vào lề đường là không sợ mất. Nếu đi nhóm đông người, bạn có thể thuê xe điện hoặc xe ôtô 7-16 chỗ trên đảo cho tiện, bởi khoảng cách giữa các điểm không xa.

Xe máy cho thuê tại Côn Đảo được đầu tư những xe tay ga mới nhất

Chỗ nghỉ

Phân khúc 4-5 sao: Mọi người có thể chọn Six Senses, Poulo Condor – khá xa thị trấn nhưng gần sân bay hơn, The Secret Condao – ngay trung tâm, có tầm nhìn hồ bơi hướng ra biển…

Phân khúc 2-3 sao: một số khách sạn nổi tiếng và đẹp Long tham khảo là Nicobar Con Dao Hotel, De la Rosa – kiểu bungalow sân vườn rất đẹp và thoáng…

Do chủ yếu đi chơi bên ngoài nhiều hơn ở nơi nghỉ, nhóm của Long chọn khách sạn nhỏ ngay trung tâm đối diện chợ Côn Đảo luôn.

Địa chỉ ăn uống

Ăn sáng

Bún riêu Bà Hai Khiêm số 22 Nguyễn Huệ (30.000-35.000 đồng/tô). Dù Long thấy hơi nhạt so với khẩu vị cá nhân, nhưng vẫn rất đáng thử, quán còn bán nước mía 10.000 đồng/ly để giải khát.

Ai vào Côn đảo nhớ ghé quá Bún Riêu cua Bà Hai Khiêm nha

Các quán bánh canh, bún bò, cơm tấm, bún thịt nướng… tại chợ Côn Đảo, hướng bên đường Võ Thị Sáu.

Bánh mì Tuấn Mập nằm trên đường Tô Hiệu có đủ loại bánh mì chả bò Đà Nẵng, bánh mì heo quay, bánh mì thập cẩm, xôi mặn… đều rất ngon. Giá 20.000-25.000 đồng/phần.

Ăn trưa và tối

Cơm niêu Nguyên An đường Hồ Thanh Tòng: Đây là quán ăn gia đình, cơm được nấu trong thố đất, khách gọi riêng các món ăn kèm theo.

Ốc đêm Bình Nguyên đường Phạm Văn Đồng: Hải sản tươi sống và giá hơi cao nhưng phục vụ nhanh và chế biến sạch sẽ.

Ngoài ra, một quán ốc khác cũng được nhiều người khen là Ốc đêm 16 đường Trần Huy Liệu. Hay bạn có thể ra cảng Bến Đầm đi cano qua bè Kim hoặc bè Sang ăn tối.

Món Ốc Ngọt Côn Đảo

Ăn vặt

Chè Thảo Liên số 3 Võ Thị Sáu: Long thích chè sầu riêng và sâm bổ lượng ở đây.

Cà phê Côn Sơn ở góc đường Tôn Đức Thắng và Lê Duẩn, có view biển đẹp, đối diện quán là di tích Cầu Tàu lịch sử 914; cà phê Ba Lê có màu vàng đặc trưng, chứa nhiều kí ức của Côn Đảo; hay cà phê Infinity mang nét hiện đại, có bán đồ ăn kiểu Âu trên đường Trần Phú…

Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức thêm kem dừa Côn Đảo, sữa chua lắc…

Lưu ý: Giá cả có thể đắt ngang và hơn ở Sài Gòn vì chi phí vận chuyển đồ từ đất liền ra đảo rất tốn kém.

Tham quan, vui chơi

Miếu Ngũ Hành Nương Nương (miếu Năm Cô) thờ cúng 5 vị nữ thần cai quản 5 nghề liên quan gồm Kim (kim khí), Mộc (cây gỗ), Thủy (nước nôi), Hỏa (củi lửa) và Thổ (đất đai).

Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) là ngôi chùa duy nhất tại Côn Đảo, nằm trên núi mặt hướng ra biển. Bạn có thể chọn leo 200 bậc thang hoặc đi xe ôm lên với giá 40.000 đồng/khứ hồi để ngắm hồ An Hải, toàn cảnh thị trấn Côn Đảo và Vịnh Côn Sơn. Sau khi lễ Phật, bạn hãy ra phía sau nhà chùa để thưởng thức nước hạt é mát ngọt miễn phí, tự phục vụ. Khách còn được sư thầy tặng cho một vòng tay và một tấm thẻ với những câu răn dạy.

An Sơn Miếu, còn gọi là miếu Bà Phi Yến, thờ Thứ phi của chúa Nguyễn Ánh (Vua Gia Long).

Miếu Bà Phi Yến

Miếu cậu Hoàng Tử Cải, còn gọi là Miếu Thiếu Gia, thờ con trai của Vua Gia Long và Thứ phi Phi Yến.

Trạm radar 590 đường Huỳnh Thúc Kháng là điểm tham quan cần xin phép đồn biên phòng. Trên đường lên trạm radar, bạn có thể quan sát được toàn cảnh đảo.

Cụm 5 di tích: Bảo tàng Côn Đảo – Dinh Chúa Đảo – Di tích nhà tù Phú Hải – Di tích chuồng cọp Pháp – Di tích chuồng cọp Mỹ. Những điểm này khá gần nhau và ngay trung tâm thị trấn, du khách có thể đi hết trong một buổi. Bạn đến Bảo tàng Côn Đảo mua vé tham quan giá 50.000 đồng/lượt, không bán lẻ từng điểm và vé có giá trị trong ngày đến 17h. Đây là những nơi mà du khách tới tìm hiểu sẽ tự cảm nhận được sự tàn độc của chiến tranh và cả tinh thần quật cường của thế hệ ông cha.

Bãi tắm Lò Vôi nằm phía trước di tích chuồng cọp Pháp.

Cung đường biển Mũi Cá Mập – bãi Nhát – bãi đá đẹp (bãi đá cuội) là điểm ngắm hoàng hôn và chụp hình check-in khiến Long mê mẩn.

Cung đường biển Mũi Chim Chim – Mũi Tàu Bể là nơi ngắm bình minh đẹp.

Vịnh Đầm Trầu là bãi biển thu hút nhiều du khách đến tắm vì nước êm, xanh trong. Từ đây mọi người có thể ngắm được máy bay đáp xuống sân bay Cỏ Ống giống như ở đảo Krabi, Thái Lan. Đặc biệt, cạnh đó là bãi biển Bí Mật có khung cảnh trữ tình với rừng cây nhiều dây leo ma mị.

Cảng Bến Đầm nằm gọn trong vịnh Bến Đầm, xung quanh được bao bọc, che chắn bởi các dãy núi và đảo nhỏ. Từ cầu cảng mọi người có thể trải nghiệm cảnh sinh hoạt đời thường của ngư dân địa phương.

Cung Đường Tây Bắc là cung đường mới khánh thành, đi xe máy, xe điện qua đây có thể ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng và các hòn đảo ngoài khơi như Hòn Khô, Hòn Trọc, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ…

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi hầu như ai tới Côn Đảo cũng một lần ghé thăm để thắp nhang lên mộ Cô Sáu và các liệt sỹ. Trước đây nghĩa trang mở cửa đến 24h, nhưng do tình hình dịch bệnh, hiện tại du khách chỉ có thể viếng thăm đến 22h. Bạn chú ý mặc trang phục lịch sự, cư xử nhã nhặn.

Khám phá các đảo nhỏ: xung quanh đảo có rất nhiều đảo nhỏ (còn gọi là các hòn), bạn có thể thuê cano ra đó tham quan, bơi lội, lặn ngắm san hô, thăm rùa… Nếu chỉ có một, hai người, bạn có thể chọn tour. Nếu đi đông, bạn có thể tự thuê cano riêng, trải nghiệm cũng như đi tour nhưng tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Vịnh Đầm Tre Côn Đảo

Ngoài ra, quý hành khách cũng có thể lựa chọn thuê cano tại Côn Đảo để đi Hòn Cau và Hòn Bảy Cạnh, trong 3-4 tiếng buổi sáng hay chiều đều được. Đầu tiên ghé Hòn Cau để viếng miếu Cô Vân Tiên Cảnh, sau đó là trạm kiểm lâm Hòn Cau, khu biệt giam cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tắm biển và lặn ngắm san hô. Sau đó, cả nhóm di chuyển qua Hòn Bảy Cạnh tham quan rừng ngập mặn nguyên sinh và ngắm san hô.

Lưu ý khi đi du lịch Côn Đảo

Bạn nên tham quan hết các điểm du lịch tâm linh (miếu, chùa, nghĩa trang…) trước khi đi chơi, để tiện chọn mặc trang phục.

Đảo rất nhỏ nên đừng ngại chạy xe vòng đi vòng lại, vì cảnh đẹp sẽ làm bạn muốn ngắm lại tới hai, ba lần. Ví dụ, đầu ngày mới bạn có thể ra mũi Chim Chim đón bình minh, về thị trấn ăn sáng sau đó quay lại mũi Chim Chim để ra bãi Đầm Trầu.

Bên cạnh các vật dụng cá nhân thông thường bạn nên lưu ý mang theo một số thuốc đơn giản như cảm, chống say tàu xe, đau đầu… và thứ không nên thiếu khi bạn đến Côn Đảo là kem chống nắng, các loại kem chống côn trùng cắn đốt. Vì nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì các bạn sẽ dễ dàng vì 1 vài điều nhỏ nhặt mà bỏ lỡ mất những trải nghiệm quý giá cho chuyến đi tự túc Côn Đảo của mình.

Thiên đường Du lịch Côn Đảo

Book Ho Chi Minh City – Vung Tau fast ferry ticket

If you are planning a sea trip, booking Ho Chi Minh City – Vung Tau fast ferry ticket. The way to book is very simple and fast at taucaotoc.vn

Ho Chi Minh City (people often call it Saigon) is an important traffic and economic hub of Vietnam and the southern region. This place is the gateway for many international and domestic tourists who come to work, visit and travel to Saigon first and then go to neighboring localities. High-speed ferry from Saigon is one of the noticeable means of transport.

Also located in the Southeast region, Vung Tau is a favorite destination of many tourists wishing to return to the Sea. The dry weather almost all year round is the biggest advantage that helps Vung Tau attract tourists all months of the year. In particular, this beautiful coastal city is not only targeted by domestic tourists but also international tourists when preparing for the journey to discover Vietnam. This is the reason why high-speed ferry ticket from Saigon to Vung Tau are searched by many people all year round.

[booking_section]

High-speed boats from Ho Chi Minh City to Vung Tau

Previously, many shipping lines used to operate boat from Saigon to Vung Tau by hydrofoils and high-speed boats. Up to now, when hydrofoils seem to be gradually outdated, Greenlines DP has invested in a modern fleet of two-hull high-speed boats running this route with a frequency of up to 8 trips/day on peak days, low season only 1-3 trips/day.

Time by high-speed boat from Saigon to Vung Tau is about 1 hour 30 minutes – 2 hours. Although the two localities, Ho Chi Minh City and Ba Ria – Vung Tau, have a common administrative boundary of 16.33 km long (Can Gio sea area). For this high-speed boat, the departure point is Bach Dang Pier (District 1) and the departure point is Ho May Tourist Area Pier in Vung Tau city, Ba Ria – Vung Tau province.

Panorama of Vung Tau

Fare for Ho Chi Minh City – Vung Tau fast ferry

From Monday to Friday:

  • Adult: 240,000 VND (12-62 years old)
  • Senior: 160,000 VND  (from 63 years old and above)
  • Children: 120,000 VND (from 6 to 11 years old):
  • Children 5 years and under are free of charge (sharing seat with parents)

Saturday, Sunday:

  • Adult: 280,000 VND (from 12 to 62 years old)
  • Senior: 180,000 VND (from 63 years old and above)
  • Children: 140,000 VND (from 6 to 11 years old)
  • Children 5 years and under are free of charge (sharing seat with parents)

Holidays, (Lunar) New Year, Compensating Days

  • Adult: 320,000 VND (from 12 to 62 years old)
  • Senior: 240,000 VND (from 63 years old and above)
  • Children: 180,000 VND (from 6 to 11 years old)
  • Children 5 years and under are free of charge (sharing seat with parents)
 Greenlines-DP C8

Handbook when traveling to Vung Tau

Vung Tau is located on the peninsula of the same name, is the provincial capital of Ba Ria – Vung Tau province. Lies protruding from the mainland like a strip of land with a length of about 14km and a width of about 6km. From here, one can see the East Sea both at sunrise and at sunset.

As a coastal city, with a coastline stretching 20km, Vung Tau has become a famous tourist destination for domestic and foreign tourists.

Besides, Vung Tau tourism is also a land with a long historical and cultural tradition with relics bearing the imprints of historical periods. Currently, the province has 29 relic sites ranked at the national level.

After docking at the Ho Chi Minh City high-speed train station to Vung Tau, you can refer to some points such as:

Back Beach

Vung Tau is a coastal city, so it has ideal beaches for tourists to relax and swim. Back Beach is one of the beautiful beaches of Vietnam, also known as Thuy Van (Thuy Duong). Located in the South of Vung Tau, stretching from the foot of Small Mountain, running for nearly 10km to Cua Lap, the long flat sand beach, clean, blue sea water, big waves.

Back Beach in Vung Tau

The front is the East Sea, the back is white sand dunes and immense casuarina forest. Visitors will have a comfortable feeling when immersed in the cool water of Back Beach, enjoying the fresh and cool air. At Back Beach, there is also a poplar forest, a large forest with ancient casuarina trees below the forest, and wooden guesthouses in the style of communal houses in the Central Highlands with all modern and rustic amenities.

Front Beach

Nearby is Front beach, also known as Tam Duong beach, the sea water is not as clean as Sau beach, so most tourists often focus on Sau beach to bathe. But at this front beach, visitors will find an unforgettable and romantic feeling that is a short sunset in the late afternoon and dawn in the morning.

Vung Tau Cau Da Port from above

Along the coast are rows of coconut trees (that’s why this place was previously called Hang Dua Bay) below is a park full of flowers for tourists to walk next to the sound of crashing waves. At night, along Tran Phu and Quang Trung streets, lights up with high pressure lights, and cafes shine with colorful lights.

Strawberry Beach

A Back beach with gentle and brilliant beauty, a splendid Front beach, and Vung Tau also have a peaceful Strawberry Beach. This beach has many poetic and windy rapids, the two ends of the beach have many large cliffs protruding into the sea, behind the beach is the terrain of the basin surrounded by luxuriant trees like a large mountainside, the foot of the mountain is steep and close. out to sea. Coming to Strawberry Beach, the noisy and bustling atmosphere is completely separate and gives visitors a sense of peace.

Big Mountain

Big Mountain is one of two beautiful mountains, located to the north of Vung Tau city, close to the sea, also known as Tuong Ky. Along the way there are many beautiful landscapes such as The White Palace, Thich Ca Phat Dai. Visitors can climb up to the top of Big Mountain to enjoy the fresh, cool air, and enjoy the panoramic view of Vung Tau city along the winding road around the city. southern. In addition, there is Stone Cape in front of the White Palace, Cao Trang stone cape at the beginning of Big Mountain roundabout in the afternoon.

Small Mountain

Contrary to Big Mountain, Small Mountain is located to the south of the city and has another name, Tao Phung. At the foot of the mountain is a coastal road with many hotels, restaurants, cafes, etc. At the top of Small Mountain, visitors have the opportunity to admire the 32m high Jesus Christ Statue, the tallest Jesus Christ Statue in the world. More interestingly, when climbing to the top of the mountain, visitors can also enjoy a unique architectural work that is the Lighthouse. Inside, there is a spiral staircase to the top and there is a way to the outside balcony to observe the panoramic view of Vung Tau.

And many attractive tourist destinations….

At the end of Small Mountain to the south is Nghinh Phong mountain embracing Vong Nguyet beach to the east and Pineapple beach to the west, the wind blows all year round. Continuing to go a short distance from Nghinh Phong, visitors come across Hon Ba – a jagged rock for a bridge.

Hon Ba Vung Tau

When the water is low, visitors can walk out here to play. On the Small Mountain detour running from Front Beach through O Quan Beach, Pineapple Beach, to Nghinh Phong and to Back Beach, is 6km long. There are many attractions on both sides of the road that attract many tourists such as Niet Ban Tinh Xa, Jesus Christ Statue, etc

.In addition to the two Big and Small Mountains, there is another mountain in Vung Tau that also attracts many visitors, which is Dinh Mountain located right in Tan Thanh district. This place is a complex of trees, am, pagodas, shrines, cups and mountains. Hidden along the mountainside are Hang pagodas, Dai Tung Lam pagoda, Tay Phuong pagoda, ..with many religious values. And originating from this mountain is the largest Dinh river in Vung Tau, flowing through Phuoc Le down the northwest direction 11km long, 1000km widest, 300m narrow, 25m deepest.

What to eat in Vung Tau?

Referring to Vung Tau, many people will remember dishes such as: Khot Cake, Stingray Hotpot, Bong Lan Cake, Centella Green Bean … and culinary streets with a simple but attractive space!

Food street with many options

One of the places to eat in Vung Tau definitely not to be missed is a series of restaurants on Tu Xuong Street (Ward 4). This place converges most of the dishes with prices from 10,000-50,000 VND such as: banh canh gio heo, bun dau, beef noodle soup, bo kho, hu tieu, rau ma dau xanh, smoothies, etc.You can enjoy delicious and eye-catching dishes from Korea or Japan such as sushi, mixed rice, bingsu – shaved ice, etc. The restaurants here serve diners from 6am to 11pm.

Especially if you visit Tu Xuong street, it is a pity that diners do not try Hang Quyen shumai bread (31 Tu Xuong, Vung Tau City). A mixed pan filled with shumai, greasy omelette, fresh herring, mixed in a sweet sauce, served with crispy hot bread. When I come home late from work and don’t have time to cook dinner, I often visit Hang Quyen shumai restaurant. Shumai bread in here is very tasty and very cheap. Just spend 22,000 VND to have a satisfying dinner.

Still the “familiar, strange” snacks with affordable prices ranging from 10,000-30,000 VND, the snack area on Ba Huyen Thanh Quan street is also one of the top choices when coming to Vung Tau. This place is the meeting place for cheap snacks of students. Diners can find many dishes here such as goi cuon, banh canh gio heo, rieu noodle soup, canh bun, Hue noodle soup, grilled chickenmoothies, etc and especially the most famous dish is pha lau. Along Ba Huyen Thanh Quan street, there are many snacks such as beo cake, goi cuon, goi du du, bo bia… Pha lau in Baby Boy restaurant, 35 Ba Huyen Thanh Quan will make many diners want to eat due to blends of the sweetness and aroma of fresh coconut water, the fatty taste of coconut milk, the spicy taste of cinnamon, and the five flavors. When enjoying pha lau here, don’t forget to add a little satay, creating a rich spicy taste.

“Paradise” for nightlife dinner

Coming to Vung Tau City, if at midnight suddenly your stomach rumbles and you need something to “fill the void”, don’t forget to visit Do Chieu Street (Ward 1, Vung Tau City). For decades, Do Chieu is truly the “nightlife street” of Vung Tau. Within just over 200m, from the area of ​​Do Chieu – Ly Tu Trong intersection to Do Chieu – Le Lai intersection, there are hundreds of large and small eateries close together, converging delicious dishes that can “beat” the customers. most gourmet. This food street has quite a variety of dishes, from crispy fried noodles, Hue beef noodle soup, hu tieu, Duong Chau fried rice, pigeon porridge, seafood, bread, banh tam, sticky rice, banh tieu, soft drinks, smoothies, rau ma…

If you are a foodie, you must have heard the name of banh tieu and sticky rice in Do Chieu. Although it’s just a small trolley without even a table and chairs, it is always crowded with customers waiting to buy. This place only sells two types of cake: green bean cake and egg filling. Ms. Huynh Thi Bich Ha (52 years old, 43 Do Chieu, Vung Tau City) the owner of the sticky rice cake shop said, “The shop is usually open from 14:30 to 19:30, when customers come to buy I just start frying, so the cake will be hot and delicious.” Coming here, diners will be able to witness firsthand from kneading the dough, to wrapping the filling and frying the cake. Basic ingredients include flour, sugar, sesame, … but the most important part of the cake is the filling. Green beans are steamed, pounded and then wrapped in a powdered shell. Each batch of bread is deep fried in hot oil until golden on all sides, then take out. Crispy crust mixed with sesame, wrapped in green bean paste just enough. With each piece of cake, diners will fully feel the crispy taste of the crust, the fleshy taste of sesame, the sweet aroma of green beans…

With affordable prices, Do Chieu Street is always crowded with customers from noon and crowded until late, there are nightclubs serving until 1-2 am. At weekends, Do Chieu food court is more bustling with a large number of tourists. Coming to Vung Tau, you must definitely enjoy banh tieu dau xanh in here, but you have to be patient, diners have to wait in line until 30 minutes later, the cake is small, hot, fragrant with sesame, accompanied by a fatty taste accompanied by the fatty taste of green bean paste, it’s not a waste of time to wait.