Khu bảo tồn biển Việt Nam

Theo các tổ chức nghiên cứu quốc tế, khu bảo tồn biển là vùng biển mà trong đó hàm chứa các loài động vật, thực vật có giá trị và tầm quan trọng cấp quốc gia hoặc quốc tế về khoa học, giáo dục, du lịch, giải trí, được quản lý, bảo vệ theo quy chế của khu bảo tồn. Đây là khu vực biển không chỉ góp phần đảm bảo cân bằng sinh thái biển, đa dạng sinh học, điều hòa môi trường,… mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế biển lâu dài, gắn với nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái. Đồng thời, đó còn là cơ sở, công cụ hành chính và pháp luật trong đấu tranh bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trong phạm vi đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Nhận thức rõ điều đó, nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có biển hết sức coi trọng phát hiện, phát triển các khu bảo tồn này.

Đối với nước ta, cùng với phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung, khu bảo tồn biển được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và coi đó là nhân tố quan trọng trong tăng trưởng của sinh vật và đa dạng sinh học biển, phục vụ phát triển kinh tế và đời sống con người. Theo số liệu thống kê, hiện tại Việt Nam có gần 120 khu bảo tồn biển, chiếm gần 6% lãnh thổ tự nhiên và được phân bổ khắp ba miền: Bắc, Trung Nam; trong đó, có khoảng 7% diện tích này được xác lập từ những năm đầu quá trình đổi mới đất nước. Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu, phát huy các khu bảo tồn biển đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vùng biển đã được hoạch định thành các vùng bảo vệ nguồn lợi hải sản, như: Mỹ Miều (Quảng Ninh), Nha Phu (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), bãi bồi Ngọc Hiển (Cà Mau), v.v. Trong đó, 9 khu vực bảo tồn biển đã được xếp hạng ưu tiên trong hệ thống bảo tồn biển và ven bờ thuộc khuôn khổ dự án ADB: 5712-REG. Theo tính toán của các nhà khoa học, các khu bảo tồn biển có thể làm mật độ sinh vật biển tăng gấp đôi, sinh khối tăng 3 lần và kích thước của sinh vật và đa dạng sinh học tăng lên 20% – 30% so với vùng không nằm trong khu bảo tồn. Đây là nguồn tiềm năng biển vô cùng lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nếu chúng ta biết quy hoạch, khai thác, phát triển các khu bảo tồn biển một cách khoa học.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc bảo tồn các khu vực biển có nơi vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; nhiều khu bảo tồn mới chỉ quan tâm đến bảo vệ rừng trên các đảo mà chưa chú trọng đến bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; thậm chí một số vùng biển còn bị xâm hại đến mức báo động, v.v. Trước thực trạng đó, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 742/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 với nhiều mục tiêu và giải pháp quan trọng, thiết thực. Để hiện thực hóa nhiệm vụ nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho việc thành lập các khu bảo tồn biển. Cùng với hoàn thiện cơ sở pháp lý, việc nâng cao nhận thức; công tác nghiên cứu khoa học biển; thực hiện các phương án quản lý,… và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển cũng được đẩy mạnh, bước đầu đạt kết quả tốt.

Đây là sự thể hiện nỗ lực rất cao của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị để giữ vững “màu xanh của biển”, nhằm phục vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệTổ quốc.

Nguyễn Văn Sử thực hiện

Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Rate this post

Trả lời