Ngày Đại dương thế giới

Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biển và đại dương đối với đời sống con người, ngày 08-6-1992 tại Hội nghị Thượng đỉnh về trái đất ở Ri-ô đờ Gia-nây-rô (Bra-xin), Chính phủ Ca-na-đa đã đề xuất sáng kiến về “Ngày Đại dương thế giới”. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng, nhằm tôn vinh đại dương thế giới và bày tỏ mối quan tâm gắn bó với biển và đại dương, vì tương lai của loài người. Theo đó, mục tiêu chung của Ngày Đại dương thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà hoạch định chính sách của mỗi quốc gia về vai trò quan trọng của biển và đại dương đối với đời sống con người; đồng thời, cổ vũ các hành vi tích cực vì sự “bền vững của biển cả”. Chính vì lẽ đó, ngay sau đề xuất này, Ngày Đại dương thế giới (08-6) đã được Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục thế giới (UNESCO) thừa nhận.

Kể từ đó đến nay, nhất là từ Cuộc họp quốc tế về “Hành động cùng nhau vì tương lai của hành tinh xanh” vào năm 2002, với sự hỗ trợ của Diễn đàn toàn cầu Đại dương, Vùng bờ và hải đảo (GFOCI), Mạng lưới Đại dương thế giới (WON), Đề án đại dương, Viện Đại dương quốc tế (IOI),… hằng năm đã có hàng trăm tổ chức của trên 50 quốc gia tổ chức trọng thể Ngày này. Với các hoạt động phong phú, như: tuần hành vì đại dương; con đường xanh kết nối con người, thủy sản và thị trường bền vững; tọa đàm đại dương hòa bình; thi nghệ thuật và văn hóa biển, v.v. Ngày Đại dương thế giới đã tạo sự cổ vũ mạnh mẽ về ý thức bảo vệ môi trường biển trên toàn cầu. Chính vì thế, từ năm 2009, Liên hợp quốc chính thức thông qua chủ trương: kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới (ngày 08 tháng 6) ở tất cả các nước thành viên.

Là quốc gia có vùng biển rộng, bờ biển dài, những năm qua, Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm trong việc giữ gìn màu xanh của biển. Trong các hoạt động liên quan đến Ngày Đại dương thế giới, Việt Nam là một trong những nước tham gia từ rất sớm, với nhiều hoạt động cả ở trong nước và quốc tế. Năm 1998, nhân Năm quốc tế về đại dương được tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), Việt Nam đã tham gia và thảo luận sâu vào các chuyên đề của Hội nghị, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tiếp đó, tại Hội nghị đại dương thế giới (năm 2009) ở In-đô-nê-xi-a, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nước ta đã thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia thảo luận và thông qua “Tuyên bố đại dương Manado”. Đặc biệt, tại Nghị định số 25/2009/NĐ-CP, ngày 06-3-2009 của Chính phủ về quản lý, tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đã quy định tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hằng năm để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, gắn với yêu cầu quản lý, tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Những hoạt động đó không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho cộng đồng về bảo vệ môi trường biển, đảo vì tương lai của chính loài người, mà còn là cơ hội để giới thiệu về tiềm năng tài nguyên biển và phát triển kinh tế biển, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Đồng thời, đây cũng là thông điệp khẳng định với thế giới, Việt Nam là quốc gia biển, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong việc nỗ lực giải quyết những vấn đề về biển, hải đảo và góp phần chung tay bảo vệ đại dương xanh, hành tinh xanh của nhân loại.

Nguyễn Văn Sử thực hiện

Tạp chí Quốc phòng toàn dân

4.7/5 - (3 bình chọn)

Trả lời