Lưu trữ hàng tháng: Tháng Ba 2021

Bãi Chén – Đệ nhất thắng cảnh Hòn Tre

Bãi Chén nằm ở phía Tây Bắc của đảo Hòn Tre là một trong những bãi biển tuyệt đẹp nổi danh với những tảng đá xếp chồng lên nhau, những tảng đá to tròn như những cái bát úp khổng lồ trông thật ngoạn mục và lạ mắt.

Khu vực bãi biển này dài đến vài cây số nhưng chỉ có hơn 100m là bãi cát, còn lại chỉ toàn đá với đá. Khi nước dâng lên cao, những khối đá tròn trĩnh chìm một phần trong nước, phần còn lại nổi lên mặt nước trông như những chiếc chén nhấp nhô trên mặt nước. Có đến hàng trăm, hàng ngàn khối đá như thế dọc bờ biển.

Đến bãi Chén du khách có thể ngồi trên những cái chén đá đó câu cá, ngắm cảnh, nghỉ ngơi sau những giây phút chơi đùa đùa thỏa thích. Bãi Chén là bãi tắm sạch đẹp nhất của Hòn Tre, cảnh vật vẫn giữ được nét hoang sơ, dưới là biển, trên bờ cây rừng tỏa bóng mát.

Nếu muốn leo núi, du khách men theo những lối mòn để chinh phục đỉnh cao của Hòn Tre, đồng thời băng qua những vạt rừng ngun ngút với nhiều cây cổ thụ bám đầy dây leo hoang dại. Qua khỏi rừng cây sẽ có một con đường rẽ xuống núi, dẫn tới Bãi Chén, một bãi biển còn hoang sơ, thiên tạo, được xem đẹp nhất Hòn Tre vì không những có cảnh quan tươi đẹp, trời nước mênh mông, thơ mộng mà còn có một hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Lạ nhất là những hòn đá to giống như cái chén úp lại tạo nên những kỳ quan thật sinh động. Đứng từ Bãi Chén phóng tầm mắt ra xa, nhìn mặt biển mơn man sóng vỗ, tai nghe tiếng gió rì rào, du khách chắc chắn sẽ thấy khoan khoái nhẹ nhàng như bỏ lại sau lưng tất cả những mệt nhọc và phiền muộn lo âu.

Đảo dừa biển xanh

Từ tàu cao tốc nhìn lên đã thấy đảo xanh mênh mang với những rặng dừa cao ngút ngàn. Hòn Sơn Rái còn được cộng đồng du lịch bình chọn là hòn đảo “sống ảo như Hawaii” bởi những cây dừa nghiêng, dừa nằm trên bờ biển cát mịn màng với những con sóng vỗ về như vuốt ve, mơn trớn.

Cách bờ Rạch Giá (Kiên Giang) chừng 60km, tức cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 180km, đảo dừa Hòn Sơn Rái đang trở thành điểm đến lý tưởng của du khách miền Tây. Phú Quốc gần đây đắt đỏ, Nam Du luôn đông đúc, thì đảo dừa là lựa chọn để có chuyến đi vừa túi tiền nhưng ăn uống thịnh soạn và “sống ảo” thỏa thích.

Nằm xa bờ, đảo dừa có biển xanh và cát mịn vàng, có màu trắng hoặc kem tùy bãi nhưng đều rất trong lành, mà nói như nhiều người từng đến đây “nhìn thấy làn nước đã muốn nhảy ùm xuống tắm”. Giữa mùa hè oi bức của miền Tây, biển thành nơi lý tưởng. Con đường vòng quanh đảo chừng khoảng mười một cây số, đâu cũng thấy biển xanh đầy quyến rũ. Quanh đảo, có nhiều rạn đá cuội nằm chen chúc dưới làn nước trong vắt trông như những chú cá heo, đàn rùa biển bơi lội gần bờ chào đón du khách phương xa. Đặc biệt, Bãi Bấc, Bãi Bàng, Bãi Thiên Tuế… là những bãi tắm lý tưởng với bãi biển thoai thoải ra xa, sóng nhẹ nhàng, trừ mùa gió bấc cuối năm.

Gọi là đảo dừa bởi dừa mọc từ bãi biển kéo lên tận lưng chừng đồi. Cây nào cũng cao vun vút và tỏa bóng mát như mái tóc xõa của cô gái đảo liêu xiêu trong gió. Người lớn tuổi trên đảo đã thấy cây dừa rợp bóng từ thời trai trẻ. Người trung niên, vừa lớn lên đã thấy dừa cao vút xanh rờn. Còn với du khách, dừa trên đảo là chốn sống ảo. Vì thế, một số tên bãi biển địa phương được gọi khác thành bãi cây dừa nghiêng, bãi cây dừa nằm hoặc bãi hàng dừa… Không chỉ có một như ở Nam Du, Phú Quốc, Hòn Sơn Rái có nhiều cây dừa mọc nghiêng đầy ngoạn mục. Do địa hình và đất cát mềm, một số cây dừa cao vút bị nghiêng, thậm chí ngã bật gốc nhưng vẫn sống kiên cường, tạo thành những thế đứng độc đáo mà du khách trẻ thường hay gọi là những “cây dừa thần thánh” bởi mức độ ngoạn mục của nó. Nếu Bãi Bàng cát trắng mịn suốt chiều dài bãi thuộc sở hữu của hai gia đình thì bãi cây dừa nằm và bãi Bấc có những rạn đá sát bờ là nơi mực, ốc và cá trú ngụ, sinh sản. Du khách có thể bắt được mực nang gần hai ký, cá nóc gai nặng chừng một ký hoặc các loài cá, có cả cá mú. Ốc thì nhiều bởi hốc đá là nơi lý tưởng để chúng trú ẩn, đeo bám và tìm nguồn thức ăn. Chỉ cần kính lặn, du khách có thể thỏa thích săn bắt dưới nước. Thêm một chiếc ống thở nữa, họ thỏa sức ngắm san hô ngay tại bãi rạn cách bờ chưa tới năm mươi mét.

Cái hay của đảo dừa là vẫn còn rừng nguyên sinh trên đảo. Tàu cập cảng, du khách ra khỏi Bãi Nhà là bước vào khu rừng nguyên sinh để đi trên con đường xuyên đảo mát rượi. Phía Đông đảo có đường lên Ma Thiên Lãnh, đỉnh cao nhất của đảo. Từ đây, có thể nhìn bao quát hết đảo và vùng bán đảo Cà Mau kéo dài đến Rạch Giá, Hòn Đất phía đất liền và cụm đảo của huyện Kiên Hải, quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương)… Phía Tây đảo có đỉnh Đầu Rồng. Mất khoảng ba mươi phút đi xuyên qua những rặng dừa, rẫy xoài là đến đỉnh. Nơi đây, có những cây thiên tuế hàng chục năm tuổi. Chúng mọc quấn quýt nhau. Trong đó, có một cây tỏa ra chín ngọn tủa vươn các hướng trải dài trên đá. Cái tên Đầu Rồng có từ đó. Cũng như Ma Thiên Lãnh, đỉnh Đầu Rồng chỉ thích hợp với người ưa khám phá và thể thao.

Đến đảo, du khách đừng quên tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng miền biển của người dân bản địa. Nếu đến đảo vào Rằm tháng Mười âm lịch hằng năm, họ có thể hòa mình vào không khí lễ hội “vui như Tết” của lễ cúng Ông- tưởng nhớ loài cá được xem là ân nhân của ngư dân. Dinh thờ cá Ông (cá voi) nằm ở khu dân cư Bãi Giếng. Ngoài ra, còn các miếu thờ Bà Cậu, thờ Bà Chúa Xứ… Ngày xưa khi mới tới lập nghiệp, rừng còn thú dữ, biển cả hung tợn, người ta phải nương tựa vào thần linh như tiếp thêm sức mạnh để trụ lại những hòn đảo giữa biển khơi. Cho tới bây giờ, tín ngưỡng đó vẫn duy trì và trở thành nét văn hóa tín ngưỡng miền biển độc đáo ở Việt Nam.

Báo Cần Thơ

Hấp dẫn khám phá Hòn Sơn

Hòn Sơn là xã Lại Sơn thuộc huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) chỉ có khoảng 11,7km2 nhưng có rừng núi, biển cả rất đẹp. Là điểm đến hoang dã hấp dẫn để du khách khám phá và nghỉ dưỡng. Vào những ngày cuối tuần, du khách khắp nơi đến tham quan khám phá Hòn Sơn.

Hòn Sơn còn có tên gọi khác là Hòn Rái hay Hòn Sơn Rái. Theo truyền thuyết, tên gọi Hòn Rái là xưa kia nơi đây có nhiều rái cá sinh sống. Một truyền thuyết khác cho rằng có tên Hòn Rái do xa xưa Hòn Sơn có nhiều cây dầu rái, loại cây cho nhựa để trét thuyền và quét lên vỏ thuyền chống nước biển ăn mòn. Còn ngày nay, được gọi là Hòn Sơn vì nơi đây là hòn đảo giữa biển khơi với 7 đỉnh núi trên đó.

Hòn Sơn cách TP Rạch Giá khoảng 65km về phía Tây, đi tàu cao tốc khoảng 1 giờ 30 phút. Đây là điểm du lịch mới và hấp dẫn của tỉnh Kiên Giang. Mặc dù Hòn Sơn từ lâu là một thắng cảnh đẹp, sơn hải hữu tình nhưng do đảo xa xôi không có điện nên một thời gian dài không phát triển. Mãi đến tháng 9 năm 2015, Tổng Công ty Điện lực miền Nam chính thức khởi công Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn. Đến tháng 11-2016, Công ty Điện lực Kiên Giang đã chính thức đóng điện hoàn thành Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn. Từ đó, Hòn Sơn nhanh chóng thay da đổi thịt. Người dân Hòn Sơn đầu tư khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn… phục vụ du khách. Các hãng tàu cao tốc như Super Dong, Ngọc Thành, Express… đua nhau vận chuyển phục vụ du khách đến Hòn Sơn.

Một góc Hòn Sơn

Bây giờ, du khách dễ dàng đến Hòn Sơn khám phá vùng 7 núi huyền bí trên đảo hay chạy quanh cung đường dọc biển rất đẹp để thưởng ngoạn nắng gió biển… Thiên nhiên Hòn Sơn vẫn còn nét hoang sơ của núi rừng và biển cả. Người dân Hòn Sơn thật tình và mến khách. Du khách đến Hòn Sơn bằng tàu cao tốc với giá 140.000 đồng/lượt ( Rạch Giá-Hòn Sơn), giá nhà nghỉ 200-250.000 đồng/phòng/giường đôi, khách sạn 300-350.000 đồng/phòng/giường đôi. Du khách muốn khám phá núi rừng, biển Hòn Sơn thì thuê mướn xe gắn máy hoặc xe điện. Ở đây, có rất nhiều xe gắn máy cho thuê, với giá 200.000 đồng/2 ngày, bao cả xăng. Vì phương tiện di chuyển ở Hòn Sơn chính yếu là xe gắn máy. Điều ngạc nhiên của du khách lần đầu đến Hòn Sơn là khi thuê xe gắn máy đều được chủ dặn kỹ là đậu xe nơi đâu đều không khóa lại (xe không bao giờ mất) nhớ lấy chìa khóa và cài nón bảo hiểm khóa lại ( có thể trộm lấy nón bảo hiểm, lấy chìa khóa) chứ không lấy xe. Ở trên đảo 2 ngày, nhiều xe gắn máy xuôi ngược trên đảo nhưng chưa bao giờ gặp cảnh sát giao thông.

Cư dân trên đảo chưa đầy 10.000 người, sinh sống lâu đời bằng nghề khai thác thủy sản, sản xuất nước mắm, dịch vụ mua bán và chế biến hải sản. Nghề sản xuất nước mắm ở đảo rất nổi tiếng, với tên gọi chung là “nước mắm hòn” như đã từng ngợi ca “ Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon. Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi.” Hiện nay, Hòn Sơn có 4 làng chài (bãi Thiên Tuế, Bãi Nhà (trung tâm hành chính của đảo), Bãi Bấc, Bãi Giếng). Du khách có thể tham quan 4 làng chài và thưởng thức hải sản rất ngon. Ngư dân Hòn Sơn thường đi đánh bắt cá, tôm, mực… từ chiều hôm trước. Đến khoảng 8-9 giờ sáng hôm sau, tàu cặp bến mang cá, tôm, mực về… Du khách muốn trải nghiệm gỡ lưới bắt cá, bắt mực, ghẹ… thì cùng ngư dân thực hiện. Du khách cần ăn hải sản, ngư dân sẵn lòng luộc, hấp, nướng,… phục vụ. Hải sản nơi đây tươi ngon nhưng giá cả phải chăng so với các miền biển khác (ghẹ 250-300.000 đồng/kg, mực nang 160-180.000 đồng/kg, cá mú 200-250.000 đồng/kg, mực ống 180-200.000 đồng/kg, cá bóp 160-180.000 đồng/kg, tôm 200-250.000 đồng/kg…). Du khách muốn trải nghiệm câu cá, câu mực, lặn ngắm san hô… có sẵn dịch vụ du thuyền đưa ra biển khơi với giá 100.000 đồng/khách.

Hòn Sơn có cung đường biển quanh đảo uốn lượn rất đẹp để du khách khám phá. Không ít du khách thích thú đến Bãi Xếp để khám phá cây dừa nằm. Nơi đây, có vườn dừa rất đẹp nhô ra biển. Đặc biệt, có một cây dừa nắm tựa vào tảng đá to vươn ra biển trông rất đẹp. Du khách thích thú được ngồi, nằm trên cây dừa nằm để chụp những bức ảnh lưu niệm. Đây cũng là ấn tượng Hòn Sơn. Cách Bãi Xếp không xa là Bãi Bàng là bãi tắm đẹp nhất Hòn Sơn. Bãi Bàng biển xanh ngát, cát trắng, nắng quanh năm, du khách sẽ thích thú ngâm mình, lặn biển… Chiều xuống, du khách đến Bãi Bàng tắm biển đông đúc.

Khi trải nghiệm biển thỏa thích thì du khách có thể chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh. Đây là ngọn núi cao nhất trong 7 ngọn núi ở Hòn Sơn. Ma Thiên Lãnh cao 450 mét so với mặt nước biển nhưng từ chân núi lên đến đỉnh phải hơn 3km, đường đi rất hiểm trở, leo dốc và đi qua các khe núi, mất khoảng 2 giờ mới đến đỉnh. Nhiều du khách trẻ rất thích thú được khám phá chinh phục Ma Thiên Lãnh. Dù gian nan leo trèo vượt qua núi cao nhưng nhiều du khách cho rằng “không uổng công”. Bởi theo các du khách trẻ được đến tận Ma Thiên Lãnh như là một chiến công chinh phục đỉnh núi cao nhất Hòn Sơn, nơi đó như “bồng lai tiên cảnh”, mây trời hòa quyện vào núi rừng. Từ Ma Thiên Lãnh ngắm trời biển nước Hòn Sơn tuyệt đẹp khó có nơi nào sánh bằng.

Hòn Sơn đang là điểm đến khám phá hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và biển cả. Có trang du lịch cho rằng “Hòn Sơn-điểm đến nhất định phải tới một lần trong đời”. Giờ đây, du lịch Hòn Sơn đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, du khách chỉ cần vào “Du lịch Hòn Sơn” trên Google sẽ có nhiều thông tin và hình ảnh thú vị. Du khách đến Hòn Sơn sẽ cảm nhận được nhiều ấn tượng khó quên mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.

Huỳnh Biển

Báo Cần Thơ

Miếu Bà Cố Chủ ở hòn Sơn

Hòn Sơn hay còn gọi hòn Sơn Rái, tên chữ là Lại Sơn, là xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Đây là hòn đảo được cư dân người Việt cư trú từ lâu đời, mưu sinh bằng việc khai thác và đánh bắt thủy sản. Miếu Bà Cố Chủ tại đây là một trong những minh chứng cho lịch sử hòn Sơn.

“Tục truyền, vào năm 1789, trong một lần tránh quân Tây Sơn truy kích, chúa Nguyễn Ánh ghé vào bãi Thiên Tuế. Lúc ấy, nước ngọt không có, lương thực cạn kiệt. Trong giấc ngủ chập chờn, chúa nằm mơ thấy một vị tướng quân đến lay dậy bảo rằng: Hãy theo ta về hướng này mà thoát nạn. Chúa thức giấc, sai lính theo hướng đi của vị tướng quân trong mộng. Một lúc lâu tốp lính về báo rằng phát hiện một con suối nước ngọt (suối Đá bây giờ) và có nhiều rái cá bắt cá dâng cho chúa Nguyễn. Đội quân tiếp tục theo hướng đàn rái cá thì gặp được khu vực Bãi Nhà, có nhiều loại cây trái và củ ăn được, cứu sống cánh quân. Sau này khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh phong cho rái cá là “Lang Lại đại tướng quân” để đền ơn… Nhà vua cho rằng vị tướng quân trong mộng là vị thần ở đây. Từ đó, hòn được thêm tên chữ là Lại Sơn”(1).

Trên hòn Sơn, vẫn còn lưu truyền câu chuyện trên, cùng các thắng cảnh như mũi Đá Bàn, bãi Thiên Tuế, đỉnh Ma Thiên Lãnh… và các công trình tín ngưỡng, như đình Lại Sơn, miếu Ông Nam Hải, miếu Bà Cố Chủ… Trong đó, việc thờ Bà Cố Chủ được người dân nơi đây tin rằng Bà vừa hiện thân cho vị thần cai quản vùng đất, vừa hiện thân cho vị thần biển có thể bảo vệ ngư dân mỗi khi họ gặp sóng to gió lớn, nguy hiểm tính mạng trên biển cả mênh mông.

Gian chính điện thờ Bà Cố Chủ ở hòn Sơn.

Theo người dân trên đảo, Bà Cố Chủ là người đầu tiên đến, khai phá hòn Sơn Rái và được xem như thần cai quản vùng biển đảo Lại Sơn. Người dân từ khắp mọi nơi sinh cơ lập nghiệp tại đảo rất kính trọng Bà với ước nguyện được phù hộ bình an. Truyền thuyết kể rằng: “Bà Cố Chủ tên Tăng Thị Huệ. Bà góa chồng ở vậy nuôi con, sinh sống trên đảo Hòn Rái. Mẹ con bà nuôi heo rất nhiều, nhiều lái buôn từ nhiều nơi cặp ghe vào hòn mua heo của bà. Một hôm, có nhóm cướp biển Nam Hải ghé vào đánh cướp nhà bà Huệ. Chúng cướp của, bắt những đứa con của bà trói bỏ lại. Bọn cướp trói bà, chở ra biển, dùng hai tĩn nước mắm cột vào cổ bà và ném xuống biển. Trong lòng nước, bà vùng vẫy cho dây trói tuột ra, rồi bình tĩnh cố nhoài lên đổ hết nước trong tĩn ra, dùng tĩn làm phao bơi vào bờ. Bọn cướp biển hay tin bà Huệ còn sống và tiếp tục làm ăn khá giả, chúng tổ chức một trận đánh cướp thứ hai. Lần này bọn cướp nhốt bà vào một chiếc giỏ bắt heo, dùng dây ràng rịt miệng giỏ thật chắc, ra ngoài khơi, bọn cướp quăng bà xuống biển. Bà Tăng Thị Huệ chết hiển linh thành thần, người dân Bãi Nhà lập miếu thờ bà. Bà rất hiển linh, mách nước giúp dân làng làm ăn phát đạt”(2).

Qua lời kể của người dân trên đảo và truyền thuyết về bà Tăng Thị Huệ, có thể thấy tín ngưỡng thờ Bà Cố Chủ ở đây có sự tương đồng với tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ. Có điều Bà Chúa Xứ được thờ ở đất liền, còn Bà Cố Chủ thì được thờ ở ngoài đảo. Đây là tín ngưỡng dân gian được lưu dân mang từ miền Trung vào Nam Bộ, có sự đan xen với văn hóa của người Chăm trong quá trình Nam tiến. “Bà Chúa Xứ là Bà Chúa, Bà Chủ, Bà Mẹ của một xứ sở, người tạo dựng nên một vùng đất. Niềm xác tín này xuất phát từ tín ngưỡng cổ sơ “Cha trời – Mẹ đất” trong truyền thống lâu đời của dân tộc. Qua giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tín ngưỡng này ngày càng được bổ sung, thay đổi từ danh xưng lẫn nội dung theo điều kiện kinh tế – xã hội và địa bàn cư trú của cư dân”(3).

Qua khảo sát tục thờ Bà Cố Chủ ở Hòn Sơn, có thể thấy Bà là người đầu tiên đến vùng đất này, khai phá và đặt nền móng cho việc phát triển đảo Lại Sơn nên trong tâm thức dân gian, Bà chính là vị thần bảo trợ, có công với vùng đất này trong việc quy dân lập ấp, phát triển nơi hoang sơ thành cụm dân cư đông đúc. Cũng chính vì có công trong việc tạo lập vùng đất mà người dân tôn Bà là vị thần của xứ sở, gọi là Bà Cố Chủ hoặc Bà Chúa Hòn. Ở đây, từ một bà Tăng Thị Huệ bình thường đã hóa thành Bà Cố Chủ do quá trình huyền thoại hóa. “Huyền thoại hóa là quá trình thiêng quá nhân vật phụng thờ. Đây là công việc tất yếu, để gửi gắm niềm tin của con người, để vật chất hóa niềm tin tín ngưỡng”(4).

Miếu Bà Cố Chủ tọa lạc tại Bãi Nhà A. Mặt chính của ngôi miếu hướng ra phía biển, như lúc nào cũng dõi theo để bảo vệ người dân trên biển mỗi khi họ ra khơi. Trước ngôi miếu là một nghi môn cao, to, có mái che, trông thanh thoát. Ngày thường cổng chính của miếu đóng lại, chỉ mở vào dịp lễ cúng Bà. Người ta vào viếng Bà bằng cổng phụ hai bên. Sau cổng của ngôi miếu là khoảng sân rộng để người dân đến dự lễ và thiết lập sân khấu hát bội mỗi dịp cúng Bà. Miếu Bà Cố chủ gồm ba gian: chính giữa là chính điện thờ Bà, hai gian hai bên thờ Tả Ban và Hữu Ban – những người giúp việc cho Bà. Gian chính điện được trang hoàng rực rỡ, cầu kỳ, trang nghiêm, thể hiện tấm lòng của người dân trên đảo đối với Bà.

Lễ cúng miếu Bà Cố Chủ hằng năm được tổ chức vào ngày 8 đến 10 tháng 9 âm lịch. Trong dịp lễ, Ban Quản trị miếu có rước đoàn hát từ TP Hồ Chí Minh về biểu diễn cho bà con xem. Người dân từ đất liền cũng đem theo nhiều sản vật, hàng hóa ra đảo phục vụ dịp lễ nên không khí thêm nhộn nhịp và vui tươi. Trong dịp lễ cúng Bà, không chỉ có người dân địa phương đến dự, mà còn có nhiều khu khách từ các tỉnh thành khác ra đảo dự lễ, cầu an cho gia đình. Vì vậy, mỗi dịp cúng Bà, hòn Sơn đón hàng ngàn lượt người.

Có thể nói, miếu Bà Cố Chủ ở hòn Sơn không chỉ là nơi trú sở tâm linh cho cư dân trên đảo, mà còn là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách gần xa.

Bài, ảnh: Trần Kiều Quang

Báo Cần Thơ

(1) Anh Động – Nguyễn Diệp Mai (2008), Di tích, danh thắng và địa danh Kiên Giang, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr.233.

(2) Anh Động – Nguyễn Diệp Mai, Sđd, tr.236-237.

(3) Nguyễn Hữu Hiếu (2015), Tục thờ thần qua am miếu Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.132

(4) Nguyễn Chí Bền (2015), Lễ hội cổ truyền của người Việt cấu trúc và thành tố, NXB KHXH, Hà Nội, tr.122.

 

Mai Linh Express sẽ chạy chuyến tàu đầu tiên Cần Thơ – Côn Đảo vào ngày 3/4/2021

Tàu cao tốc Mai Linh Express sẽ chạy chuyến tàu đầu tiên Cần Thơ – Côn Đảo vào ngày 3/4/2021, đây là những chuyến tàu thử nghiệm trong tháng 4/2021 và đã chính thức mở bán vé kể từ hôm nay.

Tàu cao tốc MLE sẽ chạy chuyến đầu tiên vào ngày 3/4 và 4/4. Lịch khai trương tàu sẽ diễn ra vào ngày 21/4 hứa hẹn mang đến cho Quý khách hàng sự hài lòng và những trải nghiệm tuyệt vời nhất

Lịch chạy thử tàu

NGÀYTuyếnKhởi hànhCảng
03/04/2021Cần Thơ – Côn Đảo09:00Ninh kiều – Bến Đầm
04/04/2021Côn Đảo – Cần Thơ12:30Bến Đầm – Ninh Kiều
10/04/2021Cần Thơ – Côn Đảo07:30Ninh kiều – Bến Đầm
Côn Đảo – Cần Thơ12:30Bến Đầm – Ninh Kiều
11/04/2021Cần Thơ – Côn Đảo07:30Ninh kiều – Bến Đầm
Côn Đảo – Cần Thơ12:30Bến Đầm – Ninh Kiều
17/04/2021Cần Thơ – Côn Đảo07:30Ninh kiều – Bến Đầm
Côn Đảo – Cần Thơ12:30Bến Đầm – Ninh Kiều
18/04/2021Cần Thơ – Côn Đảo07:30Ninh kiều – Bến Đầm
Côn Đảo – Cần Thơ12:30Bến Đầm – Ninh Kiều

Lưu ý: Lịch tàu có thể thay đổi theo từng thời điểm thực tế vì khách quan.

Giá vé tàu cao tốc Mai Linh Express tháng 4/2021

Hiện tại Tàu Mai Linh Express chi cung cấp các chuyến khởi hành vào Thứ bảy & Chủ nhật cho đến khi có thông báo mới, giá vé được áp dụng vào Thứ Bảy và Chủ Nhật:

Hạng ghếThứ Bảy & Chủ Nhật
Người lớn (VNĐ/Vé)Trẻ em (VNĐ/Vé)
Phổ thông (252)680.000544.000
Thương gia (70)960.000768.000
Nguyên thủ (08)1.200.000960.000
  • Giá vé bao gồm: 10% VAT, bảo hiểm hành khách.
  • Dịch vụ miễn phí đi kèm: khăn lạnh, nước suối/vé.
  • Đối với hạn Thương Gia và Nguyên Thủ sẽ được phục vụ thêm một suất ăn nhẹ, trái cây, thức uống miễn phí theo Menu có sẵn.
  • Dịch vụ chăm sóc y tế cho Quý hành khách trong suốt chuyến hải trình.

Giới thiệu tàu cao tốc Mai Linh Express 01

Tàu cao tốc Mai Linh Express là thương hiệu tàu biển mới của Công ty Cổ phần Mai Linh Tây Đô thuộc Tập đoàn Mai Linh. Tàu Mai Linh Express 01 được trang bị công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế về an toàn tàu biển, tàu được lắp đặt công nghệ giảm lắc tiên tiến đến từ tập đoàn Rolls Royce Anh Quốc, giúp tàu vận hành êm ái, vượt trội. Cùng với thiết kế tinh tế, sang trọng từ thân tàu đến khoang hành khách.

Tàu du lịch cao tốc hai thân Mai Linh Express có vận tốc trung bình là 32 hải lý/giờ, nội thất được thiết kế sang trọng, rộng rãi, thoải mái với sức chứa 339 ghế, trong đó có 260 ghế hạng Phổ thông, 71 ghế hạng Thương gia, 8 ghế hạng Nguyên Thủ, cùng các dịch vụ cao cấp khác như quầy bar, phòng họp, phòng karaoke… Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, khoa học và chuyên nghiệp sẽ giúp du khách tận hưởng trọn vẹn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng biển Nam Bộ.

Tàu cao tốc Mai Linh được đưa vào khai thác thẳng tuyến từ Bến Ninh Kiều – TP. Cần Thơ đến Cảng Bến Đầm – Côn Đảo với tần suất 02 chuyến/ngày, bắt đầu phục vụ từ ngày 21/4. Giá vé từ thứ hai – thứ năm: Ghế hạng Phổ thông 600 ngàn đồng; Ghế Thương gia 900 ngàn đồng; Ghế Nguyên Thủ 1,2 triệu đồng.

Giá vé từ thứ sáu – chủ nhật và ngày lễ: Ghế hạng Phổ thông 680 ngàn đồng; Ghế Thương gia 960 ngàn đồng; Ghế Nguyên Thủ 1,2 triệu đồng.

Ghế phổ thông tàu Mai Linh Express

Trên các chuyến tàu của Mai Linh Express sẽ ưu tiên miễn, giám giá vé đi tàu cho Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân – miễn phí vé; Trẻ em (6-12 tuổi) giảm 20%; các cơ quan ban ngành giảm 10%.

Tàu cao tốc Mai Linh Express 01 được đưa vào khai thác nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm hoàn hảo trong các chuyến du lịch khám phá miền sông nước. Góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh và quảng bá văn minh đô thị sông nước Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Liên hệ đặt vé

Đại lý vé tàu cao tốc Mai Linh Express

Hotline: 0989794239 – 0889211234 – 0889371234 (Tất cả các số điện thoại đều hỗ trợ đặt vé qua ZALO)

Email: mailinh@taucaotoc.vn – booking@taucaotoc.vn

Website: https://taucaotoc.vn/ – https://www.taucaotocmailinh.com/

Ghế thương gia tàu Mai Linh Express

Ghế hạng thương gia gồm 70 ghế, được trang bị bằng những chất liệu tốt nhất. Mang đến cho Khách hàng cảm giác êm ái và thoải mái nhất.

Phòng hội nghị rộng rãi, được trang bị hệ thống âm thanh và nội thất sang trọng, chất lượng cao.Phòng hội nghị với sức chứa 10 khách.

 

Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu – Người liệt nữ trung kiên

Trong 02 cuộc kháng chiến, Đất Đỏ luôn là căn cứ địa cách mạng. Mặc dù phải đối phó với nhiều kẻ thù, từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, bọn ngụy quyền và quân chư hầu. Dù bom đạn kẻ thù cày xới, tàn phá làng quê, gieo bao nỗi đau thương chết chóc, nhưng với truyền thống yêu nước, người dân Đất Đỏ vẫn một lòng một dạ theo Đảng, quyết đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân, đế quốc. Trong 02 cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt ấy, có biết bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Đất Đỏ đã ngã xuống, góp phần lập nên những chiến công hiển hách, trong những chiến sỹ tiêu biểu đó có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân- nữ liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, trong một gia đình nghèo ở Đất Đỏ, có 06 người con. Cha là ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa; mẹ là bà Nguyễn Thị Đậu, làm nghề buôn bán nhỏ tại chợ Đất Đỏ. Tuổi thơ của chị Sáu rất lam lũ, không có những ngày đuổi bướm hái hoa, hàng ngày chị phải phụ mẹ buôn bán ở chợ, những lúc ế ẩm, chị Sáu thường thơ thẩn nhặt hoa lê- ki-ma, xâu lại thành chuỗi, đeo vào cổ- đó là đồ trang sức duy nhất thời thơ ấu của chị.

Đầu năm 1946, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Bà Rịa lần thứ hai, khi ấy chị Võ Thị Sáu mới 13 tuổi. Mặc dù còn nhỏ, nhưng thấy cảnh áp bức, bóc lột tàn bạo, thói ngạo mạn của bọn thực dân Pháp và bọn việt gian ác ôn, chị đã nung nấu ý chí được theo các anh tham gia cách mạng để đánh đuổi kẻ thù. Vì vậy, nhiều lần chị dám một mình băng rừng vào cứ, để thăm người anh thứ năm, cung cấp thông tin về tình hình địch cho Đội công an xung phong huyện. Có lần, khi vừa biết tin một người trong Đội công an xung phong ra đầu thú, chị tức tốc băng rừng chạy thẳng lên căn cứ, báo cho các anh để sơ tán và chuẩn bị tổ chức phục kích, nhờ đó Đội Công an xung phong đã tránh được trận càn của kẻ thù ngay trong đêm ấy.

Với bản chất quả cảm, mưu trí, nhanh nhẹn, thông thạo địa bàn, Mùa thu năm 1947, chị Sáu chính thức được tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm mật hộ viên công an xung phong Đất Đỏ. Cuối năm 1947, chị Sáu được cử đi học lớp thiếu sinh quân đầu tiên tại chiến khu Long Mỹ. Tại đây chị đã cắt tóc thề ngang vai. Mái tóc thề đó đã theo chị Sáu đi suốt chặng đường chiến đấu, cho đến khi ra pháp trường, mái tóc thề vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, vẫn hiên ngang, ngạo nghễ trước kẻ thù và mái tóc thề của chị đã trở thành hình tượng đẹp nhất trong lòng đồng đội, trong lòng nhân dân Đất Đỏ.

Chỉ sau 2 năm tham gia hoạt động cách mạng, năm 1949, chị đã trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội công an xung phong Đất Đỏ. Trong thời gian hoạt động, Chị luôn chủ động, sáng tạo xử trí trong mọi tình huống, luôn thay hình, đổi dạng để qua mắt bọn mật thám, có lúc chị đóng vai người đi chợ, khi thì làm thợ cấy, thợ gặt. Nơi nào Đội Công an xung phong chuẩn bị về hoạt động là chị đến trước để trinh sát địa bàn, nắm tình hình địch. Nhờ đó, Đội công an xung phong ít bị địch phục kích, đỡ tổn thất, thương vong. Trong cách đánh, chị bao giờ cũng đưa ra những ý kiến táo bạo, đánh địch ngay tại hang ổ của chúng, ngay tại nơi chúng gây tội ác. Tiêu biểu nhất là chị dùng lựu đạn phá cuộc mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp tổ chức tại Đất Đỏ; ném lựu đạn làm trọng thương tên ác ôn cai tổng Tòng ngay tại văn phòng làm việc của hắn. Sau nhiều lần tìm diệt bọn thực dân Pháp và việt gian ác ôn, địch vô cùng lo sợ và căm tức Đội công an xung phong, mà tiên phong là chị Võ Thị Sáu, nên chúng ra sức truy lùng ráo riết để bắt cho được chị.

Tháng 12 năm 1949, đơn vị của chị được giao nhiệm vụ tiêu diệt tên cả Suốt và cả Đây. Chị Sáu đề xuất phương án tiêu diệt hai tên này ngay tại chợ Đất Đỏ. Trong phiên chợ Tết năm Canh Dần 1950, chị Sáu đã len lõi vào dòng người, theo sát cả Suốt và cả Đây đang cướp giật hàng bán tết của bà con, khi thời cơ thuận lợi, chị ném lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn, làm bị thương các tên lính khác. Trận này, mặc dù đã được đồng đội nổ lực hỗ trợ, tuy nhiên chị Sáu đã bị bọn lính bắt giữ.

Sau ba ngày bị bắt, tra tấn tại bót Đất Đỏ, bọn ác ôn chuyển chị về khám Bà Rịa. Suốt hơn ba tháng trời, với nhiều cực hình tra tấn dã man, thân hình mãnh mai của Chị đầy thương tích, nhưng kẻ thù không lấy được một lời khai báo nào của Chị. Đến tháng 4/1950, chúng chuyển Chị về giam giữ ở khám Chí Hòa, Sài Gòn. Mặc dù đã bị địch tiếp tục, tra tấn rất dã man, nhưng chị Sáu vẫn không khuất phục, cùng các chị trong khám đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Trong trại giam, chị Sáu được các chị truyền đạt kinh nghiệm sống trong tù, giữ vững tinh thần lạc quan, kiên trì, vững chí. Tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng, Chị Sáu còn tích cực tham gia học văn hóa, học hát, học múa, học thêu thùa.

Một năm sau- năm 1951, thực dân Pháp đưa Chị ra xét xử trước Tòa án Binh và kết án tử hình. Nghe tin dữ, mẹ của chị Sáu đau điếng, khóc cạn nước mắt. Bà quyết định dò đường từ quê lên Sài Gòn để tìm gặp cho được đứa con gái yêu thương lần cuối. Sau hơn 01 năm bị tra tấn tù đày, khi gặp lại mẹ, lần đầu tiên chị Sáu bật khóc, nước mắt của chị ướt đẩm trên vai mẹ, vì chị hiểu rằng, đây là lần cuối cùng được nhìn người mẹ hiền thân yêu, người mẹ đã sớm hôm tần tảo nuôi anh em của chị lớn khôn.

Bản án tử hình đã ban, nhưng thực dân Pháp không dám xử bắn chị Sáu tại Sài Gòn, nên chúng âm mưu lập kế hoạch đưa chị ra Côn Đảo. Để tránh dư luận, báo chí, vào ngày 21/01/1952, khi màn đêm còn bao phủ khắp trời đất, bọn lính Pháp còng tay chị, âm thầm đưa xuống tàu tại bến Bạch Đằng. Áp giải chị Sáu- một cô gái mãnh khảnh, tay chân bị xiềng xích, có cả một tiểu đội lính lê dương mũ đỏ và bọn lính chuyên nhận lệnh hành quyết mặt mày đần đần sát khí. Trên chuyến tàu hôm đó còn có 3 tử tù và 40 bạn tù khác. Chị Sáu là người phụ nữ duy nhất, trẻ tuổi nhất trong đoàn tù hôm đó.

Đến Côn Đảo, chị Sáu bị cách ly với những người tù khác và bị giam ở xà lim Sở Cò. Bọn cai ngục dự định đến ngày mốt sẽ đưa chị ra hành quyết. Trưa hôm sau, ngày 22/1/1952, người tù làm bồi của Sở Cò đưa cơm vào xà lim. Anh ta chuyển lời chào của Đảo ủy và liên đoàn tù nhân đến chị Sáu, động viên chị nêu cao khí tiết trước kẻ thù và trước cái chết. Chị Sáu xúc động trả lời: Các anh chị yên tâm, em đã chọn theo con đường chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, thì em cũng biết chọn cho mình cái chết xứng đáng. Em gửi lời chào hết các anh chị!

Đến chiều hôm đó, chị Sáu xin nước để tắm gội. Người bồi hỏi chị cần gì nữa không? Chị nói: Chị ao ước được ra sân một lát, để ngắm trời đất quê hương mình. Lời đề nghị của chị được tên Cò cai quản đồng ý và cho chị ra sân 10 phút.

Tối hôm đó, chị Sáu không ngủ, chị thao thức và hát suốt đêm. Những bài hát về cách mạng mà chị đã học được ở khám Chí Hòa. Cũng trong đêm đó, bên các khám tù, Ban Chấp hành của các khu đồng loạt phổ biến tiểu sử tóm tắt Võ Thị Sáu, viết đơn tố cáo cuộc hành hình phi pháp của Thực dân Pháp. Còn những người tù làm thợ hồ thì bí mật bàn xong phương án đúc tấm bia, để kịp đặt lên ngôi mộ của chị Sáu vào ngày mai.

04 giờ sáng ngày 23/01/1952, nhằm ngày 27 tháng chạp năm Tân Mão, lúc trời còn tối sẫm, sương trời giăng lạnh, bọn thực dân Pháp và cai ngục đã lén lúc đưa chị ra Hàng Dương để xử bắn. Mặc dù cận kề bên cái chết, nhưng chị Sáu không cho Viên cố đạo rửa tội. Chị nói: chính thực dân Pháp xâm lược mới là kẻ có tội với đất nước, với dân tộc Việt Nam; Chị cũng yêu cầu không bịt mắt, để Chị được ngắm nhìn đất nước của mình lần cuối cùng. Chị nhìn khắp đất trời, núi non, nghe tiếng sóng biển cả, rồi Chị cất cao tiếng hát, bài Tiến quân ca. Tiếng hát của chị như vang cả núi rừng, đất trời Côn Đảo. Hết bài hát, Chị nhìn thẳng vào những tên đao phủ đang run rẩy giương súng. Chị Sáu hô vang: Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm.

Sau lời hô của Chị là những tiếng súng nổ chệch choạng, những tên đao phủ nhắm mắt bóp cò, hai vệt máu từ vai và sườn của chị tuôn đỏ. Chị vẫn tiếp tục hát cho đến khi tên đội trưởng bước đến sát bên chị bóp cò. Lúc đó, hơn 2000 tù nhân từ phía các khám tù đồng thanh hô vang: Đả đảo thực dân Pháp, Đả đảo hành hình, Tinh thần Võ Thị Sáu bất diệt.

Chị Sáu hy sinh trong lúc tuổi đời còn rất trẻ, thời gian tham gia cách mạng chưa nhiều, nhưng hình ảnh hiên ngang, bất khuất đứng trước họng súng của kẻ thù và những huyền thoại về chị Sáu vẫn luôn sống mãi với thời gian, mãi mãi ghi sâu vào tâm khảm của biết bao bạn tù nơi Côn Đảo. Sự hy sinh của Chị đã để lại biết bao niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội và đồng bào. Tinh thần đấu tranh và hy sinh cao cả của Chị là lời tố cáo đanh thép đối với sự áp bức, bốc lột tàn bạo, dã man và âm mưu hèn hạ của chế độ thực dân Pháp lúc bấy giờ. Với những chiến công và tinh thần hy sinh anh dũng, chị Võ Thị Sáu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng sáu chữ vàng: “Sống anh dũng, chết vẻ vang “; ngày 02/08/1993, Chị được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chị Võ Thị Sáu đã ra đi, nhưng tinh thần bất diệt của chị vẫn sống mãi trong mỗi người chúng ta. Tên của chị được nhắc đến bằng tất cả sự kính trọng, và tên của Chị trở thành tên đường, tên trường, tên đoàn, tên đội, tên của các đơn vị lực lượng vũ trang khắp mọi miền đất nước. Gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của chị đã góp phần làm nên trang sử cách mạng hào hùng của dân tộc, làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước. Chị đã thắp cho tuổi trẻ ngọn đuốc sáng ngời tình yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, đồng chí./.