Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu – Người liệt nữ trung kiên

Trong 02 cuộc kháng chiến, Đất Đỏ luôn là căn cứ địa cách mạng. Mặc dù phải đối phó với nhiều kẻ thù, từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, bọn ngụy quyền và quân chư hầu. Dù bom đạn kẻ thù cày xới, tàn phá làng quê, gieo bao nỗi đau thương chết chóc, nhưng với truyền thống yêu nước, người dân Đất Đỏ vẫn một lòng một dạ theo Đảng, quyết đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân, đế quốc. Trong 02 cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt ấy, có biết bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Đất Đỏ đã ngã xuống, góp phần lập nên những chiến công hiển hách, trong những chiến sỹ tiêu biểu đó có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân- nữ liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, trong một gia đình nghèo ở Đất Đỏ, có 06 người con. Cha là ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa; mẹ là bà Nguyễn Thị Đậu, làm nghề buôn bán nhỏ tại chợ Đất Đỏ. Tuổi thơ của chị Sáu rất lam lũ, không có những ngày đuổi bướm hái hoa, hàng ngày chị phải phụ mẹ buôn bán ở chợ, những lúc ế ẩm, chị Sáu thường thơ thẩn nhặt hoa lê- ki-ma, xâu lại thành chuỗi, đeo vào cổ- đó là đồ trang sức duy nhất thời thơ ấu của chị.

Đầu năm 1946, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Bà Rịa lần thứ hai, khi ấy chị Võ Thị Sáu mới 13 tuổi. Mặc dù còn nhỏ, nhưng thấy cảnh áp bức, bóc lột tàn bạo, thói ngạo mạn của bọn thực dân Pháp và bọn việt gian ác ôn, chị đã nung nấu ý chí được theo các anh tham gia cách mạng để đánh đuổi kẻ thù. Vì vậy, nhiều lần chị dám một mình băng rừng vào cứ, để thăm người anh thứ năm, cung cấp thông tin về tình hình địch cho Đội công an xung phong huyện. Có lần, khi vừa biết tin một người trong Đội công an xung phong ra đầu thú, chị tức tốc băng rừng chạy thẳng lên căn cứ, báo cho các anh để sơ tán và chuẩn bị tổ chức phục kích, nhờ đó Đội Công an xung phong đã tránh được trận càn của kẻ thù ngay trong đêm ấy.

Với bản chất quả cảm, mưu trí, nhanh nhẹn, thông thạo địa bàn, Mùa thu năm 1947, chị Sáu chính thức được tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm mật hộ viên công an xung phong Đất Đỏ. Cuối năm 1947, chị Sáu được cử đi học lớp thiếu sinh quân đầu tiên tại chiến khu Long Mỹ. Tại đây chị đã cắt tóc thề ngang vai. Mái tóc thề đó đã theo chị Sáu đi suốt chặng đường chiến đấu, cho đến khi ra pháp trường, mái tóc thề vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, vẫn hiên ngang, ngạo nghễ trước kẻ thù và mái tóc thề của chị đã trở thành hình tượng đẹp nhất trong lòng đồng đội, trong lòng nhân dân Đất Đỏ.

Chỉ sau 2 năm tham gia hoạt động cách mạng, năm 1949, chị đã trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội công an xung phong Đất Đỏ. Trong thời gian hoạt động, Chị luôn chủ động, sáng tạo xử trí trong mọi tình huống, luôn thay hình, đổi dạng để qua mắt bọn mật thám, có lúc chị đóng vai người đi chợ, khi thì làm thợ cấy, thợ gặt. Nơi nào Đội Công an xung phong chuẩn bị về hoạt động là chị đến trước để trinh sát địa bàn, nắm tình hình địch. Nhờ đó, Đội công an xung phong ít bị địch phục kích, đỡ tổn thất, thương vong. Trong cách đánh, chị bao giờ cũng đưa ra những ý kiến táo bạo, đánh địch ngay tại hang ổ của chúng, ngay tại nơi chúng gây tội ác. Tiêu biểu nhất là chị dùng lựu đạn phá cuộc mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp tổ chức tại Đất Đỏ; ném lựu đạn làm trọng thương tên ác ôn cai tổng Tòng ngay tại văn phòng làm việc của hắn. Sau nhiều lần tìm diệt bọn thực dân Pháp và việt gian ác ôn, địch vô cùng lo sợ và căm tức Đội công an xung phong, mà tiên phong là chị Võ Thị Sáu, nên chúng ra sức truy lùng ráo riết để bắt cho được chị.

Tháng 12 năm 1949, đơn vị của chị được giao nhiệm vụ tiêu diệt tên cả Suốt và cả Đây. Chị Sáu đề xuất phương án tiêu diệt hai tên này ngay tại chợ Đất Đỏ. Trong phiên chợ Tết năm Canh Dần 1950, chị Sáu đã len lõi vào dòng người, theo sát cả Suốt và cả Đây đang cướp giật hàng bán tết của bà con, khi thời cơ thuận lợi, chị ném lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn, làm bị thương các tên lính khác. Trận này, mặc dù đã được đồng đội nổ lực hỗ trợ, tuy nhiên chị Sáu đã bị bọn lính bắt giữ.

Sau ba ngày bị bắt, tra tấn tại bót Đất Đỏ, bọn ác ôn chuyển chị về khám Bà Rịa. Suốt hơn ba tháng trời, với nhiều cực hình tra tấn dã man, thân hình mãnh mai của Chị đầy thương tích, nhưng kẻ thù không lấy được một lời khai báo nào của Chị. Đến tháng 4/1950, chúng chuyển Chị về giam giữ ở khám Chí Hòa, Sài Gòn. Mặc dù đã bị địch tiếp tục, tra tấn rất dã man, nhưng chị Sáu vẫn không khuất phục, cùng các chị trong khám đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Trong trại giam, chị Sáu được các chị truyền đạt kinh nghiệm sống trong tù, giữ vững tinh thần lạc quan, kiên trì, vững chí. Tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng, Chị Sáu còn tích cực tham gia học văn hóa, học hát, học múa, học thêu thùa.

Một năm sau- năm 1951, thực dân Pháp đưa Chị ra xét xử trước Tòa án Binh và kết án tử hình. Nghe tin dữ, mẹ của chị Sáu đau điếng, khóc cạn nước mắt. Bà quyết định dò đường từ quê lên Sài Gòn để tìm gặp cho được đứa con gái yêu thương lần cuối. Sau hơn 01 năm bị tra tấn tù đày, khi gặp lại mẹ, lần đầu tiên chị Sáu bật khóc, nước mắt của chị ướt đẩm trên vai mẹ, vì chị hiểu rằng, đây là lần cuối cùng được nhìn người mẹ hiền thân yêu, người mẹ đã sớm hôm tần tảo nuôi anh em của chị lớn khôn.

Bản án tử hình đã ban, nhưng thực dân Pháp không dám xử bắn chị Sáu tại Sài Gòn, nên chúng âm mưu lập kế hoạch đưa chị ra Côn Đảo. Để tránh dư luận, báo chí, vào ngày 21/01/1952, khi màn đêm còn bao phủ khắp trời đất, bọn lính Pháp còng tay chị, âm thầm đưa xuống tàu tại bến Bạch Đằng. Áp giải chị Sáu- một cô gái mãnh khảnh, tay chân bị xiềng xích, có cả một tiểu đội lính lê dương mũ đỏ và bọn lính chuyên nhận lệnh hành quyết mặt mày đần đần sát khí. Trên chuyến tàu hôm đó còn có 3 tử tù và 40 bạn tù khác. Chị Sáu là người phụ nữ duy nhất, trẻ tuổi nhất trong đoàn tù hôm đó.

Đến Côn Đảo, chị Sáu bị cách ly với những người tù khác và bị giam ở xà lim Sở Cò. Bọn cai ngục dự định đến ngày mốt sẽ đưa chị ra hành quyết. Trưa hôm sau, ngày 22/1/1952, người tù làm bồi của Sở Cò đưa cơm vào xà lim. Anh ta chuyển lời chào của Đảo ủy và liên đoàn tù nhân đến chị Sáu, động viên chị nêu cao khí tiết trước kẻ thù và trước cái chết. Chị Sáu xúc động trả lời: Các anh chị yên tâm, em đã chọn theo con đường chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, thì em cũng biết chọn cho mình cái chết xứng đáng. Em gửi lời chào hết các anh chị!

Đến chiều hôm đó, chị Sáu xin nước để tắm gội. Người bồi hỏi chị cần gì nữa không? Chị nói: Chị ao ước được ra sân một lát, để ngắm trời đất quê hương mình. Lời đề nghị của chị được tên Cò cai quản đồng ý và cho chị ra sân 10 phút.

Tối hôm đó, chị Sáu không ngủ, chị thao thức và hát suốt đêm. Những bài hát về cách mạng mà chị đã học được ở khám Chí Hòa. Cũng trong đêm đó, bên các khám tù, Ban Chấp hành của các khu đồng loạt phổ biến tiểu sử tóm tắt Võ Thị Sáu, viết đơn tố cáo cuộc hành hình phi pháp của Thực dân Pháp. Còn những người tù làm thợ hồ thì bí mật bàn xong phương án đúc tấm bia, để kịp đặt lên ngôi mộ của chị Sáu vào ngày mai.

04 giờ sáng ngày 23/01/1952, nhằm ngày 27 tháng chạp năm Tân Mão, lúc trời còn tối sẫm, sương trời giăng lạnh, bọn thực dân Pháp và cai ngục đã lén lúc đưa chị ra Hàng Dương để xử bắn. Mặc dù cận kề bên cái chết, nhưng chị Sáu không cho Viên cố đạo rửa tội. Chị nói: chính thực dân Pháp xâm lược mới là kẻ có tội với đất nước, với dân tộc Việt Nam; Chị cũng yêu cầu không bịt mắt, để Chị được ngắm nhìn đất nước của mình lần cuối cùng. Chị nhìn khắp đất trời, núi non, nghe tiếng sóng biển cả, rồi Chị cất cao tiếng hát, bài Tiến quân ca. Tiếng hát của chị như vang cả núi rừng, đất trời Côn Đảo. Hết bài hát, Chị nhìn thẳng vào những tên đao phủ đang run rẩy giương súng. Chị Sáu hô vang: Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm.

Sau lời hô của Chị là những tiếng súng nổ chệch choạng, những tên đao phủ nhắm mắt bóp cò, hai vệt máu từ vai và sườn của chị tuôn đỏ. Chị vẫn tiếp tục hát cho đến khi tên đội trưởng bước đến sát bên chị bóp cò. Lúc đó, hơn 2000 tù nhân từ phía các khám tù đồng thanh hô vang: Đả đảo thực dân Pháp, Đả đảo hành hình, Tinh thần Võ Thị Sáu bất diệt.

Chị Sáu hy sinh trong lúc tuổi đời còn rất trẻ, thời gian tham gia cách mạng chưa nhiều, nhưng hình ảnh hiên ngang, bất khuất đứng trước họng súng của kẻ thù và những huyền thoại về chị Sáu vẫn luôn sống mãi với thời gian, mãi mãi ghi sâu vào tâm khảm của biết bao bạn tù nơi Côn Đảo. Sự hy sinh của Chị đã để lại biết bao niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội và đồng bào. Tinh thần đấu tranh và hy sinh cao cả của Chị là lời tố cáo đanh thép đối với sự áp bức, bốc lột tàn bạo, dã man và âm mưu hèn hạ của chế độ thực dân Pháp lúc bấy giờ. Với những chiến công và tinh thần hy sinh anh dũng, chị Võ Thị Sáu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng sáu chữ vàng: “Sống anh dũng, chết vẻ vang “; ngày 02/08/1993, Chị được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chị Võ Thị Sáu đã ra đi, nhưng tinh thần bất diệt của chị vẫn sống mãi trong mỗi người chúng ta. Tên của chị được nhắc đến bằng tất cả sự kính trọng, và tên của Chị trở thành tên đường, tên trường, tên đoàn, tên đội, tên của các đơn vị lực lượng vũ trang khắp mọi miền đất nước. Gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của chị đã góp phần làm nên trang sử cách mạng hào hùng của dân tộc, làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước. Chị đã thắp cho tuổi trẻ ngọn đuốc sáng ngời tình yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, đồng chí./.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời