Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành Vũng Tàu

Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành được diễn ra vào các ngày 16, 17, 18/10 Âm lịch hàng năm tại Miếu Hòn Bà Vũng TàuĐình thần Thắng Tam Vũng Tàu.

Miếu Bà Ngũ Hành cùng với lăng ông Nam Hải và đình thần Thắng Tam, miếu Bà Ngũ Hành tạo thành một quần thể kiến trúc di tích và lễ hội tập trung tại khu đình thần Thắng Tam. Miếu Bà Ngũ Hành được sáng lập và xây dựng vào năm Nhâm Thìn 1832, được vua Thiệu Trị tặng cấp 04 đạo sắc Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng Thần vào năm 1845-1846. Vua Tự Đức tặng cấp 02 đạo sắc Thiên Y A Na Thần Nữ Thượng Đẳng Thần và Thủy Long Thần Nữ thượng đẳng thần vào năm 1850. Tên miếu được nhân dân gọi theo đối tượng thờ cúng chính trong miếu, được ghi rõ trên bức hoành treo trước cửa chính điện: “Ngũ Hành miếu”. Nhiều người gọi miếu Ngũ Hành là miếu Bà ngũ hành, còn ngư dân địa phương thường gọi là miếu Bà (các đối tượng thờ trong miếu đều là bà).

Lễ hội Miếu bà Ngũ hành được tổ chức hàng năm trong ba ngày, từ 16 đến 18 tháng 10 âm lịch.Thông thường từ 6 giờ sáng ngày 16 tháng 10, người ta tổ chức lễ nghinh Bà. Đám rước gồm có chủ lễ, học trò lễ, dân làng với kiệu, bàn thờ bài trí ngũ sự, trầu cau, hoa quả, rượu trà, cờ ngũ hành, chiêng trống, đoàn múa lân… Ra miếu hòn Bà – bãi Sau nghinh Bà về Miếu Ngũ Hành cúng lễ.

Điều đặc biệt của lễ nghinh Bà ngũ hành khác với nghinh Ông là đám rước đi bộ trên đất liền, không dùng ghe, kể cả khi hòn Bà (nằm cách bờ biển chừng 50 mét, vì vậy người ta thường chọn khi thủy triều xuống mới ra nghinh Bà). Từ hòn Bà, đám rước theo đường Thùy Vân, qua đường phan Chu Trinh ra đường Hoàng Hoa Thám về khu đình thắng Tam.Sau khi nghinh Bà về đến miếu, khoảng 8 giờ – 8 giờ 30 tổ chức nghi cúng giỗ tiền hiền – hậu hiền.Trước khi cúng chính lễ, khoảng 11 giờ tổ chức Bóng rỗi, chầu mời, với ý nghĩa mời Bà về dự lễ và múa dâng mâm vàng, mâm bạc cho bà.

Đúng 12 giờ trưa bắt đầu nghi lễ cúng ngũ hành. Đây là chính lễ, vừa cúng nghinh vừa cúng tạ thần. Bắt đầu vào lễ cúng, người ta đánh ba hồi chiêng trống ( một chấp sự đánh chiêng, một chấp sự đánh trống). 8 học trò lễ và 6 đào thài thực hiện những nghi thức truyền thống. Trước bàn thờ ngũ hành bốn phụ nữ quỳ chuẩn bị tế lễ: gồm 1 chánh tế, 1 bồi tế, hai bên là đông hiếu và tây hiếu. Tiếp theo là 4 người trang phục lính hầu, tay cầm mác. Chủ lễ cúng thần dâng một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà. Người ta chuẩn bị một Bà cốt, chủ tế cúng nguyện và bà nhập vào bà cốt. Thông qua bà cốt, thần sẽ chuyển tải những điều cần mách bảo cho dân làng. Sau cùng chủ lễ hóa văn tế (gọi là sớ). Những người tham dự cúng lễ lần lượt lạy tạ Bà và bày tỏ những ước nguyện của mình và gia đình, cầu mong Bà độ trì và giúp đỡ.

Bên cạnh việc tổ chức nghi lễ, thường là hát bội: diễn các vở Phan Thế Ngọc đả lôi đài, Sở Văn cứu giá, mai trắng xe duyên, xử án phi giao, lễ tôn soái Dương Kim Huệ … Ngay trong buổi chiều của ngày cúng lễ đầu tiên, ban quý tế đã tổ chức lễ đại bội và đến khoảng 3 giờ chiều diễn sơ cổ kịch bản. Dân làng Thắng Tam thường gọi là lễ trình tuồng. Sau đó là bóng rỗi, múa mâm vàng, mâm bạc dâng Bà.

Di tích, lễ hội miếu Bà Ngũ Hành có chiều hướng thu hút đông đảo người tham dự, không chỉ cộng đồng dân cư thành phố Vũng Tàu mà còn nhiều cộng đồng dân cư khác trong Tỉnh và cả nhiều du khách thập phương trở thành phong tục tốt đẹp của địa phương, của lễ hội. Di tích có những đặc điểm riêng gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân Vũng Tàu là điểm tựa tinh thần, nơi vui chơi giải trí, giao lưu cộng cảm và trao truyền đạo lý.

TTTTXTDL

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận