Hòn Bà Vũng Tàu

Hòn Bà là một hòn đảo đá duy nhất, quanh năm rì rầm sóng vỗ nằm ở gần mũi Nghinh Phong, Bãi Sau của TP. Vũng Tàu. Trên đảo bao phủ màu xanh của một số cây dừa, cau, dương và sứ…

Lịch sử đảo Hòn Bà Vũng Tàu

Năm Tân Tỵ (1881) ở làng Thắng Tam có một người quê gốc miền Trung tên là Hồ Quang Minh đã tự bỏ tiền xây Miếu Bà trên đảo Hòn Bà để thờ Thủy Long Thần Nữ. Ông Hồ Quang Minh là người yêu nước, thương dân. Khi hay tin triều đình Huế cắt Nam Kỳ lục tỉnh cho người Pháp, ông vô cùng đau đớn, phẫn nộ, muốn làm việc lớn để giúp dân nhưng chưa làm được. Ông quyết định bỏ toàn bộ tài sản xây Miếu Bà trên đảo Hòn Bà, với ý nguyện cầu mong Thủy Long Thần Nữ phù hộ ngư dân gặp may mắn, bình an trong những chuyến đi biển. Xây xong miếu, ông Hồ Quang Minh đã tự thiêu trên đảo Hòn Bà để lại di nguyện cuối cùng là vĩnh viễn nằm lại Hòn Bà để cùng Thủy Long Thần Nữ trợ giúp ngư dân.

Hòn Bà Vũng Tàu

Theo thời gian, người dân Vũng Tàu đã nhiều lần tu bổ Miếu Bà ngày càng vững chắc, khang trang hơn. Phần chính của ngôi miếu cao khoảng 4m, bên trong có điện thờ các vị thần linh, dưới có tầng hầm dài 6m, rộng 3m làm nơi ăn ở cho người coi miếu. Thời Pháp thuộc, tầng hầm này là nơi hội họp của những người yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Năm Kỷ Mão (1939), viên sĩ quan Pháp chỉ huy trận địa pháo trên Núi Nhỏ tên là Archinard rất ngông cuồng. Nghe thông tin Miếu Bà là nơi hội họp của người yêu nước, hắn ra lệnh bắn 3 phát đại bác vào Miếu Bà, trong đó có 2 phát đạn trúng góc miếu. Hai ngày sau, Archinard mò ra đảo Hòn Bà khảo sát thực địa. Nhưng thật kỳ lạ, viên sĩ quan Pháp ngông cuồng đã bị cướp cò súng, chết ngay trên đảo.

Sau cái chết của Archinard, binh lính Pháp khiếp sợ không dám ra đảo Hòn Bà nữa. Để ghi nhớ sự kiện này, người Pháp gọi đảo Hòn Bà là đảo Archinard.

Kiến trúc miếu Hòn Bà

Kiến trúc miếu Hòn Bà gồm cổng và tòa chánh điện. Cổng là 2 trụ thẳng bằng bê tông cốt sắt đỡ toàn bộ mái lợp ngói, phía trên bờ nóc của mái trang trí mô típ “Lưỡng long chầu nhật” (cặp rồng chầu hình mặt trời), kiểu cách điệu. Du khách đi tham quan miếu Hòn Bà men theo con đường bậc tam cấp được làm bằng bê tông từ cổng lên tới tòa chánh điện rồi vòng lại cổng.

Toà chánh điện mở cửa nhìn ra hướng đông nam, theo kiểu kiến trúc tứ trụ, gồm hai tầng tám mái (tượng trưng), lợp ngói, sơn màu đỏ, trên các bờ nóc và bờ diềm mái đều trang trí hình chim phượng cách điệu. Tầng trên được thu nhỏ rồi mở rộng ra bốn hướng, rồi nhô hẳn trên cao để tạo một khối kiến trúc hình vuông theo tỷ lệ nhỏ hơn tầng dưới, để mục đích vừa chống nóng và vừa trang trí. Loại hình kiến trúc này gồm 4 mái ở dưới và bốn mái ở trên, đều dốc ra bốn phía…

Tòa chánh điện thờ chính là Thủy Long thần nữ còn có tên là Mẫu Thoải, vị nữ thần dân gian Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý các miền biển, sông nước. Mẫu Thoải có mặt ở khắp mọi nơi để giúp đỡ mọi người mỗi khi đi qua các vùng sông nước. Mỗi khi vùng nào gặp hạn hán, mẫu phái tướng sĩ đi lo việc làm mưa. Còn vùng nào gặp bão lụt, mẫu lại hóa phép để gió yên, mưa tạnh. Các loài thủy quái, thủy tặc, do có các thần tướng của Mẫu Thoải canh chừng, nên cũng không thể tùy tiện tác oai, tác quái. Trong quan niệm tâm linh tín ngưỡng dân gian truyền thống lâu đời của người Việt, Thủy Long thần nữ luôn đồng nghĩa là hình ảnh của bà mẹ hiền lành, đảm đang, suốt đời lo lắng, giúp đỡ, phù hộ độ trì cho cư dân sinh sống ở các vùng ven biển hay sông nước.

Bên trong miếu thờ tại trung tâm, bài trí bàn thờ đặt bài vị và năm pho tượng Ngũ Hành Nương Nương với mỹ danh Ngũ Đức Thánh Phi gồm: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Theo quan niệm của hệ thống triết học Phương Đông cổ đại, đây là năm vị nữ thánh tượng trưng cho 5 yếu tố vật chất cơ bản là (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) để hình thành vũ trụ. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Ngũ Đức Thánh Phi tại miếu thờ Hòn Bà mang giá trị tưởng niệm, tri ân và nhân văn, nơi đây có thể gọi là ngôi đền về vũ trụ…

Những ngày lễ chính tại Hòn Bà

Hằng năm tại Miếu Bà có 4 lễ hội vào tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Mười âm lịch. Trong đó, lễ hội lớn nhất là Rằm tháng Giêng. Trong những ngày lễ hội, người dân Vũng Tàu, khách du lịch và ngư dân từ nhiều nơi nườm nượp lội bộ theo con đường đá dưới đáy biển vừa phát lộ khi thủy triều rút xuống để ra đảo tham dự lễ hội. Họ đến đây thành tâm cầu mong cho quốc thái dân an, cuộc sống ấm no hạnh phúc, những chuyến ra khơi đánh bắt gặp nhiều thuận lợi, vùng biển đảo của Tổ quốc mãi mãi giàu đẹp, yên bình.

Hướng dẫn đến đảo Hòn Bà Vũng Tàu

Địa chỉ: Mũi Nghinh Phong, đường Hạ Long, P. 2, TP. Vũng Tàu

Từ mũi Nghinh Phong nhìn ra biển, du khách thấy một hòn đảo nhỏ, dưới chân đảo sóng biển tung bọt trắng xóa, rất thơ mộng, đó là Hòn Bà.

Hòn Bà cách chân núi Nhỏ khoảng 200 m, là một thắng cảnh đẹp của Vũng Tàu, thu hút khách thập phương đến tham quan và lễ bái cầu may mắn tại ngôi miếu ở đây.

Để đến miếu Hòn Bà có hai đường, chạy hết cung đường Bãi Sau hoặc nếu chạy từ Bãi Trước thì theo đường Hạ Long vòng quanh núi Nhỏ, qua Bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong nhìn ra phía biển, du khách dễ dàng nhìn thấy một hòn đảo nhỏ nằm chơi vơi giữa biển cả mênh mông. Trên đó chính là miếu Hòn Bà.

Hòn Bà Vũng Tàu nhìn từ biển vào bằng Flycam

Những ngày nước đầy, du khách có thể đi ghe, đi thuyền ra thăm miếu. Nhưng thú vị hơn cả là cảm giác đi bộ ra đảo. Khi thủy triều rút sâu vào buổi chiều, một con đường đá gập ghềnh lộ ra, người hành hướng viếng miếu có thể gửi xe ở bãi Thùy Vân đi bộ xuống bãi tắm hướng về chân dốc Nghinh Phong và men theo lối đá để đến miếu Hòn Bà. Đoàn người nối đuôi nhau đông đúc nhưng không hề chen lấn, ai cũng như được trút bỏ những bực dọc, lo toan thường ngày để lòng nhẹ nhàng, thành kính khi viếng bà.

5/5 - (4 bình chọn)

Trả lời