Đình thần Thắng Tam Vũng Tàu

Đình thần Thắng Tam là điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo của thành phố Vũng Tàu, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan và cầu khấn. Đình tọa lạc trên đường Hoàng Hoa Thám, Phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, đây là một quần thể gồm Đình thần Thắng Tam, miếu Ngũ Hành và lăng Cá Ông.

Đình thần Thắng Tam

Được xây dựng từ đời vua Minh Mạng , ban đầu chỉ được làm băng tre lá. Đến năm 1835 nhân dân đã đóng góp tu sửa, lợp mái ngói cho đình và đến năm 1965 đình được trùng tu, xây dựng kiên cố và giữ nguyên bố cục kiến trúc như ngày nay. Đình thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng ở Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Vào thời vua Gia Long, bọn hải tặc thường hay đột nhập cửa sông Bến Nghé đón đường cướp bóc tiền bạc, hàng hoá. Để bảo vệ thương thuyền của người Việt, vua Gia Long liền phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền bảo vệ sự thanh bình của bờ biển cửa ngõ, và khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống.

Khoảng năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tình trạng hải tặc không còn nữa, nhà vua ban chiếu khen thưởng chức tước, phẩm hàm và phần đất mà ba đội quân có công khai phá cho họ. Từ ba vị trí của ba đội quân dần dần hình thành nên ba làng. Làng thứ nhất gọi là làng Thắng Nhất do ông Phạm Văn Dinh cai quản, làng Thắng Nhì do ông Lê Văn Lộc cai quản, làng Thắng Tam do ông Ngô Văn Huyền cai quản.

Sau này, ba ông trở thành Tiền Hiền được thờ tại ba ngôi đình của ba làng nói trên. Đình có kiến trúc theo lối nối tiếp gồm bốn ngôi nhà nối liền nhau bằng một lối đi bên hông, đó là Tiền Hiền – Hội Trường – Đình Trung – Sân khấu võ ca. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngôi Tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có “lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng. Nội thất nhà Tiền Hiền bày 4 bàn thờ gồm bàn thờ thổ công, Tiền Hiền, Hậu Hiền và Tiền Vãng – Hậu Vãng.

Hội trường là nơi sinh hoạt của các hội viên. Tiếp sau phần hội trường là ngôi Đình Trung có cấu trúc tương tự ngôi Tiền Hiền, bày 10 bàn thờ gồm bàn thờ Thần Nông, Thiên Y A Na, Ngũ Đức, Thánh Phi, Hậu Hiền, Hội Đồng, Phụ Án – Cao Các, Thiên Sư, Ngũ Thơ và Ngũ Tự – Tiền Hiền. Còn sân khấu võ ca là nơi diễn tuồng, hát bội khi đình có lễ.

Miếu Bà Ngũ Hành

Khi bước vào Cổng khu di tích, du khách nhìn về phía bên tay trái đó chính là Miếu Bà Ngũ Hành. Miếu được xây dựng vào cuối thế kỉ XIX thờ năm bà nữ thần: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngoài ra miếu còn thờ 2 vị hộ quốc được vua thăng Thượng Đẳng Thần là bà Thiên Y A Na và Thủy Long Thần Nữ.

Miếu Bà Ngũ Hành được xây dựng theo lối kiến trúc một gian hai chái, trên mái có “ lưỡng long chầu nguyệt”. Trong Miếu có 8 bàn thờ: giữa chính điện là bàn thờ 5 bà Ngũ Hành và hai vị Thượng Đẳng Thần; hai bên là bàn thờ 5 cô và 5 cậu; bên trái thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương là những bậc trung nghĩa sẳn sàng cứu hộ những người đi biển khi họ gặp chuyện không may; Bên phải là bàn thờ Ông Địa – Thổ Công; phía sau là bàn thờ Tiền Hiền và những người giàu lòng nhân ái, độ lượng trong làng.

Lăng Cá Ông

Lăng Cá Ông nằm bên phải của khu di tích được xây dựng cùng thời kỳ với Miếu Bà ngũ Hành. Trong lăng hiện nay có một phần bộ xương của Cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ khoảng 100 năm trước. Lăng có kiến trúc theo lối cổ xưa, bên trong trưng bày tủ kính lớn chứa xương của Cá Ông và tương xứng với ba bàn thờ. Hai bên có thêm hai bàn thờ của Bà Sáu ( Thần Rùa) và tổ nhạc.

Hiện nay, khu di tích Đình thần Thắng Tam còn lưu giữ 12 sắc phong của vua Thiệu Trị và Tự Đức, trong đó có 6 sắc phong cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải (Cá Ông), 3 sắc phong cho Thiên Y A Na diễn Ngọc Phi và 3 sắc phong cho Thủy Long Thần Nữ.

Lăng ông Nam Hải

Hàng năm, đình thần Thắng Tam có 3 lễ hội lớn là cầu an (từ 17 đến 20-2 âm lịch), Nghinh Ông (từ 16 đến 18-8 âm lịch) và miếu Bà (từ 16 đến 18-10 âm lịch). Theo Ban quản lý khu di tích lịch sử đình thần Thắng Tam, vài năm gần đây, các lễ hội lớn trong năm của đình được TP. Vũng Tàu nâng cấp về quy mô, trong đó, lớn nhất là lễ hội Nghinh Ông có mở rộng thêm phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao, chương trình nghệ thuật tạo không khí sôi động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần cho nhân dân và phát huy giá trị của lễ hội, đồng thời nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương.

5/5 - (4 bình chọn)

Trả lời