Cảng Cái Rồng

Cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) là điểm trung chuyển phục vụ tuyến giao thông đường thủy từ trung tâm thị trấn Cái Rồng ra các xã đảo của huyện Vân Đồn, huyện đảo Cô Tô. Cảng cũng là nơi neo đậu phương tiện của ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản trở về đất liền.

  • Tên cơ quan: Ban quản lý cảng Cái Rồng
  • Địa chỉ: Khu 9 – Thị trấn Cái Rồng – Vân Đồn- Quảng Ninh
  • Điện thoại: 033. 3874603

Giới thiệu cơ bản Cảng Cái Rồng

Cảng Cái Rồng (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) có hoạt động vận tải hành khách lớn nhất trên địa bàn Quảng Ninh hiện nay, là cửa ngõ kết nối với các tuyến đảo của Vân Đồn và Cô Tô.

Cảng chính thức hoạt động từ tháng 4/2017, quyền quản lý, khai thác được chuyển giao cho Công ty TNHH Vận tải Ka Long. Công ty TNHH Vận tải Ka Long đã đầu tư đồng bộ hạ tầng cảng, bến khách với nhà chờ mới rộng 300m2, mái che rộng 500m2 được bố trí 450 ghế ngồi, đảm bảo tiếp nhận 1.000 hành khách cùng lúc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, cảng còn được trang bị hệ thống bảng thông báo điện tử hiện đại, loa phát thanh thông báo, cập nhật lịch tàu chạy, cổng soát vé bằng thẻ từ điện tử kết nối với hệ thống máy chủ.

Đặc biệt, công tác tổ chức, sắp xếp tại cảng đã được củng cố chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Thay vì các đơn vị kinh doanh vận tải tự tổ chức bán vé như trước đây, hiện nay cảng đã có vị trí bán vé tập trung. Các tuyến hành trình từ cảng ra đảo đều niêm yết công khai giờ tàu chạy, hãng tàu và giá vé, các đối tượng được miễn giảm giá vé. Để thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành, giám sát an ninh, trật tự tại cảng, đơn vị quản lý đã lắp đặt hệ thống camera ghi hình tại cổng, nhà chờ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực thi công vụ tại cảng, kịp thời xử lý những hành vi trộm cắp, bán hàng rong, chèo kéo khách, gây mất an ninh, trật tự…

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Vận tải Ka Long còn ban hành bộ quy chế hoạt động tại cảng, văn hoá ứng xử trong kinh doanh vận tải hành khách. Theo đó, yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên ký cam kết, nghiêm túc thực hiện đúng các quy định, thông tư, nghị định của Nhà nước, quy tắc trong hoạt động đường thuỷ nội địa…

Hiện tại, cảng đang tổ chức khai thác tại 6 bến với tổng số 81 phương tiện chở khách đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải ra các tuyến đảo, trong đó có 60 tàu cao tốc, 4 tàu vỏ sắt, còn lại là tàu vỏ gỗ. Để tránh ùn tắc, cảng đã xây dựng lịch trình cho từng tuyến, từng phương tiện, cử cán bộ thực hiện sắp xếp và hướng dẫn các phương tiện neo đậu trong vùng nước, thực hiện ra, vào cảng an toàn, đúng thứ tự. Cụ thể, các tàu có lịch đón khách chỉ được cập cảng trước 15 phút làm thủ tục và đón khách, các tàu chưa có lịch sẽ tập kết tại vị trí quy định. Trước khi rời bến, Cơ quan Cảng vụ đường thuỷ nội địa thực hiện kiểm tra chặt chẽ các phương tiện chở khách, yêu cầu đảm bảo đầy đủ yếu tố an toàn như hệ thống PCCN, phao cứu hộ, thông tin hành khách… khi đó mới cấp phép cho tàu xuất bến.

Tại cảng Cái Rồng, các tàu có lịch đón khách chỉ được cập cảng trước 15 phút để làm thủ tục và đón khách; các tàu chưa có lịch sẽ tập kết tại vị trí quy định. Đồng thời, BQL Cảng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan, như cảnh sát giao thông, trật tự giao thông đường thủy, Cảng vụ đường thuỷ nội địa, để tổ chức tuyên truyền, kiểm tra chặt chẽ các phương tiện chở khách ra, vào cảng; yêu cầu các phương tiện phải đảm bảo đầy đủ yếu tố an toàn.

Cảng Cái Rồng Vân Đồn

Tàu xuất bến tại Cảng Cái Rồng theo nguyên tắc quay vòng, xếp lần lượt theo thứ tự, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả khai thác; khuyến khích bán vé tập trung, bán vé thanh toán online qua mạng. Vé tàu của các đơn vị kinh doanh vận tải tại Cảng đều được bán tại quầy vé tập trung, được niêm yết giá công khai để thuận tiện cho người dân và du khách tham khảo. Nhờ đó đã khắc phục tình trạng chèo kéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh như hoạt động của cảng cũ trước đây.

Quầy bán vé tập trung tại Cảng tàu khách Cái Rồng.

Trở về sau chuyến du lịch, nhiều du khách đã ghé cửa hàng OCOP được mở ngay trong khuôn viên nhà chờ cảng Cái Rồng, chọn mua những sản phẩm đặc sản của Vân Đồn như: Ruốc hàu, ruốc bề về, nước mắm … để làm quà cho gia đình.

Vị trí, chức năng Ban Quản lý Cảng Cái Rồng

1. Ban Quản lý Cảng Cái Rồng là đơn vị sự nghiệp công lập có thu thuộc Uỷ ban nhân dân huyện Vân Đồn, tự chịu kinh phí về hoạt động, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ do Uỷ ban nhân dân huyện giao về các lĩnh vực: quản lý khai thác nguồn thu tại cảng; quản lý các phương tiện thuỷ ra vào cảng đảm bảo an toàn; tổ chức các dịch vụ phục vụ phương tiện thuỷ hoạt động tại cảng; tổ chức cứu nạn, cứu hộ trong ranh giới quản lý theo quy định.

2. Ranh giới quản lý, phạm vi quản lý Cảng Cái Rồng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

3. Ban Quản lý Cảng Cái Rồng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Giao thông Vận tải.

Cảng Cái Rồng Vân Đồn, Quảng Ninh

Nhiệm vụ quyền hạn Ban Quản lý Cảng Cái Rồng

1. Quản lý và khai thác có hiệu quả các công trình, các hạng mục cảng được Uỷ ban nhân dân huyện giao theo quy định của pháp luật; xây dựng nội quy ra vào Cảng và các quy định về công tác quản lý phương tiện hoạt động, neo đậu trong vùng nước Cảng đảm bảo công tác an toàn giao thông trong khu vực Cảng Cái Rồng.

2. Tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành đến các chủ phương tiện thuỷ hoạt động và neo đậu tại Cảng.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác kiểm tra, lập biên bản và đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền xử lý phương tiện vi phạm, đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông trong khu vực Cảng Cái Rồng.

4. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng chống bão, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai trong khu vực Cảng.

5. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong khu vực Cảng, tham mưu và đề xuất để đảm bảo trong công tác an toàn giao thông thuỷ tại Cảng; thực hiện quản lý Cảng theo Luật Giao thông thuỷ nội địa.

6. Tổ chức ký hợp đồng với các chủ phương tiện thường xuyên ra vào Cảng (gồm các tổ chức và cá nhân) theo quy định của pháp luật.

7. Tổ chức thu các loại phí: bến bãi, mặt nước, phương tiện ra vào Cảng, vệ sinh môi trường và các phí dịch vụ theo quy định của pháp luật.

8. Tham mưu, xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch đảm bảo an toàn cho các hạng mục công trình cảng và đảm bảo an toàn giao thông thuỷ trong khu vực Cảng.

 

4.9/5 - (7 bình chọn)

Trả lời