Sùng Hưng cổ tự – ngôi chùa lâu đời nhất tại Phú Quốc

Sùng Hưng Tự là một trong những ngôi chùa cổ nhất thuộc thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc. Ngôi chùa này tọa lạc trên một ngọn núi ngay trung tâm thị trấn, được xây dựng theo phong cách kiến trúc dân gian rất cổ xưa: miếu phía trước, chùa nằm phía sau.

Ý nghĩa tên gọi Sùng Hưng cổ tự

Theo ghi chép được ghi trong các tài liệu, ngôi chùa này được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX. Trước kia, khu đất này là một nghĩa địa vắng vẻ, người dân địa phương đã tiến hành xây dựng nên chùa Sùng Nghĩa và Hưng Nhân để thờ cúng và cầu siêu cho các linh hồn được chôn cất tại vùng này. Sau này hai ngôi chùa này hợp nhất và được gọi là Sùng Hưng Tự – tên được ghép từ tên của hai ngôi chùa Sùng Nghĩa và Hưng Nhân.

Lịch sử hình thành chùa Sùng Hưng

Theo tài liệu còn lưu lại, thì trước kia nơi đây là nghĩa địa hoang vắng, Thi sĩ Đông Hồ đã có đoạn miêu tả như sau:”Trước kia nơi đây là đất nghĩa địa, có Chùa thờ là Sùng Nghĩa Tự và một Chùa nữa là Hưng Nhân Tự. Sau đó sửa chung làm một và lấy hai chữ Sùng – Hưng làm hiệu Chùa”. Trong một quyển sách chuyên khảo về Phú Quốc bằng Pháp văn (năm 1906), ngôi Chùa Sùng Hưng đã được nhắc đến như sau: “Phú Quốc chỉ có một ngôi chùa ở Dương Đông, nơi đây người An Nam, người Tàu, người Minh Hương không phân biệt, đến cúi lạy và cầu nguyện”

Đến nay vẫn chưa biết được chính xác năm thành lập cũng như pháp danh, thế danh và hành trạng của những đời Trụ trì đầu tiên của Chùa Sùng Hưng mà chỉ tạm biết rằng Chùa được xây dựng hợp nhất vào cuối thế kỷ XIX, các đời Trụ trì thứ 5 và thứ 6 là Hòa thượng Thích Đạt Vĩnh và Hoà thượng Thích Minh Khiêm đều thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 38.

Đến khoảng đầu thập niên 20 của thế kỉ XX, Hòa thượng Tịnh Nghĩa được tông phong tại Tổ đình Quan Âm (Hồng Ngự) cử ra đảo giữ mối đạo Cổ Sơn Môn. Hoà thượng Tịnh Nghĩa cho trùng tu Chùa lần đầu vào năm 1924 và đảm nhiệm Trụ trì đời thứ 7 của Chùa. Sư viên tịch ngày Rằm tháng Hai năm 1946 Bính Tuất, thọ 61 tuổi. Đồ chúng lập Tháp thờ Sư trong khuôn viên Chùa. Kế vị trụ trì là Hòa thượng Thích Huệ Chánh (thế danh Đinh Văn Dần). Năm 1960, Sư cho đại trùng tu các công trình Phật sự trong chùa với mái lợp ngói âm dương và tường gạch giúp cho Chùa thêm vững chắc và trang nghiêm, đồng thời cũng nhằm góp thêm cho đồ chúng được có nơi tu tập. Do niên cao lạp trưởng nên Hòa thượng Huệ Chánh đã thâu thần thị tịch vào mồng 2 tháng Mười Một năm 2007. Kế vị Trụ trì đời thứ 9 của Chùa là Yết ma Huệ Thông (Sư đã quy tây ngày 12/03/Ất Mùi 2015). Hiện nay, Tỳ kheo Huệ Minh được tấn cử đảm nhiệm quản lý và trông coi Phật sự của Chùa.

Kiến trúc Sùng Hưng tự

Khuôn viên chùa khá rộng, gồm các công trình kiến trúc, nhà thờ tổ, tòa chính điện… Các công trình Phật sự trong chùa được làm với mái lợp ngói âm dương và tường gạch từ năm 1924. Sùng Hưng cổ tự được xây dựng theo phong cách dân gian “trước miếu, sau chùa”.

Sùng Hưng Tự

Cổng chính của Sùng Hưng Tự nằm ở hướng Bắc, chùa có khuôn viên khá rộng lớn với các công trình kiến trúc khác nhau: nhà thờ tổ, gian thờ chính điện,… Các điện thờ Phật được xây dựng bằng tường gạch và lợp mái bằng ngói âm dương. Khoảng sân rộng được thiết kế ở ngay chính diện chùa, vườn tỳ ni cũng được tô điểm bằng nhiều loại cây cảnh với những hình dáng độc đáo và những bức tượng được đắp nổi theo phong cách Phật giáo quen thuộc. Giữa sân chùa là một hồ nước, phía trên có tượng thờ Quan thế Âm Bồ Tát lộ thiên, ngay phía sau tượng thờ là một cột cờ. Ngoài ra, bên trái là miếu thờ bà Chúa xứ Nương Nương, và phía đối diện là tượng thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Khu chính điện được trang hoàng bằng những câu đối được sơn son thếp vàng, nhưng không mất đi sự tôn nghiêm bởi hệ thống hoành phi, cùng với nhiều bức tượng bằng gỗ, thạch cao hay tượng đúc đồng được điêu khắc rất tỉ mỉ và tinh xảo. Điện trung tâm được thiết kế thành ba tầng thờ Tam Thế Phật, trong đó: tầng trên cùng ở chính giữa là tượng Phật A Di Đà; phải trái lần lượt là tượng Đại Thế Chí và tượng Quan Thế Âm. Hai gian cạnh chính điện thờ Thập Điện Diêm Vương và Ngũ Điện Diêm Vương.

Khu Hậu tổ và Hậu Liêu nằm ở phía sau chính điện, khu vực này khá mát mẻ bởi tán lá sum suê của những cây cổ thụ. Với kiến trúc độc đáo và nằm gần những công trình: Dinh Cậu, Dinh bà Thủy Long Thánh Mẫu,… đã tạo nên một cụm văn hóa tâm linh nổi tiếng tại Phú Quốc.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời