Giới thiệu khái quát về tỉnh Kiên Giang

Kiên giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long – phía Tây Nam của Tổ quốc: phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu; phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh An Giang; thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.

Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý

Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia dài 56 km, đường bờ biển dài trên 200 km. Phía Đông và Đông Nam giáp Cần Thơ, An Giang; phía Nam giáp Cà Mau và Bạc Liêu; phía Tây giáp vịnh Thái Lan, diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.269 km2, trong đó đảo Phú Quốc rộng 573 km2.

Đơn vị hành chính: Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, thị: Thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, thành phố Phú Quốc, huyện Kiên Lương; huyện Hòn Đất, huyện Tân Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, huyện Gò Quao, huyện An Biên, huyện An Minh, huyện Vĩnh Thuận, huyện Kiên Hải, huyện U Minh Thượng và huyện Giang Thành.

Nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Singapo, Kiên Giang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài.

Vị trí địa lý của Kiên Giang có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế – xã hội tổng hợp, là cửa ngõ hướng ra biển Tây của tỉnh cũng như của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đảo và giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế với các ngành mũi nhọn như du lịch, thương mại, dịch vụ công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản…

Đặc điểm địa hình

Kiên Giang vừa có vùng đồng bằng lại vừa có vùng đồi núi và biển. Ở phần đất liền, địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Vùng hải đảo Phú Quốc và Kiên Hải có nhiều núi đá, địa hình khá phức tạp. Vùng đồng bằng có độ cao từ 0,2 – 1,2 m cùng với chế độ thuỷ triều biển tây chi phối rất lớn khả năng tiêu thoát úng về mùa mưa đồng thời lại bị ảnh hưởng lớn của nước mặn, nhất là vào các tháng cuối mùa khô, gây trở ngại cho sản xuất và đời sống

Khí hậu

Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm; nhiệt độ trung bình hàng tháng từ 27 – 27,50C; lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.600 – 2.000 mm ở đất liền và 2.400 – 2.800 mm ở vùng đảo Phú Quốc. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Khí hậu ở đây rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất

Đất đai ở Kiên Giang được chia thành 4 vùng chính là vùng phù sa ngọt thuộc Tây sông Hậu (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, thị xã Rạch Giá và huyện Gò Quao), vùng phèn ngập lũ thuộc tứ giác Long Xuyên, vùng nhiễm mặn thuộc bán đảo Cà Mau và vùng đồi núi, hải đảo ở hai huyện Phú Quốc và Kiên Hải.

Đất nông nghiệp hiện có 402,6 nghìn ha, chiếm 64,2% diện tích tự nhiên; đất rừng chiếm 122,8 nghìn ha, đất chuyên dùng 35,4 nghìn ha, đất ở 10,1 nghìn ha. Ngoài ra tỉnh còn có trên 70 nghìn ha đất hoang hoá và sản xuất chưa ổn định với hơn 25 nghìn ha vườn tạp. Đây là một tiềm năng lớn cần được khai thác và sử dụng triệt để góp phần phát triển kinh tế Kiên Giang mạnh hơn nữa.

Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt khá dồi dào, nhưng đến mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) phần lớn nước mặt của tỉnh đều bị nhiễm phèn mặn, do vị trí ở cuối nguồn nước ngọt của nhánh sông Hậu, nhưng lại ở đầu nguồn nước mặn của vịnh Rạch Giá. Toàn tỉnh có 3 con sông chảy qua: Sông Cái Lớn (60 km), sông Cái Bé (70 km) và sông Giang Thành (27,5 km) và hệ thống kênh rạch chủ yếu để tiêu nước về mùa lũ và giao thông đi lại, đồng thời có tác dụng tưới nước vào mùa khô.

Tài nguyên biển

Kiên Giang có 200 km bờ biển với ngư trường khai thác thủy sản rộng 63.290 km2. Biển Kiên Giang có 143 hòn đảo, với 105 hòn đảo nổi lớn, nhỏ, trong đó có 43 hòn đảo có dân cư sinh sống; nhiều cửa sông, kênh rạch đổ ra biển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cung cấp cho các loài hải sản cư trú và sinh sản, là ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước. Theo điều tra của Viện nghiên cứu biển Việt Nam, vùng biển ở đây có trữ lượng cá, tôm khoảng 500.000 tấn, trong đó vùng ven bờ có độ sâu 20-50 m có trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng, tức là hàng năm có thể khai thác trên 200.000 tấn; bên cạnh đó còn có mực, hải sâm, bào ngư, trai ngọc, sò huyết,… với trữ lượng lớn, điều kiện khai thác thuận lợi. Ngoài ra tỉnh đã và đang thực hiện dự án đánh bắt xa bờ tại vùng biển Đông Nam bộ có trữ lượng trên 611.000 tấn với sản lượng cho phép khai thác 243.660 tấn chiếm 40% trữ lượng.

Tài nguyên rừng

Kiên Giang không có nhiều rừng, nên trữ lượng gỗ ở đây không lớn như các tỉnh khác trong vùng Đông Nam Bộ nhưng rừng ở đây lại có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường. Trên địa bàn huyện có rừng đặc dụng ở Phú Quốc, rừng bảo tồn thiên nhiên và di tích lịch sử U Minh, rừng phòng hộ ven biển. Dự kiến năm 2005, toàn tỉnh có 138.900 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ và đặc dụng là 81.400 ha, rừng sản xuất 57.500 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 22,1%.

Tài nguyên khoáng sản

Theo đánh giá, Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng khoáng sản tương đối lớn mặc dù đang ở mức thăm dò, nghiên cứu nhưng bước đầu đã xác định được 152 điểm quặng và 23 mỏ khoáng sản các loại khác: Nhiên liệu (than bùn), phi kim loại (đá vôi, đá xây dựng, đất sét), nhóm kim loại, đặc biệt là nhóm khoáng sản phi kim loại dùng để sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, than bùn có trữ lượng lớn.

Kiên Giang cũng là tỉnh duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguồn đá vôi khá phong phú, không những có giá trị về sản xuất vật liệu xây dựng mà còn tạo ra nhưng hang động và những danh lam thắng cảnh có ý nghĩa du lịch. Trữ lượng đá vôi toàn tỉnh hiện có 440 triệu tấn, có khả năng khai thác 342 triệu tấn, trong đó trữ lượng khai thác công nghiệp là 235 triệu tấn, đủ nguyên liệu để sản xuất 4,6 triệu tấn clinker/năm trong suốt 40 năm.

Than bùn, ước tính còn khoảng 150 triệu tấn, phân bổ tập trung ở U Minh Thượng, huyện An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương. Ngoài ra tỉnh còn có nhiều loại khoáng sản khác như đất sét để sản xuất xi măng, đất sét làm gạch ngói, gốm sứ.

Tiềm năng kinh tế

Tiềm năng du lịch

Kiên Giang được coi là vùng đất có “rừng vàng biển bạc” với nhiều danh lam thắng cảnh như đảo Phú Quốc, Hà Tiên, quần đảo Nam Du, quần đảo Bà Lụa, rừng U Minh Thượng, Hòn Đất…rất thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là đảo Phú Quốc trong tương lai sẽ trở thành khu du lịch sinh thái cao cấp của cả nước và khu vực. Bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều di tích văn hoá lịch sử lâu đời. Một nhà thơ đã ví Kiên Giang như Việt Nam thu nhỏ với “một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có ngọn núi chơi vơi giữa biển khơi của vịnh Hạ Long, có ít núi đá vôi của Ninh Bình, ít thạch thất sơn môn của Hương Tích, chùa chiền Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hoá và một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải…”

Kiên Giang có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi Mo So, bãi biển Mũi Nai,Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ, Hòn Đất, rừng U Minh, đảo Phú Quốc… Để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, Kiên Giang đã xây dựng 4 vùng du lịch trọng điểm như:

Phú Quốc

Phú Quốc có địa hình độc đáo gồm dãy núi nối liền chạy từ Bắc xuống Nam đảo, có rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, có nhiều bãi tắm đẹp như Bãi Trường (dài 20 km), Bãi Cửa Lấp – Bà Kèo, Bãi Sao, Bãi Đại, Bãi Hòn Thơm… và xung quanh còn có 26 đảo lớn nhỏ khác nhau. Theo chủ trương của Chính phủ đảo Phú Quốc được xây dựng thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế chất lượng cao. Phú Quốc và hai quần đảo An Thới, Thổ Châu là vùng lý tưởng cho việc phát triển du lịch biển đảo như: tham quan, cấm trại, tắm biển, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, các lọai hình thể thao nước. Phú Quốc có truyền thống văn hóa lâu đời và nhiều đặc sản nổi tiếng, như: nước mắm phú Quốc, hồ tiêu, ngọc trai, rượu sim, cá trích, nấm tràm…

Mũi Gành Dầu Phú Quốc

Vùng Hà Tiên – Kiên Lương

Nhiều thắng cảnh biển, núi non của Hà Tiên – Kiên Lương như: Mũi Nai, Thạch Động, núi Tô Châu, núi Đá Dựng, đầm Đông Hồ, di tích lịch sử văn hoá núi Bình San, chùa Hang, hòn Phụ Tử, bãi Dương, núi MoSo, hòn Trẹm, quần đảo Hải Tặc và đảo Bà Lụa rất thích hợp cho phát triển du lịch tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng. Những thắng cảnh như núi Tô Châu, đầm Đông Hồ, sông Giang Thành, khu du lịch Núi Đèn đang được đưa vào khai thác du lịch chính thức.

Tàu cao tốc Hà Tiên Phú Quốc

Hà Tiên có truyền thống lịch sử văn hóa, văn học – nghệ thuật, với những lễ hội cổ truyền như Tết Nguyên tiêu, kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Mạc Cửu, chùa Phù Dung, đình Thành Hoàng… Hiện nay, Kiên Giang đã có tour du lịch đến nước bạn Campuchia qua đường cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Đây là cánh cửa mở ra để vùng Kiên Lương – Hà Tiên nối liền với các nước Đông Nam Á; đồng thời mở tuyến du lịch xuyên ba nước, từ Phú Quốc đến Shianouk Ville (Campuchia) và tỉnh Chanthaburi (Thái Lan) bằng đường biển và đường bộ.

Thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận

Thành phố Rạch Giá là trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang, có bờ biển dài 7 km, giao thông thủy, bộ và hàng không rất thuận tiện. Rạch Giá có cơ sở hạ tầng tốt, nhiều di tích lịch sử văn hóa, là điểm dừng chân để đi tiếp đến Hà Tiên, Phú Quốc và các vùng khác trong tỉnh. Do đó, có lợi thế trong phát triển các dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm; có 2 hệ thống siêu thị quy mô lớn đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và du khách (siêu thị Citimart khu lấn biển và siêu thị Co.op Mart Rạch Sỏi). Thành phố Rạch Giá là nơi đầu tiên ở Việt Nam tiến hành việc lấn biển để xây dựng đô thị mới. Khu lấn biển mở rộng thành phố thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam bộ. Hiện tại thành phố đang và chuẩn bị đầu tư nhiều công trình quan trọng như: khu đô thị mới Vĩnh Hiệp, khu đô thị phức hợp lấn biển, 2 cầu nối liền khu lấn biển và khu 16 ha, cầu Lạc Hồng…. Một số khu vực phụ cận của Rạch Giá như huyện đảo Kiên Hải, Hòn Đất, U Minh Thượng cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Kiên Hải đang khai thác các tour khám phá biển đảo đi – về trong ngày. Đây là vùng thắng cảnh biển – đảo với đặc thù nghề truyền thống đi biển, làm nước mắm, chế biến hải sản, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt. Khu du lịch Hòn Đất đang hoàn chỉnh và hoàn thiện những công trình văn hóa tại khu mộ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (chị Sứ), xây dựng khu trưng bày một số hiện vật chứng tích chiến tranh tại khu phát sóng truyền hình của tỉnh trên đỉnh Hòn Me…

Vùng U Minh Thượng

Với đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn, Vườn Quốc gia U Minh Thượng – khu căn cứ địa cách mạng, khu dự trữ sinh quyển thế giới, đã mở cửa phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái. Khu du lịch Vườn Quốc gia U Minh Thượng phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu văn hóa nhân văn sông nước vùng bán đảo Cà Mau và du lịch nghiên cứu di chỉ khảo cổ Ốc Eo – Phù Nam (Cạnh Đền, Nền Vua, Kè Một). Quần thể di tích căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng với di tích Ngã Ba Cây Bàng, Ngã Ba Tàu, Thứ Mười Một, Rừng tràm Ban Biện Phú, khu tập kết 200 ngày kinh xáng Chắc Băng, là điểm thu hút du khách tìm hiểu lịch sử cách mạng… đồng thời, tỉnh vừa khởi công xây dựng một số công trình theo Đề án phục dựng Khu căn cứ Tỉnh uỷ trong kháng chiến tại huyện Vĩnh Thuận.

Ngoài 4 vùng du lịch trọng điểm, Kiên Giang hiện có khu Dự trữ sinh quyển với diện tích hơn 1,1 triệu ha. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu, cũng như du lịch. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang trùm lên địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải, gồm 3 vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương, Kiên Hải.

Những lợi thế so sánh

Tỉnh Kiên Giang có nhiều lợi thế mà không phải tỉnh nào cũng có. Tỉnh có bờ biển dài trên 200 km, có nhiều sông núi và hải đảo rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản. Bên cạnh đó tỉnh nằm trong vùng vịnh Thái Lan gần với các nước Đông Nam Á khác như Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Xingapo nên có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế – văn hoá với các nước trong khu vực, đồng thời cũng đóng vai trò cầu nối của các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các nước láng giềng.

Nguồn tài nguyên biển của tỉnh còn rất phong phú: ngư trường khai thác thuỷ sản trên 63.000 km2, bãi triều rộng ở vùng ven biển, ven đảo rất phù hợp cho nuôi trồng nhiều loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, nghêu, sò, cá lồng, ngọc trai…

Bên cạnh đó tỉnh còn nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên như vườn quốc gia Phú Quốc, U Minh Thượng; đảo Phú Quốc, khu du lịch Mũi Nai, chùa Hang; những di tích văn hoá lịch sử… tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch.

4.2/5 - (4 bình chọn)

Trả lời