Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo

Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này.

Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập – “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần.

Quy hoạch Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo

Nhà Chúa Đảo

Có tổng diện tích là 18.600m2, gồm các hạng mục: nhà phụ thuộc, nhà ở dành cho nhân viên, nhà Chúa Đảo, hệ thống sân, vườn – có cổng và hàng rào bao quanh. Khu vực này từng là nơi ở và làm việc của 53 đời Chúa Đảo, trong khoảng thời gian hệ thống nhà tù ở Côn Đảo duy trì hoạt động. Sau ngày giải phóng (1975) đến nay, nhà Chúa Đảo được sử dụng làm nơi trưng bày của Khu di tích lịch sử Côn Đảo.

Bên trong Nhà chúa đảo

Tại đây, 53 đời Chúa đảo trải qua 113 năm (1862-1975). Trong đó 92 thời thực dân Pháp có 39 chúa đảo và 12 năm thời đế quốc Mỹ có 14 chúa đảo đã sống và làm việc. Nơi đây, Chúa đảo Angdua đã bị tù nhân sát hại năm 1919. Là đầu não trung tâm của hệ thống nhà tù, tất cả bộ máy cai trị tù từ chúa đảo đến các quan chức trên tòan đảo đều dưới quyền điều khiển của Chúa đảo.

Tại đây chúng đã đề ra các chính sách, biện pháp hà khắc để đàn áp, tra rấn dã man đối với người tù. Ngày nay, căn nhà ấy được dùng làm nơi trưng bày tội ác của chúng.Trong số 53 đời Chúa đảo, có những tên mà sự tàn ác của chúng đồng nghĩa với chế độ giết người – nơi mệnh danh là “Địa ngục trần gian”, mà tên chúa đảo Andouard thời Pháp là một trong số đó.

Thời Mỹ – Ngụy, Nguyễn Văn Vệ là điển hình cho sự tàn bạo và thâm độc, mà sự kiện chuồng Cọp năm 1970 khi bị phơi bày đã làm chấn động cả thế giới với hình ảnh những người tù sặc sụa trong lớp vôi bột, bị.

Trước đây là nơi ở và làm việc của các đời chúa đảo, Nhà Chúa đảo thể hiện cuộc sống xa hoa của sự thống trị bên cạnh cuộc sống khổ ải, nghèo nàn của người tù. Trong khu vườn (Sở Rẫy Ông Lớn) thường xuyên có hàng chục tù nhân phải lao động khổ sai và phục dịch tất cả sinh họat, đến ăn, mặc ở… của Chúa đảo. Nhà Chúa đảo cũng là nơi thành lập Chính quyền Cách mạng đầu tiên ở Côn Đảo năm 1945 và ngày Côn Đảo hòan tòan giải phóng năm 1975.

Từ sau ngày giải phóng 01/5/1975, Dinh chúa đảo được sủ dụng làm Phòng trưng bày Khu di tích lịch sử Côn Đảo tới nay.

Cầu Tàu 914

Nằm tại vị trí trung tâm của bãi biển chính, thuộc thị trấn Côn Đảo (phía trước nhà Chúa Đảo), được khởi dựng từ năm 1873. Đây cũng là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra đảo tù đày. Nhiều người chỉ qua đây đã vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo.

Cầu tàu 914

Được khởi công xây dựng từ năm 1873, với phác thảo dài 107m, bắt đầu từ mép lộ trước cổng Dinh Chúa đảo vươn ra vịnh Côn Sơn. Qua nhiều thời kỳ sửa chữa và mở rộng kéo dài hàng chục năm, ngày nay Cầu tàu 914 có chiều dài hơn 300 m, chiều rộng gần 5 m, ở cuối cầu tàu có đoạn rộng gần 8m.

“Càu tàu 914” chắc hẳn là cái tên mà không ít người thắc mắc, vậy con số 914 nói lên điều gì. Con số 914 chính là số lượng người tù đã ngã xuống vì núi lở, đá đè, kiệt sức, chết vì đòn roi khi chuyển đá, khi làm cầu tàu và kè đá dọc con đường ven biển, những phiến đá ngổn ngang sắp lớp, những tảng đá lớn hàng thước khối, nặng nhiều tấn kia đã làm kiệt quệ và đè nát bao nhiêu thân tù khi họ “xeo nại” chúng từ núi Chúa về đây. Nếu không “xeo nại” được sẽ chết vì đòn, còn “xeo nại” được thì chết vì kiệt sức vì vậy mọi người đặt tên nơi này là cầu tàu 914 vừa để tưởng nhớ đên những người đã mất đồng thời để nhắc nhở về tội ác của bọn thực dân. Di tích Cầu tàu 914 là chứng tích lịch sử còn lại trong hơn một thế kỷ qua,cái thời đau thương ấy như còn âm vang trong từng phiến đá và câu ca trường hận của tù nhân “Côn Lôn ơi. viên đá mạng người…”. Bỏ qua những thảm cảnh kinh hoàng, man rợn trong chiến tranh, Cầu tàu 914 cũng là nơi chứng kiến những giây phút vinh quang, xúc động nhất khi những lá cờ đỏ sao vàng tung bay rợp bóng vào mỗi dịp Đảo được giải phóng.

Trại 1

Trại 1 còn được biết đến qua các tên gọi khác, như Banh 3, Lao 3, Trại Bác Ái, trại Phú Thọ. Trại được xây dựng năm 1928, trên tổng diện tích khoảng 12.700m2. Trong đó, diện tích phòng giam là 1.200m2, bao gồm 3 dãy khám giam, nhà y tế, nhà bếp và nhà ăn, phòng giam tập thể và phòng biệt lập, dãy nhà cầm cố (giam cầm).

Di tích trại Phú Thọ Côn Đảo

Trước năm 1945, trại giam này có 2 dãy phòng giam tập thể, 1 dãy phòng giam biệt lập, 1 khu nhà bếp và 1 khu bệnh xá (dành để cách ly bệnh kiết lỵ).

Sau Cách mạng tháng Tám, trại giam này được chỉnh trang lại, chỉ còn 2 dãy phòng giam. Các phòng giam được đánh số thứ tự từ 1 đến 8.

Dưới thời Mỹ, trại này được xây thêm 2 phòng giam (số 9 và số 10) ở phía sau bệnh xá. Đặc biệt, phòng giam số 10 được Mỹ – Ngụy dùng làm khu biệt lập để bổ sung cho khu chuồng cọp, nên được ngăn ra 15 khu biệt giam. Người tù bị giam ở đây đã đặt cho nó một biệt danh là: “Biệt lập chuồng gà”.

Ngoài ra, trong khu vực này còn có Banh 3 phụ, Banh 3 cùng với Banh 3 phụ và trại 5 (do Mỹ – Ngụy xây dựng năm 1962), tạo thành một cụm bao quanh khu biệt lập nổi tiếng: “Chuồng cọp Pháp”.

Trại 2

Trại còn có các tên gọi khác, như Banh 1, Lao 1, Trại Cộng Hòa. Đến tháng 11 năm 1974, trại này được gọi là trại Phú Hải. Trại 2 được xây dựng từ năm 1862 và được chỉnh trang kiên cố vào năm 1896, với diện tích 12.040m2, gồm 02 dãy khám giam, 20 xà lim, bệnh xá, nhà nguyện, giảng đường, khu đập đá, câu lạc bộ, nhà Giám thị… , được bao bọc bởi bốn bức tường cao hơn 4m, xung quanh bố trí nhiều bốt gác. Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo.

Trại giam Phú Hải

Trại Phú Hải có diện tích: 12.015m2. Gồm 10 phòng giam tập thể; 1 phòng giam tù đặc biệt; 20 xà lim (hầm đá), Khu lao động khổ sai đập đá, Hầm xay lúa, vừa là nơi làm khổ sai (xay lúa) vừa là nơi đày ải nghiệt ngã đối với tù nhân, thời Mỹ -ngụy chuyển thành (bệnh xá). Ngòai ra còn có các công trình phụ như: Câu lạc bộ; phòng hớt tóc; nhà bếp; nhà ăn; giảng đường, nhà nguyện, phòng trật tự; nhà kho; văn phòng giám thị và sân vườn.

Có thể nói, các lớp tù nhân từ thuở Cần Vương, Văn Thân chống Pháp như: chí sỹ Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lã Xuân Oai, Phan Chu Trinh,… đến nhiều chiến sỹ cách mạng Việt Nam như: đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng,…đến thế hệ sinh viên học sinh xuống đường chống Mỹ – Thiệu bị bắt đều trải qua những năm tháng lao. Đây là nơi Chi bộ cộng sản đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo được ra đời cuối năm 1932, sau phát triển thành Đảo ủy Côn Đảo. Banh I cũng là nơi những người cộng sản mở các học văn hóa, lý luận, chính trị. Đặc biệt là khóa học Chủ nghĩa Mác- LêNin theo chương trình huấn luyện của Đại học Phương Đông do giáo sư Trần Văn Giàu phụ trách. Tại đây, một số tờ báo “Tiến lên”, “Ý kiến chung” được chuyển từ Banh II về năm 1935.

Khu đập đá: Chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh đã từng khổ sai ở đây và đã sáng tác bài thơ “Đập đá Côn Lôn” (được đưa vào văn học Việt Nam).

Năm 1957, Mỹ ngụy đã đưa 41 phụ nữ chống ly khai, tố cộng từ các nhà lao ở đất liền ra Côn Đảo. Đây là lớp nữ tù chính trị đầu tiên thời chống Mỹ ra nhà tù Côn Đảo.

Banh I là điển hình của chế độ khổ sai. Hầu như mỗi mảnh đất Côn Đảo đều khắc sâu nỗi cực nhọc và thấm máu của người tù. Trong sự đày đọa khốn cùng, những người cộng sản, những người yêu nước phải quyết định vận mệnh, chịu chết mỏi mòn hoặc là đấu tranh để sống trở về tiếp tục họat động cách mạng. Người tù phải chống lại cả một bộ máy từ chúa đảo đến nhiều gác ngục và tay sai…Điều đó, đòi hỏi người tù cộng sản phải được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, hình thức đấu tranh thích hợp. Nơi đây còn là hiện thân của: “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Thời Mỹ – Ngụy, địch dùng mọi biện pháp từ dụ dỗ, đối xử tử tế đến những thủ đoạn để ép buộc tù chính trị ly khai Đảng Cộng sản…Năm 1957, đây là nơi khởi đầu cuộc đấu tranh chống ly khai Đảng cộng sản của tù chính trị câu lưu, ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị Côn Đảo.

Trại 3

Trại còn được biết đến qua các tên gọi khác, như Banh 2, Lao 2, Trại Nhân Vị, Trại 3, Trại Phú Sơn. Trại được xây dựng năm 1916, nằm cạnh Banh 1, với diện tích 13.228m2, gồm 13 khám lớn, 14 xà lim, 1 phòng hớt tóc, miếu thờ, phòng y tế, nhà bếp, phòng Giám thị, câu lạc bộ và khuôn viên cây xanh, bao quanh là hệ thống tường đá (cao 4m) và nhiều bốt gác.

Sau hiệp định Paris năm 1973 gọi là trại Phú Sơn. Diện tích 13.228m2 gồm 13 phòng giam lớn và 14 xà lim. Ngòai ra còn có các công trình phụ như: Phòng y tế, nhà ăn, nhà bếp, câu lạc bộ, phòng hớt tóc, văn phòng giám thị và sân vườn…

Trại Phú Sơn

Banh II xây dựng đồ sộ và kiên cố hơn, có lối đi bên trên để trật tự cai ngục đi kiểm tra người tù. Một lần vào đêm khuya tù nhân đã tìm cách vật tên cai ngục xuống chết tại chỗ, từ đó địch khiếp sợ không sử dụng lối đi này nữa.

Trái với yêu cầu cấp bách của Banh I là phải đấu tranh chống chế độ khổ sai giết tù thì yêu cầu cấp bách của Banh II là đòan kết các xu hướng chính trị, đấu tranh đòi cải thiện đời sống, thực hiện chế độ tù chính trị, bảo vệ sinh mạng cán bộ. Nơi đây, các đồng chí đã tổ chức học tập văn hóa, lý luận, đào tạo và rèn luyện cán bộ, nhiều đồng chí cán bộ cốt cán của Đảng và Nhà nước ta đã trưởng thành như: đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hòang Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Hà Huy Giáp…

Khu xà lim cũng được bố trí tinh vi hơn, nằm khuất sau bức tường dày, nếu không quan sát kỹ thì khó phát hiện được. Tù nhân bị cấm cố ở đây bị ghẻ lở đầy người, mỏi mòn đi vì thiếu ánh sáng, khí trời và dinh dưỡng. Thêm vào đó là chế độ ăn uống tồi tệ, nhiều người bị kiết lỵ nặng rồi chết. Khu xà lim mà Thực dân Pháp còn gọi là “Vườn ươm cây cộng sản”, vì nhiều đảng phái khác đã bị đưa ra và giam chung với tù chính trị để gây mâu thuẫn, nhưng với tài cảm hóa của Đảng cộng sản Việt Nam, cuối cùng họ đã trở thành cộng sản. Nơi đây đã từng giam giữ, cấm cố đồng chí Lê Hồng Phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh… Dưới chế độ khắc nghiệt của nhà tù, ngày 06/9/1942, căn bệnh kiết lỵ và những trận tra tấn của địch, đồng chí Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng tại Xà lim số 05.

Giai đọan 1951-1953, Banh II là nơi giam giữ các đòan tù binh từ miền Bắc và miền Trung đưa ra. Phương án võ trang giải thóat tù nhân đã hình thành từ đây, đẫn đến cuộc võ trang vượt Đảo tại Bến Đầm ngày 12/12/1952 của 198 tù binh.

Năm 1964, nơi lực lượng xung kích mở đầu cuộc đấu tranh mang tên “Mùa thu đồng khởi” (tháng 7/1970). Đây là cuộc đồng khởi chống khổ sai và chống chào cờ của hơn 4000 tù chính trị trên tòan đảo.

Mùa xuân năm 1935, tại sân Banh II, đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Kim Cương cùng một số đồng chí khác đã tổ chức diễn thành công vở kịch Napoleon. Gác ngục Pháp vào xem rất đông, Các vở kịch không chỉ thành công trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn thắng lợi về mặt ngọai giao. Nhiều gác ngục Pháp tỏ thái độ kính nể những người tù cộng sản có văn hóa, có nhân cách và hiểu biết sâu rộng. Từ đó họ ít đánh tù và xưng hô bớt thô tục hơn.

Banh II được xem như một bề dày lịch sử sau Banh I, là nơi ghi dấu ấn của bao thế hệ tù chính trị.

Trại 4 – Trại Phú Tường

Có tổng diện tích 5804m2, gồm 8 phòng giam, nhà bếp, nhà kho, bệnh xá, có tường đá dày, cao bao quanh.

Trại Phú Tường hay còn gọi là Banh III Phụ xây dựng năm 1940. Còn có các tên gọi Lao III phụ, Trại phụ Bác Ái, trại IV và cuối cùng đổi tên là trại Phú Tường. Tổng diện tích: 5.804m2, bao gồm: 8 phòng giam chia làm hai dãy, các công trình phụ như: nhà bếp, nhà kho, bệnh xá và sân vườn…

Di tích trại Phú Tường Côn Đảo

Banh III xây dựng cùng thời gian với Banh III phụ và trại 5 (từ 1940-1962) tạo thành một cụm bao quanh che giấu cho khu biệt lập “Chuồng cọp Pháp” Năm 1952, sử dụng giam lớp tù binh mới ra đảo. Chủ trương “tích cực tấn công địch” đã hình thành từ đây, chuẩn bị vũ trang cho toàn thể tù chính trị về tư tưởng tiến công cách mạng trong mọi họat động và đấu tranh, quán triệt sâu sắc quan điểm “Nhà tù là một mặt trận mà người tù là chiến sỹ, “Đấu tranh trong tù là một bộ phận của cuộc đấu tranh cách mạng, trong cuộc kháng chiến của dân tộc”

Một thời gian, nơi đây giam những người tù mắc bệnh truyền nhiễm. Năm 1959, ngụy quyền chuyển 1.500 tù chính trị câu lưu chống ly khai ở trại I về phân tán ở trại giam này cùng với Banh III và khu biệt lập Chuồng cọp.

Trại Phú Tường là nơi thực dân pháp và đế quốc mỹ đã giam cầm, đày ải bao thế hệ chiến sĩ các mạng, những người yêu nước Việt Nam, đồng thời là nơi thể hiện khí phác kiên cường đấu tranh của tập thể tù nhân bị giam giữ tại đây.

Trại 5 – trại Phú Phong

Sau khi thực dân Pháp bàn giao nhà tù Côn Đảo vào tháng 3/1955. Để mở rộng hệ thống nhà tù. Năm 1962 Mỹ ngụy đã cho xây dựng trại V, sau hiệp định Pari đổi tên là trại Phú Phong.

Trại Phú Phong gồm 12 phòng giam chia làm ba dãy, mỗi dãy có 4 phòng và 1 nhà bếp,..với tổng diện tích 3.594m2,, mái lợp bằng fibroximăng, được che chắn phía trước khu Chuồng cọp Pháp. Năm 1965, địch giam một bộ phận tù binh và tù câu lưu dân sự mới bị đày ra Côn Đảo.

Trong những năm 1966-1968. Tại đây, tập thể nữ tù chính trị đã trở thành lực lượng trung kiên, sát cánh với tập thể tù chính trị câu lưu và tập thể tù án chính trị đấu tranh chống chào cờ.

Ngày 23/9/1966, ngụy quyền Sài gòn đày 36 phụ nữ chống đối từ các nhà lao đất liền ra Côn Đảo giam ở Trại V. Toàn bộ nữ tù tuyên bố chống chào cờ, chống nội quy, chịu chế độ khắc nghiệt. Cuối năm 1966 nữ tù đấu tranh tuyệt thực, đòi cải thiện đời sống, đòi đưa về đất liền. Nữ tù đấu tranh hình thức cao nhất là mổ bụng, Tháng 3/1968, buộc địch đưa số nữ tù về nhà lao Chí Hòa. Sau đó tháng 9/1968, chúng chuyển về nhà lao Thủ Đức.

Trại Phú Phong là nơi diển ra nhiều cuộc đàn áp của địch, đồng thời cũng là nơi biểu dương tinh thần đấu tranh kiên cường của tập thể nữ tù và tù nhân bị giam giữ tại đây.

Trại 6

Tức Trại Phú An, có diện tích 42.140m2, gồm khu A và khu B. Mỗi khu đều có hai dãy, gồm 10 phòng, 4 xà lim, nhà bếp, bệnh xá, nhà kho. Khu trại này được bao bọc bởi hai lớp rào, có cổng ngoài và cổng trong.

Cùng với sự gia tăng quy mô của cuộc chiến tranh xâm lược, nhà tù Côn Đảo cũng được mở rộng. Phái đoàn quân sự Hoa Kỳ sau nhiều đợt khảo sát (1967- 1968) đã đề nghị chính Phủ mỹ sử dụng ngân sách: “Chương trình viên trợ quân sự và kinh tế của Mỹ ở Việt Nam” để xây dựng trại giam kiểu mẫu ở Côn Đảo. Hãng thầu RMK- BRJ là một trong những hãng thầu nổi tiếng của Mỹ đã trúng thầu và gấp rút xây dựng một hệ thống trại giam gồm: Trại VI, Trại VII, Trại VIII (khởi công xây dựng cùng một lúc năm 1968), Riêng Trại IX đang xây dựng dang dở thì hiệp định Paris ký kết nên bỏ dở.

Di tích trại Phú An

Khác với trại giam do thực dân Pháp xây dựng, các công trình phụ như nhà bếp, bệnh xá, kho lương thực, thực phẩm thì được bố trí trước cổng trại, còn các phòng giam thì ẩn sâu bên trong.

Đầu năm 1970. Khu A (từ phòng 1đến phòng 10) giam giữ những người tù chưa thành án (Câu lưu, hồi cứu), bị bắt sau tết Mậu Thân năm 1968 .

Tháng 8/1970, Mỹ ngụy đã thành lập Tiểu đoàn tâm lý chiến thí điểm Côn Sơn tại đây.

Khu B, lúc đầu là nơi giam giữ những người tù chính trị chống đối, được Tiểu đoàn tâm lý chiến khóa I thanh lọc. Đây là tập thể chiến đấu kiên cường được sàn lọc từ hàng trăm đợt đấu tranh chống tố cộng, chóng ly khai Đảng cộng sản từ thời Mỹ Diệm.

Năm 1972, sau khi Tiểu đoàn tâm lý chiến thất bại, địch đã đổi cách đọc ngược lại là từ phòng 11 đến phòng 20 gọi là khu A, từ phòng 01 đến phòng 10 là khu B.

Đảng bộ mang tên người chiến sỹ Lưu Chí Hiếu đã được thành lập vào ngày 3/02/1972. Bí thư là đông chí Trần Văn Cao(Tư Cao) với tinh thần đòan kết và chiến đấu cao, tù chính trị câu lưu ở rại 6 khu B đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu. Trong đó có đợt tuyệt thực 19 ngày (10/1972). Cuộc đấu tranh chống lăn tay chụp hình, tráo án tù chính trị thành “gian nhân hiệp đảng” (5/1973) và đây cũng là nơi ra đời Tập san Sinh Hoạt và Xây Dựng.

Cuối năm 1974, nắm được tinh thần Hiệp dịnh Paris, Đảng ủy, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đã thành lập Ban quân sự, Ban an ninh để chuẩn bị đón thời cơ tự giải phóng.

Trại 7

Còn có tên gọi khác là Trại Phú Bình, hay Chuồng cọp kiểu Mỹ. Trại có diện tích 25.788m2, với 8 khu trại giam (A, B, C, D, E, F, G , H), mỗi khu đều có 48 chuồng cọp, nhà kho, nhà bếp, văn phòng Giám thị, bệnh xá. Quanh trại được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai và tường bê tông.

Trại Phú Bình có tổng diện tích 25.768m2, được xây dựng từ năm 1971 đến 1973 nhằm giam giữ tù chính trị chống đối ở Chuồng Cọp Pháp, Chuồng Bò và các trại khác chuyển giao về. Theo các tài liệu ghi chép lại, kinh phí xây dựng lên đến 400.000 USD, chuyên gia thiết kế và nhà thầu thi công đều là người Mỹ, nên tù nhân đặt là Chuồng Cọp Mỹ.

Di tích Trại Phú Bình (Chuồng Cọp Mỹ)

Nếu những trại tù do Pháp xây dựng kín cổng, có nhiều tháp canh bên trên, tường bao quanh trại và từng phòng giam đều xây bằng đá kiên cố, cao khoảng 4m, mái ngói, thì trại Phú Bình kiến trúc khác hẳn. Cổng và hàng rào bằng kẽm gai đan ô vuông vức, bên ngoài nhìn vào rất thoáng đãng, thấy cả sân đất, lối đi lát đá, các dãy nhà ăn, bếp, trạm xá, nhà kho… Thế nhưng tính chất thâm độc hơn Chuồng Cọp Pháp nhiều lần. Thay vì tra tấn bằng đòn rui, nhục hình như Chuồng Cọp Pháp, ở Chuồng Cọp Mỹ những tù nhân chính trị không bị cùm chân, nhưng lại bị hành hạ thể xác và tinh thần với những thủ đoạn tinh vi, độc địa.

Chuồng Cọp Mỹ xây dựng rất kiên cố nhằm giam giữ tù nhân chính trị. Bên trên dãy xà lim không có lối đi lợp mái tôn fibroximăng rất thấp, ban ngày trời nắng hắt xuống nóng như thiêu như đốt. Phòng giam không có bệ nằm, đêm về người tù phải nằm trên nền xi măng, khí đất xông lên, rất lạnh giá ẩm thấp. Mỗi phòng biệt giam chỉ khoảng 5 m2, đặt một thùng gỗ cho tù nhân tiểu tiện, có thời điểm mỗi phòng giam cầm đến 8 – 10 người, lại không cho đổ thùng vệ sinh tới vài tuần, phân và nước tiểu bê bết trên mình các tù nhân.

Ở trại Phú Bình, khu giam giữ tù nhân nằm sâu bên trong, chia thành 8 khu AB, CD, EF, GH với tổng cộng 384 xà lim. Từ cổng trại đi vào đến từng xà lim phải đi qua từ 5 đến 7 lần cửa sắt. Trong mỗi khu, 2 dãy xà lim đối diện, mỗi dãy có 48 phòng, chỉ cách nhau một hành lang hẹp và tối. Mỹ – Ngụy dùng yếu tố bất lợi của thiên nhiên vào việc hành hạ, đầy ải người tù. Mái lợp tôn fibrocement thấp lè tè, không có trần mà thay vào đó là dàn song sắt lớn hàn dính vào nhau và chôn hẳn vào tường tương tự Chuồng Cọp Pháp, song các phòng giam ở đây nhỏ hẹp hơn Chuồng Cọp Pháp. Khi lớp mái tôn thấp hấp thụ ánh nắng thiêu đốt ban ngày rồi chuyển lạnh dần từ nửa đêm đến sáng, người tù từ chịu cái nóng hầm hập ban ngày, về đêm nằm dưới nền đất lạnh, khí đất xông lên, xương cốt đau nhức, bệnh tật, chết dần chết mòn.

Bên cạnh đó, một trong những ngón đòn thâm độc của chúng là tra tấn tù nhân bằng âm thanh. Mỗi cánh cửa của từng phòng giam đều thiết kế 1 cửa kéo nhỏ chừng vài tấc để cai ngục có thể kéo lên nhìn vào bên trong. Chúng thường mở cánh cửa sắt ra kiểm tra rồi đóng dập lại thật mạnh, tiếng vang dội lên đinh tai nhức óc khi lần lượt 48 phòng giam trong 1 dãy và liên tiếp 8 dãy với 384 lần dội vào đầu vào lồng ngực của tù nhân. Chưa cần đến đòn roi, tù nhân cũng chết dần chết mòn bởi lối kiến trúc này.

Thế nhưng, đòn thù thâm độc của kẻ thù không khuất phục được ý chí kiên cường của những người tù cách mạng. Chuồng Cọp Mỹ trở thành trung tâm đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo trong giai đoạn này. Các báo cáo của nhà tù trong 2 năm 1973 – 1974 cho thấy, nhiều cuộc đấu tranh của tù chính trị đã nổ ra tại đây dưới hình thức: Hô la tập thể, đòi nhà cầm quyền phải cung cấp đầy đủ lương thực, thuốc men, đòi nhà cầm quyền tôn trọng Hiệp định Paris, trao trả tức khắc số tù chính trị còn bị giam giữ…

Tại đây, cũng là nơi khởi đầu và là trung tâm chỉ đạo cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo mùa xuân 1975. Được sự giúp đỡ của linh mục Phạm Gia Thụy và một số binh sĩ, công chức, gác ngục, ban lãnh đạo trại đã chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo vào lúc 1 giờ sáng 1/5/1975. Đảng ủy lâm thời được thành lập gồm 7 người, do đồng chí Trịnh Văn Tư (Tư Cẩn) làm Bí thư. Đảng ủy tổ chức ngay lực lượng vũ trang chiếm các trại lính, ty cảnh sát và giải phóng cho các trại. 8 giờ sáng ngày 1/5/1975, 7.448 tù nhân (trong đó có 4.234 tù chính trị) ở 8 trại chính và nhiều trại phụ được giải phóng, tù chính trị hoàn toàn làm chủ Côn Đảo, thành lập chính quyền cách mạng và tổ chức lực lượng phòng thủ Côn Đảo.

Trại VIII

Còn được gọi là Trại Phú Hưng, gồm 10 khám giam, được chia thành 2 dãy, cùng các công trình phụ, như nhà Giám thị, vọng gác. Bao quanh trại là hệ thống hàng rào dây thép gai.

Trại 8 hay còn gọi là trại Phú Hưng, đây là một trong bốn trại giam do Mỹ ngụy xây dựng từ cuối năm 1968 hoàn thành năm 1972 với tổng diện tích 26.200m2. Bao gồm 20 phòng, diện tích mỗi phòng 115m2, chia làm 2 khu đối diện nhau, mỗi khu 10 phòng và 4 xà lim. Nhưng chỉ hòan thành có 10 phòng giam, còn 10 phòng và 8 xàlim đang xây dựng thì Hiệp định Pari được ký kết nên bỏ dở.

Để thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, địch tiến hành xây dựng trại 8 nhằm mục đích giam cầm những người yêu nước, những người chống chào cờ địch cũng đưa về đây. Do đó, Mỹ – ngụy tăng cường khủng bố đàn áp liên tục về mặt tư tưởng nhằm tiêu diệt lập trường chính trị của người tù.

Di tích trại Phú Hưng – Trại 8

Trung bình giam khỏang 800 người, đến sau hiệp định Paris được ký kết, do số tù nhân bị đày ra Côn Đảo ngày càng nhiều nên có lúc tăng lên khoảng 1.500 tù nhân. Hàng ngày, chỉ có 6 tù nhân được ra ngòai để khiêng nước sử dụng và tắm giặt, trung bình mỗi ngày được 2 lon gigô/người. Những lúc tổ chức đấu tranh thì nước sẽ bị bớt lại chỉ còn 1 lon. Thức ăn toàn khô mục, mắm đắng…Hầu như ở đây tù nhân ở đây ngày nào cũng bị đánh đập, tra tấn…. Mỗi lần ra lấy cơm, lấy nước cũng bị đánh trật tự đánh đập thân thể đổ máu, mang thương tích.. Người tù đã tổ chức đấu tranh và đưa ra yêu sách:

– Chấm dứt đánh đập

– Cơm ăn đủ no

– Thức ăn có rau cải

– Đau ốm có thuốc men cứu chữa

– Được ra sân tăm nắng hàng ngày

– Cấp phát quần áo

Cuối tháng 7/1972, trại 8 liên tiếp tổ chức đấu tranh bằng nhiều hình thức từ thấp đến cao, yêu cầu giải quyết theo yêu sách. Địch ra sức đàn áp siết bóp đời sống, cấm cố liên tục, hạn chế nước uống, nước tắm,.. tăng cường khiêu khích đánh đập anh em ra sinh hoạt bên ngoài.

Năm 1973. Hiệp định Pari được ký kết, khẩu hiệu đòi trao trả là chủ yếu, đòi địch phải công bố hiệp định và nghị định thư; Đòi nhanh chống giải quyết đời sống, xóa bỏ các chuồng cọp, hầm đá, không được bắt tù nhân làm khổ sai…Cuối cùng địch đã giải quyết một số yêu sách của người tù.

Trại IX

Khi Mỹ – Ngụy đang cho đổ bê tông nền, đúc cột dựng trại, thì Hiệp định Paris được ký kết nên trại này đã bị bỏ dở.  Tương tự, Trại X cũng đã được đổ móng, đúc cột rồi bỏ dở khi hãng RMK – BRJ rút khỏi Việt Nam (1972).

Phòng điều tra

Đây là nơi làm việc và lưu trữ hồ sơ hỏi cung. Mọi tù nhân trước khi được nhập giam, đều bị hỏi cung tại phòng này.

Khu điều tra xây dựng theo lối kiến trúc kiểu phương tây. Thực dân Pháp sử dụng làm nhà ở. Sang thời Mỹ năm 1960 sử dụng làm khu điều tra, gồm 3 dãy nhà:

– Dãy nhà A còn gọi là phòng thường trực

– Dãy nhà B còn gọi là phòng hồ sơ lưu trữ

– Dãy nhà C còn gọi là phòng lấy cung và tra tấn. Ngoài ra còn có phòng biệt giam và nhà vệ sinh.

Khu điều tra là 1 bộ phận làm việc và lưu trữ hồ sơ hỏi cung. Tù nhân trước khi bị đưa vào một trại giam nào, sẽ được đưa vào đây để hỏi cung. Tùy theo mức độ nguy hiểm của người tù mà chuyển vào từng trại.

Cũng có trường hợp tù nhân ở các trại bị tình nghi có chuẩn bị bạo động hoặc có những hành động chóng lại cai ngục, bị chúng để ý cũng đưa về đây lấy cung. Nếu tù nhân nào tỏ ra ngoan cố thì bị bọn hỏi cung đánh đập và cho vào phòng biệt giam tạm thời.

Từ năm 1966 – 1970, khu điều tra thu hẹp lại thành Ban sưu tra.

Cầu Ma Thiên Lãnh

Cầu Ma Thiên Lãnh xây dựng năm 1930. Thực dân Pháp mở con đường từ ngã ba Núi Chúa qua Bãi Ông Đụng nhằm khai thác cây gỗ, đá phục vụ công việc xây dựng trại giam, các công sở…và lập nên những trạm kiểm soát đề phòng tù nhân vượt ngục.

Di tích lịch sử Cầu Ma Thiên Lãnh.

Tù nhân làm khổ sai ở đây, do địa thế cheo leo hiếm trở, ăn uống thiếu thốn đói khát, nước suối lại rất độc, bị đá đè cây đổ, lao dịch nặng nhọc quá sức,cai ngục trật tự đánh đập, hối thúc… Mới xây dựng xong 2 mố cầu đã có 356 người chết (đây chỉ là con số ước lệ do người tù nhẫm tính).

Cái tên Ma Thiên Lãnh để gọi cho 2 mố cầu xây dang dở bằng máu xương của hàng trăm tù nhân. Từ đó người tù mới lấy tên ngọn núi Ma thiên Lãnh ở Triều Tiên với địa thế hiểm ác, khó lên xuống, phỏng theo truyện Tàu “Tiết Nhân Quý Chinh Đông” đặt tên cho cây cầu này.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, công trình bị bỏ dở cho đến ngày nay.

Khu biệt lập Chuồng Bò

Khu biệt lập Chuồng Bò hình thành năm 1876 cùng với các khu khác phục vụ cho bộ máy cai trị tù như: Khu trại lính, khu y tế, khu sở lưới và cầu tàu, khu công trường xây dựng….

Khu biệt lập Chuồng Bò còn có tên gọi khác : “Sở củi – Chuồng Bò”, “Sở Rẫy – Chuồng Bò”, “Sở hướng nghiệp”.

Theo tài liệu, vào những năm cuối thể kỷ thứ 19, sở Chuồng Bò là nơi chăn nuôi bò sữa, heo, gà, vịt, bồ câu,….

Khu biệt lập Chuồng bò

Thời thực dân Pháp, Chuồng Bò có 09 phòng giam để tạm giam tù nhân ở sở này. Nằm kề bên là 24 hộc nuôi heo và đối diện là 2 chuồng nuôi Bò và 1 hầm chứa phân, nước thải từ chuồng nuôi Bò.

Sang thời Mỹ – ngụy, khoảng cuối năm 1969 địch đã đưa tù chính trị chống chào cờ bị còng xiềng cấm cố lâu ngày bị teo cơ bại liệt về giam ở đây.

Sau khi chuồng Cọp bị phát hiện, Chuồng Bò được gấp rút sửa chữa, dẹp bỏ 24 hộc chứa heo và xây dựng lại gồm 3 khu: A, B, C. Tổng cộng có 33 phòng biệt giam.

Phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, lực lượng tù bại liệt tiếp tục đấu tranh chống chào cờ, chống nội quy khắc nghiệt của nhà tù. Sau cuộc đấu tranh đó, tù nhân bị đánh đập, bỏ đói, bỏ khát trong nhiều tháng.

Hầm chứa phân bò, dùng để tra tấn người tù

Từ năm 1973, Chuồng Bò là văn phòng của tiểu Ban điều tra khai thác thuộc Ban chuyên môn. Những người tù bị tình nghi trong hoạt động đấu tranh bị đưa về đây để khai thác. Ban chuyên môn áp dụng nhiều hình thức điều tra tàn bạo như đánh đập bằng củi đòn, nẹp 2 thanh tre vào ống chân…nhiều tù nhân đã bị bại liệt, tàn phế bởi đòn tra tấn và chế độ đày ải ở Chuồng Bò.

Đây cũng là trại giam mở cửa giải phóng cuối cùng kết thúc 113 năm “Địa ngục trần gian Côn Đảo” vào khỏang 8 giờ sáng ngày 01/5/1975.

Lò Vôi

Trong những ngày đầu, cơ sở vật chất trên đảo rất thiếu thốn, thực dân Pháp tiến hành khai thác triệt để sức lao động của tù nhân. Lò Vôi do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1864, đây cũng là chứng tích điển hình về chính sách bóc lột sức lao động, cùng với chế độ hà khắc nhằm dập tắt ý chí của những người yêu nước chống thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Giai đọan 1920-1921, được chỉnh trang mở rộng thêm. Lò Vôi chuyên nung san hô cung cấp cho toàn đảo, ở đây có 4-5 kíp tù trông coi việc đốt lò chủ yếu, lao động khổ sai ở đây chia làm hai kíp: Một kíp thường xuyên bám biển lặn san hô, mỗi tháng phải có 4 sà lan san hô, một kíp 12 người chuyên đưa san hô vào đốt lò nung thành vôi xây dựng nhà cửa, cầu đường.

Sở Lò Vôi

Có hai mùa lấy san hô, tùy theo nước thủy triều lên xuống. Thường vào khỏang 1-2 giờ hoặc vào buổi tối lúc 11-12 giờ. Hàng tháng bắt đầu từ ngày 24, một kíp tù khỏang 80 người được phân công đi làm công việc cực nhọc này, nếu làm ban đêm còn phải mang thêm 70 bó đuốc làm bằng vỏ chai. Lấy san hô cách bờ từ 2-33km và thả neo những chỗ đã định. Theo lệnh của Mã tà nhóm tù phải lập tức nhảy xuống nước lạnh, sâu tới tận cổ dưới ánh sáng yếu ớt của 3-4 ngọn đuốc, phải luồng vào những cái hố sâu từ 0,06m đến 1,20m để lấy san hô. Người tù bị gãy tay gãy chân là chuyện hàng ngày, thậm chí còn vỡ sọ.

“Sức cạn oan sâu ghê quá biển….”

Di tích Sở Lò Vôi là một bản cáo trạng về chính sách khai thác sức lao động của tù nhân. Ngày đi làm khổ sai tối về nhốt xàlim trong cái đói rét, lạnh lẽo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Bước sang giai đọan đế quốc Mỹ, nhà giam này thành nơi đóng quân và xây thêm một căn nhà phụ tại khu vực này.

Nhà Công Quán

Nhà Công Quán nằm ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo, du khách rất dễ dàng tìm đến khu di tích Công Quán trên đường Tôn Đức Thắng, đến tham quan ngôi nhà đã được thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỉ XIX, với diện tích 150 m2, hiện nay di tích Công Quán đã được trùng tu trong quần thể dinh Chúa đảo. Sang thời Mỹ ngụy, gọi là nhà Công quán hay Câu lạc bộ, cũng là nơi dừng chân của các lữ khách khi đến dây thi hành công vụ.

Nhà Công quán Côn Đảo

Nhà Công Quán là nơi đại nhạc sỹ kì tài nước Pháp là Camille saint Saens đã lưu lại tròn một tháng ( 20/3 – 19/4/1895). Trong thời gian gần một tháng ở Côn Đảo ông từng chứng kiến cảnh tù nhân làm khổ sai hàng ngày như: Ngâm mình hàng mấy giờ đồng hồ dưới nước để lấy san hô về nung vôi, làm khổ sai phá đá mở đường, kéo gỗ….Ông không thể hình dung được với sự tra tấn dã man mà người tù vẫn lạc quan như thế, cộng với vẽ đẹp thiên nhiên Côn Đảo mà ông đã cảm nhận được. Khi trở về phòng ông đã thức trắng đêm và hoàn tất chương cuối của vở nhạc kịch “ Brunechilda”. Nổi niềm trăn trở của ông còn lưu lại trong bức thư gởi chúa đảo Jacke… “Ở đâu cái đẹp được tôn trọng, ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”. Nếu có thể, du khách đến đây vào buổi sáng sớm để được ngắm biển Vịnh Côn Sơn thật đẹp khi bình minh vừa thức giấc.

Hiện nay ngôi nhà này được trùng tu trong quần thể của Dinh Chúa đảo. Có lẽ đây cũng là dấu ấn văn minh nhất của nước Pháp còn lưu lại tại hòn đảo ngục tù ngày ấy.

Nghĩa trang Hàng Dương

Có diện tích khoảng 20 ha. Đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào Việt Nam yêu nước đã lần lượt hy sinh dưới ách tù đày, khổ sai tàn bạo của bọn thực dân và đế quốc.

Năm 1992, di tích này đã được đầu tư tôn tạo và chia thành 4 khu:

  • Khu A: gồm 688 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể), với 86 mộ có tên và 602 mộ khuyết danh. Đa phần mộ ở đây được chôn cất từ năm 1945 về trước, trong đó có phần mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh;
  • Khu B: gồm 695 ngôi mộ (có 17 mộ tập thể), với 275 mộ có tên và 420 mộ khuyết danh. Đa phần mộ ở đây được chôn cất từ năm 1945 đến 1960, trong đó có phần mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc;
  • Khu C: gồm 372 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể), với 329 mộ có tên và 43 mộ khuyết danh. Đa phần mộ ở đây được chôn cất từ năm 1960 đến 1975, trong đó có phần mộ của anh hùng Lê Văn Việt;
  • Khu D: gồm 148 ngôi mộ, với 11 mộ có tên và 137 mộ khuyết danh. Số mộ này đều được quy tập từ nghĩa địa Hòn Cau và Hàng Keo.

Nhà tù Côn Đảo là một di tích đặc biệt (di tích nhà tù). Đây là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức; là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước.

Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo cũng là “Trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).

Mai Anh

Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời