Chiến khu Rừng Sác – địa danh gắn liền với các chiến sỹ đặc công Đoàn 10 anh hùng. 40 năm sau chiến tranh, những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của họ vẫn còn vang mãi.
Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) ngày ấy được xem là căn cứ nổi, sát nách Sài Gòn – Gia Định về hướng đông nam, nơi có con sông Lòng Tàu là “cổ họng” vận chuyển, tiếp tế hậu cần cho bộ máy chiến tranh khổng lồ với hàng triệu quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trung đoàn 10 Bộ đội Đặc công Rừng Sác (thành lập 15/4/1966) có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiếm giữ khu Rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy chiến tranh Mỹ-chính quyền Sài Gòn
Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ (trước đây tên gọi là Lâm viên Cần Giờ) với diện tích 2.215,45 ha, trong đó có 514 ha đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch. Ở đây có đầy đủ các loài và sinh cảnh của một tiểu vùng mang tính đặc trưng nhất của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nơi đây còn khoanh nuôi được nhiều đàn khỉ với tổng số khoảng hơn 1.000 con, sống hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên và rất dạn dĩ với con người. Nơi này đã và đang hoàn chỉnh các hệ thống nhà nghỉ trong rừng, nhà ăn uống, cửa hàng bán sản vật đặc trưng của vùng rừng ngập mặn, nhà truyền thống, phòng trưng bày hiện vật phục chế, khảo cổ học…
Nằm bên trong Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác, nơi đây được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, Khu căn cứ này đã được nhiều người biết đến qua quá khứ hào hùng của Đội Đặc công Rừng Sác. Căn cứ đã được xây dựng và tái hiện lại toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các anh hùng khi xưa. Đây là điểm nổi bật và thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách.
Điểm du lịch này đang được khai thác với mức vé vào cổng là 35.000đ/người, vé cano vào Khu Căn cứ Rừng Sác là 600.000đ/lượt đi và về.
Địa chỉ: Đường Rừng Sác, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Rừng Sác (nay thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) nằm ngay vùng ven Sài Gòn, là nơi khắc ghi dấu ấn của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác (Đoàn 10) với những chiến công hiển hách. Với lối đánh “xuất quỷ, nhập thần”, bất ngờ và táo bạo, Đoàn 10 đã nhiều lần chia cắt tuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí của Mỹ chi viện cho chính quyền Ngụy ở Sài Gòn.
Những chiến công hiển hách của Đoàn 10 Anh hùng
Trải qua 9 năm (từ năm 1966 – 1975), Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch. Nhưng trên hết, các chiến sỹ đặc công đã chia cắt nguồn cung ứng của Mỹ cho Sài Gòn, với những trận đánh để đời, khiến địch trở tay không kịp…
Đội quân “kỳ lạ”
Năm 1965, đế quốc Mỹ thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chuyển sang “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ, chư hầu cùng các phương tiện chiến tranh ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Địch xác định sông Lòng Tàu là đường giao thông thủy huyết mạch cho việc vận tải quân sự từ biển Đông về nội đô Sài Gòn.
Trước tình hình đó, đánh giá địa bàn Rừng Sác là nơi có tính chất chiến lược quan trọng, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền ra quyết định thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác (Mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 đặc công Rừng Sác), với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (đơn vị Chủ đầu tư Dự án tôn tạo Khu Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác) cho rằng, nếu địa đạo Củ Chi là “căn cứ chìm” thì Đặc khu quân sự Rừng Sác là “căn cứ nổi”. Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của một chiến khu trên mặt nước, lại ở vị trí “sân sau” của kẻ thù, để đảm bảo sự tồn tại và tiến công được, lực lượng đặc công Rừng Sác phải xây dựng theo hướng đặc công hóa toàn bộ về tổ chức và hoạt động.
Vì thế, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được thành lập với phương châm bám dân, bám đất, bám vào địa hình dày đặc sông rạch, len lỏi trong các vùng nhân dân che chở để xây dựng thế trận lòng dân; đồng thời thực hiện nhiệm vụ bằng mọi cách đánh địch trên các dòng sông để tiêu diệt sinh lực địch và nguồn cung ứng của địch cho Sài Gòn.
Một trong những trận nổi tiếng diễn ra khi Đoàn 10 mới thành lập là trận đánh tàu Victory vào tháng 8/1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victory chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực, thực phẩm… cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966 – 1967.
Dưới sông, tàu địch tuần tra liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sỹ đặc công Rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn. Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23/8, khi tàu Victory đi qua, hai quả thủy lôi của chiến sỹ Đoàn 10 đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10.000 tấn cùng khí giới chìm xuống lòng sông.
Với lối đánh bất ngờ, táo bạo và đầy sáng tạo, trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn 10 Rừng Sác đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, đánh chìm và đốt cháy 356 tàu chiến đấu; đánh đắm 13 tàu vận tải từ 8.000 – 13.000 tấn, bắn cháy 145 tàu vận tải khác, bắn rơi 29 máy bay trực thăng; thiêu hủy 110 nghìn tấn bom đạn, 250 triệu lít xăng dầu của địch…
Chính lối đánh “xuất quỷ nhập thần”, bất ngờ táo bạo của Đoàn 10, đã buộc Tướng Mỹ W. Westmoreland, Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam phải thừa nhận, những người lính Mỹ ở đây đã gặp phải “một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ”.
Chia cắt địch
Cựu chiến binh, Đại úy Cao Hùng Ngọt, nguyên Đội trưởng Đội 5 (cấp Đại đội, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác), năm nay đã 79 tuổi, vẫn nhớ như in về trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè năm xưa, bởi đây là trận đánh vang danh của Đội 5, tập thể hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân chỉ trong 3 năm (1972 và 1975).
Sau Mậu Thân 1968, địch đem quân càn quét khắp nơi, Đội 5 do ông Cao Hùng Ngọt cũng như nhiều đơn vị khác của Đoàn 10 bị thiệt hại nặng nề. Đại úy Cao Hùng Ngọt cho biết, để tăng cường lực lượng cho Đoàn 10, cấp trên đã chi viện “đặc công khô” từ miền Bắc về Rừng Sác. Chính nhờ vậy, trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè năm 1973 được ghi nhận là chiến tích đặc biệt với lối đánh “đồng hóa đặc công khô và đặc công nước”.
Tư liệu “Lịch sử về Trung đoàn 10 Rừng Sác anh hùng” ghi lại rất rõ trận đánh “vang danh” ở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Từ một thương cảng, Mỹ đã biến Kho xăng dầu Nhà Bè thành quân cảng tiếp nhận nguyên liệu, xăng dầu phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trong đó có các hãng xăng dầu lớn trên thế giới. Số lượng xăng dầu tại đây đủ cung ứng cho 60% nhu cầu xăng dầu dân sự và quân sự của miền Nam.
Để thực hiện kế hoạch, Đoàn 10 thống nhất giao nhiệm vụ cho Đội 5, do Đội trưởng Cao Hùng Ngọt chỉ huy chung, tổ chức một đội gồm 8 đồng chí có tăng cường thêm các chiến sỹ giỏi của đơn vị khác.
“Tháng 2/1973, cấp trên giao cho Đội 5 đi thâm nhập thực tế, tìm lối vào kho xăng dầu vốn được canh chừng cẩn mật với nhiều lớp bảo vệ. Phải mất 5 tháng nghiên cứu, nắm thông tin, chúng tôi mới tìm được cách tấn công vào kho xăng dầu. Qua đó, đơn vị đã chuẩn bị lực lượng, sa bàn và khối lượng thuốc nổ có thể công phá cả kho xăng dầu rộng lớn. Khi kế hoạch được phê chuẩn, Đội 5 sẵn sàng cho trận đánh vào cuối năm 1973.”, ông Cao Hùng Ngọt nhớ lại.
Với kỹ thuật đánh đặc công, phối hợp nhịp nhàng và lòng quả cảm, 8 dũng sĩ của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã vượt qua các trạm gác, chướng ngại vật để thâm nhập vào các vị trí then chốt của kho xăng dầu. Giữa đêm khuya, vụ nổ lớn đồng loạt đã làm rung chuyển Sài Gòn, lửa cháy ngùn ngụt suốt 12 ngày đêm… khiến địch phải xả dầu ra sông để tránh nguy cơ lan rộng. Thiệt hại của địch vô số kể, nhất là nguồn nguyên liệu của Mỹ cung ứng cho miền Nam bị thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng đến kế hoạch chung.
Kể về đêm lịch sử đó, ông Cao Hùng Ngọt cho biết: Do lối vào gặp khó khăn với 12 lớp hàng rào bảo vệ, nên phải đến gần 1 giờ ngày 3/12, anh em trong đội mới đồng loạt cho nổ được Tổng kho. Trận đó, chúng tôi đánh nổ 80 kg thuốc nổ C4 ở 80 vị trí khác nhau, bởi các thùng chứa xăng dầu được sản xuất bằng vỏ gang rất dày.
Ông Cao Hùng Ngọt chia sẻ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh nổ kho xăng dầu, anh em trong đội nhanh chóng tìm lối thoát ra. Tuy nhiên, do đây là nơi được canh gác cẩn mật, “vào dễ khó ra”, hai đồng đội của ông là Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm đã bị địch bắt giữ lúc 8 giờ. Để bảo vệ tuyệt đối bí mật tổ chức, cả hai đồng chí ấy đã tự sát khi bị địch bắt lên tàu.
Gắn bó hơn 10 năm ở Đoàn 10 (từ năm 1966 đến 1977), Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác ấn tượng nhất là trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Ở tuổi gần 90, trí nhớ đã giảm, không còn nhớ những chi tiết, nhưng hình ảnh ngọn lửa bùng cháy rực trời Sài Gòn mãi không phai trong tâm trí ông.
Phân tích về chiến công năm xưa, Thiếu tướng Trần Thành Lập cho rằng, nhờ chúng ta nghiên cứu kỹ vị trí, cách thức vận hành của địch nên đã chọn đúng điểm đột phá. Với quân số chỉ 8 người (chưa đầy 1 tiểu đội), Đội gồm những chiến sỹ rất giỏi, đã thực hiện thành công nhiệm vụ, tiêu hủy 250 triệu lít xăng dầu, 12 bồn butagas, 1 tàu tải trọng lớn và các kho chứa hàng hóa của địch.
Theo Thiếu tướng Trần Thành Lập, các chiến sỹ đặc công Đoàn 10 đã đánh chìm nhiều tàu vận tải quân sự của Mỹ trên sông Lòng Tàu. Đây là tuyến huyết mạch của Mỹ trong vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự từ biển vào chi viện cho Mỹ – Ngụy. Do đó, việc “phá vỡ, chia cắt” này có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm sức mạnh của đối phương.
Chính những trận đánh trên sông Lòng Tàu, ở cảng Nhà Bè của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác phá hủy nhiều tàu vận tải quân sự cỡ lớn của địch, có trận đánh chìm hàng chục tàu quân sự của Mỹ… đã làm hạn chế sự vận chuyển tiếp tế đường giao thông huyết mạch của Mỹ cho chiến trường miền Nam. Đây là những thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch chung của Mỹ – Ngụy trong chiến tranh./.
Ký ức một thời trai trẻ tại Chiến khu Rừng Sác
Được hình thành khá đặc biệt trong chiến tranh giải phóng miền Nam, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác gắn mình với vùng “rừng thiêng, nước độc” để chia cắt nguồn tiếp tế cho Mỹ – Ngụy ở Sài Gòn. Những tháng ngày “chìm nổi” trong vùng sông nước ven đô Sài Gòn là những ngày đầy ắp kỷ niệm oai hùng một thời trai trẻ của chiến sỹ Rừng Sác năm xưa…
Sống với dân, bám lấy rừng
Địa bàn Rừng Sác, nhất là khu phía Tây sông Lòng Tàu thường xuyên bị địch phong tỏa, nên rất khó khăn. Nhiều thời kỳ, các chiến sỹ Đoàn 10 ở đây thiếu gạo, phải giã lúa bằng nửa vỏ đạn 105 ly để có chút ít gạo nuôi thương binh; nấu cất nước mặn thành nước ngọt chia nhau chống khát. Để tránh tai mắt của địch, Đoàn 10 phải nối với cơ sở, mùa gặt dân giấu lúa ở ruộng, đêm quân ta đột nhập vào lấy lúa chống đói qua ngày.
Là dân địa phương, ông Huỳnh Đồng (nguyên Trung đội trưởng Trinh sát – Đoàn 10) cho biết, mỗi khi vào bưng (khu đất không ngập nước được bộ đội chọn làm nơi trú quân) phải dậy sớm nấu nước, ăn uống rồi đi tới bưng.
Ông Huỳnh Đồng nhớ lại: “Đi gần tới đó là đi ngược (lùi), vừa đi vừa xóa dấu vết. Bưng thường có chỉ chừng một mẫu và mình núp ở đó. Xe tăng của nó, tàu chiến của nó chạy vòng vòng bên ngoài. Chiều gần tối thì trở ra. Lính Mỹ càn theo la bàn, núp dưới bờ nước thấy chân lính Mỹ”.
Cả cuộc đời gắn với vùng Rừng Sác, ông Huỳnh Đồng cho biết, người dân ở đây rất yêu quý bộ đội, luôn sẵn sàng tiếp ứng lương thực, thực phẩm cho Đoàn 10 khi có thể. Và cũng chính vì gắn với dân, được người dân bảo vệ, nên căn cứ Rừng Sác đã luôn đứng vững trước những đợt càn quét của địch.
Trong khi đó, từng tham gia chiến dịch Bình Giã (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhưng bà Phạm Thị Nhung, nguyên y tá Đoàn 10 đặc công Rừng Sác (hiện ở thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ) cho biết: “Ở Rừng Sác khó khăn lắm, thiếu hụt đủ thứ, nước uống không có (vùng ngập mặn) nên phải nấu nước cất cho bộ đội uống. Mỗi ngày nấu “cật lực” cũng chỉ được khoảng 20 lít”.
“Phương châm bám đất, bám dân đã giúp Đoàn đặc công Rừng Sác hoàn thành nhiệm vụ suốt từ khi thành lập đến ngày giải phóng miền Nam. Cũng nhờ dân mến, dân thương, đùm bọc, che chở, cung cấp nhiều nhu yếu phẩm cần thiết đã giúp những chiến sỹ đặc công Rừng Sác vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, bà Phạm Thị Nhung chia sẻ.
Trải qua 9 năm ác liệt ở Rừng Sác, dù khó khăn, gian khổ, nhưng các chiến sĩ Đoàn 10 thề quyết giữ địa bàn, một tấc không đi, một ly không rời trận địa nếu không có lệnh của cấp trên. Chính tinh thần ấy đã giúp họ bám trụ chiến đấu, cùng Đảng bộ huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) xây dựng phong trào cách mạng địa phương cho đến ngày toàn thắng.
Cũng vì những khó khăn đó, với những người như bà Nhung, họ không chỉ làm nhiệm vụ của một y tá, mà còn gánh vác thêm công tác hậu cần, văn công. “Vết thương lành nhanh cũng một phần do tinh thần tốt. Chính những câu hát, những buổi văn nghệ đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính bị thương”, bà Phạm Thị Nhung nhớ lại.
Những con người vào sinh ra tử
“Rừng Sác là nhà, bến cảng, kho tàng là trận địa, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm – có lệnh là đánh – hoàn cảnh nào cũng đánh – đã đánh là thắng”, như một bài ca ra trận để những chiến sĩ Rừng Sác làm nên những chiến tích oai hùng. Với tư chất của một người lính cụ Hồ, nhất là bộ đội đặc công vốn sáng tạo, gan dạ, trung kiên, nên dù trong hoàn cảnh gian khó, nguy hiểm, họ không bao giờ chùn bước. Nhờ đó, những nhiệm vụ tưởng như “bất khả thi” cũng được hoàn thành.
Ở độ tuổi 77, ông Huỳnh Đồng vẫn nhớ như in về trận đánh tàu chuyển quân của Mỹ năm xưa, qua đó tránh được trận càn khốc liệt của địch đối với vùng Rừng Sác. Năm 1970, địch lên kế hoạch mở trận càn lớn từ Rừng Sác về Long Thành (Đồng Nai), Đoàn 10 được giao nhiệm vụ bẻ gãy trận càn trước khi chúng kịp tiến hành, bởi nếu để địch thực hiện được ý đồ, quân ta sẽ tổn thất nặng nề.
“Tôi khi đó là Trung đội trưởng Đội trinh sát (Đoàn 10), nhận nhiệm vụ bố trí lực lượng theo dõi tàu của địch đưa quân lên tuyến Rừng Sác để chuẩn bị cho trận càn. Xác định mục tiêu chính, tôi cùng 2 đồng đội được trang bị 2 khẩu AK và một khẩu B41 cùng 3 quả đạn tiến hành mai phục ở ấp Bàu Bông, gần Thị Vải, chỉ cách luồng tàu địch khoảng 100m”, ông Huỳnh Đồng kể lại.
Lúc đó, khoảng 22 giờ của đêm trăng đầu tháng 5, tháng 6, quân địch tập trung ở khu vực Long Sơn để chuẩn bị cho ngày mai càn xuống Long Thành. Địch rút quân theo từng đợt tàu hải quân, lúc 5 chiếc, lúc 7 chiếc, lúc 3 chiếc. Lúc này, ông Huỳnh Đồng không cho nổ súng, anh em đi cùng sốt ruột nhắc “mình mà không nổ súng, mai chúng nó càn lên là mình bị kỷ luật liền đó”.
Trước tình hình “căng như dây đàn”, ông Huỳnh Đồng vẫn bảo anh em chờ đợi thời cơ. Một lúc sau, nước lớn xuống, mặt trăng gần lặn, phát hiện một tàu xuống chỉ một mình, đây là loại tàu đặc biệt, chuyên chuyển quân.
“Khi nào tao bắn, thằng Năm và thằng Thành hướng bắn góc 45 độ, không được bắn chính diện dễ bị phụt lại (bị lộ). Bắn một phát, nó tấp ngay vào bờ, ngay công sự mình và bốc cháy. Lúc này, trên tàu có khoảng 150 tên Mỹ. Ngay lập tức, mấy chiếc tàu của địch ở phía Vũng Tàu bắn lên rào rào, toàn 40 ly”, ông Huỳnh Đồng kể lại khoảnh khắc lúc đó.
Ông Huỳnh Đồng cho biết: “Dù tàu địch liên tục rọi đèn pha, nhưng nhờ lửa chiếc tàu cháy đó che mà chúng tôi rút về an toàn tới Gò Cát, trong người vẫn còn 2 trái đạn. Sáng hôm nay, địch rút quân để lại các xác tàu trên sông và ba đứa tôi, mỗi đứa được một cái giấy khen”.
Nhưng nhắc đến Đoàn 10 anh hùng là phải nhắc đến chiến sĩ Đội 5, đơn vị hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, với những chiến tích oai hùng của cả tập thể và cá nhân. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện năm 1964, chàng trai trẻ quê Thanh Hóa Cao Hùng Ngọt (nguyên Đội trưởng Đội 5 – Đoàn 10 đặc công Rừng Sác), cùng đồng đội của Đoàn 126 Hải quân hành quân vào chi viện cho miền Nam. Đến Lộc Ninh (Bình Phước), đơn vị của ông được chia thành hai nhánh, trong đó nhánh của ông tiến về Đông Nam Sài Gòn với mục tiêu là Rừng Sác, nơi mà ông hoàn toàn “mờ tịt” về địa hình, thông tin.
Với Đại úy Cao Hùng Ngọt, tâm trí ông luôn khắc ghi hai trận đánh “để đời”. Ngoài trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè do ông chỉ huy chung, trận còn lại có ý nghĩa đặc biệt với cá nhân ông. Đó là tháng 7/1972, đội của ông nhận lệnh đánh tàu vận tải 7.000 tấn của Mỹ trên sông Lòng Tàu. Khi đang di chuyển trong làn nước hướng về mục tiêu, đồng đội đi cùng bất ngờ bị đau phải quay trở lại.
“Lúc này, trong đầu tôi rất căng thẳng, nếu bỏ mục tiêu sẽ mất cơ hội, không thể rút lui được. Với khí chất “hoàn cảnh nào cũng đánh”, tôi đã nhờ vào lực nâng của nước sông để di chuyển khối thuốc nổ khoảng 70 kg hướng về phía tàu Mỹ. Đêm 20/7/1972 đó thật đặc biệt, tôi đã một mình đánh chìm con tàu 7.000 tấn của địch để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao”, ông Cao Hùng Ngọt chia sẻ đầy tự hào.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Rừng Sác của các chiến sỹ Trung đoàn 10 đã trở thành “tử địa” với kẻ thù, bởi các chiến sỹ đã phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, với lối đánh du kích sáng tạo. Đặc công Rừng Sác đã ghi vào lịch sử dân tộc những trang vẻ vang, oanh liệt. Nơi đây, các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế có thể tìm đến, lắng đọng và tự hào về một thời gian lao mà anh dũng của các chiến sỹ đặc công Rừng Sác và nhân dân Cần Giờ.
Với những chiến công hiển hách của cả tập thể cũng như từng chiến sỹ, ngày 23/9/1973, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đến nay, Đoàn 10 có 3 tập thể, 9 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, riêng Đội 5 được hai lần tuyên dương.
Cho Rừng Sác mãi xanh tươi
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, Rừng Sác năm xưa đã có nhiều thay đổi. Chiến khu bị giặc Mỹ ném bom, rải chất độc hóa học tan hoang năm xưa nay đã một màu xanh tốt.
Đó là nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như người dân Cần Giờ, bởi đây không chỉ là “lá phổi xanh” của Thành phố, mà nơi đây chất chứa bao kỷ niệm, chiến tích oai hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Giữ màu xanh Rừng Sác
Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác là người trải qua nhiều cuộc chiến đấu: Kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc. Nhưng trong tâm khảm một người lính, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Rừng Sác luôn rất đặc biệt, một thời oai hùng gắn với những chiến công hiển hách.
Bồi hồi ôn lại những kỷ niệm trong kháng chiến, Thiếu tướng Trần Thành Lập ngập ngừng kể về những người đồng đội đã ngã xuống ở vùng Rừng Sác. Trong đó, hơn 500 liệt sỹ vẫn chưa tìm được hài cốt, bởi đây là vùng sông nước, thủy triều lên xuống cuốn trôi từng ngôi mộ. Cũng bởi trên vùng đất Rừng Sác Cần Giờ còn rất nhiều liệt sỹ ngã xuống chưa tìm được mộ, Thiếu tướng Trần Thành Lập mong muốn huyện Cần Giờ sẽ xây dựng nơi đây trở thành một địa điểm du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Để những chiến công, sự hy sinh xương máu của cha anh mãi được khắc ghi.
Dẫn chúng tôi đi vào khu vực các phần mộ của liệt sỹ Đoàn 10 ở Nghĩa trang Liệt sỹ Rừng Sác, bà Phạm Thị Nhung (nguyên cán bộ Y tá Đoàn 10 đặc công Rừng Sác) chia sẻ, ở đây chỉ mới có mộ của một số anh em trong Đoàn, nhiều liệt sỹ chưa tìm được phần mộ. Thời gian qua nhanh, nước cuốn trôi lớp đất phủ trên những ngôi mộ được chôn vội vã giữa những trận chiến… Hy vọng, lớp trẻ ngày nay sẽ gìn giữ, phát huy được Khu Di tích lịch sử Rừng Sác oai hùng, xây dựng nghĩa trang thành một nơi về nguồn, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ mai sau.
Sau khi rời quân ngũ năm 1987, ông Cao Hùng Ngọt không về quê hương Thanh Hóa, mà tiếp tục gắn bó với vùng Rừng Sác, bởi với ông đây là nơi lưu giữ những chiến công của cá nhân ông cũng như đơn vị; nơi những người dân đã bao bọc Đoàn 10 trong những ngày tháng gian lao nhất. Đây cũng là vùng đất mà biết bao đồng đội của ông đã ngã xuống. Nhìn về con sông Lòng Tàu cùng hàng cây phía xa, ông muốn Rừng Sác rồi đây tiếp tục xanh tươi và mãi khắc khi chiến tích của Đoàn 10 năm xưa…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), trong chiến tranh, để đối phó với đặc công, Mỹ ngụy đã dùng chất độc hóa học hủy diệt Rừng Sác, cứ mỗi hecta bị nhuộm gần 60 lít chất độc. Thảm thực vật bị hủy hoại trơ trọi, Cần Giờ mang đầy thương tích chiến tranh. Với quyết tâm khôi phục lại “lá phổi xanh” và vùng dự trữ sinh quyển, Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động sức trẻ của lực lượng thanh niên xung phong, phục hồi hơn 31.000 ha rừng.
Ngày 8/12/2010, Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương giao cho Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tôn tạo, tái hiện Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, nhằm tôn vinh những chiến công của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã sống, chiến đấu, hy sinh anh dũng tại chiến khu Rừng Sác; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ sau, đồng thời kết hợp du lịch sinh thái, bảo tồn, phát triển khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Đưa du lịch cất cánh
Năm 2012, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có công văn giao cho Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi làm chủ đầu tư dự án tái hiện, tôn tạo Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, đến nay, Dự án đã được UBND Thành phố phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu trung tâm 2. Trong tương lai, khi dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, đây sẽ là một địa chỉ đỏ về nguồn, có ý nghĩa giáo dục lịch sử, một địa điểm tham quan du lịch sinh thái, trải nghiệm đầy thú vị của Thành phố và huyện Cần Giờ.
Theo quy hoạch phát triển du lịch huyện Cần Giờ đến năm 2020 được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, Cần Giờ sẽ trở thành một trung tâm du lịch sinh thái theo 3 phân khu chức năng chính gồm du lịch sinh thái biển, khu du lịch sinh thái rừng và khu du lịch sinh thái nông nghiệp. Trong đó, khu du lịch sinh thái biển sẽ tập trung tại các điểm ven biển Cần Thạnh – Long Hòa, xã đảo Thạnh An và núi Giồng Chùa.
Bên cạnh đó, Cần Giờ đang triển khai tôn tạo, nâng cấp các điểm du lịch như bãi biển 30/4 ở xã Long Hòa, Khu Du lịch hoang dã Lâm Viên với Khu căn cứ kháng chiến Rừng Sác, Khu núi đá Giồng Chùa (Thạnh An), các khu di chỉ khảo cổ… Hiện Cần Giờ đang được khá nhiều công ty du lịch quan tâm đầu tư, mở tuyến đưa khách tham quan.
Hiện nay, lượng khách đến tham quan Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác hàng năm đều tăng, trung bình mỗi năm đơn vị tiếp đón và phục vụ gần 300.000 lượt khách, trong đó có gần 200.000 lượt khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch chỉ được phát triển và khai thác tốt nếu huyện có công trình về giao thông, dịch vụ nhà vệ sinh, nhà chờ, nhà nghỉ… Trong đó, những khó khăn về giao thông khiến nơi đây chưa phát huy được tiềm năng về du lịch. Hiện nay, phà Bình Khánh vẫn là phương tiện duy nhất kết nối Cần Giờ với trung tâm Thành phố.
Giữa tháng 4/2019, Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố thiết kế cầu Cần Giờ, với hình tượng cây đước, loại cây đặc trưng của vùng Rừng Sác. Việc xây dựng cầu được đánh giá là đặc biệt cấp thiết, thay thế phà Bình Khánh để kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm Thành phố cũng như các khu vực lân cận, hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cho biết, hiện công tác kêu gọi đầu tư có nhiều thuận lợi do Trung ương và Thành phố có sự quan tâm, chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án mang tầm chiến lược tại địa phương như Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, tuyến phà kết nối Cần Giờ – Vũng Tàu… Đây là động lực thúc đẩy kinh tế huyện phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là ngành Du lịch.
Đã hơn 44 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Rừng Sác ngày nay đã có nhiều đổi thay, không còn là cánh rừng hoang tàn do bom đạn địch dày xéo… Dù vậy, nơi đây vẫn luôn mãi khắc ghi chiến công lẫy lừng của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, với những chiến sỹ dũng cảm, quên mình cho Tổ quốc. Để hôm nay, Rừng Sác đã trở thành một “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ, đồng thời là nơi du lịch sinh thái gắn với địa danh lịch sử, động lực phát triển kinh tế – xã hội cho huyện Cần Giờ.
Địa chỉ và giá vé Chiến khu rừng Sác Cần Giờ
Điểm du lịch này đang được khai thác với mức vé vào cổng là 35.000đ/người, vé cano vào Khu Căn cứ Rừng Sác là 600.000đ/lượt đi và về.
Địa chỉ: Đường Rừng Sác, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm: Khám phá rừng ngập mặn Cần Giờ
Tiến Lực – Xuân Khu (TTXVN)
Pingback: Khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo của Việt Nam