Khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo của Việt Nam

Khu dự trữ sinh quyển nói chung, ở vùng ven biển và hải đảo nói riêng là do quốc gia thành lập và được công nhận bởi Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO). Đây là khu vực hàm chứa tập hợp quan trọng sự đa dạng sinh thái, văn hóa và kinh tế tiêu biểu của quốc gia, giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững của từng khu vực.

Theo các tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế có uy tín, cấu trúc của khu dự trữ sinh quyển phải thành ba vùng rõ rệt: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Vùng lõi là vùng dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, các hoạt động giám sát, nghiên cứu, giáo dục, tác động tối thiểu tới các hệ sinh thái; mỗi khu có thể có một hoặc nhiều vùng lõi. Vùng đệm thường bao quanh vùng lõi; đây là vùng để phát triển kinh tế, trên cơ sở bền vững sinh thái, như: du lịch, giáo dục môi trường, v.v. Vùng chuyển tiếp phía ngoài cùng để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế bền vững; nơi gặp gỡ và làm việc của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, các thành phần kinh doanh, hoạt động văn hóa,… nhằm quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi.

Đến nay, Việt Nam đã có 06 khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo được công nhận, nằm rải rác trên khắp chiều dài đất nước, gồm: Cát Bà, vùng ngập nước Sông Hồng, rừng ngập mặn Cần Giờ, Cù Lao Chàm, Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo Kiên Giang. Theo đánh giá của UNESCO, các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam vô cùng đa dạng, đã và đang góp phần không nhỏ trong khu dự trữ sinh thái, hạn chế xói lở, làm cho đất đai màu mỡ, điều hòa khí hậu, hạn chế ô nhiễm nước và không khí. Đặc biệt, các hệ sinh thái rừng ngập mặn đã tạo bức tường xanh bảo vệ vùng ven biển, hạn chế thiệt hại do hậu quả nước biển dâng, sóng, bão và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây còn là nơi góp phần cho việc nghiên cứu các hệ sinh thái tự nhiên, di truyền, duy trì và kiến tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển. Bên cạnh đó, các khu dự trữ sinh quyển ven biển còn tạo điều kiện cho việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi kiến thức để phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế – xã hội gắn với giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu, như: nghèo đói, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu,… trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Để tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy những giá trị của các khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo đối với đời sống con người, Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và có nhiều chủ trương, giải pháp phát triển bền vững các khu này và được thể hiện rõ trong các văn bản, pháp luật liên quan, như: Chiến lược Biển Việt Nam; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đa dạng sinh học; Luật Biển Việt Nam; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, v.v. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các cấp, ngành, địa phương, lực lượng triển khai thực hiện. Theo đó, cùng với nhiều hoạt động khác, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO, MAB Việt Nam và các địa phương,… triển khai nhiều đề tài khoa học cấp quốc gia để nghiên cứu về các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn với khai thác và sử dụng hợp lý các khu dự trữ sinh quyển; tích cực tìm ra những mô hình phát triển mới, góp phần phát triển bền vững cho địa phương và đất nước.

Xem thêm: Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác Cần Giờ

Nguyễn Văn Sử (Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời