Cầu gai – Nhum biển món ăn thuốc bổ dưỡng ngon không thể cưỡng

Cầu gai hay được gọi bằng các tên gọi khác như: Nhum biển, nhím biển,… Cầu gai nhìn giống trái chôm chôm, có nhiều loại màu đen thẫm, màu vàng cát, có hình tròn dẹt, đường kính khoảng 8-10 cm, dày 3-4 cm có nhiều gai nhọn dài.

Cầu gai – Nhum biển là gì?

Cầu gai, Nhum biển hay Nhím biển, tên khoa học Echinoidea, là tên gọi chung của một lớp thuộc ngành Động vật da gai, sinh sống ở các đại dương

Vỏ của cầu gai có hình cầu và có nhiều gai, do đó mà có tên gọi cầu gai. Chúng có đường kính từ 3–10 cm, có thể đạt đường kính từ 8 đến 10 cm, dày khoảng 3 đến 4 phân. Gai nhọn mọc khắp vỏ bên ngoài, nếu bị đâm thì vùng da bị đâm sẽ nhức, tuy nhiên không gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Con cầu gai dưới biển vừa bắt lên

Khối lượng thịt cầu gai (còn gọi là trứng nhum) rất ít so với tổng thể khối vỏ của chúng. Các thớ thịt được cấu tạo thành hình sao từ 5 đến 8 cánh, màu vàng hoặc cam, bám dọc theo vỏ gần như rỗng.

Cầu gai di chuyển chậm, hầu như chỉ ăn tảo. Cầu gai trong tự nhiên là thức ăn của các loài rái cá biển, lươn sói (Anarrhichthys ocellatus), cá Balistidae. Trong một số vùng biển, cầu gai còn ăn một số loại san hô thân mềm và một số loại cỏ biển thân mềm. Vào mùa sinh sản của cầu gai, các loại san hô thân mềm gần như là thức ăn chính.

Cầu gai, được xem như “nhân sâm biển” vì có nhiều dinh dưỡng, tăng cường sinh lực, có nhiều múi cơm có thể ăn sống, nướng hay nấu cháo đều rất ngon, cực kỳ bổ dưỡng. Ở Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn, Phú Quý….cầu gai sống phân bổ rải rác ở các bãi biển sạch tại Việt Nam, nằm sát đáy biển được người dân khai thác bán từ 50.000 – 70.000 đồng/con tùy kích thước đã được chế biến. Hầu hết du khách khi đi du lịch miền biển đều thưởng thức món vua đinh dưỡng này, còn mua về làm quà biếu, quà tặng cho người thân.

Một số món ăn thuốc từ nhum biển

Sau đây là một số món ăn thuốc từ nhum biển được gợi ý từ Lương y Minh Phúc

  • Cháo nhum biển: nhum biển, gạo tẻ, hành hoa, tiêu muối, dầu ăn, bột ngọt, gia vị vừa đủ nấu ăn. Dùng dao tách đôi con nhum lấy thịt ướp với gia vị, cho hành mỡ xào chín thơm để riêng, khi cháo chín nhừ cho thịt và trứng vào cháo ăn kèm giá đậu, hành ngò. Bài này rất thích hợp cho người mệt mỏi mới ốm dậy.
  • Nhum biển nướng mỡ hành: nhum biển sau khi rửa sạch, dùng kéo cắt đôi, cho vào một ít mỡ hành và nướng trên bếp than hồng chín thơm, thêm gia vị, muối tiêu, chanh. Bài này thích hợp với người ăn kém hay lạnh bụng, tiêu chảy.
  • Nhum biển chưng trứng: nhum biển, trứng gà, vịt hoặc trứng cút, hành tiêu, muối, gia vị. Nhum biển sau khi làm sạch, tách phần thịt, trứng ra khỏi nhum, rồi đánh đều với trứng gia vị, sau cho các vị vào thố, hấp cách thủy cho chín. Bài này thích hợp với người ăn kém, khó lên cân, tóc bạc sớm, da khô sinh lý yếu.
  • Mắm nhum biển: dùng dao bổ đôi con nhum, tách bỏ gân máu, nạo lấy thịt, cho vào bát đã có ít muối hạt cho vào chai, cất vào chỗ mát, 7 ngày sau là có thể ăn được. Trộn mắm nhum với lòng đỏ trứng gà, rắc một ít hành lá và ớt, phi thơm ít hành, bắc lên bếp, nghe “xèo” là có món chả nhum hấp dẫn. Món này thích hợp với trẻ em còi, người lớn gầy khó lên cân.
  • Cháo nhum biển hạt sen: thịt nhum, gạo mới, đậu xanh, hạt sen, giá đậu, rau răm rau mùi, gia vị vừa đủ nấu cháo. Bài này thích hợp người hư nhược, ăn ngủ kém, nam nữ sinh lý yếu, hiếm muộn con.
  • Thịt nhum xào rau củ: thịt nhum, dưa leo, hành tây, cà rốt, hành ngò, gia vị. Nhum biển sống lấy kéo cắt đôi, lấy phần thịt xào rau ăn. Món này thích hợp với người khí huyết hư, ăn uống kém, hay mệt mỏi, mắt yếu, da khô.
  • Mắm nhum ăn bún rau sống: thịt ba chỉ luộc thái nhỏ, bún tươi, rau tía tô, húng quế, rau ngò, giá đậu, đậu phụng rang, thêm chanh, tỏi, đường, gia vị. Bún tươi trộn thịt, mắm nhum các vị khác, nêm gia vị vừa ăn. Bài này thích hợp với người tỳ thận yếu bụng đầy chậm tiêu, hay cảm nhiễm, tinh huyết kém.
Món Nhum biển với trứng

Lưu ý: Nhum biển loại bổ dưỡng giàu đạm nên người đang bị đau khớp do gút nên kiêng; người đang cần giảm cân, phụ nữ có thai người nóng thai lớn, người hay bị dị ứng hải sản nên hạn chế.

Công dụng hỗ trợ phòng the của nhum biển

Theo Đông y, loài Nhum có nhiều dưỡng chất, có tác dụng bổ dương, bồi bổ dùng cho những người có thể trạng yếu, tăng miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể.

Qua phân tích, khoa học hiện đại tìm thấy trong nhum có chứa nhiều protein, các loại vitamin A, B2, B1, chất béo và nhiều nguyên tố vi lượng khác, đặc biệt là kẽm vốn dễ hấp thụ, là “tác nhân” giúp cánh mày râu được cường tráng.

Món ngon từ Nhum biển

Tuy không có tài liệu sử học nào đề cập đến việc vua Minh Mạng ăn mắm nhum để tăng khả năng “chăn gối” nhưng từ sự ưa thích đặc biệt của ông với loài hải sản này, người ta tin rằng, bên cạnh phương thuốc “Minh Mạng thang” nổi tiếng, nhum biển cũng là một trong những “thần dược” giúp nhà vua cường tráng, sung mãn chốn phòng the.

Không chỉ gây sốt ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhum biển vào danh sách những sản vật quý giá của đại dương.

Theo nghiên cứu của nhóm khoa học Mỹ, nhum biển càng “già” thì khả năng sinh sản của chúng càng sung sức, càng tạo ra nhiều “tinh binh”. Vì thế, người ta càng có lý do tin tưởng về công dụng thần kỳ của sản vật nhiều dinh dưỡng này trong “chuyện ấy”.

Từ năm 1970, cơ quan sinh dục của nhum biển được Nhật Bản nhập khẩu với số lượng lớn để chế biến thành phương thuốc giúp tăng cường khả năng tình dục cho nam giới.

 

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời