Lịch sử hình thành đảo Phú Quốc

Lịch sử hình thành đảo Phú Quốc – hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, với nhiều tình tiết vô cùng thú vị, gắn liền với dòng họ Mạc những ngày đầu khai hoang trên mảnh đất này.

Vị trí địa lý đảo Phú Quốc

Vùng biển Phú Quốc có 27 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 574 km² (56.200 ha), dài 50 km, nơi rộng nhất (ở phía bắc đảo) 25 km. Điểm cao nhất tới 603 m (núi Chúa). Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ nam đến bắc với 99 ngọn núi đồi. Phần các vùng biển quanh đảo nông có độ sâu chưa đến 10 m. Tuy nhiên, cụm đảo nhỏ của cảng An Thới bị ngăn cách hẳn với phần mũi phía nam của đảo Phú Quốc bởi một eo biển có độ sâu tới hơn 60 m. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km.

Bản đồ đảo Phú Quốc

Lịch sử hình thành đảo Phú Quốc

Năm 1671, một người Hoa tên là Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời Phúc Kiến đi về vùng biển phương Nam.

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đoàn người của Mạc Cửu đặt chân lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu (Ang Sur – Jayajettha III) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681. Trong năm 1680, Mạc Cửu đã lập một số ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Hà Tiên, và Cà Mau đã nhanh chóng trở thành thương cảng quan trọng. Có những thôn ấp định cư nằm san sát ở mé biển, khá thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, cũng có thôn ấp ở đất cao dọc theo Giang Thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.

Trở lại với quá trình mở mang vùng đất mới của Mạc Cửu, ông đã lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển như Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán, tức người Khmer), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo). Tiếng đồn về vùng đất phồn thịnh này ngày càng vang xa, do đó lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan đã xin đến đây lập nghiệp.

Kể từ đó nơi đây đã ra đời tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có). Năm 1708, Mạc Cửu bắt đầu liên lạc với Chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu. Tiếp đến vào năm 1724, Mạc Cửu lại một lần nữa dâng toàn bộ đất đai có được và được chúa Nguyễn phong chức đô đốc trấn giữ vùng lãnh thổ này, đồng thời đổi tên vùng Căn Khẩu thành Long Hồ dinh. Cho đến năm 1729, Long Hồ dinh đã nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất ở vùng vịnh Thái Lan.

Năm 1735 Mạc Cửu mất, con của ông là Mạc Sĩ Lân (sau đổi tên thành Mạc Thiên Tứ) được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Vì những cống hiến của gia đình họ Mạc, Ninh vương Nguyễn Phúc Trú đã nâng dòng họ Mạc lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh lúc bấy giờ được đổi tên thành trấn Hà Tiên. Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (bắc Bạc Liêu). Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn vùng lãnh thổ gồm hai phủ Tầm Bôn (thuộc Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để được về Nam Vang cai trị.

Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp gồm Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam). Nói chung, toàn bộ vùng duyên hải bao quanh đảo Phú Quốc. Sau đó, Mạc Thiên Tứ đã dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Thật ra, đây chỉ là những vùng đất hoang, không người Khmer nào sinh sống vì sình lầy và lụt lội quanh năm. Võ vương đã sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.

Năm 1770, nhà truyền giáo Pierre Pigneu de Béhaine đặt chân lên Phú Quốc và xác nhận cư dân ở đây sử dụng tiếng Việt để giao tiếp, không sử dụng tiếng Khmer.

Năm 1855, Hoàng để Napoleon III của Pháp xác nhận Phú Quốc thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thời Pháp thuộc, Pháp đặt Phú Quốc làm đại lý hành chính, thuộc hạt thanh tra Kiên Giang, rồi Rạch Giá. Ngày 1 tháng 8 năm 1867, Phú Quốc thuộc hạt Hà Tiên. Ngày 25 tháng 05 năm 1874, Pháp thành lập hạt Phú Quốc, bao gồm các đảo nằm trong khu vực 100°Đ – 102°Đ và 9°B – 11°30’B. Đồng thời, Pháp còn mở cảng Dương Đông cho tàu thuyền các nước vào buôn bán.

Ngày 16 tháng 06 năm 1875, giải thể hạt Phú Quốc, tái lập tổng thuộc hạt Hà Tiên, gồm 5 thôn: Lạc Hiệp, An Thới, Dương Đông, Hàm Ninh, Phú Dữ.

Từ ngày 5 tháng 1 năm 1876, các thôn gọi là làng, thuộc hạt Hà Tiên.

Ngày 18 tháng 05 năm 1878, đổi tên làng Lạc Hiệp thành làng Lạc Phú.

Từ ngày 12 tháng 01 năm 1888, tổng Phú Quốc thuộc hạt tham biện Châu Đốc.

Từ ngày 27 tháng 12 năm 1892, lại thuộc hạt Hà Tiên.

Ngày 1 tháng 1 năm 1900, thuộc tỉnh Hà Tiên.

Ngày 4 tháng 10 năm 1912, nhập hai làng An Thới và Lạc Phú vào làng Dương Đông. Từ ngày 09 tháng 02 năm 1913, tổng Phú Quốc đổi thành đại lý Phú Quốc, thuộc tỉnh Châu Đốc.

Ngày 25 tháng 4 năm 1924, đặt làm quận Phú Quốc, thuộc tỉnh Hà Tiên. Sau năm 1956, quận Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, các làng gọi là xã, giải thể xã Phú Dữ, còn hai xã Dương Đông và Hàm Ninh, dân số năm 1965 là 12.449 người.

Năm 1949, khi quân Trung Hoa Dân quốc thua trận trước Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Hoàng Kiệt (黃杰 Huang Chieh) một tướng lĩnh Quốc dân đảng, gốc tỉnh Hồ Nam, dẫn hơn 30.000 quân chạy sang Việt Nam lánh nạn. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp cho họ ra đóng quân tại phía Nam đảo Phú Quốc. Sau đó, năm 1953, họ về Đài Loan theo Tưởng Giới Thạch. Đội quân Trung Hoa này bỏ lại nhà cửa, đồn điền… Pháp thấy vậy tận dụng nhà cửa có sẵn, lập ra nhà tù rộng khoảng 40 ha gọi là “Trại Cây Dừa”, có sức giam giữ 14.000 tù nhân.

Thời kì Việt Nam Cộng hòa, Phú Quốc là một duyên khu của hải quân.

Năm 1964, vua Sihanouk của Campuchia tuyên bố chấp nhận đường Brevie từ thời thuộc địa là biên giới biển, đồng nghĩa với việc từ bỏ yêu sách của mình đối với Phú Quốc, công nhận Phú Quốc thuộc chủ quyền Việt Nam.

Năm 1969, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bác bỏ đề xuất lấy đường Brevie từ thời thuộc địa là biên giới biển và tiến hành mở rộng hải phận của Việt Nam.

Khmer Đỏ đã hoàn toàn chấp nhận đường Brevie trong các cuộc đàm phán của họ với người Việt Nam (cho dù Khmer Đỏ đã tiến hành một chiến dịch chiếm đảo thất bại vào năm 1975).

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Phú Quốc là một huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, gồm thị trấn Dương Đông và 3 xã: Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh.

Ngày 4 tháng 5 năm 1975, một toán quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc. Ngày 10 tháng 5 năm 1975, Khmer Đỏ dùng tàu đổ bộ LSM và 3 tàu tuần tra PCF đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Châu, dồn hơn 500 người dân Việt Nam trên đảo đưa về Campuchia và tàn sát toàn bộ.

Ngày 27 tháng 5 năm 1975, hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng đảo Thổ Châu.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, chia xã Cửa Dương thành hai xã Cửa Dương và Cửa Cạn, chia xã Dương Tơ thành hai xã Dương Tơ và An Thới, đổi tên xã Hàm Ninh thành xã Bãi Bổn.

Ngày 24 tháng 04 năm 1993, thành lập xã Thổ Châu trên cơ sở quần đảo Thổ Châu, thành lập xã Bãi Thơm từ một phần các xã Cửa Dương và Cửa Cạn, đổi lại tên xã Bãi Bổn thành xã Hàm Ninh.

Ngày 18 tháng 3 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 23-CP, chia xã Cửa Cạn thành hai xã Cửa Cạn và Gành Dầu.

Năm 1999, Chính phủ Vương quốc Campuchia và Chính phủ Việt Nam thống nhất về đường Brevie và Phú Quốc thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngày 11 tháng 2 năm 2003, Chính phủ Việt Nam lại ban hành Nghị định 10/2003/NĐ – CP, giải thể xã An Thới để thành lập thị trấn An Thới và xã Hòn Thơm. Như vậy, Phú Quốc có 2 thị trấn và 8 xã như hiện nay.

Kể từ đó cho đến nay, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đảo Phú Quốc vẫn tươi nguyên màu xanh của biển, của những bãi cát trắng phẳng lì, gợi cho du khách biết bao hoài niệm về một thời đi mở cõi của dòng họ Mạc nói riêng và của người Việt trên vùng đất mới nói chung, để càng yêu thêm từng mảnh đất trên quê hương mình.

Văn hóa, tôn giáo trên đảo

Phú Quốc được xem là nơi phát tích của đạo Cao Đài. Ngày nay trên đảo có một thánh thất Cao Đài ở thị trấn Dương Đông.

Trên đảo có duy nhất một nhà thờ đạo Thiên chúa ở thị trấn An Thới, đó cũng là nơi trước đây tập trung dân di cư từ miền bắc vào năm 1954.
Ở đảo Phú Quốc, vào ngày rằm tháng 7 âm lịch người dân thường đi chùa tại thị trấn Dương Đông. Vào ngày này sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá nhộn nhịp.

Bãi biển Ông Lang Phú Quốc

Khí hậu – Thủy văn Phú Quốc

Do vị trí đặc điểm của Đảo Phú Quốc nằm ở vĩ độ thấp lại lọt sâu vào vùng vịnh Thái Lan, xung quanh biển bao bọc nên thời tiết mát mẻ mang tính nhiệt đới gió mùa. Khí hậu chia hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau và mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 âm lịch đến tháng 10 âm lịch năm sau.

  • Mùa khô: Đảo Phú Quốc chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc có cường độ tương đối mạnh, tốc độ gió trung bình 4 m/s. Khi gió Đông Bắc mạnh, tốc độ đạt từ 20 đến 24 m/s. Mùa khô có độ ẩm trung bình 78%. Nhiệt độ cao nhất 35 độ C vào tháng 4 và tháng 5.
  • Mùa mưa: Đảo Phú Quốc là cửa ngõ đón gió mùa Tây – Tây Nam, tốc độ gió trung bình 4,5 m/s. Mùa mưa mây nhiều, độ ẩm cao, từ 85 đến 90%. Lượng mưa trung bình là 414 mm/tháng. (Cả năm trung bình là 3000 mm). Trong khu vực Bắc đảo có thể đạt 4000 mm/năm; có tháng mưa kéo dài 20 ngày liên tục.
Vinpearl Safari Phú Quốc

Thành lập Thành phố Phú Quốc

Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết thành lập TP Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực thi hành từ 1-3-2021), thành lập TP Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc.

Mũi Gành Dầu Phú Quốc

Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp và còn nguyên sơ, các ngư trường giàu tiềm năng và vùng nước biển sâu tạo điều kiện phát triển du lịch, đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định.

Sau khi thành lập, TP Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.

Phường Dương Đông và  phường An Thới là hai đô thị của thành phố Phú Quốc. Phường Dương Đông có vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội; phường An Thới là đầu mối giao thông cảng biển quan trọng nhất của huyện

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời