Về Phú Quý, nhớ làng nghề đan võng dứa gai

Đã bao năm qua kể từ ngày huyện đảo Phú Quý “thay áo mới”, người ta không còn được ngả lưng ngủ một giấc thật sâu trên chiếc võng dứa gai truyền thống của đảo tiền tiêu. Võng dứa giờ đây chỉ còn trong nỗi nhớ.

Võng dứa gai… một thời vang bóng

“Võng dứa vừa đẹp, vừa bền, nằm rất êm lưng và thân thiện với môi trường”. Đó là lời ca ngợi của rất nhiều người dân xứ đảo khi nói về sản phẩm truyền thống của quê hương mình.

Kể từ ngày đặt chân lên đảo Phú Quý tôi cũng muốn một lần được nhìn thấy, được nằm trên đó mà nhớ về ký ức tuổi thơ nơi quê nhà yêu dấu. Võng dứa gai ai bán? Tôi mua. Mà… sao khó quá. Người dân trên đảo cho biết: “Người ta bỏ nghề lâu rồi, giờ không có ai đan võng dứa nữa đâu”. Trong ký ức của nhiều người, Phú Quý một thời nhộn nhịp nghề đan võng dứa. Phụ nữ, con gái ai cũng biết đan võng, hình ảnh các chị, các mẹ tập trung lại từng tốp khoảng dăm bảy người rồi chọn nhà ai rộng rãi, chong đèn hột vịt ngồi đan; tiếng nói cười rôm rả… thật là vui! Riêng đàn ông trên đảo tranh thủ những ngày biển động, dao lận lưng hông, đạp rừng, trèo núi đi tìm chặt rễ cây dứa gai. Vì thế, tới mùa đi biển có sẵn rễ dứa, sợi dứa ở nhà vợ con tha hồ ngồi đan. Hay, nhờ cái nghề đan võng mà các chàng trai, cô gái được gặp nhau, mới có cơ hội tâm tình rồi kết tóc se duyên, ăn đời ở kiếp với nhau. Chú Nguyễn Đối (63 tuổi) ở thôn Tân Hải, xã Long Hải còn nhớ như in cái ngày mà chú với cô đến với nhau. Chú kể rằng: “Xưa, các cô thiếu nữ ở Long Hải rất đảm đang, lúc mười sáu mười bảy tuổi họ không những đan võng giỏi mà còn rất đẹp, trong đó có vợ chú”. Rồi chú Đối tâm tình thêm: “Ngày ấy, cánh thanh niên người đi biển, người làm rẫy; còn các cô ngoài thời gian phụ gia đình, những lúc rảnh rỗi lại tập trung đan võng dứa – mà thời điểm thích hợp nhất là buổi trưa và buổi tối. Ngày các chú làm việc, tối lại tìm đến nhà các cô để chuyện trò và phụ giúp việc đan”.

Đan võng dứa gai

Nghề đan võng ngày xưa ở đảo rất nhộn nhịp, xã nào cũng có người đan. Cứ độ từ năm đến bảy ngày là xong một chiếc, sau có thương lái thu gom, khi có tàu biển những chiếc võng lại “vượt trùng khơi” vào đất liền.

Võng dứa xưa được coi là loại tốt và sang, khách hàng rất ưa dùng nên bán khá chạy. Những cây võng dứa có mặt ở khắp nơi từ nông thôn cho tới chốn thị thành; Phan Thiết, Hàm Thuận, Phan Rí, Liên Hương, La Gàn… là những thị trường chính tiêu thụ võng đảo Phú Quý nhiều nhất. Ngoài việc thu nhập giúp trang trải việc chi tiêu trong gia đình, nghề đan võng cũng phần nào giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người, nhất là phụ nữ những lúc nhàn rỗi.

Võng dứa gai – hành trình của những kỳ công

Võng dứa gai ngày nay không còn được người dân trên đảo đan làm thương phẩm như xưa, mà hiện nay chỉ còn lại một, hai người vốn “nặng nợ” với sản phẩm cổ truyền nên đan để sử dụng trong gia đình.

Trong những ngày gần đây, sau một thời gian đi tìm chiếc võng xứ Hòn thì tôi may mắn được gặp hai cô Nguyễn Thị Quyển (61 tuổi) và Trần Thị Chỉnh (66 tuổi) đều ở thôn Tân Hải, xã Long Hải. Hiện nay, các cô thỉnh thoảng mới làm, chủ yếu là đan để sử dụng, tặng cho ông bà thông gia hay cho con cháu dùng chứ không bán như hồi xưa. Khi tôi gặp thì cô Quyển đã đan xong những chiếc võng cần dùng cho gia đình mình. Ngày nay, võng được đan với rất nhiều chất liệu khác nhau như: ni-lông, vải dù, sợi tổng hợp… với kiểu dáng, màu sắc nhìn bắt mắt, giá cả hợp lý, lại tiện dụng. Do vậy, việc những “nghệ nhân dân gian” hiếm hoi này bỏ ra nhiều công sức để đan một chiếc võng dứa truyền thống là điều thật đáng trân trọng. Khi được tôi nhờ hướng dẫn lại quy trình đan võng dứa gai truyền thống, cô Quyển trả lời với giọng thân tình và dứt khoát: “Được! Ngày mai tới cô chỉ cho”.

Việc đầu tiên của nghề đan võng là phải biết chọn nguyên liệu. Nguyên liệu đan võng chỉ một thứ duy nhất, đó là rễ cây dứa gai. Rễ dứa chọn làm võng là thứ rễ còn treo lủng lẳng trên thân cây chưa cắm vào đất, vì theo kinh nghiệm loại rễ này sẽ cho ra sợi dai và bền. Ngoài ra, rễ phải suông thẳng, không quá già, cũng không quá non. Để đan một chiếc võng phải chặt rất nhiều rễ dứa. Để chọn được rễ vừa ý người thợ đan phải băng rừng, trèo núi tìm chặt. Do là loài mọc hoang, lại có nhiều gai nên mỗi lần đi tìm chặt rễ dứa chân tay trầy trụa, tóe máu là điều thường xuyên xảy ra. Sau khi đã có rễ cây, dùng rựa chặt khúc dài khoảng 1 mét (m) gọt sạch vỏ, chỉ dùng phần lõi, rồi chẻ ra từng thanh mỏng phơi vào những ngày nắng ráo, phơi một nắng là vừa. Tiếp đến là đến công đoạn tét sợi, kích cỡ sợi tốt nhất khoảng độ bằng cái chân nhang. Sợi được bó lại để yên ở một góc nhà, để có sợi trắng ngà tinh mới và có độ bóng là đã sẵn sàng cho đan võng. Đan võng rất khó. Nếu như chặt rễ đòi hỏi sức lực, thì se sợi, đan thành phẩm một cây võng đòi hỏi sự tỉ mẩn, miệt mài trong từng chi tiết.

Theo cô Chỉnh, muốn học đan võng thì đầu tiên phải học cách se dây. Dây phải se cho đều, nếu không đều dây nhỏ, dây to thì sẽ bị leo dây. Tùy thuộc vào chiếc võng lớn hay nhỏ mà ta sử dụng sợi, nếu chiếc võng lớn thì ta se 30 sợi, nhỏ thì 20, thông thường mỗi sợi dài từ 5 đến 6m. Khi se dây thành thạo thì mới có thể học đan, mà điểm khó nhất đó là đan đầu võng. Sở dĩ đan đầu võng thứ nhất thường mất thời gian và khó là vì, đầu võng là “điểm tựa”, là mấu chốt cho các công đoạn tiếp sau. Nếu cố định đầu võng tốt thì sau đan từng ô mới đều và đẹp.

Một cây võng thành phẩm thường có độ dài từ 2 – 2,5m, sử dụng khoảng 5 năm, nếu bảo quản tốt có thể sử dụng 10 năm.

Hướng khôi phục và phát triển làng nghề

Nhờ có những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, kỳ vĩ, cùng với các di sản vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn văn hóa biển đảo nên trong những năm gần đây, khách du lịch đến với đảo ngày càng nhiều.

Vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án quy hoạch Phú Quý thành 1 trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Phú Quý sẽ trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Do vậy, nghề đan võng dứa gai có khả năng phát triển tốt trong bối cảnh ngành du lịch đang dần khởi sắc. Đến đây, du khách tha hồ thả bước trên hòn đảo xinh đẹp, khám phá làng nghề đan võng truyền thống. Với chiếc võng buộc dọc những hàng dừa ven biển, khách du lịch sẽ được hít thở không khí trong sạch giữa trùng khơi, nhìn ngắm mây trời bao la, hay mua sắm chiếc võng để làm quà lưu niệm cho gia đình, người thân.

Hy vọng trong tương lai, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa và có kế hoạch để khôi phục làng nghề này. Nếu được như thế, không những nghề truyền thống bao đời nay của địa phương được gìn giữ, mà còn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Giữ gìn, khôi phục làng nghề đan võng sẽ góp phần lưu giữ nét văn hoá, nếp sống sinh hoạt độc đáo của người xứ đảo.

THÀNH DANH

Báo Bình Thuận

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời