Trận địa pháo cổ Cầu Đá

Không có quy mô như trận địa pháo cổ ở Núi Lớn, nhưng trận địa pháo cổ Cầu Đá cũng là một trong những công trình quan trọng, ghi dấu ấn tham vọng của thực dân Pháp về việc xây dựng Vũng Tàu thành một tiền cảng quân sự.

Vào năm 1890, các quan cai trị Pháp ở Nam Kỳ nói chung và ở Vũng Tàu nói riêng đã đề xuất xây dựng ở Vũng Tàu một tiền cảng nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, làm nơi neo đậu, tránh gió bão cho tàu chiến hoạt động trên biển, đồng thời phục vụ cho việc bốc xếp khí tài, hàng hóa phục vụ cho thành phố nghỉ mát và quân sự Vũng Tàu. Nhưng đề án chưa được duyệt vì lúc ấy tình hình Đông Dương vừa ổn định, kinh phí khó khăn.

Năm 1896, dự án trên được thực hiện. Tiền cảng Vũng Tàu là con đê dài hơn 400m, chân đê rộng 15m, mặt đê rộng 4m được kè bằng đá, đổ bê tông chạy dài từ mũi phía bắc núi Nhỏ ra giữa biển nằm song song với Bãi Trước (vịnh Hàng Dừa). Đê cảng Vũng Tàu do kỹ sư Pháp thiết kế và thị trưởng Vũng Tàu lúc bấy giờ là Outrey phê duyệt thi công.

Cảng Cầu Đá Vũng Tàu từ trên cao

Để làm được con đường ra giữa biển này, người Pháp đã chi hết 45.000 quan từ ngân sách khai thác thuộc địa. Nhân công là những người tù khổ sai, họ là những chí sĩ yêu nước tham gia các phong trào chống Pháp, bị thất bại và cuối cùng trở thành nô lệ cho bọn thực dân. Để làm được đê cảng này, thực dân Pháp đã huy động hơn cả ngàn tù nhân vận chuyển, khuân vác gần 50.000m3 đá, có những hòn đá nặng nề, to lớn để kè đê chắn sóng, họ phải ngâm mình dưới nước, phơi lưng giữa trời trong suốt thời gian dài. Sau khi làm xong đê cảng, người Pháp mới nhận ra sai lầm của các kỹ sư của họ mà người chịu trách nhiệm cao nhất là Outrey. Đê cảng chạy dài theo hướng đối diện và ngược lại với các dòng sông đổ vào vịnh Gềnh Rái. Mặt khác do tác động của dòng hải lưu nên bến cảng trở thành con đập chắn, là nơi tụ lắng bùn, cát biển… Cầu tàu này bị vô hiệu hóa hoàn toàn trước khi cơn bão Giáp Thìn (1904) phá hỏng hoàn toàn. Ngày nay những ngày thủy triều rút xuống, người ta vẫn còn nhìn thấy một con đê dài bằng đá tảng chạy thẳng ra biển, là bằng chứng tàn bạo của thực dân Pháp mà hơn thế kỷ qua sóng biển, thủy triều vẫn chưa bào mòn, phủ lấp.

Thực dân Pháp đã nhận thấy ý nghĩa quân sự của cửa ngõ Vũng Tàu, ngay sau khi chiếm Nam Bộ xong, chúng đã nhanh chóng lắp đặt ở đây nhiều ụ đại pháo và sau đó phát triển thành phòng tuyến quân sự quy mô kiên cố. Việc tổ chức phòng tuyến Vũng Tàu nhằm tạo ra hành lang chiến lược quân sự, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cửa ngõ vùng đất Đông Nam Bộ mà thực dân trực tiếp cai trị, bảo đảm cho nơi neo đậu của các hạm đội Pháp hoạt động ở Viễn Đông, bảo đảm cho Vũng Tàu là thành phố nghỉ mát và dưỡng bệnh của quân đội thực dân.

Phòng tuyến Vũng Tàu hình thành làm ba cụm lớn, liên hoàn với nhau trên các điểm cao Núi Nhỏ, Núi Lớn với tất cả 23 khẩu đại pháo cỡ đạn 140mm-300mm. Ba trận địa pháo này được khởi công xây dựng từ năm 1895. Toàn quyền Đông Dương không quên nhấn mạnh thời hạn hoàn thành: “Phải xây dựng Vũng Tàu thành một nơi đủ mạnh, công việc xây dựng các trận địa pháo phải được thực hiện xong trước năm 1897”.

Từ Cầu Đá, du khách có thể đến trận địa pháo Cầu Đá theo đường lên ngọn Hải Đăng, Vũng Tàu, hoặc theo lối vào Tịnh xá Ngọc Bích, chùa Bửu Sơn hoặc con đường nhỏ kế bên khách sạn Hải Âu, đường Hạ Long, trận địa nằm ở độ cao 15m bên sườn nam Núi Nhỏ, có 4 khẩu đại pháo nòng dài 5,5m, cở đạn 240mm bố trí theo hình cánh cung, nòng hướng ra biển Bãi Trước – Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, tạo nên tầm quan sát và tầm bắn rộng. Các khẩu pháo bố trí cách đều nhau 18m, có thể quay tròn 3600 trên mâm pháo, nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ hệ thống truyền động tầm hướng bằng bánh răng cưa.

Cùng với trận địa pháo trên Núi Nhỏ, Núi Lớn trận địa Cầu Đá Bãi Trước hợp thành một quần thể di tích lịch sử, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích quốc gia.

NGUYỄN VĂN TÂM
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời