Tóm lược quá trình hình thành trấn Hà Tiên

Hơn 300 năm trước, Hà Tiên là một vùng đất hoang vu, rừng rậm bạt ngàn, núi non huyền bí và đầy thú dữ. Quá trình hình thành và phát triển của Hà Tiên đã gắn liền với sự thăng trầm của dòng họ Mạc, dòng họ đã có công trong công cuộc tập hợp dân chúng khai khẩn, mở rộng vùng đất này và đã để lại trong lòng biết bao người sự tôn kính. Hà Tiên đã từng là một thương cảng sầm uất, phát triển vượt bậc so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ với một nền kinh tế phát triển, một tổ chức quân sự khá chặt chẽ và một nét văn hóa đặc sắc.

Trong quá trình Nam tiến mở mang lãnh thổ của người Việt, Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu là ba người Minh Hương có công lớn trong việc phò giúp chúa Nguyễn mở mang và bình định bờ cõi Việt Nam ở vùng đất Đồng Nai, Gia Định và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn 300 năm trước, Hà Tiên là một vùng đất hoang vu, rừng rậm bạt ngàn, núi non huyền bí và đầy thú dữ. Quá trình hình thành và phát triển của Hà Tiên đã gắn liền với sự thăng trầm của dòng họ Mạc, dòng họ đã có công trong công cuộc tập hợp dân chúng khai khẩn, mở rộng vùng đất này và đã để lại trong lòng biết bao người sự tôn kính. Hà Tiên đã từng là một thương cảng sầm uất, phát triển vượt bậc so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ với một nền kinh tế phát triển, một tổ chức quân sự khá chặt chẽ và một nét văn hóa đặc sắc.

Đi đầu trong công cuộc mở mang đất Hà Tiên là Mạc Cửu (1655 – 1735), quê quán ở xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông là người thuộc triều đại nhà Minh, giỏi về kinh tế lẫn quân sự. Sau khi nhà Minh mất, nhà Thanh lên cai trị, vì không phục chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh, nên đã cùng gia quyến vượt biển Đông đi về phương Nam. Sau thời gian bôn ba, làm ăn buôn bán ở các nước Đông Nam Á vùng vịnh Thái Lan, ông dừng chân tại đất Hà Tiên. Lúc này, Hà Tiên còn hoang vu, vô quản, dân cư thưa thớt, chỉ có một số ít người Kinh, Hoa, Khmer sinh sống rải rác trên các gò đất cao. Nhưng với tầm nhìn của một nhà chiến lược, đất Hà Tiên gần núi, ven biển thuận lợi cho gầy dựng cơ nghiệp của mình và ông đã quy tập dân chúng thành lập nên 7 xã thôn đầu tiên, bao gồm: Hà Tiên, Cần Vọt, Trũng Kè, Vũng Thơm, Rạch Giá, Phú Quốc và Cà Mau, hỗ trợ nông cụ và dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời tổ chức làm ăn buôn bán với các thương lái nước ngoài, chẳng bao lâu Hà Tiên trở nên đông đúc và phồn thịnh. Dưới sự cai quản của Mạc Cửu, Hà Tiên nhanh chóng trở thành một thương cảng buôn bán sầm uất, có tiếng ở vùng vịnh Thái Lan và các nước trong khu vực lân cận. Chính vì lẽ đó, mà Xiêm La (Thái Lan ngày nay) bắt đầu dòm ngó và nhiều lần đánh chiếm.

Nhận thấy cần có một thế lực để hậu thuẩn cho cơ nghiệp của mình, lúc bấy giờ sức ảnh hưởng của chúa Nguyễn đã lấn dần xuống vùng đất Đồng Nai, Gia Định và Mỹ Tho, năm 1708, Mạc Cửu mua sắm lễ vật và cử thuộc hạ của mình đến Phú Xuân dâng biểu xưng thần xin sáp nhập vùng đất Hà Tiên vào lãnh thổ Đại Việt, được chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận, phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh Trấn Hà Tiên và chính thức đổi tên vùng đất này là Hà Tiên trấn. Đánh dấu từ đây, Hà Tiên trở thành một bộ phận của lãnh thổ Đại Việt.

Họ Mạc cai quản Hà Tiên dưới thời triều Nguyễn có sự ưu ái đặc biệt, đó là được phép mở một lò đúc tiền, ban cho 3 chiếc thuyền long bài, miễn cho lệ thuế thuyên buôn để trao đổi mua bán với nước ngoài, được ban bảy chữ lót đặt tên cho con cháu trong gia phả, trong sử gọi là Thất Diệp Phiên Hàn (7 thứ tự chữ lót bao gồm: Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) để dễ nhận ra vai vế thân tộc. Mạc Cửu cai quản Hà Tiên đến năm 1735 thì bệnh mất, thọ 80 tuổi, con trai trưởng của ông là Mạc Thiên Tích (1706 – 1780) kế tập cha của mình. Mạc Thiên Tích là người văn võ song toàn. Dưới thời Mạc Thiên Tích cho mở mang, khai phá thêm đất đai và thành lập các huyện Kiên Giang, Long Xuyên (Cà Mau), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bạc Liêu); địa giới hành chính lúc bấy giờ tương đương dải đất Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng Cần Thơ và Hậu Giang ngày nay. Đặc biệt năm 1736, Tao Đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích làm chủ soái ra đời, nền văn hóa Hà Tiên bắt đầu được khai sáng. Tao đàn này được các nhà nghiên cứu đánh giá là tao đàn đứng thứ 2 của cả nước trong thời phong kiến, sau Tao đàn Nhị Thập Bát Tú của vua Lê Thánh Tông (1442 – 1479). Tao đàn của Mạc Thiên Tích sáng lập vừa là nơi thờ đức Khổng Tử vừa là nơi đàm văn luận võ, đào tạo nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ. Tao đàn không chỉ chiêu mộ các danh sĩ trong nước mà còn loan ra cả nước ngoài, được các danh sĩ Bắc Quốc cùng thời thi nhau xướng họa. Sau hơn 30 năm hoạt động, Tao đàn đã quy tụ được hơn 30 cây bút trong và ngoài nước, xuất bản được nhiều tập thơ chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, nổi tiếng nhất là tập thơ Hà tiên thập cảnh vịnh của Mạc Thiên Tich, vịnh 10 cảnh đẹp của Hà Tiên. Năm 1777, quân Tây Sơn nổi dậy chống lại triều Nguyễn, Mạc Thiên Tích lánh nạn sang Xiêm và tuẫn tiết năm 1780, Hà Tiên rơi vào cảnh loạn lạc. Trong thời gian chúa Nguyễn đánh đuổi phục quốc quân Tây Sơn, con cháu dòng họ Mạc vẫn được chúa Nguyễn trong dụng cho giữ các chức tế tập trấn thủ Hà Tiên đúng 7 đời.

Cuối cùng, Hà Tiên là mảnh ghép sống động và không thể tách rời trong bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của lãnh thổ hình chữ S của nước Việt Nam hiện đại. Lịch sử vốn phức tạp với nhiều tầng bậc và các mối quan hệ đan xen. Hà Tiên là ví dụ đặc sắc cho một thực thể lịch sử như thế. Nổi lên giữa các luồng văn hóa, dòng di cư, thương mại, và xung đột khu vực; để tìm kiếm một phương thức tồn tại, Hà Tiên đã tìm kiếm sự gắn kết vào không gian lịch sử Việt Nam một cách chủ động. Sự tham gia của vùng đất này rõ ràng đã làm gia tăng sự đa dạng của cấu trúc không gian và các diễn trình lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng thì chúng ta tự hào rằng có nhiều cách thức khác nhau để trở thành Việt Nam hiện đại, và trong sự thống nhất, đa dạng đó, Hà Tiên góp phần tạo dựng nên diện mạo của lãnh thổ Việt Nam. Hà Tiên không chỉ là chặng cuối của quá trình Nam tiến, mà còn là cửa ngõ của Việt Nam mở ra vùng vịnh Thái Lan và phía Tây./.

http://dulichhatien.com.vn/

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời