Tín ngưỡng thờ Trấn Bắc ở đảo Phú Quý

Cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân trên đảo Phú Quý lại chuẩn bị hoa vật, long trọng tổ chức lễ giỗ Bắc quân Đô đốc Phủ chưởng phủ sự Trấn quận công Bùi Tá Hán, mà nhân dân quen gọi là Ông Trấn Bắc.

Miếu thờ ông Trấn Bắc

Trên đảo Hòn Tranh thuộc huyện Phú Quý có một ngôi miếu thờ “ông Trấn Bắc”. Và tại các đình, chùa ở Bình Thuận cũng có nhiều sắc phong ban cho ông làm Thượng đẳng thần. Nhưng “ông Trấn Bắc” là ai và tại sao lại được thờ nhiều tại các tỉnh miền Nam và Trung Bộ từ Quảng Ngãi trở vào ?

Hòn Tranh là một trong các đảo nhỏ như hòn Trứng, hòn Đen, hòn Đỏ… nằm xung quanh đảo Phú Quý. Hòn Tranh cách Phú Quý 2km về hướng Đông Nam. Đây là một đảo tiền tiêu có rất ít cư dân sinh sống. Từ Phú Quý tàu chạy chừng 30 phút là đến Hòn Tranh. Miếu ông Trấn Bắc nằm trên mặt Bắc của đảo Hòn Tranh và hướng chính nhìn về phía Tây Nam. Từ biển vào khoảng 50m là đến ngôi miếu cổ. Xung quanh miếu có cây cối che phủ và thưa thớt một vài hộ dân sống gần đó.

Đây là một ngôi miếu nhỏ và không có cổng tam quan như ta thường thấy trong các di tích cổ. Bên phải miếu là lăng mộ thờ 72 ông Nam Hải cùng “lụy” một lúc. Ngôi miếu này đã được trùng tu vào năm 1994. Phía trước là khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng. Ngôi miếu có lối bài trí đơn giản nhưng khá cổ kính thể hiện rõ đây là một kiến trúc tôn giáo. Phía trên phần nóc mái là dòng chữ “Miếu Trấn Bắc” và các chữ Hán ở phía trên: “Bắc trấn miếu – Thái bảo Phủ quân”. Nhưng đặt chân bước vào chánh điện, tấm hoành phi với ba chữ Hán “Hưng Đạo vương” sẽ đập vào mắt ta trước tiên bởi nó được treo ngay trên lối cửa ra vào.

Nguồn gốc tín ngưỡng

Trên bàn thờ Thần nằm ngay trung tâm chánh điện là hai bài vị của Bùi Quận công và Nữ thần Thiên Y A Na. Nội dung bài vị của Bùi Quận công như sau: Cung thỉnh Trấn Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Bùi Quận công Thượng đẳng thần. Tạm dịch: Kính mời thần Thượng đẳng Bùi Quận công là Trấn Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo an vị.

Rõ ràng trong dân gian đã có một sự liên kết giữa hai cụm từ trấn Bắc và Quận công nên cho rằng “ông Trấn Bắc” chính là Hưng Đạo vương hoặc do những chiến công lừng lẫy trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo vương nên nhân dân mới có sự gán ghép một cách khiên cưỡng như thế. Đây là một điều không hợp lý vì tại các ngôi đình ở Nam và Trung Bộ không thấy việc tôn thờ các công thần triều Trần trong hệ thống thần linh được thờ tự.

Và cũng có một giả thuyết cho rằng ông Trấn Bắc họ Bùi này là Bùi Huy Ích, một vị tướng của vua Gia Long. Song trên thực tế không có vị tướng nào họ Bùi tên Huy Ích mà chỉ có Phan Huy Ích (1750-1822) là danh sĩ cuối đời Hậu Lê, quê ở xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng làm Tả Thị Lang bộ Hộ, tước Thụy Nham hầu dưới triều Tây Sơn. Ông có nhiều tác phẩm như: Nam trình tạp vịnh, Thanh Châu lữ hứng, Cúc thu bách vịnh, Dụ Am ngâm lục, Vân du tùy bút..v.v…
Như vậy, căn cứ vào bài vị có thể xác định “ông Trấn Bắc” vốn họ Bùi, giữ chức Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Quận công. Theo Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, tước vị Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Quận công từng được ban cho Bùi Tá Hán. Và tên gọi “ông Trấn Bắc” là do nhân dân yêu mến đặt cho ông – người vốn rạng danh với công bình trị và khai phá vùng đất Quảng Nam vào thế kỷ 17.

Bùi Tá Hán (1496-1568) là người huyện Chương Nghĩa thuộc Quảng Ngãi. Ông làm quan với triều Lê từ chức quan nhỏ địa phương (tức thổ quan) thăng dần tới chức Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, Tổng trấn Quảng Nam, Thiếu bảo Trấn Quận công. Ông chú trọng ban ơn huệ, khoan hòa với quân dân và được trăm họ yêu mến.

Năm Mậu ngọ (1558) buổi đầu Thái tổ Hoàng đế (tức Nguyễn Hoàng) vào Nam trấn thủ Thuận Hóa, thường có giặc phía đông (có lẽ là quân nhà Mạc ở phía bắc Thuận Quảng) vào cướp. Ông đem quân Quảng Nam tiếp ứng, giặc không dám xâm phạm. Ông lại thường cầm quân đánh dẹp ác Man ở Đá Vách thuộc Quảng Ngãi. Dọc theo núi ông cho đặt sáu bảo để khống chế ngăn chặn, biên cảnh nhờ vậy được yên ổn. Ông là một trong những tướng lĩnh đứng vào hàng khai quốc công thần thuở ban đầu Nam tiến.

Năm Mậu thìn, Thái tổ hoàng đế thứ 11 (1568) ông mất, được tặng là Thái bảo. Về sau nhiều lần hiển hiện linh ứng, triều đình lệnh cho sở tại lập miếu thờ, ban cho áo mũ và đồ dùng thật để thờ cúng. Năm Minh Mạng thứ 13 (1834) gia phong là Khuông quốc Tĩnh biên Thụ đức Thượng đẳng thần.

Cháu trong dòng họ ông là Bùi Phụ Phong, đầu đời Thiệu Trị làm quan tới chức Bố chánh Sơn Tây. Về sau có lỗi bị bãi chức, kế được phục chức làm quan Tri phủ Hoằng An (thuộc Vĩnh Long). Miêu duệ của ông Bùi Tá Hán nay vẫn còn ở Quảng Ngãi.

Ông Trấn Bắc từng được nhận sắc phong của các vua triều Nguyễn đời Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định(*) ban tặng. Tước vị “Khuông quốc Tĩnh biên Mậu công Huy liệt Trác vĩ Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Trấn phủ quân Thượng đẳng thần” của ông được thể hiện rõ trong sắc phong. Hiện nay, các sắc phong này do vạn An Thạnh gìn giữ. Hàng năm vào các dịp lễ tế xuân, thu và giỗ vị Cố vào 15 tháng 10 âm lịch được tổ chức tại vạn An Thạnh, nhân dân thường khấn vọng sang ngôi miếu bên Hòn Tranh mời ông về tham dự.

Miếu thờ ông ở Hòn Tranh tương truyền rất linh hiển. Bất cứ người nào có hành động bất kính cũng đều bị trừng trị và chỉ được tha thứ khi biết hối lỗi. Vì vậy nhân dân quanh vùng vẫn thường lui tới thắp nhang, cầu xin mưa thuận gió hòa, đi biển bình an và được mùa cá bội thu.

Tín ngưỡng Trấn Bắc ở đảo Phú Quý

Ông Phạm Phước (nguyên Trưởng Ban quản lý vạn An Thạnh) cho biết: “Không rõ tín ngưỡng thờ Ông Trấn Bắc ở Phú Quý có từ khi nào. Xưa các bậc tiền hiền lập miếu thờ, sau trao truyền lại cho chúng tôi. Do vậy, hàng năm chúng tôi chọn một ngày tốt vào tháng 3 âm lịch để tế giỗ Ông Trấn vì chỉ biết ngài tạ thế vào tháng 3”.

Căn cứ vào nguồn gốc cư dân chúng tôi cho rằng tín ngưỡng thờ Bùi Tá Hán ở đảo Phú Quý có sớm nhất vào nửa sau thế kỷ XVII.

Theo tài liệu, đất bản bộ Phú Quý xưa là của người Sa Huỳnh rồi đến người Chăm; mãi đến thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân Tranh (1627 – 1672) lưu dân người Việt mới từ các tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi (có dân trên đảo Lý Sơn) theo đường biển đến tụ cư ở đây. Và như trên đã nói, tín ngưỡng Trấn Bắc rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung, do vậy, cộng đồng người Việt khi đến Phú Quý ắt hẳn đã mang theo tín ngưỡng này và xem như một bệ đỡ tâm linh khi đặt chân lên đảo. Tại đây, tục thờ cúng Bùi Tá Hán của người nông dân nơi quê cũ vẫn được tiếp diễn trên vùng đất mới, mặc dù những lưu dân này đã cách xa vùng đất cội nguồn cả về không gian lẫn thời gian.

Miếu thờ chính thức Trấn Quốc công Bùi Tá Hán được nhân dân Phú Quý dựng trên đảo Hòn Tranh (lớn nhất trong số 9 hòn lẻ thuộc cụm đảo Phú Quý, cách đảo lớn 0,5 hải lý) nằm ẩn mình trong một rừng dừa xanh. Mặt trước miếu quay ra biển (Tây-Nam), theo hướng nhìn về đảo lớn.

Hàng trăm năm qua, miếu thờ Ông Trấn là một điểm tựa về tín ngưỡng đối với người dân trên đảo. Ngoài ngày tế giỗ chính thức, trong tất cả các bài văn tế kỳ yên ở lăng vạn, đình làng, đền miếu trên ở đảo đều có khấn tế Trấn Quốc công Bùi Tá Hán. Điều này thể hiện rằng tín ngưỡng thờ Trấn Bắc là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam bắt nguồn từ sự thần hóa một nhân vật lịch sử có thật với nhiều công trạng lớn lao đối với quốc gia dân tộc. Bắt đầu từ miền Trung, tín ngưỡng này lan đến Phú Quý và nó cũng không nằm ngoài mục đích gửi gắm khát vọng và ước muốn của người dân về một cuộc sống bình yên no đủ trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương huyện đảo.

Ngoài tư liệu điền dã tại huyện đảo Phú Quý, bài viết có tham khảo bản dịch tiếng Việt một số tài liệu của Quốc Sử quán triều Nguyễn, như: Đại Nam thực lục (tiền biên), Đại Nam liệt truyện (tiền biên), Đại Nam nhất thống chí, và Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn.

ĐỖ THÀNH DANH

Báo Phú Quý

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời