Doi, lạch và vì sao gọi là xã Long Hải ở Phú Quý?

Huyện đảo Phú Quý với diện tích hơn 17 km2 (chỉ tính đảo lớn) nhưng có tới hàng chục ngàn dân. Đảo Phú Quý có 3 xã là Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải với mật độ dân cư khá dày.

Giống với tên gọi của mình, đảo Phú Quý trù phú về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng về hải sản. Từ cảng Phan Thiết, các chuyến tàu ra đảo Phú Quý hoạt động hàng ngày với thời gian di chuyển khoảng 4-6 giờ. Một số bãi tắm hấp dẫn trên đảo Phú Quý mà bạn không nên bỏ qua là bãi Doi Dừa ở Ngũ Phụng, bãi Nhỏ ở Gành Hang hay vịnh Triều Dương. Bạn có thể dành thời gian để khám phá làng chài ven biển như Ngũ Phụng, Long Hải, Tam Thanh và thưởng thức các loại đặc sản ẩm thực như hải sâm, ốc vú nàng…

Doi, lạch ở Phú Quý

Với nhiều người Phú Quý, tên gọi “doi, lạch” không có gì là lạ. Thế nhưng nếu đặt câu hỏi: vì sao gọi là doi là lạch thì không phải ai cũng tường tận. Theo một số cụ cao tuổi, doi là chỉ những cuộc đất nằm ngang thòi ra biển. Chẳng hạn, doi dừa ở thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng có hàng dừa xanh tươi, cạnh gành đá chồng đen mướt, làm nổi bật màu cát trắng mịn của bãi biển. Tương tự, cách doi dừa hơn 100m là doi ông Tỉnh. Về doi ông Tỉnh có chuyện kể, thời Pháp, mỗi khi ra đảo, quan Pháp thường dùng cano để di chuyển từ tàu lớn vào bãi. Mỗi lần như vậy thường cột cano vào các gốc dừa ở doi đất, lâu ngày dân địa phương quen gọi là doi ông Tỉnh. Tại Ngũ Phụng còn có rẻo đất bị biển ăn khuyết, tạo thành bức tường cản gió, gọi là vịnh, hay lạch dù. Lạch dù khá sâu nên tàu thuyền vào mùa nồm nam có thể vào đây tránh gió. Ngoài ra, còn có lạch Chòi của thôn Hội An, xã Tam Thanh.

Vì sao gọi là xã Long Hải

Từ năm Đồng Khánh thứ nhất (1885), Phú Quý có 11 thôn: Thoại Hải, Thương Hải, An Hòa, Phú Mỹ, Hải Châu, Quý Thạnh, Triều Dương… Thời phong kiến có lệ là những gì trùng với tên vua, chúa thì phải đổi sang tên khác (kỵ húy). Năm 1928, khi Bảo Đại làm vua, dân thôn Thoại Hải sợ rằng chữ Thoại (Thụy) vướng đến tên khai sinh của vua là Vĩnh Thụy nên đã cử ông Tổng Võ Gia Huệ ra tận triều đình Huế xin đổi tên thôn là Long Hải. Sau hiệp định Geneve tháng 7/1954, Nha đại diện hành chính Phú Quý được thiết lập, đã cải biến số thôn trên thành 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh như ngày nay.

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời