Thương hiệu đặc sản hồ tiêu Phú Quốc

Đảo ngọc Phú Quốc được mệnh danh là “vương quốc hồ tiêu” bởi đây là vựa tiêu lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long. Hồ tiêu Phú Quốc được ví như “ngọc đen” của nơi này, mang lại giá trị kinh tế cao. Hầu như nhà vườn trên đảo cũng đều trồng tiêu, ít thì vài cụm, nhiều thì hàng nghìn trụ.

Cây tiêu thích hợp với đất cát pha của Phú Quốc. Nơi đây có 2 mùa: mưa – nắng rõ rệt, bà con thường trồng tiêu từ mùa mưa, tới đầu mùa nắng bắt đầu cho thu trái và phơi tiêu.

Hai giống tiêu chính ngày nay vẫn được trồng trên đảo là tiêu giống Hà Tiên và Phú Quốc. Diện tích tiêu toàn đảo Phú Quốc có khoảng trên  400ha, năng suất trung bình đạt 2,5 tấn một ha, cho tổng sản lượng trên 1.200 tấn một năm.

Hạt tiêu Phú Quốc

Phú Quốc hiện có 3 loại tiêu chính như tiêu đỏ chín trên cây, được hái thủ công bằng tay. Tiêu đen là hạt tiêu còn xanh được hái hàng loạt rồi phơi khô. Tiêu sọ là loại có giá cao nhất, sau khi bóc vỏ chỉ còn lại lõi hạt.

Ở Phú Quốc, người dân trồng tiêu chủ yếu trên lõi cây trai, săn đá hoặc đúc các trụ bê tông để cây leo lên, chi phí đầu tư mỗi ha từ 300 đến 400 triệu đồng. Hiện nay, hầu hết các nhà vườn đều sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm để giảm chi phí nhân công và giá thành sản xuất.

Đặc sản tiêu Phú Quốc

Tháng Chạp, tháng Giêng Âm lịch hàng năm là thời điểm bắt đầu thu hoạch. Trái tiêu tròn, căng mẩy là hạt đã già và có thể thu hái. Theo người dân Phú Quốc, tiêu nơi đây có vị cay đặc trưng, thường được thêm vào món ăn để lấn át bớt mùi tanh của hải sản. Tiêu dù cay nhưng nấu lên lại có vị ngọt khác biệt so với các loại khác.

Hồ tiêu Phú Quốc ngày nay được chế biến thành nhiều sản phẩm như tiêu khô, tiêu xay, muối hồng tiêu, muối tiêu chanh, tiêu tươi ngào đường, chủ yếu phục vụ khách du lịch, ngoài ra còn vận chuyển tiêu thụ tại đất liền như Kiên Giang, TP HCM, các tỉnh lân cận và xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu.

Trái tiêu xanh Phú Quốc

Nghề trồng tiêu ở huyện đảo đã có hàng trăm năm và đã trở thành một trong những nghề truyền thống của huyện. Các giống tiêu chủ yếu là giống địa phương gồm Hà Tiên, Phú Quốc chiếm 80 – 90%. Phần lớn giống tiêu địa phương có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Hạt tiêu Phú Quốc nổi tiếng cả trong và ngoài nước với vị cay, thơm nồng. Cây tiêu Phú Quốc phân bổ tập trung ở khắp các xã, thị trấn trên đảo, nhưng tập trung nhiều nhất ở hai xã thuộc vùng bắc đảo là Cửa Dương với gần 200 ha, Cửa Cạn khoảng hơn 77 ha.

Với định hướng phát triển Phú Quốc theo hướng du lịch, những năm qua, Phú Quốc không chỉ xây dựng hồ tiêu để phát triển du lịch mà nhiều loại hình khác cũng được hình thành như sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ, du lịch.

Trên địa bàn có 21 mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp – thủy sản với 57 điểm như: sản xuất giống gà ri vàng tại nông hộ, nuôi gà nòi lai thương phẩm; nuôi cá bớp, cá chim vây vàng, cá mú trân châu, cá khế vằn… lồng bè trên biển; trồng rau thủy canh, rau ăn lá, cây ăn trái; trồng sầu riêng, măng tây, mãng cầu ta, dừa xiêm lùn…

Hiện Phú Quốc tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch có vi mô được người dân quan tâm như: trồng rau trong nhà màng, trồng rau thủy canh, nấm linh chi trong nhà kính… Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm từ các loài cây được trồng nhiều tại Phú Quốc như tiêu, sim rừng thành sản phẩm để phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, một số mô hình nông nghiệp nhà vườn, các cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp tham quan du lịch, ăn uống bước đầu được người dân địa phương quan tâm đầu tư, phát triển, nhân rộng.

Riêng hồ tiêu Phú Quốc được huyện tiếp tục định hướng giữ vững diện tích và phát triển thêm. Cụ thể, theo phê duyệt huy hoạch nông nghiệp của UBND huyện năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là 400 ha, sản lượng 1.000 tấn/năm để phục vụ khách du lịch thông qua nhà vườn, chợ đêm, các khu du lịch… Huyện sẽ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc./.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời