Thích ca Phật Đài tại Vũng Tàu

Thích Ca Phật Đài nằm ở phía Bắc chân núi Lớn, TP. Vũng Tàu. Du khách đến Thích Ca Phật Đài theo đường Lê Lợi, rẽ về đường Trần Phú hoặc từ đường Trần Phú (Bãi Trước) theo đường ven biển đi qua Bãi Dâu, qua địa phận Bến Đá là gặp Thích Ca Phật Đài.

Thích Ca Phật Đài tọa lạc trên diện tích rộng khoảng 6ha, phía dưới là Thiền Lâm tự phía trên là Thích Ca Phật Đài. Toàn bộ khuôn viên Thích Ca Phật Đài như một vầng trăng khuyết chia thành ba cấp theo hình tháp, cao dần từ 3m đến 29m so với mực nước biển. Mặc dù khá cao, nhưng du khách không cảm thấy mệt nhọc vì đường bậc thang rất dễ đi, độ dốc thoai thoải.

Lối lên Chánh điện Thích Ca Phật Đài

Vào khoảng năm 1957, nơi đây còn hoang sơ với ngôi chùa Thiền Lâm khiêm tốn. Năm 1962, Thích Ca Phật Đài bắt đầu được xây dựng. Sau hơn một năm xây dựng, tháng 3-1963, Thích Ca Phật Đài được khánh thành. Không giống với những ngôi chùa Phật giáo khác, điểm đặc biệt trong kiến trúc của Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích cuộc đời Đức Phật Thích Ca gắn liền hài hòa với cảnh quan núi Lớn. Cấp 1 là Tam quan và khu vườn hoa. Cấp 2 là khu nhà mát và nhà trưng bày truyền thống. Cấp 3 là Thiền Lâm tự và khu Phật tích, bao gồm các công trình kiến trúc-điêu khắc: Tượng hài nhi đứng trên bông sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất thể hiện Đức Phật đản sinh; các tượng Thái tử cắt tóc, người hầu Chana, Bạch Mã thể hiện cảnh Thái tử từ giã cuộc sống vương giả xuất gia. Tiếp theo là các tượng Thái tử tu luyện và đắc đạo – Kim Thân Phật Tổ cao 11,6 mét, bên trong có 16 viên ngọc xá lợi của Đức Phật. Nhà Bát giác có các tượng, tượng trưng Đức Phật truyền đạo: Phật Thích Ca ngồi trên toà sen, các đạo sĩ ngồi nghe thuyết pháp. Tiếp theo là quần thể tượng voi, khỉ dâng hoa quả cho Đức Phật. Bảo Tháp Thích Ca Mâu Ni cao 17m, trên có búp sen, bên trong đặt 13 viên xá lợi Đức Phật.

Tượng Phật nhập Niết bàn quay về hướng Tây, cao 2,4m, dài 12,2m, bên dưới 9 tỳ khưu đứng chắp tay. Trong khu Phật tích còn có cây bồ đề xanh tốt được chiết từ cây bồ đề trước đây Đức Phật ngồi thiền. Năm 1989, Thích Ca Phật Đài được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trải qua nhiều lần trùng tu nhưng Thích Ca Phật Đài vẫn giữ nguyên nét kiến trúc ban đầu, khuôn viên rợp bóng cây xanh lại nằm ở độ cao khá lý tưởng nên được du khách chọn làm nơi nghỉ chân. Từ vị trí này, du khách có thể quan sát biển từ nhiều phía, với nhiều cảnh vật đẹp, càng làm cho du khách thích thú hơn, cảm thấy chuyến đi của mình thú vị, ý nghĩa.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời