Thế nào được gọi là vịnh? Tên các vịnh lớn của Việt Nam?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 chỉ nêu định nghĩa chính thức đối với vịnh do bờ biển của một quốc gia hoặc nhiều quốc gia bao bọc.

Thế nào được gọi là vịnh?

Khoản 2 điều 10 của Công ước quy định: “Vịnh cần được hiểu là một vùng lõm sâu rõ rệt vào đất liền mà chiều sâu của vùng lõm đó so sánh với chiều rộng ở ngoài cửa của nó đến mức là nước của vùng lõm đó được bờ biển bao quanh và vùng lõm đó sâu hơn là một sự uốn cong của bờ biển”.

Tuy nhiên, Công ước quy định vùng lõm đó chỉ được coi là Vịnh khi đáp ứng đủ hai điều kiện:

(1) Diện tích của Vịnh ít nhất cũng bằng diện tích một nửa hình tròn có đường kính là đường thẳng kẻ ngang qua cửa vào của vùng lõm. Diện tích của vùng lõm được tính giữa ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển của vùng lõm và đường thẳng nối liền các ngấn nước triều thấp nhất ở các điểm của cửa vào tự nhiên. Nếu do các đảo mà một vùng lõm có nhiều cửa vào, thì nửa hình tròn nói trên có đường kính bằng tổng số chiều dài các đoạn thẳng cắt ngang các cửa vào đó. Diện tích của các đảo nằm trong một vùng lõm được tính vào diện tích chung của vùng lõm (khoản 3 điều 10).

(2) Đường khép cửa vào tự nhiên của cửa Vịnh không vượt quá 24 hải lý. Nếu vượt quá 24 hải lý, thì được kẻ một đoạn đường cơ sở thẳng dài 24 hải lý ở phía trong Vịnh, sao cho phía trong của Vịnh có một diện tích nước tối đa” (khoản 5 điều 10).

Liên quan đến Việt Nam có hai vịnh lớn là: Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan ở Biển Đông.

Khái lược về hai Vịnh lớn trên Biển Đông

Biển Đông có hai vịnh lớn là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Đây là hai vịnh có vị trí chiến lược quan trọng đối với các nước có liên quan, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Campuchia.

Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ là một trong những Vịnh lớn của thế giới, có diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa Vịnh rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý).

Bờ Vịnh Bắc Bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng chiều dài khoảng 763 km và bờ biển thuộc hai tỉnh Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc với tổng chiều dài khoảng 695 km. Vịnh có hai cửa: Eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với  bề  rộng  khoảng  35,2 km (19 hải lý) và cửa chính của Vịnh từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới đảo Hải Nam (Trung Quốc) rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý).

Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 130 km. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía Ðông Bắc Vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương.

Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Vịnh là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Trong Vịnh có nhiều ngư trường lớn, cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời sống của nhân dân hai nước. Các dự báo cho thấy đáy biển và lòng đất dưới đáy của Vịnh có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt. Vịnh là cửa ngõ giao lưu từ lâu đời của Việt Nam ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như quốc phòng – an ninh của Việt Nam. Ðối với khu vực phía Nam Trung Quốc, Vịnh cũng có vị trí quan trọng. Vì vậy, cả hai nước đều rất coi trọng việc quản lý, sử dụng và khai thác Vịnh.

Vịnh Bắc Bộ là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên. Trong Vịnh có nhiều ngư trường lớn, cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời sống của nhân dân hai nước. Các dự báo cho thấy, đáy Vịnh và lòng đất dưới đáy của Vịnh có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt. Vịnh là cửa ngõ giao lưu từ lâu đời của Việt Nam ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như quốc phòng, an ninh của nước ta. Đồng thời, có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh, hai nước đã ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ vào ngày 25/12/2000.

Vịnh Thái Lan

Đối với Vịnh Thái Lan, còn gọi là Vịnh Xiêm, là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 320.000 km2, giới hạn bởi bờ biển của bốn nước Thái Lan (1.560 km), Việt Nam (230 km), Malaysia (150 km) và Campuchia (460 km). Đỉnh phía Bắc của Vịnh này là vùng lõm Băng Cốc ở cửa sông Chao Phraya. Ranh giới của Vịnh Thái Lan được xác định theo đường nối từ mũi Cà Mau của Việt Nam tới thành phố Kota Baru của Malaysia. Chiều dài của Vịnh khoảng 830 km, chiều rộng trung bình là 385 km.

Vịnh Thái Lan tương đối nông, độ sâu trung bình của nó chỉ khoảng 45 m, chỗ sâu nhất là 80 m. Các sông chính chảy vào Vịnh này, gồm: Chao Phraya và Mae Klong của Thái Lan. Dòng chảy mạnh của nước từ các con sông này làm cho nước Vịnh tương đối nhạt và giàu trầm tích. Do nhiệt độ của vùng nhiệt đới tương đối cao nên trong các vùng nước của Vịnh Thái Lan có nhiều bãi đá san hô ngầm trên các đảo, như: Ko Samui, Ko Tao của Thái Lan, Phú Quốc của Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch phục vụ du khách có sở thích bơi lặn. Ngoài ra, Vịnh còn có trữ lượng tương đối lớn nguồn dầu mỏ và khí đốt.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, toàn bộ Vịnh Thái Lan là đối tượng của các yêu sách mở rộng quyền tài phán, dẫn đến các mâu thuẫn về phân chia lãnh hải giữa các quốc gia: Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Đối với Việt Nam và Thái Lan, sau 09 vòng đàm phán, ngày 09/8/1997, hai nước đã ký Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan. Đây là Hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được trong Vịnh này. Hiện nay, vẫn còn tồn tại vấn đề phân định biển giữa Việt Nam – Campuchia, Thái Lan – Campuchia, Việt Nam – Thái Lan – Malaysia, Việt Nam – Campuchia – Thái Lan.

Theo “100 câu hỏi – đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” (Nxb Thông tin và Truyền thông – 2013)

 

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời