Tham quan Nhà Lớn Long Sơn và tham dự Lễ hội Trùng Cửu tại Vũng Tàu

Nhà Lớn Long Sơn là nơi thờ cúng đạo Khổng Tử, và nhà Thánh (thờ Khổng Tử). Chánh Điện là khu vực đầu tiên được xây dựng, tiếp sau đó là lầu Tiên, lầu Phật, lầu Cấm, nhà khách, vườn hoa và cổng tam quan lần lượt được xây dựng. Sau khi khu vực thờ cúng được hoàn thành, ông cho xây dựng lầu Dài, làm nơi nghỉ ngơi cho người đến thăm viếng, rồi tiếp tục xây 5 dãy phố cho cư dân đến lập nghiệp, trường học dạy chữ quốc ngữ và nhiều công trình thiết thực khác như nhà chợ, nhà máy xay lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp và nhiều hồ chứa nước ngọt … Tất cả những công trình này đều nằm trong một khu nên được gọi là Nhà Lớn, sau khi ông mất, khu di tích này còn được gọi là đền Ông Trần.

Mái nhà lớn Long Sơn

Nhà Lớn Long Sơn được xây dựng với phong cách pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian (trời, đất) với Nho giáo, Lão giáo của Khổng Tử. Đa phần các vật dụng chính trong Nhà Lớn đều được làm bằng gỗ xà cừ và cẩn hoa cương. Tại đây cũng có rất nhiều món đồ cổ quý giá như bộ tủ thờ, bộ lư hương và chân đèn cổ, nhiều bức hoành phi, liễn thờ, những vật dụng này được ông sưu tầm và đem về lưu trữ sau những chuyến hàng có lời từ Sài Gòn.

Tín ngưỡng thờ Khổng Tử không yêu cầu quá nhiều nhang, đèn, kinh, kệ mà chủ yếu là những lời dạy, sách của đạo giáo mang ý nghĩa khai mở tri thức và khuyên răn con người. Du khách đến đây sẽ được đi tham quan hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn được thưởng thức khoai mì, bánh ít trần, nhưng có một chú ý du khách nên chụp hình tại những nơi thờ cúng, chánh điện.

Khu vực đón tiếp và nghỉ ngơi tạm cho khách khi ghé Nhà Lớn – Long Sơn, mà gặp giờ qui định chưa đi tham quan được.

Khi Ông Trần mất, ngoài đạo giáo của Khổng Tử, ở đây còn hình thành tín ngưỡng đạo ông Trần, vốn pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau, nhưng chủ đích vẫn hướng con người đến với chân – thiện – mỹ. Con cháu của ông vẫn giữ gìn những phong tục, tập quán của ông, vẫn mặc quần áo bà ba, đi chân đất, tóc búi gọn gàng, để giữ vững hình tượng mà Ông Trần để lại, từ sinh hoạt đến cả tính cách đậm chất Nam Bộ. Nếu bạn có cơ hội ghé qua đảo Long Sơn, hãy nhớ ghé khu di tích Nhà Lớn Long Sơn, để tham quan Nhà Lớn và tìm hiểu về đạo Ông Trần

Huyền thoại về người đi mở đất

Chúng tôi về thăm Nhà Lớn Long Sơn trong một chiều cuối thu mát mẻ. Dì Lê Thị Kiềm, hay còn gọi là dì Ba Kiềm, mặc áo bà ba đen, tóc búi gọn gàng đón chúng tôi, chậm rãi rót trà xanh và bày mứt đãi khách. Dì Ba Kiềm năm nay đã 74 tuổi, là cháu đời thứ tư của ông Lê Văn Mưu – người khai hoang mở đất Long Sơn.

Lối vào Nhà lớn Long Sơn

Theo lời dì Ba Kiềm, ông tên là Lê Văn Mưu nhưng người dân xã đảo thích gọi ông bằng tên theo kiểu miền Nam hơn: Ông Trần (vì ông hay ở trần khi phát quang ruộng rẫy) hay ông Nhà Lớn. Ông là người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, nay là xã Tân Khánh Hòa, thị trấn Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Khoảng năm 1900, ông cùng đoàn người trên 5 chiếc thuyền lớn đã cập bến cù lao Núi Nứa (đảo Long Sơn ngày nay) trên hành trình trốn chạy sự truy nã của giặc Pháp vì tội tham gia lực lượng khởi nghĩa. Đảo khi ấy rất hoang vắng, bốn bề là rừng ngập mặn bao quanh và nhiều thú dữ; điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn, thiếu nguồn nước, đất đai chật hẹp, muỗi mòng rắn rết… Thấy nơi đây phong thủy hữu tình, có thế núi sông, biển cả giao hòa nên ông quyết định dừng thuyền, lập làng. Dưới sự chỉ huy của ông, nhóm người mới tới chặt cây dựng chòi, chiêu mộ bá tánh đến khai hoang mở đất. Từ đây hình thành nên một khu dân cư mới.

“Vào năm 1909, Ông Trần đã đề đạt với nhà cầm quyền Pháp ở Bà Rịa cho lập ra nhà thờ Khổng Tử để làm nơi thờ cúng của người dân ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Được sự chấp thuận, năm 1910, Ông Trần cho xây dựng Nhà Thánh (thờ Khổng Tử) làm khu chính điện. Sau đó, ông tiếp tục xây dựng Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật, và sửa lại Nhà Hậu vốn có từ trước cho rộng lớn và khang trang hơn. Năm 1927, Ông Trần lại cho cất thêm Lầu Cấm (làm tiền điện), 2 ngôi nhà khách, cổng tam quan, khu vườn hoa, 2 cổng ra vào khu vực thờ cúng. Sau đó, ông cho dựng tiếp Lầu Dài, phần dưới để trống làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng và lễ bái, tầng trên bày các bàn thờ”, dì Ba Kiềm cho hay.

Kể từ đó và những năm tiếp theo, Ông Trần cho xây cất 5 dãy phố (cho lưu dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp), nhà Long Sơn hội (nơi hội họp), trường học (dạy chữ quốc ngữ cho trẻ), nhà chợ, nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt.

Bản thân Ông Trần vừa kết hợp nghề làm muối và trồng lúa nước. Ông còn chữa bệnh cho người dân trong vùng bằng cây lá thuốc Nam sẵn có hái từ trong núi. Đặc biệt cái “đạo ở đời” mà ông trao truyền ở đây mang tính dân tộc, đơn giản mà thiết thực, không có sự hỗ trợ của tiếng chuông, tiếng mõ, không kinh kệ, không ăn chay, kiêng kị, do đó được những người dân chất phác làm nghề nông, nghề muối, nghề rừng ở đây hưởng ứng. Những người đàn ông lớn tuổi cũng bắt chước ông để râu, tóc dài búi tó ở sau gáy, mặc bộ bà ba đen và đi chân đất. Thấy công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, ai nấy đều khấm khá, để tính chuyện an cư lâu dài, ông Trần xin phép được quy dân lập ấp. Được nhà cầm quyền chấp thuận, ông đứng ra quy tập dân ở các nơi, nhất là miền Tây Nam Bộ đến khai phá đất đai… Ấp Bà Trao cứ thế mà hình thành.

Mái chèo tại Nhà Lớn Long Sơn

Những công trình do Ông Trần xây dựng đều nằm chung một khuôn viên nên nhân dân quen gọi đó là Nhà Lớn. Từ khi Ông Trần mất năm 1935, nhiều thế hệ người dân địa phương đã bảo tồn, gìn giữ những nếp sống chung một cách nghiêm ngặt. Đó là phương châm, lấy “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín” làm lẽ sống. Chính vì thế, người từ khắp bốn phương tìm đến đều yên bề làm ăn và sống theo triết lý về đạo làm người. Ông Lê Văn Mưu được tôn vinh thành Ông Trần, vì cả cuộc đời ông chỉ ở trần đi chân đất. Tóc dài búi ngược gọn gàng. Suốt ngày ông cày cuốc và ra đồng làm muối. Ông sống với tấm lòng chân tình, cứu giúp người khi hoạn nạn, sẵn sàng hy sinh vì người khác. Những nguyên tắc ấy được tồn tại cho đến ngày nay. Theo dì Ba Kiềm thì: “Đó chỉ là đạo làm người. Ngày xưa Nhà Lớn thường dạy về “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín,… Dân cứ thế truyền miệng từ cha mẹ sang con cái, ông bà sang cháu chắt”.

“Việc phải thì làm”

Những ngày này, con cháu Nhà Lớn đang đóng từng bao gạo, mỗi bao từ 10-15kg để phát cho người dân nghèo xã đảo Long Sơn. Như đã thành thông lệ, mỗi lần có lúa gạo bá tánh từ các tỉnh miền Tây gửi về, ngoài dùng cho việc đón khách và các ngày lễ vía trong năm, Nhà Lớn lại phát gạo cho người dân xã đảo, như một tập quán sẻ chia từ bao đời mà ông Trần truyền lại.

Dì Ba Kiềm dẫn chúng tôi đi xem kho lúa, vừa đi vừa kể: “Ở Long Sơn người nghèo không sợ thiếu ăn. Nhiều thì không có chứ gạo, nước tương, bột ngọt, dầu ăn lúc nào Nhà Lớn cũng có sẵn để chia sẻ cho người nghèo, thiếu ăn. Người khó nhiều thì cho theo tháng, người khó ít thì một năm cho vài lần coi như động viên họ làm ăn”.

Kho lúa, gạo rộng chừng 20m2, chất đầy bao lúa và gạo được xát sẵn. Theo lời kể của dì Bùi Thị Phú, cháu ngoại đời thứ tư của Ông Trần thì đây là gạo do ghe tàu của bá tánh ở Kiên Giang, Tiền Giang và các tỉnh miền Tây gửi lên sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân. “Năm nào cũng vậy, sau mùa gặt là hàng ngàn giạ lúa được phơi khô, quạt sạch gửi lên cho Nhà Lớn đặng lo cơm nước cho bá tánh về đây tham quan, kỉnh ông”, dì Phú nói.

Lịch gói bánh tại Nhà Lớn Long Sơn

“Nhưng câu chuyện này lại được bắt nguồn từ việc làm nhân nghĩa của Ông Trần từ năm xưa, bá tánh nhờ ơn ông nên gửi lúa gạo về”, dì Ba Kiềm tiếp lời. Đó là vào năm Giáp Thìn (1904), một trận bão lớn đã tàn phá suốt dải ven biển Nam bộ gây nên nạn lụt lội, thiệt hại lớn về nhà cửa hoa màu cho dân chúng. Lúc đó, Ông Trần xuất 7 thiên lúa (7.000 giạ lúa) cho những người thân tín mang về Gò Công, Cai Lậy, Mỹ Tho… cứu trợ và đón người bị nạn lũ lụt về Bà Trao cư trú làm ăn. Tiếng lành đồn xa, các tầng lớp nhân dân nô nức bảo nhau tới ấp Bà Trao lập nghiệp. Ông Trần thu nhận, giao đất khẩn hoang cho bất cứ ai, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn miễn là chịu tuân theo những điều răn dạy của ông. Trước làn sóng di cư ào ạt, dân số của ấp Bà Trao tăng lên nhanh chóng. Cư dân theo Ông Trần cư trú thành tập đoàn quần tụ trong khu vực phía Đông Núi Nứa. Họ xây dựng nhà cửa theo những lớp vành khăn ôm lấy chân núi và có quan hệ thân thuộc với nhau.

Theo lời kể của các cụ già ở Long Sơn, Ông Trần đối xử với dân bình đẳng và khiêm nhường. Ông tự xưng là “người này”, gọi người khác là “người lớn” hoặc người nhỏ” tuỳ theo tuổi tác của họ. Buổi tối sau những giờ lao động mệt nhọc, khi việc nhà đã được lo liệu xong, ông thường tập trung dân tại nhà thánh để nghe đọc truyện hoặc kể truyện về những gương trung hiếu, tiết nghĩa. Mỗi khi nghe xong một câu chuyện, Ông Trần thường cắt nghĩa cặn kẽ cho người nghe. Những buổi tập trung sinh hoạt văn hóa tại nhà thánh còn là dịp để Ông Trần đứng ra phân xử, hòa giải những mâu thuẫn, va chạm xích mích của người dân theo ông. Đồng thời ông khuyên bảo họ ăn hiền ở lành, làm việc thiện, tránh việc ác khơi gợi cho họ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Giữ gìn những phong tục tập quán của cha ông, không hợp tác với thực dân xâm lược. Ông Trần còn làm thuốc để chữa trị bệnh cho dân rất được tín nhiệm. Những người từ nơi khác đến đều được ông thu nhận, cho ở trong những đãy nhà dành cho bá tánh (dãy phố) và khoanh đất, cấp dụng cụ, vốn liếng cho họ làm ăn trong vài ba năm. Chừng nào đã đủ sống thì cất nhà ra ở riêng. Mọi người dân theo ông đều sinh hoạt bình đẳng, không phân chia ngôi thứ, tầng lớp. Họ sống tự giác và hòa thuận theo những qui ước chung do ông Trần đặt ra.

“Sinh thời, Ông Trần chỉ phát huy cái hay cái đẹp của đạo Tứ ân hiếu nghĩa, không theo hình thức cư sĩ, không cần ly gia cắt ái, không quan tâm đến giáo lý mà chú tâm đến việc thờ cúng ông bà tổ tiên, lấy việc tu nhân làm nền tảng, không ép buộc ăn chay, không có mê tín dị đoan. Tức đạo Ông Trần là đạo làm người. Ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu, cứ thế mà truyền đời, nên được tôn sùng như một tôn giáo”, cụ Võ Văn Giót, 82 tuổi – một hương chức Nhà Lớn nói thêm.

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón đoàn khách từ Tây Ninh tới, bất chợt chúng tôi hình dung rõ nét hơn, cụ thể hơn về lời của dì Ba Kiềm khi nói rằng, Nhà Lớn là một cộng đồng tín ngưỡng hướng tới điều thiện, ăn hiền ở lành, việc gì phải thì làm, quấy thì chừa, việc gì nhà nước cấm thì đừng…

Những tục lệ huyền bí

Theo tục lệ ở đây, khi có người qua đời, Nhà Lớn sẽ trích quỹ mua tặng nhà có đám 6 tấm lá, 2 tấm đệm, 4,5m vải trắng, 4,5m vải đỏ và một bao gạo cùng các nhu yếu phẩm phục vụ đám ma. Ngoài hiện vật, mỗi nhà có đám còn được hỗ trợ 500.000 đồng để thuê người xây mộ. Đưa cho chúng tôi xem từng xấp vải đỏ, vải trắng, dì Ba Kiềm cho hay: Số vải này được Nhà Lớn đặt mua ở chợ Bà Rịa. Sau khi mua về, các dì cắt ra mỗi khúc vải 4,5m, xếp vuông vức, gọn gàng để vào tủ. Người chết sẽ dùng chung “lồng liệt” (hay còn gọi là quan tài). “Lồng liệt” có nắp được làm từ cây lồ ô, xung quanh thân đan bằng tre, tạo thành một cái lồng, phía dưới đáy là miếng gỗ. “Lồng liệt” được phủ sơn đỏ, hai đầu vẽ những bông sen vàng. Có thể hình dung “liệt” dùng để đặt xác chết, còn “lồng” dùng để che xác chết. “Hồi xưa ông quan niệm “sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách”, nghĩa là lúc sống thì mọi người cùng làm việc, ăn chung, do vậy đến khi chết cũng phải dùng chung một cái “lồng liệt”. Tục lệ này còn mang ý nghĩa sâu xa nữa là không phân biệt người sang hay dân hèn, người có chức quyền hay không đều bình đẳng như nhau khi chết”, dì Ba Kiềm giải thích thêm.

Cổng Nhà Lớn Long Sơn

Tại căn phòng dùng để “lồng liệt”, ngay cạnh đó là những bó lá dừa nước đã được phơi khô, xếp ngay ngắn vào góc nhà; những tấm cói được xếp lớp, ngăn nắp kê dưới bàn…

Cũng theo lời kể của dì Ba Kiềm, ở Long Sơn, đám tang được tổ chức rất đơn giản. Người đã mất được quấn trong 3 lớp. Lớp thứ nhất là 4,5m vải trắng, lớp thứ hai là một đôi chiếu, lớp thứ ba là 4,5m vải đỏ, sau đó quấn tiếp bằng 5 ruột vải trắng, gọi là “võng thân” – dùng để đưa thi hài xuống huyệt, rồi thi hài mới được đặt vào chiếc bao quan thỉnh ở Nhà Lớn về. Dưới đáy huyệt đã được để sẵn một đôi đệm, một đôi chiếu. Sau khi đưa thi hài xuống, người ta dùng 6 tấm lá chằm (lá dừa bện lại thành tấm, người xưa dùng để lợp nhà) xếp vào huyệt, mỗi bên 3 tấm, mô phỏng hình nóc nhà 2 mái. Sở dĩ vậy là do người dân nơi đây luôn có ý niệm người đã khuất cũng cần có nhà để không phải bơ vơ, hoang lạnh.

Chiếc lồng liệt (áo quan) được những người theo đạo ông Trần dùng chung khi mất.

Tang lễ của những người theo Ông Trần ở Long Sơn thật đơn giản, không rườm rà, không gây tốn kém và có nhiều điểm tiến bộ. Nhà có người quá cố không làm cỗ đãi khách đến viếng. Xác chết không quàn tại nhà quá 24 giờ (nếu chết buổi sáng thì buổi chiều đưa đi chôn, nếu chết buổi chiều hoặc buổi tối thì chôn vào sáng ngày hôm sau). Không cần chọn giờ làm lễ nhập quan, di quan… Về quy định không dùng quan tài, xác chết chỉ chôn không trong đất, tương truyền được Ông Trần giải thích, con người sinh ra và lớn lên nhờ đất, nước, không khí… đến lúc người ta chết đi cũng phải trả về với đất, nước… Việc chôn cất như vậy là để mau tiêu hủy, chóng siêu thoát, ít tốn kém vô ích và bảo đảm vệ sinh công cộng. Tục xả tang tại huyệt cũng được giải thích là không gây ưu phiền và tốn kém cho người còn sống. Sau khi hạ huyệt xong chiếc quan tài được lấy lại và đem về chỗ cũ. Trong một ngày nếu như xã có 2-3 người chết thì người dân sẽ tự phân chia giờ để chôn cất. Mộ phần sẽ được gia đình xây ngay sau đó. Mộ được đắp thành nấm, không dựng bia, khắc chữ.

Theo các cụ cao niên ở Nhà Lớn, từ ngày khai hoang lập làng đến nay, đây là chiếc “lồng liệt” thứ hai được dùng cho việc chôn cất. Chiếc đầu tiên từ thời Ông Trần còn sống nhưng sau đó vì thời gian và hỏng nhiều nên được làm lễ tiêu hủy và cho người làm chiếc khác để tiếp tục tục lệ trên. Chiếc “lồng liệt” đã được sử dụng bao năm qua, lâu lâu Nhà Lớn lại tu sửa bằng cách quét sơn lên quan tài, hàn gắn những vết nứt để làm ấm lòng bao người đã khuất.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa cho muôn đời sau

Đến Nhà Lớn vào ngày 21 tháng Chạp hàng năm, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những ông đồ mặc áo đen, đầu đội khăn vấn, ngồi trên chiếu, tay miệt mài viết liễn. Mỗi năm có 3 kỳ viết và dán liễn, đó là lễ Vía Ông, lễ Trùng Cửu và Tết Nguyên đán.

Theo lời của dì Ba Kiềm thì tục viết liễn có từ trăm năm nay kể từ khi ông Nhà Lớn mở đất Long Sơn. Ông Trần là người thông thạo nghề nông, có tài tổ chức, tập hợp quần chúng, giàu lòng nhân ái, sống cương trực và có bản lĩnh. Bản thân cuộc sống của ông là tấm gương cho những người theo ông lập nghiệp noi theo. Chính vì vậy mà những điều ông truyền dạy (về đạo làm người, về nếp sống sinh hoạt…) có giá trị sâu sắc, đi vào cuộc sống của dân chúng, được họ tự giác thực hiện, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét đẹp, một chuẩn mực cuộc sống. Sau khi Ông Trần mất đi, con cháu và tín đồ vẫn duy trì tập quán cũ, trong đó có tục viết liễn đón xuân… Đây cũng là nơi hiếm hoi còn lưu giữ được phong tục viết liễn đón xuân tại BR-VT. Trong hệ thống câu đối liễn ngày Tết ở Nhà Lớn thường là có nội dung giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên về Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín ở đời, trong đó có nhiều câu dạy con cháu cách đối nhân xử thế, giữ gìn điều nhẫn hòa…

Dẫn chúng tôi đi tham quan, cụ Lê Văn Mai, 73 tuổi, hậu duệ đời thứ 4 của Ông Trần cho biết: Trải qua 7 đời, Nhà Lớn vẫn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống viết liễn và dán liễn. Những câu liễn được dán ở khắp mọi nơi. Mỗi khu vực như cửa ra vào, đền thờ, phố, chợ… có những loại liễn khác nhau và nội dung khác nhau. Trong nhà hậu ở Nhà Lớn có dán câu: Thiên tăng tuế nguyệt nhơn tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn phước mãn đường (Trời thêm tuổi, người thêm sống lâu/ Mùa xuân đến phước lộc đầy nhà). Trong khu vực chính ở Nhà Lớn có câu Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ/ Nhơn sanh bá hạnh hiếu duy tiên (Trời đất có bốn mùa thì mùa xuân là mùa đầu tiên/Con người có bốn đức hạnh thì chữ hiếu phải lấy làm đầu) hay Tứ thời hòa khí xuân thường tại/Nhất thất an cư khánh hữu dư (Bốn mùa không khí bình hòa nhưng mùa xuân là mùa mát mẻ nhất/ Xuân đến chúc cho nhà nhà bình an, khỏe mạnh, may mắn)… Còn đối với liễn dán ngoài chợ, hình thức và nội dung cũng phải phụ thuộc vào từng mặt hàng buôn bán để viết. Liễn dán ngoài chợ, hình thức và nội dung cũng phải phụ thuộc vào từng mặt hàng buôn bán để viết. Chẳng hạn, ở cổng chợ thường dán câu “Đông – Tây – Nam – Bắc tài nguyên tựu/ Xuân – Hạ – Thu – Đông lợi đường thông” (Đông – Tây – Nam – Bắc ai có cái gì cũng mang đến tụ họp/Xuân – Hạ – Thu – Đông mọi đường đi đều thuận lợi); hàng bán trà thì có câu “Nhất bôi tiên động cao nhân thưởng/ Sở ẩm năng giao dật sĩ hiền” (Trao một chén trà cho người thưởng thức ở trong động/Việc ăn uống rất vui say đối với kẻ hiền sĩ)…

Chuẩn bị món ăn thiết đãi khách thập phương về nhà lớn Long Sơn

Cũng theo lời kể của cụ Lê Văn Mai, ngày viết liễn và dán liễn được chọn cố định: Lễ Vía Ông viết liễn ngày 12, dán liễn ngày 13; Lễ Trùng Cửu viết liễn ngày 2, dán liễn ngày 5; Tết Nguyên đán viết liễn ngày 21, dán liễn ngày 22 tháng Chạp. Cứ đến ngày này là những người biết chữ Hán như cụ Lê Văn Mai lại mặc áo the đen, đầu đội khăn vấn vào Nhà Lớn viết liễn. Trước khi ngồi vào chiếu trải giữa nhà hậu để mài mực Tàu, rọc giấy đỏ, chắp bút lông, mọi người trang trọng xếp hàng lên điện thờ thắp nhang kỉnh Ông. Mỗi dịp Tết về, Nhà Lớn tổ chức viết và dán gần 200 tờ liễn vuông, hơn 60 tờ ngang, khoảng 300 đôi liễn dài… Hàng trăm năm đã trôi qua, những người theo đạo Ông Trần vẫn giữ được nét văn hóa cổ xưa, giản dị, mộc mạc. Có lẽ, cũng không ở đâu, nét đặc trưng của đời sống tâm linh đậm chất Nam Bộ lại hiện hữu, rõ ràng như ở Long Sơn, trong cộng đồng Nhà Lớn.

Khách tham dự Lễ hội Trùng Cửu tại Nhà lớn Long Sơn

Nét kiến trúc độc đáo

Nhà Lớn Long Sơn là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ mang nhiều nét đặc sắc, độc nhất vô nhị, là biểu hiện sinh động và rất ấn tượng đối với du khách về sự pha trộn tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo và Lão giáo.

Đến Khu di tích Nhà lớn Long Sơn, cảm giác đầu tiên của mỗi du khách là vừa thân thuộc nhưng lại vừa kỳ lạ. Nhà Lớn Long Sơn là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý, nằm trên tổng diện tích khoảng 2ha. Điều đặc biệt của Nhà Lớn Long Sơn là các công trình không được xây theo một quy hoạch tổng thể nào. Nhà lầu, nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ.

1 góc khu Nhà Lớn – xã Long Sơn

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu Nhà lớn, dì Ba Kiềm cho biết: Nhà lớn Long Sơn được xây dựng trong gần 20 năm (từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành). Đây là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín và liên thông, được chia thành 3 khu riêng biệt đó là: Khu nhà thờ, khu lăng mộ Ông Trần, và một khu gồm nhiều nhà với các chức năng khác nhau. Các công trình đều mang màu sắc tươi sáng với tường vôi trắng, các ô cửa, mành che và vách gỗ sơn xanh, thể hiện nét tín ngưỡng của đạo Ông Trần và tính quần cư, đoàn kết giữa những người dân tha hương khi đến chốn rừng núi hoang vu lập nghiệp.

Bên ngoài Nhà Lớn Long Sơn

Tất cả vật liệu cần thiết để xây dựng nên Nhà Lớn ngày nay đều là của Ông Trần và những người tin theo ông tự nguyện gom góp. Mục đích chính của Nhà Lớn Long Sơn là làm nơi thờ cúng của đạo Khổng Tử, và nhà Thánh (thờ Khổng Tử) – Chánh Điện, là khu vực đầu tiên được xây dựng. Ban đầu, Nhà Lớn được làm bằng gỗ ván, tre nứa, nhưng sau này khi trùng tu, các con cháu và đệ tử Ông Trần đã cho thay thế một phần gạch ngói và xi măng.

Ấn tượng nhất ở Nhà Lớn Long Sơn là khu nhà thờ. Khu nhà này quay mặt về hướng Đông, có diện tích 7.800m2 bao gồm các công trình kiến trúc: Lầu Cấm (Tiền điện); Nhà Thánh, Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật (Chính điện), nhà Hậu (Hậu điện) và Lầu Dài là nơi lễ nghi hội hè. Ngoài ra còn một số nhà phụ như: lẫm đựng lúa, kho đựng đồ, nhà bếp, nhà máy đèn, nhà ở của bá tánh và dòng tộc… Khu đền thờ ngăn cách với khu ngoài bằng bức tường hoa, trên có gắn những tượng: Phượng hoàng, nghê bằng gốm men xanh. Từ ngoài vào khu đền thờ qua 2 cổng được xây bằng ciment quét vôi trắng rộng 2,5m, trên cổng đắp nổi hình cuốn thư với những hoa tiết trang trí hình dải đao. Trên nóc có tượng hình 2 con sư tử chầu nguyệt và tượng người đứng tay nâng đĩa hình tròn bằng gốm phủ men lam.

Trong các gian thờ có vô số kỷ vật cổ, đa phần bằng gỗ quý. Cách bày trí nội thất khu di tích rất trang nghiêm, uy nghi với nhiều hoành phi, hương án bài vị, bàn thờ, tủ cẩn, câu đối… Với những tòa nhà, đền đài uy nghiêm, bề thế, khu đền thờ đã vượt quá tầm vóc của một dòng tộc trên một hòn đảo nhỏ. Cách bày trí nội thất khu di tích trang nghiêm, uy nghi với nhiều hoành phi, hương án bài vị, bàn thờ, tủ cẩn, câu đối… Tất cả các báu vật trên thật sự là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có nguồn gốc từ nhiều nơi trên đất nước ta, thể hiện rõ nét truyền thống trang trí mỹ thuật của dân tộc bằng tứ linh, tứ quý, hoa lạ cỏ thiêng, hoa sen, lá đề cách điệu; lão mai, lão trúc hóa rồng. Nghệ thuật điêu khắc trên các đồ vật bộc lộ biểu hiện về ước mơ trong tâm thức của người lao động như bằng hoa mai tượng trưng cho tiểu vũ trụ, hoa địa lan linh thiêng, sen cho thanh cao trong sạch, lựu cho hạnh phúc, phát triển đông đủ.

Một góc Nhà Lớn Long Sơn

Theo lời kể của các hương chức Nhà Lớn, hiện nơi đây đang tìm giữ nhiều sưu tập về tủ thờ bằng gỗ lim cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo gồm 33 cái có nguồn gốc từ vùng Hà Đông (Bắc Bộ), bộ bàn ghế bát tiên, sưu tập đồng hồ cổ do Pháp chế tạo đầu thế kỷ 20. Chiếc giường cổ chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy, ghế ngai, bao lam… đều thể hiện giá trị nghệ thuật cao về điêu khắc trang trí mỹ thuật. Lịch sử xây dựng khu di tích cũng đồng thời là quá trình hình thành và phát triển của ấp Bà Trao. Vì vậy bố cục kiến trúc, nghệ thuật trang trí của khu Nhà Lớn đã phần nào thể hiện nét đặc trưng của những người theo Ông Trần.

“Việc trông coi và giữ gìn Nhà Lớn Long Sơn do nhân dân cùng con cháu Ông Trần tự nguyện thực hiện. Việc cúng lễ, quét dọn, tu sửa hàng ngày do phiên ngũ (5 người) đảm nhiệm, cứ 3 ngày thay phiên 1 lần, với trên 300 người thay phiên nhau”, dì Ba Kiềm cho chúng tôi biết thêm.

Bên trong Nhà Lớn Long Sơn

Liên hệ đặt đoàn tham quan Nhà lớn Long Sơn

Địa chỉ: Thôn 10, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu

Người đại diện: 08 vị hương chức

Điện thoại: 02543844044 – 0913369874 (Cô Kiềm – Thành Viên)

Ngọc Thúy

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời