Say sóng là thuật ngữ dùng để chỉ những hiện tượng tương tự như say tàu xe hoặc say máy bay, thường gặp khi đi tàu biển, nhất là khi có sóng to, gió lớn. Say sóng được chia thành hai thể: thể ẩn và thể điển hình.
Thể ẩn: Thể hiện những biến đổi chức năng hệ thần kinh trung ương và những rối loạn nhẹ ở hệ thống tiêu hoá, tim mạch và hô hấp, với các biểu hiện: người yếu mệt, nóng cổ họng, buồn nôn nhẹ, khô miệng, ra mồ hôi, run các ngón tay, khó tập trung chú ý, trí nhớ giảm.
Thể điển hình: Biểu hiện sự rối loạn ở tất cả các chức năng trong cơ thể: tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn, cảm giác mệt mỏi rã rời, chóng mặt, buồn ngủ, đau đầu, tái mặt, toát mồ hôi lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ, giảm khả năng lao động. Nếu bị nặng có thể bị nôn; ăn không thấy ngon, thậm chí trông thấy thức ăn là sợ, buồn nôn, nhất là khi ngửi mùi mỡ, dầu máy.
Sau khi nôn, người bị say sóng có cảm giác dễ chịu hơn, nhưng nếu tiếp tục bị tác động của gia tốc thì người bị say sóng lại tiếp tục bị nôn với những cơn dữ dội hơn. Ở những trường hợp nặng, bị nôn nhiều có thể bị trụy tim mạch, thậm chí có trường hợp mất ý thức. Các triệu chứng giảm dần khi người bệnh đã quen dần với sóng gió. Sau khoảng một tháng trên tàu, có tới 95% số người đã thích nghi với các điều kiện sóng gió, không bị say sóng như trước, khả năng lao động được hồi phục.
Nguyên nhân và cơ chế của say sóng
Nguyên nhân say sóng có nhiều và rất phức tạp, nhưng chủ yếu là do sự chòng chành của tàu, thuyền tác động đến cơ thể. Mức độ và tính chất chòng chành của tàu, thuyền phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của tàu. Tàu có trọng tải và kích thước lớn có thời gian chòng chành tự nhiên dài, êm dịu và nhịp nhàng hơn so với tàu có kích thước và trọng tải nhỏ nên ít say sóng hơn. Ví dụ, thời gian chòng chành của tàu tuần dương hạm loại nhỏ: từ 15 – 18 giây, tàu khu trục: từ 14 – 15 giây, tàu phóng lôi: từ 4 – 8 giây. Chòng chành có thể theo mạn tàu (ngang) hoặc theo dọc tàu. Càng ở ngoại vi tàu (mạn tàu, đầu và đuôi tàu) biên độ dao động của chòng chành càng lớn. Do đó, tâm điểm của tàu là nơi ít xảy ra chòng chành nhất. Chòng chành do sóng lừng: xuất hiện sau khi biển động gió đã ngừng. Mặt biển hầu như im lặng, nhưng trên thực tế sóng vẫn di chuyển chậm và nhịp nhàng, làm cho tàu chìm xuống và nổi lên theo chiều thẳng đứng và di chuyển chậm (giống như chòng chành theo dọc tàu). Khi tàu nhô lên đỉnh sóng, thủy thủ có cảm giác như người như bị nhấc bổng lên, chân như rời khỏi boong tàu, còn khi tàu chìm xuống chân sóng thì cảm thấy như chân đè và ấn mạnh vào mặt boong. Nếu tàu đi ngược chiều của sóng, chòng chành của tàu tăng lên 3 – 4 lần. Có điều đặc biệt là, tàu càng cao, càng hẹp càng dễ lắc; gió càng to, sóng đổ càng nhanh, càng cao, bước sóng càng dài, càng dễ bị say sóng. Ngoài ra, tác động của tiếng máy chạy, kết hợp mùi dầu mỡ và khí thải; trạng thái cơ thể mệt mỏi, căng thẳng cảm xúc, tâm trạng…là các yếu tố làm tăng nguy cơ bị say sóng.
Trong cơ thể, tiền đình đóng vai trò giữ thăng bằng trong không gian và về phương hướng. Khi có sóng làm cho tàu chòng chành và gây ra kích thích các phân tích cơ quan tiền đình nằm ở tai trong gây rối loạn chức năng tiền đình làm rối loạn sự điều hoà của vỏ não, tạo hiện tượng rối loạn phản ứng của hệ thần kinh thực vật, kích thích các cơ quan cảm giác (vị giác, thị giác…), cơ, khớp xương, dây chằng cơ quan ổ bụng, từ đó gây ra các biểu hiện của say sóng.
Các biện pháp phòng chống say sóng
Biện pháp dự phòng hiệu quả nhất và tích cực nhất là rèn luyện chống say sóng bằng các biện pháp như tập luyện thể dục, thể thao, rèn luyện trên thực tế đi biển nhiều lần. Các biện pháp này giúp cho cơ thể thích nghi, nâng cao sức bền bỉ dẻo dai.
Rèn luyện chống say sóng: Là biện pháp tích cực nhất để thích nghi với hoàn cảnh sóng gió. Có thể tập thể dục 15 phút mỗi buổi sáng, hàng ngày tập các động tác nhằm rèn luyện tiền đình cho quen với chòng chềnh của tàu thuyền như vận động quay đầu; tập các các hình thức thể thao phòng chống say sóng như đu quay, cầu sóng, xà đơn, xà kép, nhảy cao, nhảy dài, bơi lội, đua thuyền…
Dưới dây là một số bài tập cụ thể:
Tổ hợp bài tập 1
1. Đang ở tư thế đứng, thực hiện xoay người chậm 360 độ, đầu tiên xoay theo chiều kim đồng hồ, sau đó ngược chiều kim động hồ. Mỗi chiều xoay 2- 3 lần.
2. Đứng trên một chân, chân kia nhấc co lên ở đầu gối. Chân đứng làm trụ, thực hiện động tác xoay người ở khớp háng tuần tự theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, mỗi hướng xoay 2- 3 lần. Sau đó đổi chân, nhắc lại động tác.
3. Tư thế ngồi, xoay tròn đầu sang trái và sang phải 3 lần. Sau đó, ngục đầu về phía trước, đánh đầu sang phải, đánh đầu sang trái, thực hiện 3 lần.
4. Tư thế ngồi, mắt mở to, tập trung nhìn vào một điểm ở trước mặt. Sau đó đảo mắt sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới. Nhắc lại động tác 2- 3 lần.
Tổ hợp bài tập 2
Gồm 15 động tác thăng bằng:
1. Đứng 20 giây: hai chân sát nhau, tay chống hông, nhắm mắt.
2. Đứng 20 giây: gót bàn chân phải đặt trước bàn chân trái trên cùng một đường thẳng, tay chống hông.
3. Đứng 15 giây: cũng như (2) nhưng nhắm mắt.
4. Đứng 15 giây: hai chân sát nhau, tay chống hông, kiễng chân.
5. Đứng 15 giây: cũng như (4) nhưng nhắm mắt.
6. Đứng 15 giây: tay chống hông, kiễng chân phải, chân trái co và nâng lên phía trước.
7. Đứng 10 giây: cũng như (6) nhưng nhắm mắt.
8. Hai chân sát nhau, đứng trên mũi bàn chân và gập người về phía trước 5 lần, mỗi lần 1 giây.
9. Bàn chân phải đặt trước bàn chân trái trên cùng đường thẳng, tay chống hông, nghiêng người 6 lần sang phải trái theo kiểu con lắc, mỗi lần nghiêng một giây.
10. Đứng 15 giây: hai chân sát nhau, kiễng chân, ngửa đầu ra sau tối đa.
11. Đứng 15 giây: cũng như (10), nhưng nhắm mắt.
12. Đứng trên mũi chân, quay đầu vòng tròn sang trái 6 vòng, mỗi vòng 1 giây.
13. Đứng trên mũi bàn chân, tay chống hông, đá lăng chân trái về trước, ra sau với biên độ lớn nhất, lăng chân 6 lần, mỗi lần 1 giây.
14. Đứng trên mũi bàn chân, hất nhanh đầu ra sau 10 lần.
15. Đứng 5 giây: đứng trên mũi bàn chân phải, chân trái co và nâng về trước, ngửa đầu ra sau đến mức tối đa, nhắm mắt.
Các bài tập này phải tập liên hoàn, trong thời gian khoảng 5- 6 phút nhằm hình thành tư thế đúng, phối hợp động tác nhịp nhàng, cũng như tính can đảm, tự tin, có thể tập liên tục vào các buổi thể dục nói chung.
Ngoài ra, có thể kết hợp với các động tác định hướng rèn tiền đình.
Các biện pháp khác
Trước khi khởi hành 1- 2 giờ, nên ăn nhẹ, không dùng đồ mỡ, thức ăn có vị chua cay, đồ uống có gas, không hút thuốc, uống rượu bia. Những ngày đi biển nên dùng thức ăn dễ tiêu, dinh dưỡng cao, có nhiều gia vị để kích thích tiêu hoá. Tăng cường các thức ăn khô như bánh bích quy, lương khô. Khi đi tầu, nên ở trong khoang, giữa thân tàu, không nhìn ra sóng hoặc các vật đang chuyển động mà nên nhìn vào vật tĩnh. Đối với những người mới đi biển lần đầu, cần ngồi nơi thoáng gió, không có mùi xăng dầu, nhìn ra xa, không nhìn xuống nước ở gần tàu. Nếu thấy người khó chịu cần lên mặt boong, ra chỗ thoáng, hít dài hơi, vã nước mát vào mặt. Ngoài ra, để ức chế say sóng, có thể quấn chặt bụng để hạn chế chuyển động giữ của các phủ tạng. Khi nằm thì nằm ngửa đầu để tiền đình ở tư thế ít bị kích thích nhất.
Thuốc phòng và điều trị say sóng
Khi có biểu hiện say sóng (chóng mặt, nhức đầu…), thì phải dùng các phản xạ kích thích để ức chế cảm giác say: thở sâu, chậm đều với tần số 8 – 10 lần/phút, làm mát cơ thể bằng nước lạnh. Có thể uống thuốc phòng A-ê-rôn hay Aminazin theo chỉ dẫn sau:
Aeron: uống1- 2 viên trước 30-60 phút khi đến chỗ có sóng to. Sau đó có thể cứ 6 giờ uống thêm 1 viên, không quá 4 viên /ngày.
Aminazin: uống 1-2 viên (0,025g), liều một ngày: 0,10 – 0,30g, có thể dùng phối hợp với Caffein 0, 2g để chống uể oải.
Nếu bị say sóng nặng, cần điều trị bằng cách: khi có các triệu trứng đầu tiên, cho bộ đội uống 2 viên Aeron, sau đó cứ 6 giờ uống 1 viên, không quá 4 viên /ngày. Trường hợp bị nôn liên tục, sử dụng thuốc Atropin 1 ml 0,1%, tiêm dưới da, có thể tiêm 2- 3 lần /ngày, cách quãng 4-6 giờ /lÇn.
Xem thêm: Kinh nghiệm chống say sóng khi đi tàu cao tốc
Đại tá, PGS,TS Đặng Quốc Bảo
https://www.qdnd.vn/