Chùa Niết Bàn còn có tên là Niết Bàn Tịnh Xá nằm bên sườn Núi Nhỏ, và nổi tiếng với tượng ‘Phật nằm’ dài 12m phủ đá cẩm thạch, một chiếc chuông khổng lồ bằng đồng nặng 3,5 tấn và có kiến trúc độc đáo kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Phong cảnh tổng quan: Chùa nằm trên sườn Núi Nhỏ, hướng mặt ra biển. Đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc sắc sảo.
Lịch sử hình thành
Năm 1969, một nhóm tư nhân đã quyên góp tiền của những người mộ đạo, phật tử khởi công xây dựng chùa này. Đến năm 1974 đã hoàn thành. Sau đó được giao lại sư Thích Thiện Phụng trụ trì tại đây.
Đến năm 1981 vị sư trụ trì tại đây tự ý bỏ chùa ra đi, UBND Đặc Khu quyết định giao lại cho sở văn hóa và Bảo Tàng danh thắng Đặc Khu chịu trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích này trong nhân dân và đã cùng ủy ban mặt trận Tổ Quốc Đặc Khu mời sư Thích Huệ Thành về trụ trì cho đến nay.
Di tích được hoàn thành vào những năm gần giải phóng miền Nam nên một số những công trình phụ còn dang dở như cửa sổ lồng kiếng và các cửa ra vào. Vì vậy, sau khi tiếp quản Bảo Tàng danh thắng ĐK đã tiếp tục hoàn chỉnh đến năm 1984 đã đưa vào tiếp tục sử dụng và phục vụ khách tham quan.
Ngày 14/12/1989, chùa được Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định 1987.
Kiến trúc đặc sắc chùa Niết Bàn
Với lối kiến trúc hiện đại vừa Âu vừa Á được xây trên một triền núi nhìn ra biển mênh mông ( biển Đông ) gần đường bộ vòng núi là một điều kiện thuận lợi cho khách du lịch hành hương đến viếng. Bên cạnh điểm thuận lợi đó các công trình xây dựng bên trong như: Lư bông khảm ghép các mảnh sứ nhiều màu tạo thành hình dáng các con vật: Lân, qui, phụng; Phật nhập Niết Bàn cảnh rừng Tha La sinh động; phù điêu đắp nổi cảnh các nhà sư và muông thú chầu nhập Niết Bàn và điện thờ với cảnh núi Phổ Đà đã thu hút rất đông du khách trong cả nước về đây tham quan.
Trước chùa có một trụ Phướn cao 21m, có 42 não biểu tượng cho 42 trang kinh phật đầu tiền được lưu truyền vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 2, trụ được đúc bê tông, dưới to, trên nhỏ dần, xung quanh ốp gạch men màu vàng đỏ, trên có ba nhánh búp sen tỏa đều ra ba hướng là một nét độc đáo của Niết Bàn Tịnh Xá.
Hai bên cổng chùa đặt 2 pho tượng “Thần Thiện” và “Thần Ác”.
Khu chính điện thờ bức tượng “Phật Nằm” màu nâu hồng được đánh bóng công phu, khéo léo nằm nghiêng nhìn về hướng Tây, dài 12m và được đặt lên bệ thờ cao 2,5m. Mặt ngoài của bệ thờ có hình tượng các đồ đệ của Phật Thích Ca đang chứng kiến lúc ngài nhập điện. Phía trên đầu và sau lưng Đức Phật Nhật Niết Bàn là quang cảnh thiên nhiên xanh với 2 cây Long Thọ, điểm tô thêm con công, con hạc dang rộng cánh ẩn hiện trong mây, con sư tử, con hổ, con khỉ phủ phục Chầu Đức Phật viên tịch Nhập Niết Bàn. Tất cả đều được đắp nổi, chạm khắc công phu với màu sắc hài hòa, tạo nên khung cảnh vừa trang nghiêm vừa thanh tịnh chốn cửa Phật.
Phía trước chánh điện có một chiếc lư đồng Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phụng) có kích thước lớn, được trang trí khéo léo công phu là báu vật của chùa.
Phía sau chánh điện là “Trai đường” của CHư Tăng. Trong phòng có treo 34 bức ảnh diễn tả lại cuộc đời đức phật từ khi sinh ra đến khi các đệ tử chia nhau Xá Lợi. Trong phòng còn bài trí nhiều tranh tượng khác như tranh Di Lặc Lục Trần…
Khoảng sân lầu 3 có nhiều cây cảnh, nhưng đặc biệt là chiếc thuyền Bát nhã, hình tượng một con rồng lớn cách điệu, dài 12m, xung quanh được ốp mảnh sứ men lam, men màu. Thuyền tượng trưng cho sự cứu vớt con người ra khỏi khổ ải đến chốn vĩnh cửu bất diệt.
Nổi bật trên sân này là một lầu chuông hình vuông, bốn mái uốn cong, trong tháp có một chuông lớn gọi là Đại Hồng Chung, cao 2,8m, chu vi 3,8m, nặng tới 3,5 tấn. Đây là chiếc chuông lớn nhất, nặng nhất và có âm vang hay nhất trong các chuông chùa hiện có ở Vũng Tàu. tương truyền rằng những ai đến đây khấn vái, cầu nguyện xin anh lành nếu dán được mảnh giấy cầu an lên chiếc chuông này thì sẽ được toại nguyện.