Ngôi mộ và miếu Hoàng tử ở đảo Phú Quốc từ truyền thuyết đến hiện thực qua tài liệu Châu bản

Phú Quốc là hòn đảo có những truyền thuyết dân gian gắn liền với thời kỳ khai hoang mở đất, trong đó có nhiều truyền thuyết liên quan đến chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) vì trong thực tế lịch sử, vị vua này trong thời lận đận từng nhiều lần bôn tẩu, nương náu tại đây khi bị Tây Sơn truy đuổi. Trong những chuyện dân gian ấy, có chuyện về một ngôi mộ được cho là mộ Hoàng tử, con vua Gia Long được chôn cất tại đây. Ngày nay tại Phú Quốc còn ngôi Miếu Hoàng Tử ở Vịnh Đầm, An Thới. Thực hư câu chuyện như thế nào? qua quá trình tra cứu tài liệu Châu bản triều Nguyễn, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Bộ Nội vụ, chúng tôi đã tìm ra câu trả lời.

Từ truyền thuyết dân gian

Các giai thoại ở Phú Quốc kể nhiều câu chuyện với những di tích liên quan đến chúa Nguyễn Ánh trên đất này như: chuyện Giếng Ngự, Bãi Ngự, chuyện Ngai vua, Mũi Ông Đội… nhiều bậc cao niên trong vùng còn kể về câu chuyện một ngôi mộ Hoàng tử con chúa Nguyễn Ánh, bị chết yểu được chôn cất trên đảo, về sau được triều đình cải táng về Huế. Ngày nay tuy ngôi mộ ông hoàng không còn dấu tích nhưng tại Vịnh Đầm, An Thới vẫn còn ngôi Miếu Hoàng Tử.

Từ truyền thuyết về ngôi mộ và miếu Hoàng tử, dân gian đã thêu dệt nhiều câu chuyện với nhiều giả thuyết khác nhau: có chuyện kể rằng đây là mộ của Hoàng tử Cải, con của Nguyễn Ánh và thứ phi Phi Yến có phần giống với truyền thuyết ở Côn Đảo: “Tương truyền khi Nguyên Ánh về đến Phú Quốc, ông cho người cầu viện quân Pháp giúp mình đánh lại Tây Sơn, bà thứ phi Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm đã can ngăn nên Nguyễn Ánh không hài lòng và bạc đãi bà. Phi Yến có người con tên Cải (Hoàng tử Cải), không may, Hoàng tử Cải bệnh chết, Nguyễn Ánh càng ghét bỏ bà. Khi Nguyễn Ánh dời quân đi đã bỏ bà lại, coi như là đày bà vì tội cãi lại lệnh vua. Từ đó, người ta cho rằng câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời, Rau rau răm ở lại chịu lời (đời) đắng cay” có xuất xứ từ Phú Quốc và để nói về việc bà thứ phi tên Răm này. Hiện nay, tại chùa Sùng Hưng có một ngôi miếu đặt bài vị thờ bà Phi Yến, nhân dân coi bà là người yêu nước, sáng suốt, không muốn có việc nhờ thế lực ngoại bang tạo cảnh tang thương cho nước nhà.”[1]

Tuy nhiên, NNC Trương Thanh Hùng cũng nhận định “Thực ra câu ca dao trên không thể nói một cách chắc chắn là để nhắc sự kiện hoàng tử Cải và bà Phi Yến, chẳng qua có sự trùng hợp về một loài cải hoang mà ta gọi là cải “trời” giống như kim thất nấu canh ăn rất ngon và cây rau răm mà thôi. Câu ca dao này có xuất xứ từ trước của Việt Nam, rất phổ biến ở các tỉnh phía Bắc. Có lẽ ai đó đọc câu ca dao trên rồi gắn với sự kiện Gia Long ở Phú Quốc.”[2]

Có người lại cho rằng ngôi mộ kia của một ông hoàng tử Nhật – hoàng tử người Nhật bị chết và chôn ở đây…. Vị trí ngôi mộ được nhiều người lớn tuổi cho biết ở đoạn chùa Hộ Quốc nay đã mất dấu sau khi cải táng.

Một tài liệu địa phương khác có nhắc đến ngôi mộ này, đó là quyển “Hải Đảo Phú Quốc” viết năm 1974, tác giả đã ghi chép lại lời kể dân gian và gặp các vị là hậu duệ của những người từng tham gia cải táng như sau:

“… Những truyền thuyết ở địa phương mà tôi thâu lượm được cho thất Gia Long lưu lại khá lâu ở làng Đầm, làng tập trung hai bên bờ rạch gọi là Rạch-Đầm. Làng Đầm xuất hiện từ khi Phú-Quốc bắt đầu tổ chức làng xóm. Vua Gia Long có một hoàng tử mất lúc hai tuổi chôn ở làng Đầm. Dân chúng thường gọi là mã ông hoàng, một cành đa quét thường xuyên nên mã luôn sạch sẽ. Về sau Tự-Đức phái 4 vị đại thần vào lấy cốt vị hoàng tử nầy để cải táng ở Huế. Việc dời hài cốt chắc có thực vì tôi có gặp một ông lão ở Hàm Ninh trong dịp đi công tác năm 1969, lão cho biết chính ông cố có dự vào việc lấy cốt nầy. Làng Đầm trước kia dân cư đông đúc nhưng từ khi lấy cốt vị hoàng tử thì dân chúng phiêu cư đi nơi khác. Hiện nay làng Đầm không còn ai ở nữa. Dân Phú-Quốc tin rằng vì lấy cốt mà làng Đầm phải tan rã…”[3]

Hé lộ sự thật lịch sử qua Châu bản

Châu bản (còn gọi là Hồng bản) là các văn bản hành chánh hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802 – 1945), bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Đây là kho tài liệu lưu trữ các văn thư hành chính của vương triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Trong quá trình đọc các châu bản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, chúng tôi đã phát hiện được tờ châu bản có liên quan đến truyền thuyết trên tại Phú Quốc. Nội dung tờ châu bản khá dài, chúng tôi chỉ trích dịch phần liên quan đến ngôi mộ Hoàng tử tại Phú Quốc:

Châu bản Tự Đức về việc cải táng mộ hoàng tử, Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Trích yếu nội dung:

Chúng thần Phủ Tôn Nhân tâu: Vâng xét ngày tháng 5 năm nay vâng được Châu phê:

“Phủ Tôn Nhân tra xét các Hoàng thân Công chúa các đời gần đây, ai thuộc vào tình trạng bỏ sót, chưa nhập đưa về đền thờ và phần mộ không người trông nom. Ngôi mộ bị sụt lở, nếu như thấy tình hình đúng như vậy phải nghĩ xét cho thoả, tâu lên đầy đủ.”

Chúng thần đã tâu lên và đến các Sử quán xem xét cuốn phả các Hoàng tử và sức cho các Thủ hộ khai rõ làm căn cứ xem xét. Phụng xét trong phả ghi: Tiền tiền triều Hoàng tử Nhật chôn ở thôn An Hoà, Phú Quốc thuộc hạt Hà Tiên là nơi hẻo lánh, xin sắc xuống cho quan tỉnh lo liệu hộ tống chuyển về hạt phủ Thừa Thiên quy táng cho tiện một mối. Còn như trong phả không ghi rõ thờ phụ ở đền nào thì nên đưa về cho phụ thờ ở trước đền Triển Thân cho có nơi thờ cúng.

Ngày 18 tháng 8 nhuận năm Tự Đức 15 (1862)

Đóng ấn: Tôn Nhân Phủ Ấn

Châu phê: Y lời tâu, Bộ Lễ chiếu theo thực hiện.[4]

Như vậy, quả thật có việc ngôi mộ Hoàng tử nhà Nguyễn từng được chôn tại Phú Quốc. Hoàng tử này thuộc vào Tiền Tiền triều[5] tức con của vua Gia Long. Vị hoàng tử tên húy là Nhật (rất khớp với truyền thuyết dân gian địa phương, tuy nhiên người dân lại tưởng nhầm là Hoàng tử người nước Nhật). Và vị hoàng tử này chôn tại Phú Quốc chắc chắn chỉ xảy ra trong thời kỳ chúa Nguyễn Ánh và cung quyến bôn tẩu, lưu trú tại đây trước năm 1789. Đến cuối năm 1862, theo lệnh của vua Tự Đức, ngôi mộ này được cải táng về Huế và Hoàng tử Nhật được thờ ở đền Triển Thân[6]. Người dân đảo ghi nhớ dấu tích đã lập ngôi miếu thờ gần đó để tưởng niệm.

Vị trí ngôi mộ theo tác giả cuốn “Hải Đảo Phú Quốc” là ở làng Đầm, đây là tên gọi dân gian. Theo Châu bản cho biết mộ chôn tại thôn An Hòa. Thôn này được nhắc đến trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Sách cho biết vào năm Gia Long thứ 18 (1819) ở đảo Phú Quốc có các thôn:

“Thôn An Hòa, thôn Thới Thạnh, thôn Vĩnh Thạnh, thôn Phước Lộc, thôn Phú Đông, thôn Tân Quy, tôn Cẩm Sơn, thôn Mỹ Thạnh, thôn Phước Sơn, thôn Thiên Tỉnh, thuộc Minh Hương”.

Tuy nhiên đến năm 1836, vua Minh Mạng cho lập địa bạ thì tổng Phú Quốc chỉ còn 10 thôn: An Thới, Cẩm Sơn, Dương Đông, Hàm Ninh, Mỹ Thạnh, Tân Lập, Phú Đông, Phước Lộc, Tiên Tỉnh, Thới Thạnh. Không có thôn An Hòa. Vậy ắt hẳn các quan phủ Tôn Nhân khi tra xét trong các cuốn phả chép hồi đầu triều Gia Long để làm tờ tấu lên vua Tự Đức nên thông tin vẫn còn ghi địa danh thôn cũ. Như vậy, làng Đầm nơi có mộ hoàng tử thuộc địa phận thôn An Hòa đầu triều Nguyễn.

Nhận định

Từ thông tin của Châu bản cung cấp, có thể xác định các di tích liên quan đến ngôi mộ và miếu Hoàng tử ở Phú Quốc là hoàn toàn có cơ sở lịch sử. Hoàng tử tên Nhật là con của chúa Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) bị chết lúc còn nhỏ khi lưu vong ở Phú Quốc và được táng tạm tại đây, đến triều Tự Đức mới quy tập về Huế. Như vậy các truyền thuyết về hoàng tử Cải, thứ phi Phi Yến hay hoàng tử người Nhật là thiếu cơ sở và không đáng tin.

Mộ, miếu Hoàng tử là một di tích lịch sử ghi lại dấu tích của người Việt trên đảo Phú Quốc từ cuối thế kỷ 18 còn lại đến ngày nay, rất cần được giữ gìn và phát huy giá trị.


Tài liệu tham khảo

  1. Quốc sử quán Triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tập I. Nxb Giáo dục.
  2. Trịnh Hoài Đức (2005), Gia Định Thành Thông Chí, bản dịch Lý Việt Dũng, NXB Đồng Nai.
  3. Võ Tấn Thọ – Võ Minh Tâm (1974), Hải Đảo Phú Quốc, Thư viện trung học Phú Quốc.
  4. Cung cấp một số tài liệu địa phương: ông Hà Tấn Tài – Doanh nghiệp nước mắm Đại Đức – Phú Quốc.
  5. Nguyễn Thanh Thuận – Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp

Chú thích:

[1]Trương Thanh Hùng (2013), Truyền thuyết dân gian đảo Phú Quốc, bài đăng trên vanhien.vn

[2]Trương Thanh Hùng (2013), Truyền thuyết dân gian đảo Phú Quốc, bài đăng trên vanhien.vn

[3] Võ Tấn Thọ – Võ Minh Tâm (1974), Hải Đảo Phú Quốc.

[4] Châu bản Tự Đức, tập 144/170

[5]Tiền Tiền triều: theo Đại Nam thực lục thì triều Tự Đức khi chép về thời Gia Long thì chép là Tiền Tiền triều, thời Minh Mạng chép là Tiền triều, thời Thiệu Trị là Tiên triều.

[6] Đền Triển Thân: ở xã Vân Dương, bờ Nam sông Hương. Đền này thờ một số hoàng thân, hoàng tử và công chúa thời các chúa Nguyễn và một số hoàng tử, công chúa chết non (tảo thương).

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Xem thêm: Miếu Cậu Hoàng Tử Cải – Hoàng Tử Hội An ở Côn Đảo

5/5 - (4 bình chọn)

Để lại một bình luận