Sò huyết là một loại hải sản, là một đặc sản ở vùng Đất Mũi Cà Mau. Sò huyết sinh sống chủ yếu ở vùng bãi bồi, sông rạch, ao đầm nuôi tôm thuộc các vùng đất ngập mặn ven biển. Sò huyết có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như rang muối, rang me, luộc, nấu cháo, xào sa tế, làm gỏi…Nhưng thật ra món sò huyết nướng mọi (nướng tái) mới là ngon tuyệt.
Hiện nay, trên thị trường đa số là sò huyết nuôi, kích cỡ nhỏ nên đem rang muối, rang me hoặc các món khác thì phù hợp. Nếu muốn ăn sò huyết nướng mọi thì phải tìm sò rừng (tức là loại sò huyết sinh sống trong tự nhiên ở khu vực Bãi Bồi Mũi Cà Mau, trong vuông nuôi tôm theo mô hình tôm – rừng hoặc khai thác dưới các kênh rạch vùng rừng ngập mặn). Sò huyết sinh sống ở những khu vực này thường có kích cỡ lớn (khoảng 15 – 20 con/1kg) và thịt thì ngon, ngọt hơn so với sò nuôi.
Muốn ăn sò huyết nướng mọi rất đơn giản, chỉ cần một chiếc vỉ đặt trên bếp than hồng và sau đó để sò huyết đã rửa sạch lên vỉ nướng. Do sò khi chín không há miệng nên người nướng sò huyết “có nghề hay không” là ở chỗ nướng sao cho sò vừa chín tới, dễ tách vỏ nhưng vẫn còn huyết bên trong và ăn có cảm giác thơm thơm, ngọt ngọt, giòn giòn.
Để có được con sò huyết nướng ngon, người nướng cần phải chú ý, lúc đem sò lên vỉ nướng phải để con sò thẳng đứng, miệng hướng lên trên, khi nào thấy nước sôi tràn ra từ miệng sò thì có thể gắp xuống ăn. Sò huyết nướng mọi phải ăn lúc còn nóng, chấm với muối tiêu chanh và thường ăn kèm với rau răm.
Theo y học cổ truyền, sò huyết có vị ngọt, tính mặn, có tác dụng bổ huyết, kiện vị, chữa chứng huyết hư, thiếu máu. Trong con sò huyết có nguồn chất đạm phong phú, chứa nhiều khoáng chất có giá trị dinh dưỡng cao như can xi, magiê và kẽm. Những chất này giúp bồi bổ và tăng cường sức chịu đựng dẻo dai cho cơ thể con người.
NT – https://www.camau.gov.vn/