Mùa hoa lê ki ma tại quê hương nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Chuyến công tác của chúng tôi về miền Đất Đỏ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đúng vào mùa hoa lê ki ma nở rộ, loài hoa đã trở thành biểu tượng của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu. Mọi người đều không khỏi bồi hồi, xúc động khi đứng trước anh linh chị – Người con gái vừa mới qua tuổi trăng tròn, nhưng đã nhiều lần thực hiện các cuộc mưu sát các sĩ quan Pháp và Việt gian, chị bị kết án và tử hình vào mùa xuân năm 1952.

Giữa vùng đất linh thiêng, đâu đó vang lên bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn với giai điệu da diết, khiến mọi người chợt thấy cay cay nơi sống mũi, mắt nhòe đi.

Mùa hoa lê ki ma nở ở quê ta miền đất đỏ

Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng

Đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở

Đời sau vẫn còn nhắc nhở

Sông núi đất nước ơn người anh hùng

Đã chết cho đời sau.

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại thôn Phước Lợi, xã Long Mỹ, quận Đất Đỏ (nay là xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), thân sinh là ông Võ Văn Hợi, bà Nguyễn Thị Đậu, chị là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Địa điểm chúng tôi đến đầu tiền là căn nhà nơi chị Sáu cùng gia đình sinh sống. Nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, ghi dấu biết bao kỷ niệm về thời niên thiếu và những ngày bắt đầu đến với cách mạng của chị. Ngôi nhà đã được UBND huyện Đất Đỏ đã phục dựng thành nhà truyền thống của Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Đền thờ Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu

Cách đó chừng 100m là Công viên Tượng đài và Đền thờ Anh hùng Võ Thị Sáu. Tượng Chị được đặt ở nơi thoáng mát, bốn mùa ngát hương với hoa sứ, ngọc lan và lê ki ma. Tượng được đúc bằng đồng, cao 7m, tạo theo thế chị Sáu ung dung ra pháp trường, tà áo vẫn tung bay trong gió. Đền thờ là nơi phúng viếng và trưng bày hiện vật, giới thiệu hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu cùng một số hình ảnh về quê hương Đất Đỏ.

Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng Võ Thị Sáu luôn bất bình và căm giận trước sự áp bức, cướp giật của bọn ác ôn, tay sai. Trong một lần cùng cha tiếp tế ở căn cứ Long Mỹ và thăm các anh trai theo cách mạng. Chuyến đi đã thôi thúc Chị nung nấu ý chí được làm cách mạng. Vào năm 1946, Chị được tham gia lớp thiếu sinh quân khóa I do tỉnh tổ chức ở căn cứ Long Mỹ. Năm 1947, khi 14 tuổi, Võ Thị Sáu chính thức gia nhập Đội Công an xung phong của quận Đất Đỏ. Là người nhỏ tuổi nhất nhưng lại nổi tiếng là chiến sĩ quả cảm, thông thạo địa bàn, Võ Thị Sáu được giao nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình của địch, từ đó cung cấp nhiều thông tin chính xác, giúp Đội hoàn thành nhiều nhiệm vụ.

Lần tham gia nhiệm vụ đầu tiên của chị Võ Thị Sáu là cùng Đội phá vỡ buổi mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp, 14/7/1948. Vượt qua nhiều vòng kiểm soát của địch, chị Võ Thị Sáu ẩn nấp ở góc chợ Đất Đỏ, sát khán đài từ lúc nửa đêm. Sáng hôm sau, khi xe tỉnh trưởng Lê Thành Tường vừa tới thì Sáu ném lựu đạn vào xe. Các thành viên của Đội yểm trợ và tạo áp lực giải tán cuộc biểu tình. Trận đánh đầu tiên của Chị đã gây được tiếng vang lớn, khiến uy tín, sức mạnh của Việt Minh lan rộng.

Nhiệm vụ tiếp đó là trận đánh giết tên cai tổng Tòng do chị Võ Thị Sáu trực tiếp đảm nhiệm. Cai tổng Tòng vốn là kẻ thù của nhân dân, từng gây ra rất nhiều tội ác trong vùng. Một buổi sáng, theo đoàn người vào làm căn cước, chờ lúc người thưa dần, chị rút lựu đạn ném thẳng vào mặt cai Tòng rồi hô to: Việt Minh tấn công!. Sau đó không lâu, chị Võ Thị Sáu tham gia giết 2 tên ác ôn khét tiếng trong vùng là Cả Đay, Cả Suốt. Không ngờ, đây cũng là trận đánh cuối cùng của chị. Vào dịp cuối năm, khi bà con đang bận rộn chuẩn bị đón Tết Canh Dần 1950, thì hai tên ác ôn cùng lính đi cướp giật tại phiên chợ cuối năm. Chị Võ Thị Sáu hòa lẫn trong đoàn người vào chợ sắm Tết để bám theo chúng. Chờ chúng đi ra khỏi chợ, chị Sáu ném một trái lựu đạn về phía đám lính. Hai tên Cả Đay, Cả Suốt bị tiêu diệt. Khi bị địch vây bắt, chị Võ Thị Sáu ném nốt trái lựu đạn thứ 2 nhưng không nổ. Chị bị địch bắt đưa về tra tấn tại bốt Đất Đỏ, sau đó, chúng đưa chị Sáu đến giam ở khám Bà Rịa.

Tháng 4/1951, thực dân Pháp đưa chị Võ Thị Sáu ra tòa án binh. Nhờ sự giúp đỡ của các chị lớn tuổi trong trại 9, chị Võ Thị Sáu đã biến nơi xét xử thành nơi tố cáo kẻ thù. Trước mặt tên Chánh án, chị Võ Thị Sáu dõng dạc: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống thực dân xâm lược không phải là một tội”. Kết thúc phiên tòa, chị Võ Thị Sáu bị kết án tử hình. Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, nhất là nhân dân Pháp tiến bộ, thực dân Pháp không dám thực hiện án tử hình chị Võ Thị Sáu tại Sài Gòn. Chúng lén lút đưa chị Võ Thị Sáu ra Côn Đảo. Chuyến tàu định mệnh đưa chị Võ Thị Sáu cùng 40 tù chính trị đã khởi hành ra Côn Đảo vào sáng 21/1/1952…

Ngày 22/1/1952, chúa đảo Jacty ra lệnh giải chị Võ Thị Sáu về giam biệt lập ở xà lim, dưới sự giám sát, canh giữ nghiêm ngặt của Sở Cò (Cảnh sát tư pháp tại nhà tù Côn Đảo). Hôm ấy, những tù nhân đi làm trên tàu thấy một người con gái còn trẻ tuổi bị áp giải từ Cầu Tàu 914 và biết chị sẽ bị xử bắn. Khi nhận được lời động viên của Đảo ủy và Liên đoàn Tù nhân kháng chiến Côn Đảo, chị Võ Thị Sáu nhắn trả lời: “Mấy anh yên tâm, em biết chọn con đường sống, chiến đấu cho độc lập dân tộc thì em cũng biết chọn cho mình cái chết xứng đáng. Em gửi lời chào hết mấy anh…”.

Lúc 4 giờ sáng ngày 23/1/1952, trước khi bắn, chúng dẫn chị Sáu lên văn phòng gặp tên Cò để làm thủ tục hành chính. Khi chúng cho chị làm thủ tục rửa tội, chị bảo: “Tao không có tội gì!”. Chúng cho chị uống một ly rượu nhỏ, chị hất đi không uống. Tên chúa đảo Arty hỏi chị muốn gì. Chị yêu cầu gởi về cho gia đình một nắm tóc và bộ quần áo của chị và được chấp nhận. Khoảng 5h sáng, chiếc xe chở chị Sáu ra pháp trường, phía sau lao 3. Lúc sắp bắn chị yêu cầu không bịt mắt. Chị hát bài hát “Tuốt gươm thiêng” và hô to “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Chúng không cho chị hô tiếp và ra lệnh bắn. Loạt đạn chát chúa vang lên, người con gái ấy vẫn hiên ngang, ánh mắt vẫn nhìn thẳng vào kẻ thù…

Chị Sáu đã hy sinh rồi

Giọng hát vẫn như còn vang dội

Vào trái tim những người đang sống

Giục đi lên không bao giờ lui.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Nghĩa trang Hàng Dương tận Côn Đảo xa xôi. Sóng biển rì rào vỗ bờ như ru giấc ngủ ngàn thu của chị Sáu. Dòng người hướng đến giữa Hàng Dương một cách nhẹ nhàng, yên lặng như không muốn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của chị. Khói trầm lãng đãng bay theo làn gió biển, chị nằm đó như một huyền thoại, bên cạnh là hàng nghìn chiến sỹ cách mạng đã anh dũng ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến.

Mộ Võ Thị Sáu

Theo lời kể được lưu truyền, trước đây, bên mộ chị Sáu có một cây dương liễu đã héo nhưng còn một cành cây hướng về phía Bắc vẫn sống tươi xanh lạ thường. Đó là chị Sáu hướng về miền Bắc, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên của Người mà chị đã hô vang trước họng súng của kẻ thù. Năm 1995, ngôi mộ chị Sáu được trùng tu tôn tạo khang trang và đến năm 2000, người ta trồng thêm cây lê ki ma, mà phải lấy giống từ quê hương Đất Đỏ thì cây mới sống và đơm hoa, kết trái. Hiện nay, mộ của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu nằm tại khu D, Nghĩa trang Hàng Dương. Vào ngày rằm, mồng một, ngày giỗ chị Sáu, nhân dân trên đảo vẫn thường ra đây nhang khói như một lời tri ân, tưởng nhớ về người nữ Anh hùng, người con của miền Đất Đỏ.

Kìa hoa lê ki ma nở

Đẹp thêm quê miền đất đỏ

Nơi đó sáng mãi tên người anh hùng

Bình minh đang rực sáng cho hoa kia nở

Mùa xuân lan tràn xứ sở

Tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu

Người nữ anh hùng.

Rời Hàng Dương, bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” một lần nữa lại ngân lên. Câu chuyện về chị Võ Thị Sáu vẫn còn nhiều. Nhưng bất cứ ai cũng biết chị đã ra đi khi mới tuổi 19, độ tuổi đẹp nhất của người con gái và đã trở thành biểu tượng cao đẹp, cổ vũ tinh thần cho lớp lớp thanh niên Việt Nam đứng lên chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc.

Báo Sơn La

4.9/5 - (8 bình chọn)

Trả lời