Mùa chim yến làm tổ ở Côn Đảo vào tháng 2 đến tháng 4 hằng năm, loài chim yến này lại tập trung ở những vách đá hiểm trở và ít có loài nào tới được để làm tổ và đẻ trứng. Có nhiều địa điểm ở Côn Đảo đáp ứng được điều kiện sinh nở của loài chim quý này. Ngoài Hòn tre nhỏ, hang Việt Minh cũng là nơi sinh sản lý tưởng của loài này. Chỉ mất 15’ đi ca nô, bạn đã có thể tới được hang Việt Minh.
Ở vách đá sát mép nước có những âm thanh rối rít rất đặc biệt phát ra nơi khe đá cao. Phía trên, những con chim yến nháo nhác lượn một vòng bên ngoài rồi bay thẳng vào trong vách hang đá. Vách hang khá hep, chỉ đủ cho hai người chui vào, và ở trên những phiến đá dựng đứng có những cái tổ xinh xắn màu trắng của loài chim yến.
Cứ vài cái đốm trắng chụm lại thành một cụm, loài yến thường làm tổ trên những vách đá dựng đứng trong khe núi sát nước biển. Mỗi cái tổ ấy có kích thước khoảng hơn 10cm², đủ để chứa được 1 đến 2 quả trứng nhỏ của loài chim yến. Đây là thời gian ấp trứng hàng năm của chúng.
Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng tài sản mà thiên nhiên để lại cho đất nước, nhưng họ cũng có những cách đem về tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ cho ngân sách Nhà nước. Một trong những cách ấy, có lẽ hiệu quả nhất, chính là việc nuôi yến và thu hoạch tổ yến.
Tổ yến được “xây” trong hang, trên những vách đá, hốc đá. Để bảo vệ tổ yến, những hang đá có khe hở người ta dùng ximăng trám lại phòng tránh khi mưa nước thấm dột hoặc chảy xuống lòng hang, ảnh hưởng đến môi trường sinh sống và làm tổ của chim yến; làm mái che để hạn chế ánh sáng lọt vào lòng hang; xây dựng bờ kè, đập để hạn chế sóng đập vào lòng hang.
Sau mỗi vụ thu hoạch, nhân viên lại dọn dẹp lòng hang, tạo thoáng khí cho chim yến về cư trú. Trứng chim yến được thu về, ấp nhân tạo. Sau khi nở sẽ cho yến vào nhà lưới tập bay, khỏe mới thả ra thiên nhiên…
Hiện 13 hang đá tại các hòn Cau, Bông Lan, Thỏ, Tre Nhỏ, Tre Lớn, Bảy Cạnh… là nơi cư trú của chim yến. Theo Vườn quốc gia Côn Đảo, tổng đàn chim yến tại các hòn ở Côn Đảo khoảng 6.000 con và loại yến sinh sống, làm tổ ở đây là “yến hàng”. Sản lượng yến mỗi năm thu được 20-30kg, giá trị hàng tỉ đồng.
Qua phân tích, so sánh, tổ yến ở Côn Đảo có 18/30 thành tố dinh dưỡng, cao hơn tổ yến ở những nơi khác trong cả nước.
Để có được số lượng yến như trên, từ năm 2011 Vườn quốc gia Côn Đảo và một công ty yến sào cùng hợp tác để quản lý, bảo vệ và khai thác tổ yến một cách khoa học nhằm phục hồi đàn chim. Nhờ đó, càng ngày chim yến ở đây càng sinh sôi. Trước đó, do chưa có kinh nghiệm quản lý nên lượng chim yến và sản lượng yến sào ở Côn Đảo liên tục giảm.