Một số kinh nghiệm đi biển hữu ích khi ngư dân gặp rủi ro trên biển

Với mong muốn giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy đến với ngư dân khi gặp tình huống rủi ro trên biển, chúng tôi sẽ cung cấp một số kinh nghiệm đi biển hữu ích duy trì sự sống cho người bị nạn trên biển như cách chống khát, chống đói và chống nhiễm lạnh để bà con ngư dân và người đi biển có thể áp dụng trong những trường hợp khẩn cấp.

Một số biện pháp chống khát khi trên biển

Con người sẽ chết khi mất nước từ 15-20% thể trọng cơ thể. Do vậy, lượng nước tối thiểu phải được cung cấp trên xuồng cứu sinh là 0,5 lít/ngày/ người, chính vì thế bà con phải hết sức tiết kiệm nước. Khi có thời cơ phải phải bổ sung nguồn nước (hứng nước mưa, thậm chí dữ trữ cả nước tiểu của mình,…). Luôn luôn có dụng cụ sẵn sàng hứng nước mưa;

Sang ngày thứ 2 lúc bị nạn mới dùng lượng nước dự trữ trên tàu, xuồng. Mỗi ngày chỉ được uống dưới 500 ml/ người, chia làm 3-4 lần. Khi nước sắp hết thì rút xuống còn khoàng 200 ml/ngày/ người, chủ yếu dùng để thấm miệng và cổ họng.

Không được uống nước tiểu khi đang còn nước ngọt. Chỉ dùng nước tiểu khi bất khả dĩ vì nước tiểu người bị nạn thường rất cô đặc do cơ thể đang thiếu nước nên chứa nhiều chất giải độc, uống vào dễ gây nôn mửa, làm tăng thêm mất nước cho cơ thể.

Một số trường hợp sử dụng nước biển pha với nước ngọt để sử dụng chống khát. Tuy nhiên, lượng nước biển sử dụng không được quá 200-300 ml/ngày/ người.

Kinh nghiệm chống đói khi cạn kiệt lương thực khi đi biển

Trong tình huống tàu lênh đênh trên biển nhiều ngày, trên tàu hết lương thực, thực phẩm, bà con ngư dân và người đi biển cần lưu ý:

– Khi đói, cơ thể duy trì sự sống bằng chất đạm chính cơ thể mình, tất nhiên là không thể kéo dài lâu được.

– Khi uống ít nước, cơ thể không đòi hỏi phải ăn nhiều, vì vậy có thể giảm khẩu phần ăn xuống tỷ lệ thuận với khẩu phần nước uống. Ngược lại, khi có điều kiện uống thêm nước, nên tăng khẩu phần ăn để duy trì sức khỏe. Không nên dùng chất đạm nhiều vì khi chuyển hóa, cơ thể cần nhiều nước hơn, lúc đó cơ thể sẽ thấy khát nước nhiều hơn.

– Cá, chim bắt được trên biển là nguồn bổ sung thức ăn rất tốt, nhưng không được ăn nhiều cùng một lúc. Nên tránh các loại cá độc, ươn, thối, chết và không nên ăn gan cá, trứng cá.

Giữ ấm cơ thể đi gặp nạn trên biển

Nếu không may bị nạn vào mùa rét, mùa mưa, chúng ta sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh kéo dài kèm theo viêm nhiễm đường hô hấp, gây mất sức và nguy hiểm đến tính mạng, do vậy cần phải có những biện pháp cấp cứu, dự phòng sau:

– Tận dụng các loại quần áo, chăn màn mang theo để đắp, mặc cho ấm. Dùng vải bạt, nilon, chăn màn che gió, mưa và nước biển té vào;

– Ngồi sát bên nhau cho ấm, thay nhau che gió, nên giữ ấm đầu.

– Không nên cử động nhiều để giữ nhiệt năng cho cơ thể. Thỉnh thoảng vận động chân tay bằng cách xoa bóp làm cho máu lưu thông, chống lạnh cục bộ.

– Sử dụng khẩu phần ăn hợp lý để cung cấp nhiệt lượng cho cơ thể.

Trên đây là một số kinh nghiệm nhằm duy trì sự sống khi gặp sự cố trên biển và kéo dài nhiều ngày trong thời tiết bất lợi, rất mong bà con ngư dân chúng ta chú ý làm theo nếu không may gặp phải những hoàn cảnh nêu trên nhằm đảm bảo sức khỏe cho bà con trong suốt hành trình của mình. Bên cạnh đó bà con ngư dân cần chấp hành nghiêm các quy định về đăng ký, đăng kiểm, trang bị an toàn cho người và phương tiện nhằm giúp ngư dân phòng tránh thiên tai, rủi ro, tai nạn trên biển

Nguyễn Thị Huê – ĐàI TTDH Huế

Rate this post

Trả lời