Mộ nữ anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu ở Côn Đảo

Đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương và thắp nhang trên phần mộ có nhiều người đến dâng hương nhất là mộ nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu. Hiếm có người nào cất công ra Côn Đảo lại không tới viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Thậm chí, chị đã trở thành lý do chính khiến hòn đảo này trở nên gần gũi với đất liền…

Mộ cô Sáu linh lắm…

Thẫn thờ ngồi giở lại chồng hồ sơ, tôi mới được biết đến chị Sáu ở xã Phước Thọ, chứ trước nay chỉ thường biết tên gọi huyện của chị là Đất Đỏ.

Sau hơn một năm bị giam cầm tra tấn rồi lãnh án tử hình ở nhà lao Chí Hoà, tưởng chừng như bọn giặc không dám hành hình chị ở trong đất liền vậy mà đêm 21-01-1952, chị Sáu bị bí mật đưa xuống một chuyến tàu chở hàng Tết ra Côn Đảo. Đó là nữ tử tù đầu tiên, là tù nhân trẻ nhất bị đưa ra hành hình ở Côn Đảo. Số tù là G.267. Chị Sáu bị hành hình ngày 28 Tết lúc 7 giờ sáng. Số thứ tự mộ là 195.

Tôi ngồi bệt xuống hàng hiên Dinh Chúa Đảo. Dinh với kiến trúc tân kỳ này từng là nơi sinh sống của tổng cộng 53 đời Chúa Đảo, trong vòng 113 năm dưới trào Pháp, Mỹ. Bây giờ Dinh là nơi trưng bày các hiện vật, di tích lịch sử và văn hóa của người dân Côn Đảo.

Những bức tượng thờ nữ Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu

Phải mất cả buổi sáng thuyết phục, mãi đến chiều muộn tôi mới tìm được ở Bảo tàng Dinh danh sách 53 đời chúa đảo. Sớm nhất, chúa đảo tiên khởi là Đại úy Hải quân Roussel với một năm cai trị (1862- 1863), kết thúc là Chánh văn phòng lục quân chính quốc Blanck (1953- 1955). Tất cả có ba mươi chín vị giám thị chúa đảo và toàn là người Pháp.

Thời điểm chị Võ Thị Sáu bị hành quyết, chúa đảo là Chánh văn phòng viễn chinh lê dương Jarty (1951- 1953). Ngay đêm ấy, kíp thợ hồ khám 2, Banh 1 đã dựng tấm bia bằng xi măng lên mộ chị Sáu. Sáng sau, chúa ngục Jarty dẫn lính ra đập tan bia và san phẳng mộ.

Nhưng ít ngày sau đó, như có phép lạ, mặc dù cắt cử việc canh gác cẩn thận, nhưng mộ chị Sáu vẫn vồng lên vì có người bí mật đắp. Rồi tấm bia lại xuất hiện. Jarky không nản, vẫn xua lính cào bằng mộ lẫn đập bia!

Tuy nhiên, tên chúa ngục một thời gian sau đã phải chùn tay. Số là trong đám lính trực tiếp đi làm việc cào mộ và đập bia (có vợ con ngoài đảo) có hai tên tự dưng lăn ra bệnh. Thuốc thang mấy cũng không khỏi. Không biết ai mách, vợ con họ lén mang nhang, trái cây lên mộ chị Sáu kêu cầu… Vậy là dứt bệnh!

Chuyện đó lan ra khắp đảo. Từ đó, không ai dám động vào mộ chị Sáu và tấm bia nữa. Mộ được vun cao dần lên. Những nắm đất, những viên đá của tù nhân bí mật tranh thủ đắp. Có cả hoa tươi do vài ba bữa vợ con đám lính lại lén đặt lên mộ!

Tôi ngó lại danh sách 14 chúa đảo thời Mỹ Thiệu. Kế cái nghiệp coi tù nối với trào Pháp, Chánh văn phòng lục quân Blanck (1953- 1955) là thiếu tá Bạch Văn Bốn, năm 1955. Bạch Văn Bốn có thêm nhiệm kỳ chúa đảo (1957-1960). Thành tích tra tấn các chiến sĩ cách mạng của viên thiếu tá cai ngục ác ôn này hẳn bạn đọc đã biết qua tác phẩm “Từ những trận chiến đấu ác liệt thắng lợi trở về”, sau đổi tên thành “Bất Khuất của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận”.

Chúa đảo Bạch Văn Bốn với chính sách coi tù hà khắc, bốn năm làm tỉnh trưởng Côn Đảo mà đã có 500 tù nhân bị giết. Ngoài việc cưỡng ép tù nhân ly khai cộng sản một cách tinh vi, Bốn còn cấm ngặt việc viếng mộ chị Sáu. Bốn lớn tiếng với thuộc hạ rằng, chuyện cô Sáu linh thiêng chỉ là luận điệu tuyên truyền của Việt Cộng.

Nhưng chính hai lính bảo vệ của Bốn tận mắt chứng kiến một đêm nọ, Bốn thấy trước cửa Dinh có một người con gái bước ra Cầu Tàu. Hắn khoát tay cho hai tên lính lui và tự xử. Chợt cô gái quay phắt lại, bước tới và nhìn thẳng vào mắt hắn. Sợ quá, Bốn bủn rủn chân tay, buông rơi khẩu súng, hoảng hốt chạy tọt vào nhà.

Một việc hy hữu

Sau nhiệm kỳ của Bạch Văn Bốn là Tư Tăng (tự là Sao) có một huyền thoại. Tiết Thanh Minh năm 1964, khoảng giờ Tý, giám ngục Tư Tăng cùng vợ và ba người lính tâm phúc đã khênh tấm bia bằng đá trắng có tạc những dòng chữ “Liệt nữ Võ Thị Sáu. Sinh năm 1933 tại Bà Rịa. Từ trần ngày 23-12-1952” đặt trên mộ người nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại nghĩa địa Hàng Dương.

Bia được chế tác từ đất liền. Theo sự huớng dẫn của viên chúa đảo, những người lính đã khơi một độ sâu vừa đủ để lấy chỗ chôn chân bia. Viên chúa đảo thân dùng tay lấp đất chân bia. Sau đó, cả hai vợ chồng thắp nhang khấn vái.

Viên trung tá Quân đội Việt Nam Cộng hoà chúa ngục Côn Đảo ấy đã khấn gì thì chẳng thể biết. Lính tráng thuộc hạ cũng không dám tò mò. Tư Tăng sau này đã phân trần rằng: “Mộ cô Sáu linh lắm. Vợ chồng tôi làm vậy là để cầu cho binh sĩ và gia đình đóng trên đảo được an lành”.

Mộ chị Võ Thị Sáu tại Khu B2, Nghĩa trang Hàng Dương.

Chợt nhớ thêm, quyền uy của chúa đảo còn gọi là Tỉnh trưởng Côn Sơn thời ấy không nhỏ. Dưới tỉnh trưởng có Phó tỉnh trưởng phụ trách nội an. Dưới Phó tỉnh trưởng là phụ tá hành chính và văn phòng. Dưới nữa là 13 Ty, Ty công an cảnh sát, Ty thông tin, Ty bưu điện, Ty canh nông, thuế vụ… Ở hầu hết các cấp của bộ máy này, nhất là bộ máy nội an đều có cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ đạo. Mỗi lần tổ chức đàn áp người tù, lực lượng công an cảnh sát trên đảo được tăng cường thêm cảnh sát dã chiến từ đất liền ra phối hợp.

Thế nhưng, việc động trời như đặt bia ở mộ Việt Cộng Võ Thị Sáu của Tư Tăng với cụm từ Liệt nữ, Từ trần đã qua được bộ máy phiền toái lẫn chết chóc ấy.

Ngôi mộ chị Võ Thị Sáu và một số ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa địa Hàng Dương chưa hẳn đã khang trang nhưng thường xuyên được đắp điếm cẩn thận có bia mộ, thỉnh thoảng có hoa tươi như một tượng đài, biểu tượng cho tinh thần trung kiên bất khuất của tù nhân Côn Đảo đã làm kẻ thù cay cú.

Những năm đầu bảy mươi, các chiến dịch mang cái tên quái gở chiến dịch thanh trừng bia mộ cộng sản diễn ra tại nghĩa trang Hàng Dương này. Cũng kỳ lạ, chúng chỉ đập một số bia mộ nhưng bia mộ chị Sáu thì không có tên nào dám động tới.

Nhưng dưới trào chúa ngục khét tiếng Nguyễn Văn Vệ (tên chúa đảo đã để đời tội ác lập hệ thống chuồng cọp kiểu mới) tiết thanh minh năm 1973, giám ngục Vệ quyết làm việc đập tan bia mộ Chị Sáu!

Quyết vậy nhưng Vệ không dám hành sự mà sai đàn em. Nhưng đàn em lại tìm cách lảng hoặc đùn đẩy. May cho chúa ngục Nguyễn Văn Vệ, trong đám thuộc hạ có một ác ôn, hung thần tên là Sước. Sước là đứa tích cực nhất trong đám cảnh sát cai ngục chuyên hành hạ đánh đập tù nhân. Sước tuyên bố cộng sản sống còn chả ngán nữa là cộng sản… chết!

Không thèm hành sự vào ban đêm mà dưới thanh thiên bạch nhật, Sước cùng đám thuộc hạ nốc đủ rượu để lấy khí thế. Rồi mỗi đứa thủ theo cái búa tạ lẫn xà beng. Đến nơi, đám thuộc hạ của Sước bất thần chồn chân ở cửa nghĩa địa Hàng Dương mặc cho Sước la thét hối thúc… Nhưng rốt cuộc cũng chỉ mình Sước ra tay.

Không biết Sước đã ra tay đập phá những gì, có thể do quá chén hay không mà hơn một tiếng đồng hồ sau, đám thuộc hạ hớt hải khiêng thân hình mềm nhũn của Sước về. Người Sước lạnh ngắt mắt trợn ngược. Một bên ống chân đầy máu do chính ngọn xà beng của Sước lụi vào.

Ngón tay tôi cứ miết miết trên lòng phiến đá trắng tấm bia mà vợ chồng chúa ngục Tư Tăng dựng năm 1964. Săm soi kỹ, tịnh không hề có một vết gợn nào của việc chắp nối? Như vậy bia mộ chị Sáu ngày ấy đã không hề hấn gì trước sức quai búa tạ lẫn đòn xà beng của tên Sước ác ôn trong khi tấm bia này đâu có nhỏ? Mộ chị Sáu cũng nhỉnh hơn các mộ kế bên.

Sức mạnh, uy lực nào đã khiến ngọn xà beng vô tri làm việc phản đòn như vậy?! Một cảm giác lành lạnh khiến tôi rùng mình khi rời nghĩa trang Hàng Dương đang ngập nắng. Hơn 20 ngàn ngôi mộ bạt ngàn ở đây mà chỉ có 1283 ngôi có bia mộ?

Ký ức người “Vượt Côn Đảo”

Chuyến ấy về Hà Nội, tôi chia sẻ cảm tưởng và những chuyện nghe được về mộ cô Sáu linh lắm với một cựu tù Côn Đảo, ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT (này là Phó Thủ tướng).

Chiến sĩ cách mạng Đoàn Duy Thành từng là tù nhân Côn Đảo. Ông lại có chân trong Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo. Ông dặn tôi cứ ngày 12 tháng 12 dương lịch là các cựu tù Côn Đảo họp mặt hằng năm.

Thời điểm Liệt nữ Võ Thị Sáu bị hành quyết, ông Thành đã kể cho tôi câu chuyện mà ông nghe lính Pháp kể lại. Chi tiết bảy tên đao phủ đứng cách chị Sáu chỉ vài mét, đồng loạt nổ súng. Nhưng kỳ lạ, chị không chết. Có lẽ bọn đao phủ bị hoảng loạn, run tay trước ánh nhìn trước nhỡn lực của người con gái mới 17 tuổi đời? Tên đội lê dương tức giận rút súng ngắn tiến lại, dí tận mang tai chị bóp cò.Buổi gặp ấy, qua câu chuyện với người cựu tù Côn Đảo, tôi đã có duyên may. Nhờ ông Đoàn Duy Thành, tôi đã kết nối gặp được cụ Nguyễn Viết Kiểm ở làng Đại Kim huyện Thanh Trì, nhân vật chính trong tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán.

Người dân Côn Đảo đều thờ phụng và thành kính gọi nữ anh hùng là “cô Sáu”. Trong tâm thức của họ, cô Sáu như một “vị thần” nên hàng ngày, nhất là vào mồng một và ngày rằm, họ đến thắp hương mong cô Sáu phù hộ để gặp nhiều may mắn, an yên trong cuộc sống…

Cụ Kiểm là nhân vật chính với tên gọi Phan Du trong “Vượt Côn Đảo”. Đội biệt động Hải Phòng do đại đội trưởng Nguyễn Viết Kiểm phụ trách… Những trận ác liệt với lối đánh táo bạo xuất quỷ nhập thần đã bao phen làm bọn Pháp điêu đứng. Tiếng vang về chiến công của đơn vị biệt động làm nức tiếng khắp Quân khu Tả ngạn và cả chiến trường Bắc Bộ. Nhưng trong một trận đánh không cân sức, biệt động đội Hải Phòng bị tổn thất khá nặng. Đại đội trưởng Nguyễn Viết Kiểm đã bị giặc bắt.

Qua nhiều trại giam và những cuộc tra tấn ác liệt nhưng không moi được tin tức gì, đại đội trưởng Kiểm bị đày ra Côn Đảo.

Một cuộc vượt ngục táo bạo bất ngờ của tù binh Côn Đảo được khởi sự là gần buổi trưa ngày 12-12-1952 tại Bến Đầm. Toàn bộ lính Pháp coi đảo bị khống chế.

Năm chiếc thuyền do những người tù bí mật, kín đáo chế tác cất giấu trong rừng hàng tháng trước đó được hạ thuỷ. Thật bất ngờ, do việc chế thuyền trong điều kiện hết sức bí mật nên không tránh khỏi những sơ suất. Sơ suất đó đã thành thảm họa. Thuyền ngấm nước bị chìm. Đầu tiên, bỏ vũ khí súng ống vừa đoạt đuợc cho thuyền nhẹ bớt. Sau đó, hàng chục cán bộ chiến sĩ quả cảm xung phong nhảy xuống biển tự tử để giảm tải trọng cho thuyền.

Sau một đêm lênh đênh với bao khổ nạn đói khát, số sống sót lại phải đối mặt với tàu chiến máy bay địch phong toả. Kết cục bi thương của cuộc vượt ngục là 81 đồng chí hy sinh, 117 người bị bắt lại đưa về Chí Hoà.

Đến năm 1954, số anh em tù binh bị bắt lại trong cuộc vuợt ngục lần ấy có Nguyễn Viết Kiểm mới thật sự được tự do trong cuộc trao trả tù binh tại Sầm Sơn.

Nhà văn Phùng Quán hồi ấy trẻ măng vừa chân ướt chân ráo ở mặt trận Bình Trị Thiên về từ Hà Nội được phân công gặp gỡ anh em tù binh Côn Đảo. Phùng Quán đã ở lỳ với anh em hơn một tháng trời tại Sầm Sơn để viết được tác phẩm “Vượt Côn Đảo”. Cuốn tiểu thuyết đoạt Giải Ba, Giải thưởng của Hội Văn Nghệ Việt Nam (năm 1954-1955).

Những ngày yên hàn sau năm 1975, Nguyễn Viết Kiểm và một số anh em tù binh ngày ấy đã về thăm lại Côn Đảo. Người lính già cứ thơ thẩn tìm lại cây dương già cụt ngọn trước mộ chị Sáu. Cây dương già bị khô phần ngọn. Chỉ còn gốc cây và một nhánh dương xanh tươi vươn thẳng về phía Bắc. Người ta bảo đó là hồn chị Sáu hướng về miền Bắc, về Bác Hồ. Người dân Côn Đảo đã từng nhìn thấy chị Sáu bước ra từ cây dương mỗi tối.

Thời điểm cụ Kiểm thăm lại đảo vẫn vài chục gia đình công chức, gác ngục chế độ cũ ở lại Côn Đảo, trong nhà họ đều có bàn thờ chị Sáu. Chị Sáu đối với họ như thần hộ mệnh. Bà con gọi chị Sáu là cô Sáu hoặc bà Sáu. Dân cư Côn Sơn, khi thề bồi thì thường “Thề có cô Sáu chứng giám”. Khi mắng nhau “Cô Sáu vặn cổ mày đi”.

Ngày 23-1 hàng năm là ngày giỗ chị Sáu. Đây là ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo, nhiều gia đình cúng giỗ. Nhiều người mang lễ vật, hoa quả ra mộ chị Sáu. Bà con ở chợ Côn Đảo kể rằng, trước khi đi biển vô đất liền lấy hàng còn ra mộ vái xin chị Sáu phù hộ. Cũng có những thanh niên trước khi làm đám cưới đã ra Hàng Dương viếng mộ chị Sáu. Họ thắp hương, cúng cả gương lược, khấn vái mong chị phù hộ cho.

Cụ Kiểm với chất giọng vui chia sẻ thời điểm Chúa đảo Jarty bị mất chức vì vụ 200 tù nhân đóng thuyền vượt ngục ở Bến Đầm, người ta bảo chị Sáu hiển linh đã trợ giúp lực lượng tù nổi dậy. Rồi khiến tên Chúa đảo sau này phải rơi sao, mất chức.

Vĩ thanh

Cái ngày cụ Kiểm ra lại Côn Đảo, một bè con kết bằng hoa cùng nhang khói đã được hạ thủy xuống Bến Đầm tưởng nhớ anh linh của 81 đồng đội đã bỏ mình trong cuộc vượt bể cuối năm 1952, đầu năm ấy là thời điểm chị Sáu hy sinh! Hương linh cùng anh linh của những người chết trẻ vì tổ quốc như linh thiêng rước mãi bè hoa ra tít tận khơi xa.

Bây giờ, xa xôi giữa ngàn trùng dương như thế mà ngôi mộ chị Sáu ngày cũng như đêm luôn nghi ngút khói nhang. Cùng với sự chăm sóc của dân bản địa, những chuyến bay và tàu cao tốc nối với đất liền của du khách đã khiến việc tâm linh, khói hương không khi nào đứt đoạn.

Xuân Ba
Vietnamnet

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời