Lễ giỗ Mạc Mi Cô tại Hà Tiên

Phần lễ giỗ Mạc Mi Cô chính diễn ra vào các ngày 28-29/9 âm lịch hàng năm, tại Công viên Văn hóa Bình San như: Lễ An chức sự; Khai chung cổ; Lễ nghinh thần; Chiêm bái, tự do viếng; “Lễ tắm Bà” được cử hành vào lúc 0 giờ ngày 29/9 âm lịch hàng năm, tiếp theo là Lễ tế thần; Cúng Tiền hiền – Hậu hiền. Sau phần tế lễ, chính quyền địa phương, hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương tưởng niệm.

Có thể nói từ nhiều năm qua, ngày giỗ Bà đã trở thành một dịp để mọi người thành tâm khấn nguyện những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình, người thân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đó chính là nhu cầu hướng vào tâm thánh thiện.

Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền, Ban Quản lý Di tích dòng họ Mạc và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, lễ hội đã được nâng cao về nội dung cũng như hình thức tổ chức, thu hút hàng vạn lượt người đến tham quan cúng tế. Lễ giỗ Bà mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa tinh thần của nhiều người dân Hà Tiên. Đây là dịp để nhân dân thị xã Hà Tiên tôn vinh, trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời tạo sức hút không chỉ đối với đối tượng du khách, khách hành hương mà còn là cơ hội lớn cho thị xã Hà Tiên tiếp tục giới thiệu, quảng bá các di tích, thắng cảnh, thế mạnh tiềm năng về dịch vụ, du lịch và thương mại để thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị hướng đến Hà Tiên trở thành “Thành phố Văn Hóa Du Lịch”.

Huyền Thoại Tiểu thư Mạc Mi Cô

Theo như cuốn Mạc Thị Gia Phả của ông Trần Thiên Trung; Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tích ăn ở với bà Hiếu Túc Chánh Thất phu nhân Nguyễn Thị Thủ được tất cả là 7 người con: 6 trai, 1 gái.

Cô con gái duy nhất tên là Mạc Mi Cô. Tương truyền rằng bà sanh liên tiếp năm người con trai. Bà thầm cầu mong lần sau đổi bầu con, sanh được một Tiểu Thư cho vui cửa vui nhà. Đô Đốc và Hiếu Túc thường đi chùa chiền, miếu mạo cầu khẩn.

Có một đêm bà nằm mộng, thấy một tiên nữ từ trên trời bay xuống trên tay bồng một em bé gái rất xinh. Đáp xuống trước mặt phu nhân nói: “Ta cho ngươi đó”. Liền thảy đứa bé vào lòng phu nhân rồi biến mất. Giật mình tỉnh giấc, bữa mừng nữa lo. Quả nhiên thời gian ngắn bà cấn thai. Bà rất mong ngày sanh đến sớm để gặp mặt coi trai hay là gái. Một hôm phu nhân đau bụng càng lúc càng quặn thắt. Bà nghi ngờ rồi nhẩm tính thì còn gần một tháng nữa mới đúng ngày sinh nhưng sao bụng bà lại chuyển dạ quá chừng càng lúc càng tăng. Trong mấy lần sanh trước đâu có lần nào giống như vầy. Phu nhân lăn lộn rên la, các tỳ nữ xoa bóp tay chân liên hồi. Các lương y tài giỏi nhất trong Trấn cũng được triệu tập đến kê thuốc cho bà. Tiếng đại hồng chung ở ngôi Tiêu tự đổ liên hồi thay cho lời cầu nguyện của dân chúng trong Trấn khấn cầu bà được mẹ tròn con vuông.

Cuộc trở dạ của phu nhân sang đến ngày thứ ba mới ổn. Đúng là bà đã sanh ra được một Tiểu thư vô cùng xinh đẹp. Nước da trắng hồng như bột, gương mặt trái xoan, mũi dọc dừa, đôi môi đỏ như son, đôi mắt phượng đen nhánh. Nhìn gương mặt giống như Tiên Đồng, Ngọc Nữ chốn thiên cung. Nhưng có điều đặc biệt là Tiểu thư không giống như các trẻ sơ sinh khác. Tóc cô chấm dài tới gót, răng mọc đủ hai hàm, cô cười nói rành rẽ như đứa trẻ lên năm lên bảy. Khi sanh ra tiểu thư cũng không khóc như mọi trẻ khác.

Khi đi thị sát trở về, Đô Đốc hay tin phu nhân đã sanh được một tiều thư thật xinh đẹp. Ông vội vàng đến thăm, khi bước vào phòng nhìn con thì thấy Tiểu thư nhấp nháy đôi mắt nhìn, miệng với đôi môi mọng đỏ chúm chím cười. Sau giây phút ngỡ ngàng ông cũng ra vẻ mừng rỡ. Ông đặt tên cho Tểu thư là Mạc Mi Cô. Sau đó Đô Đốc về tư dinh ngồi suy tư tự hỏi: Đây là Tiên nữ đầu thay hay là yêu quái hiện hình, Ta phải đối xử sau đây.!

Thế rồi ít hôm sau, có một phái đoàn từ Quảng Đông đến ra mắt Đô Đốc. Phái Đoàn gồm có 4 người: 2 người là thầy Địa lý giỏi xem phong thủy, phong thổ. Còn 2 người là Pháp sư biết hô phong hoán vũ, soáy đậu thành binh, có bùa phép trừ tà ếm quỹ. Hai bên gặp nhau trao đổi ý đồ và kế hoạch. Một lúc sau, họ chia tay ai lo phận nấy. Đến hôm sau họ trở lại báo cáo tình hình. Bọn người địa lý báo cáo trước:

– Thưa Đô Đốc. Đúng là tiên Vương (Chỉ Mạc Cửu) chọn chỗ an nghĩ không lầm.nằm ngay hàm rồng con cháu sau này đều là công hầu khanh tướng cả. Đây chính là con Ly Long tu lâu năm sắp thành Rồng. Đầu nó chính thật là ở đây, mõm nó là mũi Đại Kim Dự, mình nó uốn khúc nằm dọc theo bờ biển này của rặng núi Nai. Nó sắp sửa thành rồng không nên làm kinh động nó. Nếu làm kinh động nó sẽ vùng vẫy bay lên làm sụp đổ hết cả dinh Trấn này.

-Vậy ta phải làm sao mới không kinh động nó? Đô Đốc vội hỏi.

Nhà Địa lý liền trả lời:

-Thưa Đô Đốc, muốn không làm kinh động nó thì đừng tạo chiến tranh ngay trung tâm dinh Trấn. Điều này thì có hai cách: một là ta chịu hòa với địch, hai là ta dùng hoàn toàn lực quyết đánh thắng giặc để chúng phải đầu hàng không sang đây quấy nhiễu ta nữa. Chỉ có hai điều này sẽ tránh được dãy núi Bình San nơi Giao Long yên nghĩ. Tất cả đều do Đô Đốc mà thôi.

Mạc Đô Đốc nghe nói vậy, trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:

-Việc này để tay suy nghĩ lại. Liền quay sang hỏi Pháp sư:

-Còn hai ngày đi quan sát thế nào rồi?

-Dạ thưa Đô Đốc. Quả đúng là âm khí yêu quái sắp bao trùm Trấn Hà Tiên, nặng nhức là phía Tây Nam Trấn. Chỉ còn phía Đông Bắc mà thôi. Nhưng hiện nay yêu khí tích tụ trong dinh. Nếu Đô Đốc không trừ khử sớm thì e sợ cơ nghiệp nhà Mạc của ngài không tránh khỏi điều tai họa.

-Vậy pháp sư có cách nào trừ khử yêu quái này không?

-Dạ có, đêm nay tôi sẽ cắm bùa bốn gốc thành không cho con yêu này thoát được. sau đó tôi phái người đến bắt nó vào thùng phép thế là yên. Nhưng e sợ ngài chẳng bằng lòng.

-Việc trừ khử yêu quái có gì động đến ta đâu mà ta chẳng bằng lòng.

Hai pháp sư mỉm cười ngập ngừng nhìn nhau chưa dám nói. Đô Đốc nóng ruột hỏi:

-Có gì các người cứ thật tình nói đi để ta liệu định.

-Dạ ngày cho phép, chúng tôi mới dám. Yêu quái chính thật là Tiểu thư vừa mới sinh ra đó.

-Trời! có thật thế không! Có đúng thế không!

-Nếu Đô Đốc không tin, chúng tôi đành chịu.

-Thôi các người đi về nhà khách nghĩ, việc này ta sẽ quyết định sau.

Tất cả chào từ tạ Đô Đốc lui ra. Còn lại một mình Mạc Thiên Tích suy tư: Có nên cho phu nhân biết việc này hay không? Chắc bà buồn lắm và cũng chẳng hài lòng. Chính ta hiện giờ lòng như dao cắt không nở dứt tình. Nhưng mà không thì cơ nghiệp nhà Mạc sẽ ra sao? Thôi chuyện này ta phải cân nhắc kỹ lưỡng mới quyết định. Giờ sang thâm phu nhân và con mới được. Mấy ngày rồi không thấy mặt con cũng nhớ. Con bé trông kháu khỉnh làm sao. Ông vừa bước đến cửa buồng thì nghe tiếng trẻ con đang cười khúc khắc nghe vui vẻ quá. Ông bước đến bên giường, phu nhân quay lại hỏi:

– Phu quân đến có lâu không? Thiếp bận đùa giởn với con nên không biết.

– Ta cũng vừa mới đến thôi. Con cũng khỏe hả phu nhân?

– Dạ khỏe. Rồi bà quay qua nói với Tiểu thư: cha đến thăm con kìa!

Bỗng Tiểu thư Mạc Mi Cô khóc ré lên, gương mặt lúc nãy hồng hào trở nên trắng bệt, tái mét liền mở lời nói:

– Ổng có thương yêu gì tôi đâu mà thăm viếng. Ổng rước bọn họ đến giết tôi mà.

Đô Đốc nghe con nói như vậy, giật mình kinh sợ chối:

– Không….Không… cha không có…

Dứt lời, ông liền lui ra nhanh và trở về dinh ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Có biết bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu óc. Có những điều thực tế buộc ông phải nghĩ đến. Đó là, nếu không phải yêu tinh thì sao tóc răng lại mọc đầy đủ khác thường hơn các trẻ sơ sinh? Nếu không là yêu tinh thì sao lại biết rõ chuyện ông bàn với bọn pháp sư? Chuyện trong phòng kín mà Tiểu thư đã biết. Cuối cùng Đô Đốc cũng cam tâm quyết định: -“Giết Tiểu thư con mình”

Giữa đêm khuya, ngoài trời tối đen như mực, không sao nhìn rõ được cảnh vật. Nhưng trong tiền sảnh dinh Trấn vẫn sáng rực bởi những ngọn đèn lồng treo lủng lẳng trước hàng hiên bị gió đưa đẩy lung lay chậm chờn huyền ảo. Chim rừng đầu núi thỉnh thoảng buông từng tiếng gọi nhau rời rạc nghe buồn dễ sợ. Giữa lúc này có hai bóng kẻ ôm gì trong tay, kẻ vác một hộp vuông dài len theo bóng hàng cột tiến sâu vào cửa buồng. Hai người đang đứng chỉ trỏ bàn cách vào phòng. Bỗng nghe từ trong phòng có tiếng trong trẻo phát ra:

– Họ Mạc ta đã hết thời rồi. Các người cứ làm phận sự.

Nghe thế, hai bên hành thích sợ quá hoảng hồn bỏ chạy bán mạng trong đêm. Phu nhân nghe tiếng động vội đến thăm Tiểu thư, thấy Tiểu thư Mạc Mi Cô nằm bất độngkhông giống như thường nhựt khi gặp bà Tiểu thư cười. Phu nhân kêu la khóc lóc làm vang động dinh phủ. Đèn đuốc được thấp sáng lên, bóng người tới lui xôn xao trong dinh Trấn. Một lúc sau tiếng đại cổ (trống) trên đầu thành cũng thúc giục liên hồi. Tiếng chuông trống vang rền làm cho nhân dân trong Trấn giật mình. Tiếng chuông trống lần này khác hơn lần trước mới cách đây mấy bữa. Sau đó họ cũng hiểu ra là Tiểu thư họ Mạc đã qua đời!…

Đám Tang Tiểu thư Mạc Mi Cô tuy là trẻ sơ sinh nhưng được tổ chức long trọng như hàng vương tôn công nữ. Ngôi mộ của Tiểu thư nằm ở phía Tây núi Bình San dưới chân mộ ông nội (Mạc Cửu). Kiến trúc cũng hoành tráng không thua gì mộ của các bậc vương phi.

Sau đó, Phu nhân cấm tất cả người trong nội phủ không được nói gì về Tiểu thư. Chỉ nói Tiểu thư chết vì bạo bệnh mà thôi. Nếu ai trái lịnh sẽ bị nghiêm trị. Riêng bà thì thay đổi tánh tình, rất nghiêm khắc với kẻ hầu trong dinh.

Nhưng sau này, kiểm chứng lịch sử chúng ta thấy có nhiều sự trùng hợp như:

  1. Từ lúc đó về sau Trấn Hà Tiên có nhiều biến động do bọn Xiêm và Chân Lạp (Campuchia) xâm lấn. Đến năm 1780 Đô Đốc Mạc Thiên Tích nuốt vàng tự vận chết ở Xiêm, 3 con là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Dung và Mạc Tử Thương cũng bị giặc hành hình.
  2. Đến đời cháu thứ 7 là Mạc Tử Khâm không có con trai nào cả. không thực hiện tròn câu “Thất diệp phiên hàn” (Thiên – Tử – Công – Hầu – Bá – Tử – Nam)
  3. Đến năm 1911 thì Hiếu Túc phu nhân Nguyễn Thị Thủ bị pháp bốc mộ. Sau này khi đánh giá họ Mạc ở Hà Tiên, người ta khẳng định Mạc Mi Cô nói trước khi chết là ứng nghiệm.

Miếu thờ Tam Công (Mạc Cửu, Mạc Thiê tích và Mạc Tử Sanh) ba vị có công đầu mở mang và xây dựng Trấn Hà Tiên. Ngoài bàn thờ còn có nhiều linh vị các vị thê thiếp, con cháu cùng với những tùy tướng họ Mạc.

Cửa cồng kiến trúc hình thức Tam Quan (một chánh 2 phụ). Bàn thờ của Mạc Mi Cô nằm ở phía tay mặt (từ trong nhìn ra). Tương truyền ngày xưa khách tham quan đến viếng Miếu. người nào có tánh tình hiểm sâu độc ác, tham gian, dối láo đi ngang qua bàn thờ cô điều bị cô giật hộc máu chết. Nên du khách không dám đến Miếu cúng bái nữa. Thấy vậy ban tế lễ xin cô khóa cổng phụ bên đó lại. Vì thế khách tham quan mới dám vào Miếu. hiện nay hình thức này vẫn còn.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời