Ở bài viết trước, chúng tôi đã cung cấp một số kinh nghiệm sống sót trên biển trong trường hợp người đi biển buộc phải rời tàu khi tàu gặp sự cố. Đó là những hướng dẫn giữ nhiệt độ cơ thể dưới nước, cách tận dụng sóng để bảo toàn sức khi bơi… Tuy nhiên, cho dù bạn là một tay bơi cự phách thì vẫn cần có phao hoặc bè cứu sinh để duy trì sức lực, kéo dài thời gian sinh tồn trên mặt nước. Vậy sử dụng phao/bè cứu sinh ra sao cho hiệu quả, nếu không có thì tự làm phao/bè thế nào, hay cách tồn tại trên phao/ bè để chờ đợi phương tiện tới cứu… Những kinh nghiệm xử lý tình huống trên sẽ tiếp tục được giới thiệu tới bà con ngư dân trong bài viết này.
Phao cứu sinh có nhiều loại, nhiều kiểu khác nhau: có loại thổi khí bằng miệng, có loại sử dụng hơi nén (chỉ cần giật mạnh chốt bình khí nén là phao tự phồng lên), có loại làm bằng những vật liệu mà tự thân nó đã có một lực nổi nhất định. Khi gặp tình huống nguy hiểm, lập tức thông báo cho mọi người trên tàu biết để mang phao cứu sinh. Những người biết bơi nên sử dụng loại phao hỗ trợ, tuy lực nổi thấp, nhưng tiện cho việc thao tác trong khi bơi lội.
Nếu thiếu phao cứu sinh, những người biết bơi nên tự tìm hay chế tạo cho mình những chiếc phao cứu sinh bằng cách tìm những thùng rỗng, can rỗng, túi nylon, các vật liệu xốp, nhẹ, có độ nổi cao… dùng dây cột lại với nhau. Cũng có thể thổi nhiều túi nylon nhỏ, cho vào hai ống quần rồi cột túm lại. Khi sử dụng loại phao này, không được nhảy mạnh xuống nước vì lực va đập sẽ làm vỡ túi khí, phao sẽ mất tác dụng.
Với bè cứu sinh, các bạn nên chuẩn bị cho mỗi bè một số thức ăn, nước uống và dụng cụ mưu sinh như: vũ khí, đèn pin, hỏa pháo, kính phản chiếu, pano màu, dao, mái chèo, thuốc cấp cứu,… và một sợi dây dài cột sau bè cứu sinh, để nhỡ có người rơi xuống nước thì họ có thể bám vào đó để cho chúng ta kéo lên.
Khi hạ bè cứu sinh, để đảm bảo an toàn và hiệu quả cao, người đi biển cần lưu ý:
– Nếu bè cứu sinh được làm bằng gỗ hay sợi thủy tinh, khi sử dụng, phải thả từ từ xuống biển.
– Nếu bè cứu sinh được làm bằng cao su thổi khí (thường là khí nén) thì có thể ném thẳng xuống biển. Nhưng trước khi ném, cần có một sợi dây dài buột bè với tàu đề phòng khi ném xuống nước, vì nhẹ nên dễ bị gió thổi trôi đi.
Sau khi hạ bè cứu sinh xuống nước, cần cử hai người khỏe mạnh, bơi lội giỏi, một người leo lên bè và một người bơi chung quanh bè để giúp đỡ những người khác leo lên. Nếu số lượng người nhiều hơn tải trọng của bè cứu sinh những người bơi lội giỏi nên mang phao cứu sinh và bơi theo bè, nếu mệt thì bám nhẹ vào mạn bè. Sau khi lên bè, tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của các thủy thủ, ở đâu thì ngồi yên đó, không được chen lấn, chạy tới chạy lui, chồm ra mạn bè…
Nếu trước đó, tàu đã kịp phát tín hiệu cầu cứu thì những toán cứu hộ sẽ đến và họ sẽ ưu tiên lùng sục khu vực bị tai nạn trước tiên, cho nên sau khi lên bè, các bạn không nên chèo bè đi quá xa mà nên thả chập chờn chung quanh khu vực tai nạn, trừ khi các bạn biết hướng vào đất liền hay hải đảo hoặc nhìn thấy các ánh đèn (nếu là ban đêm). Cần cắt cử người luôn luôn quan sát trên không cũng như trên biển, nếu thấy bóng dáng của máy bay hay tàu thuyền, lập tức phát tín hiệu cầu cứu. Nếu trời nắng tốt, thì gương phản chiếu hay một miếng kim khí đánh bóng là hiệu quả nhất, nếu không có thì dùng khói, khói màu, vải màu sáng… thu hút sự chú ý của các phương tiện khác. Ban đêm có thể dùng lửa hay hỏa pháo phát sáng.
Để tồn tại trên bè, mọi người nên làm theo những hướng dẫn sau:
– Cột chặt các vật dụng mà các bạn đang có trên bè, để khỏi bị sóng đánh hay lật bè làm rơi mất.
– Giữ khô quần áo, mang vớ và găng tay, che tất cả những nơi cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nếu có thể, vì sức nóng của mặt trời có thể đốt phồng da các bạn. Áo quần khô ráo cũng là điều cần thiết giúp chúng ta chống lại với cái lạnh, nhất là về ban đêm.
– Tận dụng bóng mát của buồm hay các vật liệu khác để che nắng, cố gắng làm giảm tối thiểu việc tiếp xúc với ánh nắng, vì rất dễ làm cơ thể các bạn mất nước.
– Kiểm kê toàn bộ lương thực và nước uống, cất giữ một nơi an toàn và thoáng mát, hạn chế ăn uống trong 24 giờ đầu.
– Người đi biển có thể lênh đênh trên biển nhiều ngày, cho nên cần phải giữ gìn sinh lực, tránh những hoạt động làm đổ mồ hôi và tiêu hao năng lượng.
Khi di chuyển bằng bè, bà con ngư dân và người đi biển cần phải chọn lựa một trong hai phương pháp di chuyển: Hoặc là xuôi theo chiều gió, hoặc là nương theo các dòng hải lưu. Gió và hải lưu ít khi nào chuyển động theo cùng một hướng, thường thì một thuận và một thì ngược lại. Mọi người cần trang bị một số kiến thức về gió và hải lưu, biết vị trí (tương đối) của mình, biết hướng mình cần đi, biết gió hay hải lưu sẽ đưa mình đến đâu. Trường hợp các bạn đang ở trong tình thế khó khăn, bè không thể nương theo gió hay dòng hải lưu để di chuyển, hãy cố gắng bảo quản và hạn chế khẩu phần lương thực cũng như nước uống, để duy trì sự sống càng lâu càng tốt.
Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là phải biết đoàn kết, động viên, an ủi và quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Có như thế mới có thể vượt qua mọi gian lao để cùng nhau sống sót. Chúc bà con ngư dân và người đi biển luôn gặp may mắn khi ra khơi.
https://vishipel.com.vn