Khu đập đá khổ sai Côn Đảo và bài thơ Đập đá Côn Lôn

Đến trại giam Phú Hải lần theo dãy nhà giam cánh trái rồi vòng sang dãy xà lim đặc biệt, một nơi cần viếng thăm đã hiện ra trong cơn mưa nặng hạt: Khu đập đá khổ sai.

Bên trong lối vào khu đất trống xây tường cao bao bọc kia chính là nơi cụ Phan từng vung búa đập đá hồi năm 1908. Thật khó hình dung đây lại là chốn tạo “cảm hứng” để cụ viết bài thơ Đập đá Côn Lôn nổi tiếng. Khu đập đá nhỏ hẹp so với tổng diện tích lên đến hơn 12.000m2 của Bagne 1 (banh 1, lao 1), sau nhiều lần đổi tên đã dừng lại với lối gọi trại giam Phú Hải.

Hình thành Khu đập đá khổ sai

…Côn Đảo nhìn đâu cũng thấy đá. Từ sân bay Cỏ Ống đi về phía trung tâm huyện đảo, xe men theo cung đường ngoằn ngoèo băng qua các dãy núi đá. Các dãy đá granite chạy từ phía tây nam đến đông bắc, điểm cao nhất của quần đảo là đỉnh núi Thánh Giá trên đảo lớn Côn Sơn.

Nhưng không chỉ có granite. Các nhà địa chất còn nhận ra quần đảo quy tụ 16 hòn này rất đa dạng, gồm cả đá mácma Mesozoi xâm nhập axít, đá mácma phun trào axít và phun trào trung tính… Từ những “vựa” đá phong phú này, nhà cầm quyền bắt các tù nhân khổ sai đẽo gọt, vận chuyển rồi xây thành lao, thành bờ tường để giam cầm chính họ. Sở làm đá (khu đập đá khổ sai) cũng cho ra “thành phẩm” là đá hộc để xây tường và đá dăm làm đường.

Bài thơ Đập đá Côn Lôn

Bài thơ Đập đá Côn Lôn khắc trang trọng ngay mé bên trái lối vào khu đập đá khổ sai, còn mé phải khắc những dòng giới thiệu cho du khách biết về “lai lịch” bãi đất được vây bởi 4 bức tường, thoạt xem không mấy đặc biệt. Để viết được mấy câu Đường luật “Xách búa đánh tan năm bảy đống/ Ra tay đập vỡ mấy trăm hòn” và buông dòng cuối “Gian nan chi kể chuyện con con”, hẳn cụ Phan đã vắt kiệt sức. Nhưng đứng trước lối vào, trong buổi chiều lạnh, tôi mường tượng ra nụ cười ngạo nghễ của cụ Tây Hồ. Ngay trong cuốn hồi ký về Trung kỳ dân biến năm 1908 (vụ việc khiến cụ Phan bị đày ra Côn Đảo), cụ chỉ dành một đoạn rất ngắn để viết về thảm trạng lúc đi đày, đếm kỹ chỉ đúng có 3 câu. Sau này, các nhà nghiên cứu còn diễn giải thêm rằng, khi giam ở Hộ thành (Huế), lúc giải ra cửa Thượng Tứ cụ tưởng mình bị dẫn đi chém. Khi hỏi người lính áp tải biết mình đang trên đường đày đi Côn Lôn, cụ đã ứng khẩu ngâm bài thất ngôn tứ tuyệt với câu cuối đầy hào sảng: Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn (Thân trai nào sợ cái Côn Lôn).

Bài thơ Đập đá Côn Lôn

Song sắt nhà tù có thể giám cầm được thể xác người tù, nhưng làm sao cỏ thể khoá nổi lời ca yêu nước và trái tim thương nhà của họ, làm sao có thể chôn vùi được niềm lạc quan cách mạng và khí phách kiên cường nơi họ. Tâm hồn và khí phách người tù dã kết tinh nên những cảm hứng đẹp, làm vút lên những vần thơ bay bổng diệu kì:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,

Mưa nắng càng bền dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan chi kể việc con con.

Với bút pháp lãng mạn hào hùng, Phan Châu Trinh đã khắc hoạ một hình tượng kì vĩ về người anh hùng cách mạng uy nghi lẫm liệt giữa đất trời Côn Đảo.

Bốn câu thơ đầu của bài thơ mô tả công việc đập đá ở Côn Lôn. Đập đá là một công việc nặng nhọc đối với người tù Côn Đảo, việc đập đá càng nặng nhọc bội phần bởi họ phải làm việc trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt: trong cảnh lao tù nghiệt ngã, bị tra tấn, hành hạ về thể xác, bị uy hiếp về tinh thần. Giữa một hòn đảo trơ trọi, mênh mông nắng gió biển khơi, người tù khổ sai bị vắt kiệt sức. Biết bao người đã bỏ xác nơi đây, chẳng mong có ngày trở lại quê hương!
Cảnh lao động khổ sai cực nhọc ấy, dưới ngòi bút lãng mạn và thi vị của Phan Châu Trinh, có thêm một chất thơ. Chất thơ ấy được tạo nên bởi khí phách người tù – người cách mạng anh hùng. Con người ấy kiêu hãnh ngẩng cao đầu trước gông cùm xiềng xích:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Tư thế của con người thật oai phong, hiên ngang sừng sững giữa núi cao, biển rộng. Từ câu thơ toát lên một vẻ đẹp hùng tráng.

Với tư thế ấy, việc đập đá bỗng trở thành việc con con, nhẹ nhàng. Dưới ngòi bút khoa trương, phóng khoáng của Phan Châu Trinh, người tù nhỏ bé vụt lớn lên trở thành người có tầm vóc khổng lồ, có sức mạnh to lớn thần kì:

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Bốn câu thơ đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người đọc về hình tượng người anh hùng ngang tàng ngạo nghễ.

Vẫn với giọng điệu và khí phách ngang tàng ấy, Phan Châu Trinh bày tỏ ý chí chiến đấu sắt son của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh tù đầy:

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi

Mưa nắng càng bền dạ sắt son.

Tháng ngày và mưa nắng gợi nên bao gian truân, sóng gió trên chặng đường chiến đấu dài dặc của người chiến sĩ yêu nước.

Nhưng đối lập với gian truân, sóng gió ấy, ý chí của con người được tôi luyện càng thêm kiên cường, bất khuất. Và từ câu thơ toát lên một niềm tin mãnh liệt vào cuộc chiến đấu của dân tộc.

Bài thơ khép lại bằng một hình ảnh hào hùng:

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan chi kể việc con con.

Khẩu khí thật ngang tàng! Chí khí của người anh hùng mưu đồ sự nghiệp lớn (sự nghiệp cứu nước, cứu dân) được sánh ngang tầm hình tượng bà Nữ Oa đội đá vá trời trong thần thoại. Để cho đại nghiệp thắng lợi thì sự cực nhọc của cảnh lao động khổ sai, kể cả bản án mà nhà chí sĩ yêu nước đang mang, nào có gì đáng kể! Hai câu kết đã bao quát ý lớn của cả bài thơ, khắc tạc hình tượng người anh hùng giữa đất trời Côn Đảo, lẫm liệt, ngang tàng.

Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn là một trong những sáng tác tiêu biểu của văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương – Việt Trì – Phú Thọ)

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời