Khái niệm tàu cánh ngầm và tàu cao tốc tại Việt Nam

Có rất nhiều khách hàng nhầm lẫn giữa tàu cánh ngầm và tàu cao tốc khi tìm kiếm đặt vé trên các tuyến đường thủy nội địa. Trong bài viết này chúng ta cùng phân tích rõ để hành khách hiểu hơn.

Thực tế tàu cánh ngầm và tàu cao tốc về nghĩa là tương tự nhau đều là tàu chở khách cao tốc. Theo định nghĩa của Bộ Giao thông Vận tải thì Tàu khách cao tốc (tàu cao tốc chở khách) là tàu khách được cơ quan Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra chứng nhận phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc; tàu khách hoạt động ở chế độ lướt mà thân tàu tách hoàn toàn khỏi mặt nước do lực nâng khí động học tạo ra bởi hiệu ứng bề mặt có tốc độ lớn nhất từ 30 km/giờ trở lên ở trạng thái toàn tải. Cả tàu cánh ngầm và tàu cao tốc đều có khả năng đạt đến tốc độ này.

Theo chúng tôi hiểu thì tàu cánh ngầm là những con tàu cũ nhập từ Liên Bang Nga về, sau này những con tàu mới đóng, nhập từ nước ngoài về Việt Nam đều gọi chung là tàu cao tốc.

Lịch sử tàu cánh ngầm và tàu cánh ngầm ở Việt Nam

Từ năm 1899, nhà thiết kế tàu người Anh John I Thornycroft đã thiết kế ra một loạt mô hình tàu đặc biệt với một thân nghiêng và một cánh hình cung duy nhất. Năm 1909 công ty của ông chế tạo một con tàu thật theo đúng tỷ lệ dài 22m tên là Miranda III, sử dụng động cơ 60 hp. Tàu nằm trên một cánh ngầm hình cung và phần đuôi phẳng. Chiếc Miranda IV chế tạo sau đó đã đạt tốc độ 35 kn.

Tàu cánh ngầm Vina Express

Một bài báo vào tháng 3 năm 1906 trên tờ Scientific American của người tiên phong trong lĩnh vực tàu cánh ngầm là William E. Meacham, người Mỹ, đã giải thích các nguyên lý của tàu cánh ngầm. Sau khi đọc bài báo này Alexander Graham Bell bắt đầu phác thảo ra các ý tưởng của cái ngày nay vẫn gọi là tàu cánh ngầm. Cùng với Casey Baldwin, hai ông bắt đầu tiến hành thực nghiệm tàu cánh ngầm vào mùa hè năm 1908. Hai người đã nghiên cứu công việc của nhà phát minh người Italia Enrico Forlanini và bắt đầu thử nghiệm các mô hình. Trong chuyến đi vòng quanh thế giới của Bell từ năm 1910-1911, Bell cùng Baldwin gặp Forlanini ở Italia. Họ đã cùng đi trên chiếc tàu cánh ngầm của Forlanini trên hồ Maggiore. Baldwin đã miêu tả đó là một chuyến đi êm ả như bay. Khi quay trở lại Baddeck một số thiết kế đã được thử nghiệm và dẫn tới chiếc tàu cánh ngầm HD-4 ra đời. Tàu sử dụng động cơ Renault, tốc độ tối đa đạt 87 km/h, tăng tốc nhanh chóng, lướt dễ dàng qua sóng, dễ điều khiển và có độ ổn định tốt.

Năm 1952, Công ty Supramar của Baron von Schertel đã đưa ra chiếc tàu cánh ngầm thương mại đầu tiên mang tên PT10 “Freccia d’Oro” (Mũi tên Vàng). Trên hồ Maggiore, giữa Thuỵ Sĩ và Italia, chiếc PT10 có thể chở 32 hành khách và di chuyển với tốc độ 35kn/h. Năm 1968, Hussain Najadi, một ông chủ ngân hàng đã mua lại Supramar AG và mở rộng hoạt động của nó tới Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Anh Quốc, Na Uy và Mỹ. General Dynamics của Mỹ là công ty được Supramar cấp giấy phép. Hãng đóng tàu Hitachi tại Osaka, Nhật Bản, là một đối tác được cấp phép khác của Supramar để phát triển tàu cánh ngầm trên khắp thế giới.

Từ năm 1952 đến năm 1971, Supramar đã thiết kế nhiều mẫu tàu cánh ngầm: PT20, PT50, PT75, PT100 và PT150. Hơn 200 thiết kế của Supramar đã được chế tạo.

Tàu cánh ngầm Petro Express Vũng Tàu

Còn ở Việt Nam tàu cao tốc cánh ngầm hoạt động chính thức từ năm 1995, các con tàu cánh ngầm ở Việt Nam phần lớn do Liên Bang Nga sản xuất vào những thập niên 80 – 90 của Thế kỷ trước, đạt tốc độ trung bình 32 hải lý/giờ, có sức chở từ 70 – 150 khách và chạy được trong điều kiện sóng gió cấp 5, cấp 6 và tất cả các con tàu nhập từ Liên Bang Nga về Việt Nam đều đã hết hạn hoạt động. Đến thời điểm hiện nay tàu cánh ngầm ở nước ta đều ngưng hoạt động và thay thế bằng đội tàu cao tốc mới, hiện đại hơn.

Tàu cao tốc tại Việt Nam

Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến nay, các hãng tàu đã dần thay thế các con tàu đã hết niên hạn sử dụng nhập từ nước ngoài về bằng các con tàu cao tốc mới hoàn toàn được đóng tại Việt Nam hoặc nhập mới nguyên tàu từ nước ngoài. Điển hình như các tàu cao tốc của Superdong đều được nhập nguyên chiếc từ Malaysia, đội tàu cao tốc Phú Quốc Express đều được đóng mới tại Công ty TNHH MTV 189 của Bộ Quốc Phòng, tương tự các con tàu cao tốc Greenlines đều được sản xuất, chế tạo tại Việt Nam.

Tàu cao tốc Phú Quốc Express 8

Trên các tuyến tàu cao tốc từ Bắc vào Nam như Tuần Châu – Cô Tô, Hải Phòng – Cát Bà, Hải Phòng – Bạch Long Vỹ, Vân Đồn – Cô Tô, Cửa Việt – Cồn Cỏ, Sa Kỳ – Lý Sơn, Phan Thiết – Phú Quý, Vũng Tàu – Côn Đảo, Trần Đề – Côn Đảo, Rạch Giá – Phú Quốc, Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc, Hà Tiên – Phú Quốc… đều được trang bị những đội tàu cao tốc mới, hiện đại.

Quý hành khách có thể tham khảo thêm bài viết về Danh sách các hãng tàu cao tốc tại Việt Nam chúng tôi đã cập nhật cơ bản thông tin các hãng tàu cao tốc lớn tại Việt Nam, mặc dù chưa đầy đủ nhưng đều là những hãng hàng đầu trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa bằng tàu cao tốc.

Tương lai sẽ là phà cao tốc?

Phà là một hình thức vận chuyển, chở hành khách và đôi khi là phương tiện của họ. Phà cũng được sử dụng để vận chuyển hàng hóa (trong xe tải hoặc container chở hàng). Phà vận chuyển hành khách, hàng hóa, trang thiết bị… có tốc độ thiết kế từ 30 Km/h trở lên, được nhập từ nước ngoài hoặc sản xuất trong nước, được gọi là phà có tốc độ cao (dưới đây gọi là phà cao tốc).

Gần đây nhất, trong tài liệu gửi Đại hội đồng Cổ đông của hãng tàu cao tốc Superdong có đề cập, hãng tàu này sẽ lựa chọn mô hình phát triển phà cao tốc mới thay thế tàu cao tốc cho các tuyến chiến lược luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận.

Hầu hết các phương tiện chuyên chở đường thủy tại Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được hết các yếu tố như tốc độ, tiện nghi, khả năng vận chuyển đa dạng từ hành khách, xe máy, ô tô và hàng hóa… từ bờ ra đảo hoặc kết nối liên vùng. Đặc biệt nhất, tuyến phà cao tốc Cần Giờ – Vũng Tàu cũng hứa hẹn nhiều bước đột phá mới trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách kết hợp chuyên chở hàng hóa, phương tiện giao thông.

Phà Bình An Hà Tiên 03
5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời