Huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh

Huyện Cô Tô là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô bao gồm hơn 50 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có ba đảo lớn nhất là Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần. Nhiều đảo đất, cây cối rậm rì như: đảo Cá Chép, Chuột Con, Bát Hương, Hòn Ngựa…

Cô Tô là huyện đảo biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 60 hải lý và tiếp giáp với huyện Vân Đồn. Được thành lập ngày 23/3/1994, trên cơ sở 02 xã Cô Tô và Thanh Lân thuộc huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn); Cô Tô gồm trên 50 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích tự nhiên trên 47,2km2, gồm 02 xã và 01 thị trấn; dân số khoảng 6.700 người, gồm 07 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa). Huyện có tuyến biên giới Biển dài gần 200km, kéo dài từ đảo Trần huyện Cô Tô đến huyện đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng; có trên 300km2 ngư trường đánh bắt thuỷ hải sản, có vùng đánh cá chung. Có vị trí đặc biệt quan trọng về ANQP trên vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Huyện đảo Cô Tô

Vị trí địa lý

Cô Tô là huyện đảo nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, với tọa độ địa lý: Từ 20055’ đến 21015’7” vĩ độ Bắc. Từ 107035’ đến 108020’ kinh độ Đông.

Huyện Cô Tô cách tỉnh lỵ 100km về phía đông bắc Vịnh Bắc Bộ, có tổng chiều dài biên giới biển tiếp giáp với Trung Quốc gần 200km từ khơi thôn đảo Trần đến ngoài phía đông đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng. Phía Bắc giáp đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), đảo Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái). Phía Nam giáp vùng biển đảo Bạch Long Vĩ – Hải Phòng. Phía Tây giáp huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh.

Huyện Cô Tô là một quần đảo với gần 50 đảo lớn nhỏ, trong đó có ba đảo lớn: đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân và đảo Trần. Diện tích đất nổi của huyện là 4750,75 ha. Trong đó, đảo Cô Tô lớn là 1.780ha, đảo Thanh Lân là 1.887 ha, đảo Trần là 512 ha, còn lại là các đảo diện tích nhỏ lẻ khác.

Cô Tô có 3 đơn vị hành chính gồm 2 xã và 1 thị trấn, gồm thị trấn Cô Tô và 2 xã Thanh Lân và Đồng Tiến. Cô Tô gần ngư trường khai thác hải sản lớn của cả nước; Đảo Trần nằm ở vị trí Đông Bắc của huyện, cách khu kinh tế mở Móng Cái khoảng 35 km, nằm trong khu vực cửa khẩu, cách đường Hàng hải quốc tế Hải Phòng – Bắc Hải 30 km.

Đảo Cô Tô cách đất liền khoảng 25 hải lý (cảng Vân Đồn), gần ngư trường khai thác hải sản lớn của cả nước; Đảo Trần một trong những hòn đảo quan trọng trong quần thể các hòn đảo của huyện Cô Tô nằm ở vị trí Đông Bắc của huyện, cách thành phố Móng Cái hơn 10 hải lý, nằm trong khu vực cửa khẩu, cách đường hàng hải Quốc tế Hải Phòng – Bắc Hải gần 17 hải lý.

Với vị trí địa lý nêu trên, Cô Tô là một huyện đảo nằm ở vị trí có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trên biển, du lịch, giao lưu kinh tế với nhân dân Trung Hoa. Quần đảo Cô Tô có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng để làm cơ sở vạch đường cơ bản khi hoạch định đường biên giới trên biển của nước ta. Có vị trí thuận lợi để phát triển dịch vụ cứu hộ cứu nạn trên biển. Huyện Cô Tô còn có ví trí quan trọng tạo thành điểm kết nối và tuyến du lịch, giải trí Hạ Long – Cửa Ông – Vân Đồn – Cô Tô.

Diện tích, địa hình

Cô Tô có diện tích đất tự nhiên là 4.179ha, vùng biển cũng là vùng ngư trường thuộc huyện rộng trên 300km2. Đỉnh Cáp Cháu trên đảo Thanh Lân cao 210m, đỉnh Đài khí tượng trên đảo Cô Tô Lớn cao 160m. Phần giữa các đảo đều cao, vây quanh là những đồi núi thấp và những cánh đồng hẹp, ven đảo có những bãi cát, bãi đá và vịnh nhỏ. Đất đai chủ yếu là đất phelarit trên sa thạch. Đất rừng rộng 2.200ha .Đất có khả năng nông nghiệp (771ha) chiếm 20% diện tích đất tự nhiên, trong đó một nửa có khả năng cấy lúa, trồng màu, già nửa có khả năng chăn thả đại gia súc và trồng cây ăn quả.

Quần đảo Cô Tô bao gồm các đảo lớn, nhỏ kéo dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam và hợp thành một vòng cung thoải quay chiều lõm ra khơi Vịnh Bắc Bộ. Địa hình đồi cao với những nét đặc thù của núi thấp, sườn dốc, bất đối xứng, chia cắt mạnh; đồng bằng phân bố xen kẽ giữa khu vực đồi núi. Bãi biển có những bãi cát dài tương đối bằng phẳng có độ cao từ 2-6m, độ dốc trung bình 00 – 30 được thành tạo bởi cát hạt trung là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch tắm biển.

Những bãi đá gốc có nguồn gốc mài mòn xuất hiện ở khắp nơi, diện tích khá rộng. Do dao động thủy triều khá cao nên thường có sự lẫn lộn giữa đá nổi và đá ngầm. Dạng địa hình này phát triển ở phía bắc đảo Thanh Lân, đảo Trần tạo nên những cảnh đẹp tự nhiên thu hút sự hiếu kỳ của du khách trong các hoạt động du lịch khám phá, nghiên cứu khoa học.

Đặc điểm khí hậu và Tài nguyên khí hậu huyện Cô Tô

Khí hậu Cô Tô tiêu biểu cho khí hậu tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh miền Bắc Việt Nam vừa có nét riêng của một tỉnh miền núi ven biển. Các quần đảo ở huyện Cô Tô có đặc trưng của khí hậu đại dương.

Cô Tô có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ không khí bình quân 22,5oC (cao nhất 36,2°C vào tháng 6- năm 1976, thấp nhất 4,4°C vào tháng 1-1972). Độ ẩm bình quân 83,6%, lượng mưa bình quân 1664mm/năm, lượng bốc hơi 30,7mm/tháng, tổng số giờ nắng trong năm là 18.306h, số ngày có sương mù bình quân 34 ngày/năm. Gió đông bắc thịnh hành từ tháng 9 đến tháng tư năm sau. Gió đông thịnh hành từ tháng 5 đến tháng 8. Gió nam chiếm ưu thế vào tháng 7. Từ tháng 7 đến tháng 9 thường có 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tốc độ gió lớn nhất đến 144km/h. Nước biển có nhiệt độ bình quân 27°C, thấp nhất là 23°C và có độ mặn cao (3,8%).

Khí hậu Cô Tô

Thời tiết Cô Tô có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh mang tính chất khí hậu hải dương. Do chịu ảnh hưởng và tác động của biển đã tạo ra những tiểu vùng sinh thái hỗn hợp miền núi ven biển. Nhiệt độ không khí nhiệt độ trung bình năm 22,7°C, dao động từ 17 – 28°C, nhiệt độ trung bình cao nhất từ 27 – 30°C, nhiệt độ tối cao tuyệt đối 36,2°C. Về mùa đông, nhiệt độ trung bình thấp nhất từ 13,5 – 15,8°C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối 4,4°C.

Chế độ nắng: khá dồi dào trung bình đạt từ 1700-1820 giờ/năm và có sự phân hóa theo mùa. Từ tháng 4 đến 12, số giờ nắng trung bình trên 100 giờ/tháng, cao nhất vào tháng 7. Tháng 1- 3 số giờ nắng dưới 100 giờ/năm.

Lượng mưa Cô Tô là huyện nằm phía Đông tỉnh Quảng Ninh, nơi có mưa lớn. Lượng mưa tương đối cao so với toàn tỉnh, trung bình năm là 1.707,8 mm, năm cao nhất 2.561,8 mm, thấp nhất khoảng 908 mm. Tuy vậy, lượng mưa phân bố không đều trong năm và phân làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa nhiều kéo dài 5 tháng, thường từ tháng 5 đến tháng 9. Lượng mưa chiếm 78 – 80% tổng lượng mưa cả năm. Lượng mưa cao nhất vào khoảng 396 mm vào tháng 8 hàng năm.

Mùa mưa ít: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 20 – 22% tổng lượng mưa năm, tháng có mưa ít nhất là tháng 12, tháng 1 và tháng 2 từ 20 – 26 mm.

Độ ẩm không khí độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 84%, tương đương mức trung bình của các huyện, thị xã trong tỉnh. Độ ẩm không khí thường thay đổi theo mùa và các tháng trong năm, tháng 3 và 4 có độ ẩm cao nhất tới 90%, thấp nhất vào tháng 10 và 11 là 77 – 78%.

Chế độ gió – bão trên địa bàn huyện Cô Tô thường thịnh hành 2 loại gió chính là gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam.

  • Gió mùa đông nam: xuất hiện vào mùa mưa, thổi từ biển vào mang theo hơi nước và gây ra mưa lớn. Hàng năm Cô Tô thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của 5 đến 7 cơn bão với sức gió từ cấp 8 đến cấp 11, giật trên cấp 11. Vào tháng 5 đến tháng 10 hay gặp dông tố, đặc biệt tháng 6 đến tháng 8 cơn dông thường xuất hiện từ 15 đến 20 ngày, khi có dông thường hay gây ra mưa to, gió mạnh tạo ra vùng gió xoáy làm ảnh hưởng xấu đến các phương tiện hoạt động trên biển.
  • Gió mùa đông bắc: Xuất hiện vào mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, tốc độ gió trung bình từ 4-6 m/s. Đặc biệt gió mùa đông bắc tràn về thường lạnh và mang theo giá rét, thời tiết khô hanh, thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gia súc, gia cầm…

Bão: Cô Tô là một trong những nơi chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất nước ta, bão thường xuất hiện vào thời kỳ từ tháng 6 đến tháng 11, nhiều nhất là tháng 6 và tháng 8, ảnh hưởng của bão đối với vùng này là rất lớn, vì bão thường gây ra gió mạnh từ 40 – 50 m/s và mưa lớn từ 300 – 400 mm/ngày.

Sương: có hai loại sương mù và sương muối. Sương muối ít xảy ra, nếu có thì sương muối thường xuất hiện vào cuối tháng 12 và tháng 1 năm sau. Sương mù hàng năm có khoảng từ 15 – 30 ngày.

Như vậy thời tiết khí hậu đáng lưu ý nhất trên huyện đảo là mưa và bão. Mưa tập trung theo mùa đã gây ra thừa nước về mùa mưa nhiều và thiếu nước khá gay gắt vào mùa mưa ít. Bão lũ có thể gây ra những thiên tai, thảm họa ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, khi bố trí các ngành sản xuất và xây dựng cần tính tới thời kỳ mưa và gió bão trên đảo.

Thuỷ văn và hải văn

Hệ thống sông suối trên đảo ít và ngắn, dốc. Toàn huyện có 13 con suối có chiều dài trên 1 km, được phân bố chủ yếu ở đảo Thanh Lân (9 suối), đảo
Cô Tô lớn (có 3 suối) và đảo Cô Tô con (1 suối).

Chế độ thủy văn có sự phân hóa theo mùa: Mùa mưa lượng nước khá dồi dào, tuy nhiên vào mùa khô nước suối cạn, nguồn nước sinh hoạt của cư dân trên đảo chủ yếu dựa vào mạch nước ngầm và các hồ chứa trên đảo.

Toàn huyện có 21 hồ, đập để chứa nước cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Do vậy, các hồ chứa có vai trò vô cùng quan trọng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và du khách tham quan lưu trú trên đảo.

+ Đảo Cô Tô lớn: có 14 hồ lớn nhỏ chứa nước là nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất với tổng dung tích hơn 485.000 m3 và hai hồ nước mặn (hồ Thầu Mỵ và Đồng Muối). Tuy nhiên, vào mùa khô thì hầu như các hồ bị cạn trừ hồ C4, hồ Trường Xuân.

+ Đảo Thanh Lân: có 4 hồ chứa nước, trong đó có hồ Ông Thanh và hồ Ông Cự là nguồn cấp nước sản xuất nông nghiệp với tổng dung tích 119.957 m3, hồ Bạch Vân và hồ Chiến Thắng 2 là nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho người dân trên đảo với dung tích 107.510 m3. Tuy nhiên, do các hồ nước trên đảo chủ yếu là những hồ nhỏ nên chỉ có thể chứa nước vào mùa mưa, còn mùa khô gần như cạn kiệt không đủ cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất.

+ Đảo Trần: Đảo Trần có diện tích nhỏ, địa hình chủ yếu là đồi và núi nên việc hình thành dòng chảy trên đảo, nhất là vào mùa khô là rất khó khăn, các dòng chảy trên đảo chỉ là tạm thời vào mùa mưa. Hiện nay, trên đảo đã xây dựng 3 đập chắn nước phục vụ dự án đưa dân ra đảo Trần sinh sống, tuy nhiên khả năng trữ và giữ nước đáp ứng nhu cầu sử dụng còn nhiều hạn chế.

– Tài nguyên nước ngầm

Trữ lượng nước ngầm tính cho toàn huyện đảo vào khoảng 10,65 triệu m3. Mực nước ngầm có độ cao lớn nhất là 4,5 m và thấp nhất là 2 m. Chất lượng nước ngầm từ trung bình đến kém, độ pH cao. Riêng với các tầng chứa nước nguồn gốc biển và tầng chứa nước khe nứt trong trầm tích, nước ngầm xuất hiện ở độ sâu từ 8 đến 20 m, chất lượng nước nhìn chung tốt, có độ khoáng nhỏ, nước ngọt, nên có thể khai thác nước ngầm từ quy mô nhỏ đến quy mô trung bình dùng cho sinh hoạt của nhân dân và nhu cầu sử dụng khác.

– Hải văn

+ Chế độ sóng: Huyện đảo Cô Tô là khu vực có chế độ hải văn điển hình cho vùng vịnh Bắc Bộ. Chế độ hải văn khu vực quần đảo Cô Tô phụ thuộc vào hoàn lưu của hai loại gió mùa (gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam).

+ Chế độ thuỷ triều: chịu ảnh hưởng chung của chế độ nhật triều đều và thuần nhất của Vịnh Bắc Bộ. Biên độ triều vùng này cao nhất Việt Nam từ 3 – 4 m. Hướng của thuỷ triều cũng thay đổi vào các mùa trong năm.

Tại vùng nước xung quanh đảo Cô Tô, sóng thịnh hành về mùa đông là hướng đông bắc và đông – đông bắc; với độ cao trung bình từ 0,7 đến 1,3m, độ cao cực đại đạt 2,3-2,8 m. Mùa hè, từ tháng VI -VIII, hướng sóng thịnh hành là nam và nam – đông nam, độ cao trung bình từ 0,7 – 0,9m, độ cao cực đại có thể tới 3,5-4,5m, cá biệt, sóng trong bão có thể tới 5-6m. Trong thời gian chuyển tiếp, phổ biến là hướng sóng đông bắc và đông nam.

Với những đặc điểm trên Cô Tô có thể phát triển nhiều khu vực bãi tắm và những sản phẩm du lịch hấp dẫn với các hoạt động vui chơi biển độc đáo thu hút sự
quan tâm của du khách tới đảo.

Tài nguyên đất

Năm 2017: Diện tích đất tự nhiên của Cô Tô là 5.005ha. Bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp (352ha, chiếm 7%), đất lâm nghiệp 2.414ha, chiếm 48,2%), đất chuyen dùng (1.100ha chiếm 22%), đất ở (50ha, chiếm 1%). (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)

Cô Tô có diện tích đất tự nhiên là 4.179ha, vùng biển cũng là vùng ngư trường thuộc huyện rộng trên 300km2.

Cô Tô có địa hình đồi núi. Đỉnh Cáp Cháu trên đảo Thanh Lân cao 210m, đỉnh Đài khí tượng trên đảo Cô Tô Lớn cao 160m. Phần giữa các đảo đều cao, vây quanh là những đồi núi thấp và những cánh đồng hẹp, ven đảo có những bãi cát, bãi đá và vịnh nhỏ. Đất đai chủ yếu là đất phelarit trên sa thạch. Đất rừng rộng 2.200ha .Đất có khả năng nông nghiệp (771ha) chiếm 20% diện tích đất tự nhiên, trong đó một nửa có khả năng cấy lúa, trồng màu, già nửa có khả năng chăn thả đại gia súc và trồng cây ăn quả.

Đất đai huyện Cô Tô được chia thành 3 nhóm chính gồm đất cát, đất giây, đất đỏ vàng.

Nhóm đất cát

Nhóm đất cát được hình thành ven biển, ven các sông chính do sự bồi đắp chủ yếu từ sản phẩm thô với sự hoạt động của các hệ thống sông và biển. Nhóm đất này phân bổ ở thị trấn Cô Tô, xã Thanh Lân và xã Đồng Tiến, gồm có 3 đơn vị đất là: Bãi cát ven sông, ven biển: đơn vị đất này gồm có 1 đơn vị phân loại đất phụ là: Bãi cát ngập triều, loại đất này thường ở địa hình thấp ngoài đê biển và thường xuyên ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều. Đất cồn cát trắng vàng: loại đất này chủ yếu thành phần cơ giới là cát, ở địa hình cao tạo thành những cồn cát dài, và được phân bổ ở các xã, thị trấn trong huyện. Loại đất này có một đơn vị phân loại đất phụ là: Đất cồn cát trắng vàng điển hình, đất này có đặc điểm là: có phản ứng chua (pHKCL: 4,50 ở tầng đất mặt). Hàm lượng chất hữu cơ ở các tầng đều rất nghèo. Dung tích hấp thụ (CEC) thấp: 4,40mg/100g đất ở tầng mặt và tăng dần theo chiều sâu. Thành phần cơ giới chủ yếu là cát thô, cát vật lý > 95%. Đất cát biển: loại đất này phân bố ở xã Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô. Đơn vị đất này được chia làm 2 đơn vị đất phụ là: Đất cát biển điển hình: phân bố ở xã Đồng Tiến, thường ở địa hình cao hoặc vàn cao, hình thành chủ yếu do sự hoạt động của sông và biển. Thành phần cơ giới từ cát pha đến cát mịn. Đất có phản ứng chua, hàm lượng chất hữu cơở các tầng đều nghèo. Dung tích hấp thu thấp.

Đất cát biển giây sâu

Phân bố ở xã Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô, đất có quá trình hình thành cũng giống đất cát biển điển hình, song ở điều kiện địa hình thấp hơn nên thường xuất hiện tầng giây ở độ sâu dưới 50cm. Phản ứng của đất chua pHKCL: 4,49-5,22. Hàm lượng hữu cơ và đạm tổng số ở tầng đất mặt nghèo, tương ứng là: 1,01% và 0,48%. Lân tổng số và dễ tiêu ở tất cả các tầng đất. Kali tổng số và dễ tiêu nghèo (Thành phần cơ giới của đất từ thịt trung bình ở tầng mặt, xuống sâu các tầng dưới có thành phần cơ giới cát pha. Nhóm đất Đỏ vàng Đất Đỏ vàng được hình thành trên các loại đá sa thạch. Hình thái phẫu diện đất thường có màu vàng đỏ, hoặc vàng nhạt, tầng đất hình thành dày hay mỏng thường chịu tác động tổng hợp của các yếu tố hình thành đất.

Đất Đỏ vàng

Được phân bố ở các xã và thị trấn trong huyện. Đất Đỏ vàng có 1 đơn vị đất là đất Vàng nhạt. Đơn vị đất này cũng chỉ có 1 đơn vị phân loại đất phụ là: Đất vàng nhạt đá lẫn nhiều ở sâu. Loại đất này có phản ứng chua pHKCL: 5,23. Hàm lượng chất hữu cơ nghèo (1,1%) ở lớp đất mặt, càng xuống sâu hơn hàm lượng hữu cơ càng giảm. Đạm tổng số trung bình ở tầng mặt. Kali tổng số trung bình và dễ tiêu nghèo. Lượng canxi và ma-nhê trao đổi thấp. Dung tích hấp thu (CEC) đạt trên 101đl/100g đất ở tất cả các tầng đất. Thành phần cơ giới ở lớp đất mặt từ thịt nhẹ đến thịt trung bình. Diện tích đất tự nhiên của huyện Cô Tô là 4.750,75 ha, được chia đều chủ yếu trên hai hòn đảo lớn là Cô Tô (bao gồm thị trấnCô Tô: 601,49 ha và xã Đồng Tiến: 1.566,08 ha) và xã Thanh Lân là 2.583,18 ha. Đất tại thị trấn và xã Đồng Tiến bằng phẳng và thuận lợi cho hoạt động kinh tế và phát triển hạ tầng, đô thị hơn so với xã Thanh Lân.

Hiện tại, đất nông nghiệp của huyện Cô Tô chiếm diện tích lớn nhất trong tổng số diện tích đất tự nhiên (chiếm tới 49,5%). Trong đó, phần lớn diện tích đất nông nghiệp là đất lâm nghiệp (chiếm tới 44% tổng diện tích tự nhiên).Diện tích trồng lúa và hoa màu hàng năm khá nhỏ và có xu hướng giảm. Năm 2013 diện tích đất trồng lúa là 120,23 ha, đất trồng màu chỉ là 24ha, diện tích nuôi trồng thủy sản không thay đổi trong vòng 5 năm với 110 ha.

Một thế mạnh của huyện Cô Tô đó là diện tích đất chưa sử dụng vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn (năm 2013 còn 1232,94 ha và chiếm khoảng 30% tổng (diện tích đất tự nhiên). Trong đó, đất núi đá không có rừng cây khoảng 33ha; đất đồi núi chưa sử dụng khoảng 513ha; còn lại khoảng hơn 600 ha đất bằng chưa sử dụng. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển huyện đảo Cô Tô theo hướng đô thị sinh thái biển trong giai đoạn tiếp theo.

Lịch sử phát triển huyện Cô Tô

Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân Vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy phá. Đầu thời Nguyễn, một số dân cư Trung Quốc đánh bắt được những toán cướp biển và xin được nhập cư sinh sống.

Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương – An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Dân cư đông dần, tất cả đều là người gốc nhiều dân tộc thiểu số ở vùng ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam phiêu bạt đến.

Thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng có năm xã (Đông giáp, Nam giáp, Tây giáp, Bắc giáp, Trung giáp) thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Năm 1945, ta chưa kịp lập chính quyền cách mạng thì quân Pháp đã quay lại chiếm đóng Cô Tô. Từ Cô Tô và cảng Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu, tàu chiến Pháp vào quấy rối vùng biển Hòn Gai và Hải Phòng. Tháng 11-1946 Đại đội Ký Con giải phóng quân từ Hòn Gai dùng tàu chiến Le Creysac mới chiếm được của hải quân Pháp tiến ra giải phóng Cô Tô nhưng không thành công. Cho đến cuối năm 1955, thực hiện hiệp định Genève, quân Pháp mới rút, Cô Tô được giải phóng. Đầu năm 1954 ta thành lập chính quyền hai xã Thanh Lân, Cô Tô thuộc huyện Móng Cái – Sau đó là hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh, từ 16-7-1964 , hai xã được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả.

Ngày 9-5-1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Cô Tô, sau đó đây là nơi đầu tiên được dựng tượng toàn thân Hồ Chủ tịch khi Người còn sống. Nay bức tượng Hồ Chủ Tịch cao trên 5m được tôn tạo và giữ gìn đã trở thành một di tích lịch sử – văn hoá được liệt hạng.

Ngày 23-3 -1994, Chính phủ ra Nghị định 28 -CP đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô thành lập huyện Cô Tô. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 24-12-1994 trên đảo Cô Tô Lớn, lễ đón nhận Nghị định được cử hành trọng thể và huyện đảo Cô Tô chính thức ra đời.

Cô Tô – Tiềm năng và cơ hội

Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại Cô Tô đã được đầu tư khá đồng bộ: Hệ thống điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên đảo; cảng bến và đường giao thông đã được kiên cố hóa; 100% các trường học từ Mầm non đến THPT đều đạt chuẩn; các cơ sở y tế, nhà văn hóa thể thao cơ bản đầy đủ; hạ tầng viễn thông tương đương khu vực đất liền. Quỹ đất dự trữ phát triển vẫn còn nhiều và chưa bị chia nhỏ.

Những năm gần đây Cô Tô đang được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Hạ Long – Quảng Ninh. Mỗi năm Cô Tô đón hơn 300 ngàn lượt du khách ra tham quan nghỉ dưỡng. Thế mạnh du lịch Cô Tô được thể hiện qua vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển với nước trong, bờ thoải cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Cô Tô cũng là vùng biển được coi là đa dạng sinh học hàng đầu Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là địa bàn phong phú về cơ cấu hải sản với nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cầu gai, cua, ghẹ, cá song, mú, mực, san hô sừng…

Điện lưới quốc gia đã đem lại cho Cô Tô sự phát triển toàn diện hơn, hải sản đánh bắt được chế biến theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất và chất lượng cao hơn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ du lịch. Với vị trí địa lý thuận lợi, Cô Tô cách vùng khai thác cá chung chỉ khoảng 20km, gần hơn từ 5-7 lần so với các địa phương khác trong tỉnh, càng gần hơn so với các tỉnh khác. Các tàu khai thác của Cô Tô có thể đến ngư trường sớm hơn để đón được các đàn cá lớn và cũng trở về sớm hơn để bảo quản sản phẩm tươi ngon, bán được giá.

Lĩnh vực dịch vụ-du lịch của Cô Tô đang ngày càng được chú trọng đầu tư phát triển và đang từng bước khẳng định vai trò mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo.

Người dân Cô Tô thân thiện, thật thà, chất phác. Văn hóa con người Cô Tô là sự thống nhất trong đa dạng các vùng miền văn hóa của các tỉnh thành ven biển Việt Nam và Đồng bằng Bắc bộ. Cô Tô luôn giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn cho người dân và du khách tham quan, làm ăn, sinh sống.

Trong những năm tới, Cô Tô sẽ tập trung phát triển nhanh ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; tiếp tục phát triển hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của đông đảo người dân, đi đôi với việc kêu gọi đầu tư xây dựng để đến năm 2020 Cô Tô trở thành Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia, trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Hạ Long – Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô – Móng Cái với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí. Phát triển Cô Tô theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thu hút các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các ngành có lợi thế như thủy hải sản, du lịch, dịch vụ biển. Tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên vùng đảo. Lấy phát triển kinh tế làm cơ sở để tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, đồng thời lấy bảo đảm quốc phòng an ninh làm tiền đề số một để phát triển kinh tế. Coi trọng phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao dân trí và đời sống của nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ, tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng và phát triển KT-XH Cô Tô phù hợp với Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặt trong tổng thể phát triển của Quảng Ninh. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển huyện Cô Tô với sự phát triển trong khu vực, nhất là thành phố Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn, TP. Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và Vành đài kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ./.

 

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời