Hòn Cau Côn Đảo

Hòn Cau khá nổi tiếng bởi trước đây là một làng cổ thời vua Gia Long với tên “Xóm Bà Thiết”. Hòn Cau là một trong hai đảo thuộc quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm. Phía trước Hòn Cau có bãi Cát trắng trải dài dọc theo dãy núi hình cánh cung, xen lẫn hàng dừa và cây Phong Ba sừng sững chắn gió xanh bất tận, sâu lắng tiếng sóng vỗ rì rào, từng làn sóng tung bọt trắng xóa, kéo du khách hòa vào không gian tuyệt vời của đất, trời và biển. Hòn Cau cũng là một địa ngục trần gian khác nữa, giam giữ những nhà họat động Cách Mạng mà nổi tiếng nhất phải kể đến Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào khoảng thời gian 1930 – 1931.

Đến với Hòn Cau, du khách thăm di tích lịch sử giam giữ nhà hoạt động cách mạng nỗi tiếng Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1930 – 1931; tham quan rừng dừa, vườn cây ăn trái, tìm hiểu công tác bảo tồn thiên nhiên, bơi lội xem san hô… là những khoảnh khắc, những trải nghiệm đầy thú vị khó quên và tận hưởng cảnh đẹp hoang sơ và môi trường trong lành.

Bãi Cát Hòn Cau Côn Đảo

Giai thoại về Hòn Cau Côn Đảo

Đất đai hòn Cau phì nhiêu, cây cỏ tốt tươi. Xưa kia ở đây có loại cau to vỏ hồng, vị ngọt, người Gia Định rất ưa chuộng.

Theo truyền miệng dân gian, vào cuối thế kỷ XVIII có một đôi nam nữ, chàng trai là Trúc Văn Cau, cô gái tên là Mai Thị Trầu sinh sống và lớn lên tại làng Cỏ Ống. Họ đem lòng yêu thương nhau. Cho đến khi nàng mang thai, chàng Cau về xin với cha cho cưới nàng Trầu làm vợ. Chuyện đến nước này, người cha đành phải thú nhận rằng nàng Trầu chính là em cùng cha khác mẹ của chàng Cau. Chuyện tình vỡ lở, chàng Cau đau khổ đã âm thầm bỏ làng ra đi trên một chiếc bè trôi sang một hòn đảo khác, cách làng Cỏ Ống khoảng 10 dặm về phía đông bắc. Sau đó ít lâu chàng cưới một cô thôn nữ áo nâu và sinh sống suốt đời, không trở về làng cũ nữa. Khi Chàng chết người ta đặt tên gọi là Hòn Cau. Còn nàng Trầu trong lúc bụng mang dạ chửa, trông ngóng mãi người yêu vẫn bóng chim tăm cá. Nàng còn bị dân làng dèm pha, dị nghị nên đã trầm mình tự vẫn tại một đầm nước gần đấy, ngày nay có tên là bãi Đầm Trầu. Cho đến bây giờ trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao :

Đi đâu mà chẳng thấy về

Hay là quần tía dựa kề áo nâu

Ai về nhắn với Ông Câu

Hòn Cau cách bãi Đầu Trầu bao xa

Về phần Ông Câu (bố của chàng Cau) vì xấu hổ với dân làng, Ông đã chọn một bãi biển nằm khuất về phía tây bắc đảo, sống ẩn dật ở đó cho đến chết, sau này có tên gọi là bãi Ông Câu.

Mô tả hành trình đến Hòn Cau

  • Là tuyến du lịch sinh thái biển, đi bằng tàu hoặc cano được tổ chức và điều hành tại Trung tâm du khách Vườn. Tuyến bao gồm tham quan di tích, tắm biển, bơi lội xem san hô, ngắm cảnh, tìm hiểu hoạt động bảo tồn tài nguyên, xem rùa đẻ trứng trong mùa sinh sản (ban đêm) và thả rùa con về biển, cắm trại dã ngoại, sinh hoạt tập thể.
  • Yêu cầu: mang tư trang phù hợp đi biển, áo phao, thuê kiếng lặn tại Trung tâm Vườn. Cần có hướng dẫn viên của Vườn quốc gia hoặc cộng đồng địa phương đi cùng.
  • Thời gian: từ 6 – 8 giờ hoặc ở lại dài ngày; Sức tải môi trường: ban ngày tối đa 48 khách/1 thời điểm, ban đêm 20 – 25 khách. Rất phù hợp với các cặp tình nhân, nghỉ tuần trăng mật, du lịch dã ngoại, nghỉ dưỡng theo từng nhóm nhỏ, du lịch gia đình ở lại dài ngày trên đảo.
Miếu Cô Vân trên Hòn Cau Côn Đảo

Xem thêm: Miếu Cô Vân – Cô Vân Tiên Cảnh trên Hòn Cau Côn Đảo

 

4.8/5 - (5 bình chọn)

Trả lời