Giới thiệu cơ bản về huyện đảo Cát Hải thành phố Hải Phòng

Huyện đảo Cát Hải thuộc thành phố Hải Phòng, gồm một số đảo thuộc quần đảo Cát Bà và Cát Hải, tổng diện tích khoảng 345km2. Huyện lỵ được đặt tại đảo Cát Hải. Huyện đảo Cát Hải bao gồm hai đảo lớn: Cát Hải diện tích xấp xỉ 40 km2 và Cát Bà hơn 300 km2.

Cát Hải ngoài là vùng đất đầy vẻ quyến rũ bởi nét hoang sơ, kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình, mà còn lưu giữ hàng trăm di tích, trong đó có 12 di tích được xếp hạng, gồm 4 di tích cấp quốc gia: nơi Bác Hồ về thăm làng cá, di chỉ khảo cổ học Cái Bèo, danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà và di tích đình chùa xã Hoàng Châu. 8 di tích cấp thành phố: chùa Hòa Hy, đình chùa Gia Lộc, đình miếu Nghĩa Lộ, đình chùa Văn Chấn, đình Trân Châu, đình Phù Long, đồn cổ Xuân Đám, từ đường họ Lê Quang xã Nghĩa Lộ.

Cát Hải còn có nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Làng cá gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo ngày 31/3/1959, ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, khai trương du lịch Cát Bà; Hội đền Bà xã Hiền Hào được tổ chức vào tháng Giêng mà chính hội là ngày 12 tháng Giêng gắn với sự tích Mẫu Bà – bậc thánh nhân có công chăm lo cho dân, dạy dân biết cấy trồng, dệt vải, đánh bắt cá tôm; Hội chèo bơi ở thị trấn Cát Hải được tổ chức vào ngày 21 tháng Giêng – bắt nguồn từ ý nguyện tâm linh của những người đi biển, cầu Đông Hải đại vương, vị thần cai quản vùng biển phía Đông của Tổ quốc phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu; Hội sa mã ở xã Hoàng Châu là dịp để dân làng tưởng nhớ những người đã có công khai sinh lập làng, và những người đi làm ăn xa trở về đoàn tụ cùng gia đình… Và còn rất nhiều những hội làng được các địa phương tổ chức sôi nổi, hấp dẫn.

Trong công cuộc đổi mới, Huyện đảo đã tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, thành phố phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, cầu, cảng… khai thác tiềm năng sẵn có phát triển ngành thủy sản, du lịch, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi và cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đến nay bộ mặt của huyện đổi thay nhanh chóng, đời sống của nhân dân không ngừng cải thiện. Mỗi năm nơi đây đón 1 triệu khách du lịch, là điểm đến của bạn bè muôn phương.

Thông tin cơ bản về huyện đảo Cát Hải

Huyện Cát Hải được thành lập năm 1977 trên cơ sở hợp nhất 2 huyện đảo Cát Bà và Cát Hải cũ. Địa bàn huyện Cát Hải ngày nay vốn là một đơn vị hành chính được thành lập vào loại xưa nhất của thành phố Hải Phòng.

Huyện đảo Cát Hải hiện có 10 xã và 2 thị trấn. Ngoài cư dân bản địa, dân Cát Hải là người cộng đồng muôn phương, thạo nghề sông nước như Thái Binh, Nam Đinh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Quảng Ninh…

Huyện đảo Cát Hải có vị trí chiến lược quan trọng của thành phố Hải Phòng và của vùng Đông Bắc tổ quốc. Trải suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các thế hệ người dân huyện đảo đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Diện tích tự nhiên của huyện là 345km2, bao gồm hai đảo lớn: Cát Hải diện tích xấp xỉ 40km2 và Cát Bà hơn 300 km2. Huyện Cát Hải nằm ở phía Bắc giáp huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) qua dòng sông Phượng; phía Tây giáp đảo Đình Vũ, phía Đông và Nam là vịnh Bắc Bộ. Dân số là29.899 người (tính đến tháng 6/2010), gồm 12 đơn vị hành chính, trong đó có 2 thị trấn Cát Bà, Cát Hải và các xã Đồng Bài, Nghĩa Lộ, Văn Phong, Hoàng Châu, Phù Long, Trân Châu, Xuân Đám, Việt Hải, Gia Luận, Hiền Hào.

Quần đảo Cát Bà chủ yếu là địa hình karstơ nhiệt đới bị ngập chìm do biến tiến gần đây. Hoạt động karstơ đã tạo nên cảnh quan độc đáo, nhiều dạng địa hình đặc biệt như hang động, măng đá, chuông đá, các giếng, phiễu karstơ và các thung lũng karstơ.

Đảo chính Cát Bà rộng khoảng 144km2, chỗ cao nhất 331m, là đảo đá vôi lớn nhất trong hệ thống quần đảo phía nam vịnh Hạ Long và vùng ven bờ tây Biển Đông.

Về tài nguyên khoáng sản, ngoài đá vôi, đảo Cát Bà còn có nguồn nước khoáng (xã Xuân Đám có mỏ nước khoáng nóng 38 độ C) có giá trị. Cát Bà có các hệ sinh thái tiêu biểu như: rừng mưa nhiệt đới trên núi đã vôi. rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm rong cỏ biển, hệ sinh thái hang động, túng áng…Rừng nguyên sinh trên đảo, có đa dạng sinh học cao, đã thống kê được 745 loài thực vật, trong đó có những loài gỗ quý như kim giao, trai lỳ, chò đãi lát hoa và nhiều cây làm thuốc, như thuyết giác, hương nhu, bình vôi, cốt toái, kim ngân, lá khôi…

Hệ động vật trên cạn có trên 200 loài, gồm khoảng 20 loài thú, 69 loài chim, 15 loài bò sát và 11 loài lưỡng cư; trong đó có 10 loài thú và 6 loài chim quý hiếm như: voọc đầu trắng (còn gọi là voọc đầu vàng), mèo rừng, khỉ đuôi vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, nai, hoẵng, sơn dương, cầy nhông, nhím, trăn gấm, rắn hổ mang chúa, kỳ đã, tắc kè, thạch sùng bay, chim cu gáy, chim đa đa, cu xanh, chim ngói và 2 loài chim nước là vịt trời, sâm cầm…

Đặc biệt, loài đặc hữu voọc đầu trắng duy nhất trên thế giới chỉ còn vài chục cá thể ở quần đảo và đã trở thành biểu tượng của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà. Sinh vật biển thuộc vùng biển – đảo Cát Hải cũng rất phong phú, đa dạng, với trên 1.200 loài, thì có tới 30 loài cỏ biển, 36 loài thực vật ngập mặn, 590 loài động vật đáy, 20 loài san hô, 207 loài cá; trong đó có không ít loài thuộc loại quý hiếm được ghi vào danh sách đỏ Việt Nam và nhiều loài đặc sản có giá trị kinh tế cao như: rong guột, rong đã đá cong, rong mơ mềm, ốc đụn, tu hài, trai ngọc, đồi mồi,rùa da, vích, sò huyết, cá mục, cua bể, cá song, cá thu, cá chim, ghẹ…

Vịnh Lan Hạ (Cát Bà) là một trong những vịnh biển đẹp nhất trong quần thể danh thắng vịnh Hạ Long (di sản thiên nhiên thế giới) và cũng chính vì vậy, phần lớn đảo Cát Bà được công nhận là khu dự trữ quyển thế giới.

Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà

Di tích phân bố trên địa bàn 6 xã: Gia Luận, Việt Hải, Trân Châu, Xuân Đám, Phù Long, Hiền Hào và thị trấn Cát Bà của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, gồm 2 hợp phần: Quần đảo Cát Bà (366 hòn đảo) và Quần đảo Long Châu (22 hòn đảo), với tổng diện tích là 33.670 ha, trong đó có 13.478 ha đất tự nhiên và 20.192 ha mặt biển.

Làng chài nuôi trồng thủy hải sản trong quần đảo Cát Bà

Quần đảo Cát Bà

Quần đảo Cát Bà được hình thành qua lịch sử phát triển địa chất, mang giá trị nổi bật về sinh thái và là một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, với 3860 loài động, thực vật trên cạn và dưới biển. Trong đó, có 130 loài quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ của Việt nam và thế giới, 76 loài nằm trong danh mục quý hiếm của IUCN, 21 loài đặc hữu. Đặc biệt, Quần đảo Cát Bà đang là nơi sinh trưởng duy nhất của loài Voọc Đầu trắng Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus), một loài đặc hữu, trên thế giới hiện chỉ còn 63 cá thể. Ngoài ra còn có nhiều loài động, thực vật đã được IUCN xếp hạng ở cấp cực kỳ nguy cấp (CR),…

Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, sinh thái, địa chất, địa mạo, khu dự trữ sinh quyển,… trên quần đảo này còn có hệ thống hang động, đảo đá, bãi cát, di tích lịch sử và khảo cổ, tiêu biểu là:

Động Trung Trang: là thung lũng lớn nhất ở đảo Cát Bà, có diện tích khoảng 300 ha, dài khoảng 300m, xuyên qua núi. Trong hang động có muôn nghìn nhũ đá, hình dáng độc đáo. Tại đây còn có khu rừng kim giao mọc tự nhiên, rất đẹp, có giá trị kinh tế và khoa học.

Động Đá Hoa: thuộc địa phận xã Gia Luận, nằm ở phía Bắc đảo Cát Bà. Chiều cao của động khoảng trên, dưới 10m, nơi rộng nhất là 25m. Trong động có nhiều thạch nhũ, có một hồ nước nhỏ, làm tăng thêm sự huyền ảo của động khi có luồng ánh sáng đi qua.

Động Quả Vàng: được phát hiện vào tháng 12/2009, nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới và Vườn Quốc gia Cát Bà. Đây là động nguyên sơ, chưa có sự tác động, xâm hại của con người và là một trong những động đẹp nhất ở khu vực Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà bởi tính đa dạng của tự nhiên.

Động Thiên Long: nằm bên một hồ lớn, có đường lên đỉnh, xuống lòng hang và nhiều ngách lắt léo, kỳ bí,… Giữa động có một ngọn thạch nhũ nhỏ nước quanh năm.

Động Hiền Hào: hiện vẫn giữ được vẻ hoang sơ, với những tảng thạch nhũ còn nguyên độ sắc cạnh và óng ánh…

Đảo Cát Dứa (đảo Khỉ): nằm cách thị trấn Cát Bà 2km. Trên đảo có khoảng 20 con khỉ (được đưa về). Bãi tắm có chiều dài khoảng 1 km, có tên gọi là Cát Dứa – một bãi tắm lý tưởng của vịnh Lan Hạ.

Đảo Ba Trái Đào: nằm gần đảo Cát Bà. Trên đảo có 3 hòn núi nhỏ liền kề, cao 23m, trông như ba trái đào tiên bị hoá đá giữa một vùng biển vắng vẻ, hoang sơ. Khách du lịch mạo hiểm rất thích đi bằng thuyền phao tự chèo ra đảo.

Các bãi cát ở Quần đảo Cát Bà: theo phân tích ảnh chụp từ vệ tinh, có khoảng 26 bãi cát phân bố tập trung tại khu vực Đông Nam đảo. Các bãi cát có hình thế trải dài từ núi ra biển. Một số bãi cát đã thành bãi tắm: Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Dứa,… Nhiều bãi ngoài vịnh biển có động vật sinh sống trên đảo, một số bãi chưa có người đặt chân đến, còn hoang vu.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với núi, hang động, bãi tắm và rừng nguyên sinh,… trên Quần đảo Cát Bà, còn có một số di tích lịch sử, khảo cổ có giá trị như:

Di chỉ Cái Bèo: thuộc thị trấn Cát Bà, nằm trên một bãi cát, rộng 18.000m2, thoải dần ra bờ biển, cao hơn mặt nước biển trung bình 4m. Di chỉ này lần đầu tiên được nhà bác học người Pháp M. Colani phát hiện năm 1938 và được các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục khai quật vào các năm: 1973, 1981, 1986, 2006. Kết quả khai quật cho thấy: Cái Bèo là một di chỉ có quy mô lớn, địa tầng dày, với tổ hợp di vật phong phú về loại hình, nhiều về số lượng, có niên đại thuộc thời đại đá mới ở Việt Nam.

Di tích nơi Bác Hồ về thăm làng cá: thuộc thị trấn Cát Bà. Đây là nơi Bác về thăm làng cá vào mùa xuân năm 1959. Khi đó, Bác đã nói chuyện với nhân dân trên đảo tại sân của Xí nghiệp đánh cá Cát Bà. Hiện nay, đảo đã phát triển, thay đổi nhiều. Tại trung tâm của đảo, nơi bến tàu, nhân dân và chính quyền đã xây dựng bia ghi dấu sự kiện. Bia là một phiến đá nguyên khối, kích thước lớn, trên bia ghi dòng chữ: “Nơi đây, ngày 30/3/1959, Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà”.

Di chỉ Cát Đồn: thuộc xã Xuân Đám, nằm ở khu bờ vịnh biển kín gió, cách trung tâm xã khoảng 2 km về phía Nam, có diện tích khoảng 1000m2 (khoảng ½ số này nằm trong di chỉ thành cổ Xuân Đám). Trong các đợt điều tra và khai quật, đã phát hiện ở đây một số công cụ ghè đập bằng cuội, bàn mài, chày nghiền, hòn cuội có dấu lõm, mảnh tước cuội, mảnh vòng mài, một số mảnh gốm xốp mịn, cứng, có văn in vỏ sò. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ, di chỉ Cát Đồn và Bãi Bến thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Hạ Long.

Tại Cát Bà, những dấu tích văn hoá gắn với thời Đông Sơn, Bắc thuộc, Trần, Lê, Nguyễn, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đều đã lần lượt được phát hiện. Đó là những minh chứng góp phần khẳng định vị trí, vai trò của đảo, văn hoá biển đảo trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Quần đảo Long Châu

Nằm cách Cát Bà 15km về phía Đông Nam, Long Châu là đảo lớn nhất trong số 22 hòn đảo trong Quần đảo Long Châu, với diện tích hơn 1km2. Đảo gần như thuần đá và rất hiếm nước ngọt. Trong dân gian còn lưu truyền rằng, Long Châu là “vườn thuốc Nam cực quí” vì ít có cây chịu được sự khắc nghiệt ở đây. Trên đảo có nhiều rắn độc, như rắn xanh, rắn lục, rắn nâu,… Người Pháp đã xây dựng Hải đăng Long Châu trên đảo vào năm 1895, người đi biển thường gọi là “Mắt ngọc Long Châu”. Hải đăng này cùng với Hải đăng Hòn Dấu (Đồ Sơn), Kê Gà (Bình Thuận) là 3 ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam. Trên đảo còn có hệ thống công trình nhà đèn, gồm: một nhà máy phát điện, đường leo lên tháp đèn dài khoảng 3km, tháp đèn xây bằng đá xanh, hình trụ tròn. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ngọn hải đăng trên đảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã dẫn đường cho các chuyến tàu từ nước ngoài vào viện trợ cho miền Bắc. Bác Hồ đã gọi nó là “Mắt ngọc Tổ quốc”. Chính vì vậy mà ngọn hải đăng này đã bị máy bay Mỹ bắn phá, ném bom tổng cộng 248 lần.

Vịnh Lan Hạ

Vịnh Lan Hạ nằm phía Đông của Đảo Cát Bà và phía Nam của vịnh Hạ Long. Vịnh gồm khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một bức tranh khổng lồ khắc hoạ lại cảnh tiên. Trong vịnh, bạn có thể thấy một số hòn đảo nhỏ có bãi cát ở dưới chân núi đá. Tại đây, bạn có thể ghé thuyền vào để rong chơi trên bãi cát hoặc tắm biển tại những bãi cát hoang sơ này. Trong vịnh Lan Hạ có làng nổi Cái Bèo, nơi có hơn 2 trăm hộ gia đình sinh sống trên các ngôi nhà được thiết kế trên những chiếc phao và ngôi làng đã và đang được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước tìm hiểu lịch sử tồn tại hàng mấy nghìn năm của nó. Các du khách thường thuê thuyền đi 3- 4 tiếng với lịch trình bến Bèo – vịnh Cái Bèo – thăm bè cá (nếu mua cá phải hỏi kỹ giá cả trước nhé) hoặc thăm đảo Ba Trái Đào – về bơi, nghỉ ngơi, giải khát ở đảo Khỉ sau đó về lại bến Bèo.

Khác với vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ có tới 139 bãi cát vàng nhỏ nhắn, xinh xắn và hoang vắng như những “eo biển xanh” gọi mời du khách khám phá. Nhiều bãi cát trải dài giữa hai núi đá, yên tĩnh không có sóng lớn, thực sự là những bãi tắm lý tưởng. Dưới làn nước trong xanh là những bãi san hô nhiều mầu sắc như bãi Vạn Bội, Vạn Hà…Những vùng biển lặng nước như ở đảo Sến, đảo Cù, đảo Khỉ…, chính là nơi du khách có thể lặn ngắm san hô.

Du Thuyền Stellar of the Seas trong Vịnh Lan Hạ

Trên hành trình quan vịnh đoàn sẽ ghé thăm quan Đảo Khỉ – đến đây quý khách còn có cơ hội gặp bầy khỉ bầy khỉ vui nhộn, rất thích hợp cho đoàn khách có trẻ nhỏ. Ở đảo Khỉ cũng có bãi tắm Cát Dứa là bãi tắm vệ tinh đẹp nhất của đảo Cát Bà, nước biển tuyệt đối trong. Trước mặt bãi tắm là những dãy núi nhấp nhô tạo nên cạnh vịnh vô cùng đặc sắc. Tuy nhiên trước khi ra đến đảo phải vượt qua 1 đoạn biển khoảng 2 km tính theo đường chim bay. Bạn cũng có thể đặt phòng tại Monkey Island Resort và nghỉ đêm tại khu nghỉ dưỡng này để trải nghiệm cuộc sống trên đảo gần gũi với thiên nhiên trong lành. Ngày nay đã có nhiều du thuyền trên Vịnh Lan Hạ phục vụ các tour du thuyền ngủ đêm trên vịnh rất độc đáo và thú vị cho khách lựa chọn như du thuyền Era, tàu Mon Cheri, tàu Orchid, tàu Perla Dawn Sails …

Với những giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013)./

 

 

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời