Huyện Trần Văn Thời cách trung tâm tỉnh lỵ Cà Mau 30km về hướng Tây-Bắc. Diện tích tự nhiên 70.023 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 60.947,48 ha. Có bờ biển dài 34 km, có con sông Ông Đốc dài hơn 40km chảy dọc từ Đông sang Tây; bờ Nam sông Ông Đốc là vùng sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm; bờ Bắc sông Ông Đốc là vùng ngọt hoá chủ yếu sản xuất lúa, các loại rau màu và nuôi thuỷ sản nước ngọt, với hệ thống sông rạch chằng chịt nối liền với rừng tràm U Minh Hạ.
Huyện mang tên nhà cách mạng Việt Nam Trần Văn Thời. Địa bàn huyện này thuộc Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trên địa bàn huyện có một cửa biển là cửa sông Ông Đốc.
Huyện Trần Văn Thời là một trong những đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh Cà Mau về khai thác thủy sản, phát triển nông nghiệp và nuôi cá đồng.
Huyện có trên 22 km bờ biển, có điều kiện phát triển nghề khai thác thủy sản trên biển. Trong đó, cửa biển sông Ông Đốc rộng, sâu, ít gió bão, thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu, trú bão và thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Giới thiệu cơ bản về huyện Trần Văn Thời
Toàn huyện có 13 đơn vị hành chính gồm 11 xã, 02 thị trấn; 157 ấp, khóm. Thị trấn Trần Văn Thời là trung tâm huyện lỵ, thị trấn Sông Đốc nằm sát cửa sông Ông Đốc với nghề khai thác đánh bắt thuỷ sản trên biển và các dịch vụ hậu cần nghề khai thác biển, là trung tâm phát triển kinh tế thuỷ sản của huyện; tại đây đã hình thành cụm công nghiệp với diện tích 200 ha, huyện đang tích cực mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào các khu công nghiệp này.
Huyện Trần Văn Thời có bờ biển dài 36 km có nhiều cửa sông như cửa Đá Bạc, Ba Tỉnh, Mỹ Bình, đặc biệt Sông Đốc là cửa ra vào của nhiều tàu đánh cá trong và ngoài tỉnh, tạo nên ở đây 1 thị trấn biển sầm uất bậc nhất tỉnh Cà Mau. Ngoài khơi có đảo Hòn Chuối, gần bờ có hòn Đá Bạc; là địa bàn được lựa chọn làm nơi tiếp bờ của tuyến đường ống dẫn khí từ mỏ PM3 – Cà Mau. Chính vì vậy huyện Trần Văn Thời là một trong những huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh Cà Mau, có điều kiện phát triển thủy hải sản, dịch vụ khai thác dầu khí, du lịch biển đảo, vận tải sông biển.
Kết cấu hạ tầng của huyện tương đối hoàn chỉnh, toàn huyện có 13/13 đơn vị xã có đường ô tô đến trung tâm xã; lộ GTNT bằng bê tông cơ bản nối liền với các ấp, khóm trên địa bàn huyện.
Tiềm năng du lịch huyện Trần Văn Thời
Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch của tỉnh Cà Mau, là điểm đến hấp dẫn của miền Nam Tổ Quốc. Huyện có những điểm du lịch cuốn hút du khách như Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Sông Đốc, Đầm Thị Tường… và những làng nghề như ép chuối khô, nuôi cá đồng, trồng rau màu, làm cá khô,… Trong năm 2013, lượng khách đến tham quan, du lịch, mua sắm tại 3 điểm du lịch: Khu du lịch Hòn Đá Bạc thuộc xã Khánh Bình Tây, Vườn Quốc gia U Minh hạ, xã Trần Hợi và thị trấn Sông Đốc, doanh thu đạt gần 60 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Huyện Trần Văn Thời đã và đang xây dựng, phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao; xây dựng một số sản phẩm, loại hình du lịch của huyện đạt thương hiệu du lịch khu vực, quốc gia; phát triển du lịch đảm bảo hài hòa giữa kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo đó, xây dựng các phương án phát triển sản phẩm du lịch; lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, điểm dừng chân cho khách du lịch phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và phù hợp với điều kiện thực tế của huyện nhà, đảm bảo tính khả thi. Lựa chọn, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực và thương hiệu mạnh đầu tư vào các điểm, khu du lịch trong huyện; xây dựng Làng Văn hóa Du lịch tập trung ở các địa bàn phù hợp, có vị trí thuận lợi về giao thông, được đầu tư phát triển hạ tầng và có sản phẩm chủ lực để xây dựng sản phẩm đặc thù. Trong đó, trước mắt tập trung khảo sát tại xã Khánh Bình Tây. Bên cạnh, đầu tư và mời gọi đầu tư xây dựng và mở rộng khu, điểm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, cộng đồng như: Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, khu tưởng niệm nghệ nhân văn hóa dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi), Vườn Quốc gia U Minh hạ, Đầm Thị Tường; hình thành tour du lịch ra Hòn Chuối; tiếp tục đề xuất nâng tầm Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc lên tầm Lễ hội cấp tỉnh. Phát triển ngành nghề truyền thống làm cá khô biển ở thị trấn Sông Đốc, cá khô bổi, mật ong ở các xã vùng ngọt hóa, nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi… Phát triển dịch vụ mua sắm, ăn uống tại các khu, điểm du lịch;… Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch và phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển du lịch.
Song song đó, tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch; huy động nhiều nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác tốt sản phẩm đặc trưng đã được công nhận thương hiệu tập thể như: Khô bổi U Minh, mật ong U Minh, hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện như tôm khô, cá khô biển Sông Đốc, mắm ruốc Đá Bạc, khô cá đồng, khô bổi ở các xã vùng ngọt hóa, chuối khô ở xã Trần Hợi, đậu xanh ở Cơi 4, Cơi 5A, Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây… Chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo sự lan tỏa trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thực hiện tốt Đề án phát triển sản phẩm và thương hiệu du lịch Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hình thành các tuyến, điểm dừng chân cho khách du lịch tại T19, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi; Cơi 5, xã Trần Hợi; Co Xáng – Đá Bạc; Khu lưu niệm nghệ nhân văn hóa dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi) xã Khánh Hải; Đầm Thị Tường thuộc 2 xã Phong Lạc và Phong Điền và tại thị trấn Sông Đốc.
Ngoài ra, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, trong đó: Tăng cường mối quan hệ, mời gọi đầu tư xây dựng, khai thác các khu, điểm du lịch; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan để hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển du lịch; chú trọng thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Trước mắt, đề xuất các ngành chức năng của tỉnh sớm đầu tư xây dựng Khu lưu niệm nghệ nhân văn hóa dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi) tại xã Khánh Hải, xây dựng tượng đài sự kiện chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc năm 1954 tại thị trấn Sông Đốc, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.
Để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện; về ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch; các ngành, các cấp trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia khai thác tiềm năng phát triển du lịch; tạo sự đồng thuận, nhất quán về quan điểm phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là Nhân dân và lực lượng học sinh, tạo ra lực lượng hùng hậu tham gia công tác quảng bá du lịch; thu hút mọi người tham gia các hoạt động du lịch. Xây dựng các cụm pano, áp phích, tờ rơi mang nội dung tuyên truyền quảng bá du lịch tại các cửa ngõ đi vào các khu, điểm du lịch trong huyện. Đặc biệt, xây dựng phong cách ứng xử văn minh, cởi mở, thân thiện đối với khách du lịch.
Du lịch huyện Trần Văn Thời sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh khi ngày 7/7/2020 khai trương tuyến tàu cao tốc Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc, bến cảng thuỷ nội địa phục vụ cho tuyến tàu này tại thị trấn Sông Đốc. Từ bến này, du khách có thể tham quan, khám phá các điểm du lịch trọng điểm như: Đầm Thị Tường, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Khu di tích Hòn Đá Bạc… Qua đó, góp phần kích cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Xem thêm: Cảng khách Ông Đốc, Thị trấn Sông Đốc, Cà Mau
Minh Quốc
http://tranvanthoi.camau.gov.vn/
Pingback: Cảng khách Ông Đốc, Thị trấn Sông Đốc, Cà Mau