Giảo cổ lam: quà quý từ đảo Cồn Cỏ

Trước đây, người dân huyện đảo Cồn Cỏ chỉ hái giảo cổ lam về làm nấu uống hằng ngày vì có vị ngon, dễ uống chứ chưa ý thức được đây là một loại thảo dược quý. Đến khoảng giữa năm 2016, huyện đảo Cồn Cỏ thực hiện việc khảo sát thực tế phát hiện cây giảo cổ lam hoang sinh trưởng rất nhiều trong môi trường tự nhiên ở rừng trên đảo và đã có hướng bảo tồn loài cây này.

Giảo cổ lam hay còn gọi là ngũ diệp sâm, thất diệp đảm, được phát hiện và sử dụng đầu tiên ở Nhật Bản với tên gọi cây Trường sinh. Đây là loại cây thảo có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá và chỉ mọc trên núi đá vôi, khí hậu mát lành. Nghiên cứu khoa học đã cho thấy cây có tác dụng giúp bình ổn huyết áp, hạ mỡ máu, chống kết tụ tiểu cầu, làm tan huyết khối, ngăn ngừa xơ vữa mạch, các tai biến về tim, mạch, não, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và tăng sản của khối u.

Chị Nguyễn Thị Quyệt, Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến trà giảo cổ lam cho biết, thời điểm này đã gần cuối vụ thu hoạch giảo cổ lam. Những ngày này, các thành viên tổ hợp tác vừa tranh thủ khai thác, vừa khẩn trương phơi và cắt nhỏ giảo cổ lam đóng gói thành phẩm để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch, bởi lượng khách đến đảo những tháng mùa hè gia tăng rõ rệt. Ngoài việc bán cho du khách đến tham quan tại đảo, các hộ sản xuất còn gửi sản phẩm vào đất liền để tiêu thụ. Chia sẻ thêm về công việc khai thác giảo cổ lam, chị Quyệt nói: “Những năm trước đây, nhiều chị em phụ nữ ở đảo chế biến giảo cổ lam bằng cách phơi khô, thiếu kinh nghiệm nên sản phẩm tiêu thụ kém, thu nhập không ổn định. Trước tình hình đó Hội Phụ nữ huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động chị em tham gia mô hình “Tổ hợp tác chế biến giảo cổ lam”, hiện tổ hợp tác có 12 thành viên tham gia. Để bảo toàn giống cây dược liệu quý và khai thác nguồn lợi lâu dài, huyện đảo chỉ cho phép khai thác từ ngày 1/5 – 30/8 hằng năm, sau thời điểm này thì đóng cửa rừng để cây có thời gian phục hồi, sinh trưởng cho đến mùa khai thác năm sau. Chỉ có các thành viên tổ hợp tác mới được phép khai thác giảo cổ lam”.

Bình quân mỗi ngày mỗi người có thể khai thác được 50 – 60 kg, tương đương 4 – 5 kg khô sau khi phơi sấy, giá bán ở thời điểm hiện tại là 150.000 đồng/kg. Mặc dù được xem là nghề phụ nhưng nghề này đem lại thu nhập tương đối cao cho nhiều gia đình. Với sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, tổ hợp tác được trang bị 1 máy đóng gói, hút chân không cùng với một số bao bì, nhãn mác và hạt hút ẩm, phục vụ cho việc đóng gói sản phẩm. Mới đây tổ hợp tác được trang bị thêm một máy cắt, một máy sấy hỗ trợ cho việc sản xuất giảo cổ lam. Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cồn Cỏ Phan Thị Thùy Trang cho biết: “Việc thành lập tổ hợp tác đã kết nối và tạo công việc ổn định cho hội viên phụ nữ, giúp các thành viên chế biến sản phẩm giảo cổ lam một cách bài bản, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này”.

Để việc khai thác giảo cổ lam đảm bảo khả năng phục hồi, phát triển cho cây, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã khẩn cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên đảo quán triệt cán bộ, chiến sĩ và tuyên truyền người dân về phương pháp khai thác, bảo tồn, sử dụng cây một cách hợp lí. Hướng dẫn người dân chỉ dùng liềm, dao cắt phần thân cây, không nhổ và rút gốc rễ bám của cây trên đất và trên các thân cây khác, không khai thác, thu hái tràn lan để cây có chu kì phát triển trở lại.

Giảo cổ lam Cồn Cỏ

Giá trị của cây giảo cổ lam đã được khẳng định, tuy nhiên việc khai thác, chế biến đang ở dạng thô (phơi khô, đóng gói) nên chất lượng mang lại chưa cao. Nhận thức được vấn đề này, UBND huyện Cồn Cỏ đã đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ huyện trong việc chế biến trà túi lọc và đăng kí nhãn hiệu trà thảo dược Giảo cổ lam Cồn Cỏ. Tháng 1/2019, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề tài “Nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm trà thảo dược hòa tan giảo cổ lam từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đảo Cồn Cỏ” do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị chủ trì thực hiện trong thời gian một năm. Theo đó, đơn vị thực hiện sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá vùng nguyên liệu và chất lượng giảo cổ lam tại huyện Cồn Cỏ, xây dựng quy trình thu hái và sơ chế giảo cổ lam tự nhiên. Tổ chức tập huấn về cách thu hái dược liệu và sơ chế cây giảo cổ lam tại huyện Cồn Cỏ, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất trà thảo dược giảo cổ lam hòa tan. Sau đó sẽ tiến hành sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện quy trình sản xuất trà thảo dược hòa tan giảo cổ lam, đánh giá, phân tích, định lượng thành phần hoạt chất có trong sản phẩm chiết xuất giảo cổ lam, thiết kế bao gói cho sản phẩm để sản xuất đại trà.

Với cách làm này, thời gian tới, không chỉ du khách đến với huyện đảo Cồn Cỏ sẽ thuận tiện và hài lòng hơn với sản phẩm trà hòa tan giảo cổ lam, đặc sản của Cồn Cỏ để mang về làm quà, mà sản phẩm sẽ có cơ hội được cung ứng rộng rãi ra thị trường, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Bảo Bình

Báo Quảng Trị

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời