Dưa bồn bồn “thương hiệu” của vùng đất Cà Mau

Dưa bồn bồn một sản phẩm đặc thù, một món ăn dân dã, mang hương vị của đồng quê. Từ lâu, dưa bồn bồn đã làm nên “thương hiệu” của vùng đất Cà Mau và không lẫn vào các loại dưa khác.

Khi mùa sa mưa, nước ngập trên những cánh đồng, cây bồn bồn bắt đầu sinh sôi, nẩy nở thì cũng chính là mùa làm dưa bồn bồn bắt đầu.

Cây bồn bồn

Để làm dưa bồn bồn, người ta thường chọn những cây bồn bồn non, thân lớn. Bồn bồn nhổ về, được lột bỏ bẹ già, lấy phần thân non, rồi dùng sợi chỉ chẻ đôi cho vào một cái hủ và được đậy kỹ bằng lá chuối tươi. Sau đó, lấy nước cơm vo đã cho lên men chua đổ vào. Bằng cách làm này, chỉ khoảng vài ba ngày là dưa bồn bồn có thể đem ra ăn được. Từ dưa bồn bồn, người ta có thể chế biến được nhiều món ăn ngon miệng khác như dưa bồn bồn xào tép, xào vọp, dưa bồn bồn chấm ba khía, thịt kho tàu hay cá rô kho tộ…Nếu trước đây bồn bồn chỉ là món ăn dân dã của người nghèo, sống ở vùng nông thôn thì ngày nay dưa bồn bồn trở thành món ăn cao cấp tại các nhà hàng, quán ăn của giới thượng lưu. Nhờ đó, dưa bồn bồn đã nổi tiếng và trở thành đặc sản của Cà Mau.

Gần đây, Hội Nông dân huyện Cái Nước được UBND tỉnh Cà Mau trao quyền quản lý và cho phép sử dụng các địa danh của địa phương để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với “Sản phẩm cây bồn bồn Cái Nước – Cà Mau”. Riêng dưa bồn bồn xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, năm 2014 được đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm đặc thù.

Diễm Phương
https://www.camau.gov.vn/

Rate this post

Trả lời