Côn Đảo là một nhà tù đầu tiên, qui mô lớn nhất và nổi tiếng tàn bạo như “một địa ngục trần gian” của chế độ thực dân ở Đông Dương. Lịch sử nhà tù Côn Đảo từ khi được thực dân Pháp thành lập cho đến ngày hoàn toàn giải phóng (1861-1945) gắn với những trang sử tranh đấu oai hùng của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
Gần 400 hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình hình thành và hoạt động của nhà tù Côn Đảo (1861-1945) hiện đang được bảo quản tại Trung tâm LTQGII, bao gồm các hồ sơ về tổ chức hành chánh; các báo cáo hoạt động hàng tháng của nhà tù; các phong trào đấu tranh của tù nhân; danh sách tù nhân bị giam giữ, vượt ngục, chết tại Côn Đảo; hay các hồ sơ cá nhân của tù nhân như: bản án, giấy chứng tử,… Đây là khối tài liệu thuộc phông Thống đốc Nam kỳ, đang rất được nhiều nhà nghiên cứu cũng như gia đình dòng họ của cựu tù Côn Đảo khai thác nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu và làm hồ sơ chính sách.
Toàn bộ khối tài liệu về Côn Đảo được viết bằng tiếng Pháp trên giấy Pelure, đặc biệt quý hiếm và quan trọng vì được hình thành cách nay hơn 100 năm, phản ảnh được toàn bộ thực trạng đời sống cũng như hoạt động đấu tranh, giam giữ của tù chính trị ở Côn Đảo trong những năm kháng chiến chống Pháp.Để hiểu rõ thêm về tổ chức và hoạt động của nhà tù Côn Đảo thời Pháp thuộc, nằm trong phông Thống đốc Nam kỳ, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về nội dung và thành phần tài liệu có liên quan.
Năm 1861, sau khi chiếm được thành Gia Định, lo sợ quần đảo án ngữ vùng biển Đông Nam Việt Nam bị các nước thực dân khác dòm ngó như các thế kỷ trước, Bonard – Thuỷ sư Đô đốc Pháp, hạ lệnh cho thông báo hạm Norzagaray chiếm đóng Côn Đảo. Ngày 28-11-1861, tại đảo, Lespès Sebastien Nicolas Joachim – trung uý hải quân Pháp đọc “Tuyên cáo xâm lược”, chính thức đặt ách cai trị thực dân đối với Côn Đảo. Bản tuyên cáo này được bảo quản trong hồ sơ số 3494.GD, phông Thống đốc Nam kỳ, nội dung như sau:
“Hôm nay, thứ 5 ngày 28/11/1861, vào lúc 10h sáng
Tôi tên là Lespès, Sébastien Nicolas Joanchim, Đô đốc chỉ huy trưởng chiến hạm Morzagaray, theo lệnh của chính phủ Pháp, nhân danh Hoàng đế Napoléon III, tiến hành đánh chiếm Côn Đảo…
Việc đánh chiếm này diễn ra trước sự chứng kiến của các sĩ quan tàu Morzagaray.
Biên bản được lập cùng ngày tại vùng Tây – Nam Côn Đảo.
Ký tên: J.Lespès”
Nhưng không tổ chức khai thác thuộc địa như các vùng đất khác, cho rằng, Côn Đảo là nơi đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, dân thường khó có thể mưu sinh, thực dân Pháp đã chọn nơi đây cho mục đích duy nhất là làm nơi lưu đày tù nhân. Ngày 1-2-1862, Bonard – đại diện cho chính quyền thực dân Pháp ở Nam kỳ, ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo – quyết định mở đầu của hơn một thế kỷ bi tráng trong lịch sử phát triển của đảo.
Về quản lý hành chính, trong hai thập niên đầu, thực dân Pháp giữ Côn Đảo trực thuộc sự quản hạt của tỉnh Vĩnh Long như dưới thời kỳ nhà Nguyễn. Đến ngày 16-5-1882, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh xác lập quần đảo Côn Lôn (Côn Đảo) là một quận của Nam kỳ. Mặc dù thiết lập Côn Đảo về mặt hành chính là một đơn vị cấp quận. Nhưng ngay từ ngày đầu xâm lược với mục đính duy nhất là duy trì nơi đây thành một nhà tù khổng lồ lưu đày những người Việt Nam yêu nước, chính quyền thực dân áp dụng chính sách ngăn cấm mọi hoạt động sinh sống của cư dân.
Chính sách này sau đó được chính quyền thực dân trắng trợn pháp lý hóa bằng một nghị định. Ngày 17-5-1916, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thiết lập nội quy của nhà tù Côn Đảo, trong đó quy định về việc nhà tù Côn Đảo có quyền quản lý và sử dụng mọi tài sản ở Côn Đảo. Đồng thời cấm tất cả người dân, kể cả người Âu đến sinh sống tại đây. Giám đốc nhà tù Côn Đảo có mọi quyền hành đối với đảo, vừa là người điều hành mọi hoạt động của nhà lao, quản lý về cả mặt hành chánh, cảnh sát (bao gồm cả hải cảnh) và tư pháp. Cùng với sự tàn bạo của chế độ tù đày, giám đốc nhà tù Côn Đảo còn được biết đến với danh xưng là “chúa đảo”.
Về lĩnh vực tổ chức điều hành: Nội dung tài liệu chủ yếu liên quan đến xây dựng, cải tổ, mở rộng các khu vực nhà lao, cụ thể như trong bản báo cáo về hoạt động của nhà tù Côn Đảo năm 1938 tại Hs số IIB53/192(3) phông Thống đốc Nam kỳ đã nêu:
“Nhà lao Côn Đảo bao gồm các ngục I, II, III và một số đội lao động bên ngoài như:
Sở lưới, Sở chuồng bò, nhà máy điện, Sở lò gạch, Sở vườn tiêu, Sở củi, trại tù phát lưu và Sở muối, nông trại Cỏ Ống, vịnh Tây – Nam và các trạm gác, Sở ruộng, Sở An Hải, Ong Hội, đảo Hòn Cau, Sở làm đường, hòn đá trắng, đội tìm kiếm vượt ngục.
Các đội lao động trong các trại và đội xây dựng ngủ trong ngục.
Tù nhân được phân loại và phân chia thành từng đội để làm những công việc phù hợp và giúp phát triển nhà lao.
NGỤC I: ngục I là ngục chính có kho chứa vũ khí, phòng Đội trưởng, kho lương thực. Tổng số tù nhân bị giam ở đây khoảng từ 600 đến 700 tên…, gồm 10 phòng giam không kể ở hầm xay lúa, hầm giam, nhà bếp.
Vào lúc điểm danh, tù nhân được sắp xếp theo từng loại và từng phòng giam để phân vào đội lao động.
Tù giam ở ngục I gồm các loại: tù khổ sai có thời hạn và vĩnh viễn, tù cấm cố, tù phát lưu bị phạt nhốt giam, tù bị phạt nhốt hầm, tù nhốt hầm đặc biệt. Các đội lao động: các xưởng; các trại lao dịch; đội vệ sinh; các sở rẫy; lò vôi; nhà máy điện; hầm xay lúa; nhà bếp; phòng giam số 6 “tù bán chính trị”, tù nguy hiểm không được phép ra ngoài….
NGỤC II: Tổng số tù nhân trong ngục này là 110 tên tù chính trị. Bọn chúng không bao giờ đi ra khỏi khoảng sân rộng trong đó. Chúng nuôi gia cầm, trồng rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
NGỤC III: Ngục này nằm hơi xa thị trấn, dùng để giam tù cấm cố. Tù nhốt hầm ở đây khoảng 90, hay 100 tên…. Đội thợ xây, các đội làm vườn, làm bếp, tù nhân bị bệnh, đang điều trị là 80 tên. Ngoài ra, còn có phòng an ninh, nơi giam các thành phần “kích động và nguy hiểm” cho việc giữ gìn trật tự và kỷ luật. Phòng giam này được thành lập vào tháng 6/1938.
Các đội lao động bên ngoài được thành lập:
Sở lưới: bao gồm 50 người, có nhiệm vụ hàng ngày đi đánh cá. Chúng được trang bị thuyền, tàu và phải đảm bảo các hoạt động đánh bắt ở cửa biển, cũng như đời sống hàng ngày trong tù.
Chuồng bò: Đây là đội lao động bên ngoài hùng hậu nhất gồm: 230 đến 250 tù nhân. Lò gạch, Sở tiêu, khai thác gỗ trên rừng thường gắn chung với Chuồng bò. Khoảng 90 tên khai thác gỗ cung cấp toàn bộ củi dùng cho nhà lao, cho lò vôi, làm than củi, làm gạch. Một khu vườn rộng cung cấp rau xanh cho nhà lao. Ngoài ra còn có một chuồng mới được xây dựng có thể chứa được 36 con.
Các xưởng: gồm 150 lao động tù nhân, đủ mọi ngành nghề: thợ mộc, thợ cưa, đóng xe, thợ máy, thợ rèn, thợ khóa…, việc chế tạo và sửa chữa các loại vật dụng bằng gỗ và sắt được giao cho các xưởng này. Tàu, thuyền, bè ở Côn Đảo, và những vật liệu bánh lăn có đường kính 60cm, đều được sản xuất tại đây.
Nhà máy điện, nhà máy nước đá và phòng lạnh: có một đội ngũ nhân công tù nhân là 20 người.
Sở Xây dựng: Hơn 100 tù nhân tham gia vào đội xây dựng. Tất cả các công trình xây dựng mới, sửa chữa lều trại đều do nhân công tù nhân làm.
Sở gạch: Sở này cung cấp các loại gạch, ngói, gạch lát cho đội thợ xây (60.000 tấm), cho Sở vôi (40.000 tấm) dùng để nung. Mỗi năm Sở gạch sản xuất từ 3-400.000 tấm.
Sở tiêu và sở củi: gồm 90 nhân công: 60 làm công việc chặt củi; 30 làm công việc trồng tiêu.
Trại tù phát lưu và Sở muối: tất cả tù phát lưu tập trung ở trại này, Chúng làm việc trong các Sở rẫy, ruộng muối, hầm đá, và ở hòn đá trắng.
Trại Cỏ Ống: Có 80 tù nhân làm việc ở đây, họ chủ yếu trồng lúa và làm vườn.
Vịnh Tây Nam và đồn canh gác: Đội canh gác vịnh này được thành lập, gồm 20 tù nhân cho Vịnh Tây Nam và 10 tù nhân làm việc ở đồn canh gác… Những tên này thỉnh thoảng đi làm vườn và đánh bắt rùa vào mùa mưa.
Sở ruộng: Đội nhân công tù nhân này có nhiệm vụ trồng lúa ở thị trấn.
Sở rẫy của tù nhân, Sở An Hải, Ông Hội: Các Sở này được trồng rau củ của Pháp, theo mùa. Đến mùa mưa, nhân công tù nhân ở đây sẽ trồng các giống rau củ của người Việt. Tù phát lưu làm việc ở Sở An Hải và Ông Hội. Sở rẫy của tù nhân là nơi làm việc của đội nhân công tù nhân ở ngục III.
Sở làm đường, đèo: 120 nhân công tù nhân người Cao Miên chịu trách nhiệm tuyến đường mòn này, nối trung tâm thị trấn đến vịnh Tây Nam, và nếu có thể , sẽ tiếp tục chạy dài đến trại Cỏ Ống. Tuyến đường giao thông này đã được thực hiện từ nhiều năm rồi. Nó giúp cho việc theo dõi một cách hiệu quả các vụ vượt ngục ở Côn Đảo.
Đồn điền Đá Trắng: Một đội 20 tù nhân được đưa đến đây đề trồng chuối.
Đảo Hòn Cau: 20 hoặc 25 tù sắp mãn hạn được đưa đến đảo này để làm vườn và đánh bắt rùa vào mùa mưa.
Sở tìm kiếm vượt ngục: giống như tên gọi của mình, đội này có nhiệm vụ truy lùng và bắt lại các tên vượt ngục. Đội này bao gồm từ 10-15 tên tù, có phẩm chất tốt và can đảm”.
Hoặc như trong báo cáo ngày 30/10/1942 tại hồ sơ số G8/94 phông Thống đốc Nam kỳ, Giám đốc Khám lớn Sài Gòn đã đưa ra một số ý kiến cải tổ nhà tù Côn Đảo để tránh vượt ngục
“…Cũng như các nhà tù khác, tôi cũng nhận thấy kỷ luật nơi đây hơi lỏng lẻo, và nguyên nhân không phải hoàn toàn do không đủ nhân sự quản lý, mà sự yếu kém chung này xuất phát từ những nhân viên cai ngục đến từ Khám lớn Sài Gòn.
Trang phục của cai ngục người Pháp và cả người Đông Dương rất luộm thuộm. Cai ngục người Pháp không đội nón theo đúng quy định, viện cớ là trời nóng, không mang súng mẫu 92, kêu là quá nặng, và thay bằng súng lục nhỏ hơn, kích cỡ 6;35.
Ngoài ra, viện cớ là 3 tháng nay không có liên lạc với Nam kỳ, nên các cai ngục không đủ quần áo kaki để mặc, họ chỉ mặc trang phục bằng vải toan màu xanh trong lúc làm nhiệm vụ. Từ thái độ làm việc sai quy tắc này đã dẫn đến một kết quả công việc không tốt. Cuối cùng, là việc thiếu các huân chương, huy hiệu lấp lánh phải đeo theo đúng quy định: một cai ngục khai rằng, họ đã chờ đợi các huy hiệu này từ Sài Gòn đã 7 tháng nay rồi.
Người Chỉ huy ở đây có quyền bắt buộc các cai ngục phải ăn mặc đúng quy định, bởi vì tất cả nhân viên người Pháp đều nhận được tiền trợ cấp trang phục.
Tôi nhận thấy rằng, Giám đốc nhà lao phải đưa ra mức kỷ luật và các huấn thị nghiêm khắc đối với vấn đề này.
Riêng về nhân viên Sở ngục người Đông Dương, họ còn bi thảm hơn: trang phục lôi thôi, xộc xệch, giày đi kêu lộp cộp, được trang bị súng nhưng phần lớn là không biết sử dụng.
Các cai ngục luôn luôn đứng riêng lẻ. Trong thời gian lục soát phạm nhân, các cai ngục thường không tập trung: Nếu để súng rơi xuống vai, thường là các phạm nhân sẽ là người dựng lên cho họ, với một thái độ vờ như kính trọng vị chỉ huy: thật là ngạc nhiên khi đến giờ vẫn chưa thấy phạm nhân nào tước vũ khí và chiếm quân dụng của cai ngục, khi họ chỉ có 1 mình đứng trong đám đông toàn tù nhân.
Các phòng giam không được chắc chắc. Cần phải hủy bỏ:
- Tất cả các khung cửa sắt trong mỗi phòng giam, vì nó rất thuận tiện cho phạm nhân trèo lên mái nhà. Nên thay các khung cửa sắt này bằng cách khóa 2 lớp cửa phòng giam.
- Hố xí bằng kim loại, được quấn tròn bằng sợi dây sắt”: cần phải thay bằng gỗ, với các cột bằng mây.
- Các chìa khóa bình thường: cần phải thay bằng các khóa hiệu “Yale” và nhất là phải để chìa khóa bên ngoài phòng giam, ngoài tầm với của phạm nhân.
- Các phòng làm việc đối diện với cửa phòng giam, vì các phòng này có thể quan sát được qua lỗ cửa phòng giam. Cần phải thay đổi việc này vì sự cần thiết của công việc canh gác.
- Ở mỗi cửa phòng giam, đều có các lỗ cửa nhỏ. Các cai ngục và giám thị nếu đặt một mắt quan sát phạm nhân qua lỗ cửa nhỏ này, sẽ có nguy cơ bị phạm nhân làm cho bị thương, thậm chí có thể gây chột mắt với chỉ một cộng rơm cứng…”.
Cùng với tổ chức điều hành, chính quyền Pháp cũng ban hành nhiều văn bản hành chánh, đề ra các quy định cụ thể về chế độ giam giữ, phân loại tù nhân tại nhà tù Côn Đảo. Theo đó, nhà tù Côn Đảo không chỉ là nơi giam giữ tù nhân chịu án lâu năm, mà đôi khi còn dành cho những tù nhân có mức án dưới 2 năm với mọi loại án.
Theo như trong báo cáo của Thanh tra Thuộc địa năm 1935-1936, hồ sơ số III6/N04(2), phông Thống đốc Nam kỳ, chính quyền Pháp đã ban hành một số văn bản quy định các loại án cho tù nhân tại nhà tù Côn Đảo như sau:
“Án lưu đày, được thực hiện theo nghị định ngày 11-01-1915. Những tù nhân án lưu đày chủ yếu bị giam tại ngục 1 và ngục 2 – nơi được xem là những ngục kiên cố nhất Côn Đảo.
Án câu lưu được xử theo điều 20 luật hình sự và được sửa đổi bởi Sắc lệnh ngày 31-12-1912 của chính quyền thực dân Pháp.
An cấm cố, theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 19-01-1893, tù cầm cố và tù câu lưu phải được giam riêng. Nhưng do chưa xây đủ nhà giam nên trong giai đoạn đầu 2 loại tù này bị giam chung với tù lưu đày. Sau này, giám đốc nhà tù Côn Đảo cho xây thêm ngục số 3 để giam giữ tù cầm cố.
Án khổ sai cùng chịu các chế độ tù đày như các tù nhân khác, nhưng được thành 3 loại với công việc và tiền công lao động khác nhau.
Án nhốt hầm dành cho những tù nhân vi phạm kỷ luật trong thời gian thụ án.
Án phát lưu, đây là loại án nhẹ, tù nhân được nhốt ở 2 trại phía ngoài, nơi thích hợp cho công việc đồng áng. Số còn lại được sử dụng làm vườn, làm công việc vệ sinh hay làm việc trong các xưởng…”.
Ngoài ra, qua khối tài liệu về Côn Đảo này, người đọc có thể tìm hiểu được nội quy sinh hoạt của tù nhân, các quy định về khẩu phần ăn hàng ngày, số lượng tù nhân bị giam giữ tại đây… cũng như các phong trào đấu tranh của các tù nhân chính trị trong các hs số II 53/182(3) và G80/46, GIIA45/291(2) IIA45/223(4), IIA45/263(6), IIA45/304(3), 5048, 5046, 5081… phông Thống đốc Nam kỳ. Trong Công văn ngày 31/12/1941, hồ sơ số IIA45/223(4) phông Thống đốc Nam kỳ, Giám đốc nhà tù Côn Đảo đã báo cáo về hoạt động đấu tranh của tù chính trị:
“Chúng ta cũng biết rằng người Nhật đến Đông Dương đã gây nên sự náo động trong các ngục. Tù nhân vốn không được thông tin về diễn biến chính trị và tình hình thế giới, bị tước hầu như tất cả các thông tin dù là những thay đổi nhỏ nhất về cuộc sống trên đảo. Nhưng từ khi người Nhật đến, một số tên tù chính trị lợi dụng việc này để tuyên truyền trong nhà tù
Để sự việc không vượt quá giới hạn, tôi đã yêu cầu lính canh không để sự việc diễn ra nữa và báo lại cho tôi biết ngay để trừng trị nghiêm khắc, tôi xin được trình cho Ngài những sự việc sau đây:
1/ Từ lâu tôi đã biết rằng, các tù nhân bị kết án 5 năm vì can tội âm mưu lật đổ chính quyền, đã tổ chức một số phiên họp bí mật bên trong các phòng giam ở Banh số 3. Tôi đã yêu cầu lính canh đặc biệt giám sát họ. Và ngày 23 tháng 11, ông Bonifay, làm việc ở Banh số 3, đã biết được nội dung phiên họp mà tên tù trong phòng giam đó tổ chức, cuộc thảo luận rất sôi nổi, nội dung phiên họp đã được dịch lại nhờ người giám ngục số 38, như : lý do tham gia Đảng Cộng Sản, phản ứng của tù nhân chống lại cai ngục Pháp… Tên tù đã tổ chức phiên họp này chính là tên phản trắc Nguyen Van Khue, số tù 9693, bị Tòa án quân sự Sài gòn kết án tù chung thân khổ sai vì can tội phản quốc. Phòng giam của hắn ở cạnh những phòng giam giữ các tù nhân bị kết án âm mưu lật đổ chính quyền. Chính từ đó mà các phiên họp trong các phòng giam đã được lan rộng khắp ở Banh số 3. Ngay tức khắc, hắn đã bị nhốt vào xà lim trong 60 ngày và cả phòng đó bị nhận hình phạt đeo hòn sắt trong 10 ngày.
2/ Sau khi người Nhật đến Đông Dương, ngày 15 tháng 12, cai ngục Belcome làm việc ở Banh số 3, đã nghe được tên tù ở phòng giam số 4, đang nói chuyện với đồng bọn của hắn. Cai ngục này đã được người giám ngục số 63 dịch lại nội dung buổi thảo luận đó, liên quan đến mối quan hệ giữa hai nước Pháp – Nhật, rằng: theo thỏa thuận giữa hai nước trên thì chế độ lao ngục rất tàn nhẫn. Tên tù diễn thuyết đó đã bị các bạn tù của hắn tố giác, hắn là Huynh Van Tam số tù 210, bị kết án 5 năm tù vì tội âm mưu lật đổ. Ngay lập tức hắn bị giam 60 ngày trong xà lim cách ly
3/ Vào buổi tối ngày 16, cai ngục tình cờ nghe được âm mưu phá hoại của các tên tù tại các phòng giam số 6 và 7 ở Banh số 3. Cai ngục Mr Manfredi đã nhờ người giám ngục dịch lại nội dung phiên họp. Phiên họp rất sôi động. Những tên tù diễn thuyết này là tên Huynh Van Thuong, số tù 211, vốn được biết đến với tài ngâm thơ để mua vui cho đồng bọn và tên tù Huynh Văn Kien, số tù 1200, được biết đến với việc hát nhạc quốc tế. Các tên này bị kết án tù giam: Tên thứ nhất bị kêu án 5 năm, tên thứ 2 là 2 năm.
Mặt khác tôi xin báo rằng tên tù Nguyen Van Tao, số tù 9902, đang ở trạm quân y. Nhờ vào thông tin giữa các tên tù bị giam trong phòng giam và tên cầm đầu đang ở trạm quân y, tôi đã dám chắc rằng, tên cầm đầu này, bằng cách này cách kia, đã thành công trong việc báo tin cho các tên bạn tù của mình.
Tôi đã sớm cho 3 tên tù vào xà lim cách ly trong 60 ngày và đeo cùm sắt cho những tên tù khác ở các phòng giam này trong vòng 1 tháng.
Sáng ngày 18, tôi đã đến các phòng giam này để xử phạt chúng, nhằm cho chúng biết rằng, sẽ có những hình phạt thích đáng dành cho chúng nếu chúng lập lại các hành động như trên, và đồng thời giải thích cho chúng biết về sự hiện diện của người Nhật trên đảo.
Khi tôi vừa mới rời khỏi phòng giam, thì tên Phan Dinh Cac, số tù 1093, bị kết án 2 năm ở nhà tù, vì tội đe dọa an ninh Nhà nước, đã yêu cầu được nói chuyện với tôi. Cai ngục trưởng đã dẫn hắn vào phòng tôi và hắn đã khai với tôi ( lời khai đính kèm ) rằng, bọn tuyên truyền không chịu hối cải mà vẫn đang tiếp tục tuyên truyền trong nhà tù
Tôi đã đưa hắn vào giam ở một Banh khác , trong khi chờ đợi thời gian đưa hắn đến Hòn Cau.
Duong Bach Mai và Le Hong Phong ngay lập tức được đưa đến xà lim cách ly trong 60 ngày và các tên còn lại này ở tất cả các phòng giam sẽ chịu hình phạt đeo hòn sắt trong 10 ngày và bị xiềng xích cho đến khi có lệnh mới. Để an ninh hơn, tôi đã đưa chúng vào các phòng giam của Banh số 2, vì các phòng giam này cao hơn và an ninh hơn.
Tôi đến các phòng giam tiếp theo và đưa ra hình phạt, tôi đã hỏi liệu có tên tù nào khác có muốn khai gì với tôi không, nếu không muốn bị phạt. Nguyen An Ninh, số tù 9901 và Pham Van Kinh, số tù 960 đã đến trình diện. Lúc đầu thì bọn họ luôn luôn che giấu, rồi tỏ vẻ không biết gì đến cộng sản và khai với tôi là cũng không liên quan gì đến âm mưu của các phòng giam khác. Và cuối cùng, sau một lúc ngập ngừng, tên tù 960 đã khai nhận với tôi …”
Nhìn chung, đây là một khối tài liệu rất quan trọng, có giá trị về mặt lịch sử rất lớn. Nó phản ánh đầy đủ và chân thật chính sách cai trị, đàn áp người Việt của chính quyền thực dân, từ những ngày đầu xây dựng, thành lập nhà tù cho đến năm 1945. Vì vậy, từ một quần đảo kỳ vĩ, giàu tiềm năng, Côn Đảo chìm trong gần một thế kỷ của một “địa ngục trần gian”, trở thành chứng tích của những ngày tháng bị đọa đày trong lao ngục thực dân, đế quốc của biết bao thế hệ những người Việt Nam yêu nước.
Trần Thị Thùy Linh
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Procès verbal de prise de possession de l’archipel de Poulo Condore. 1861. Hs số G.Divers. 3494 phông Thống Đốc Nam kỳ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
- Rapport de l’ Insptecteur de 2e classe des Colonies en 1935-1936. HS số III60/N04(2) phông Thống đốc Nam kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
- Rapport en 1938. HS số IIB53/192(3) phông Thống đốc Nam kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
- Rapport sur la reconstruction de Poulo Condore en 1942. HS số G8/94 phông Thống đốc Nam kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
- Note du 31/12/1941 du Directeur du pénitencier de Poulo Condore au Gouverneur de la Cochinchine. HS số IIA45/223(4) phông Thống đốc Nam kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.