Đình thờ Nguyễn Trung Trực tại Phú Quốc gồm: 1 nhà chánh điện, 2 gian thờ. Trong đó có 1 gian thờ được giữ và cải tạo lại dựa trên nhà chánh điện hiện hữu. Ngoài ra còn có 2 hiên chờ và hệ thống hạ tầng, cảnh quan đồng bộ và phù hợp toàn khu.
Được biết, đình thờ trước đây được người dân đóng góp xây dựng từ năm 1993 để thể hiện lòng kính ngưỡng đối với vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người thủ lĩnh quả cảm của phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ 19.
Người dân Phú Quốc thường đến đền thờ Nguyễn Trung Trực để cầu xin bình an, may mắn. Mỗi năm đến ngày giỗ của ông, người dân thường làm lễ giỗ tưởng nhớ ông và những nghĩa quân liệt sĩ kiên trung. Ghé thăm đền thờ giản dị của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu Phú Quốc, tìm hiểu thêm về thân thế sự nghiệp của ông, chắc bạn sẽ càng thêm cảm mến ông cùng những nghĩa quân liệt sĩ áo vải quả cảm không ngần ngại hy sinh cuộc sống để bảo vệ quê hương…
Đình được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011, và là điểm tham quan của nhiều du khách khi đến Phú Quốc. Được sự đóng góp của nhân dân, ban bảo vệ di tích thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, bảo trì và tổ chức lễ hội hàng năm.
Địa chỉ: xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang Xã Gành Dầu, Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang
Chuyện kể về ‘cụ Nguyễn’ đảo Phú Quốc
“Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”, câu nói đó của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã lưu danh sử vàng đất Việt bao đời nay. Còn với người dân tỉnh Kiên Giang nói chung và đảo Phú Quốc nói riêng, “cụ Nguyễn” luôn là chỗ dựa tinh thần giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống….
Đón tôi trong một chiều nắng ươm vàng trên đảo, anh Lộc – một lái xe tắc xi người Khmer kể cho tôi những gì anh được nghe từ cha ông kể lại về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Suốt cả câu chuyện, anh Lộc dùng đại từ danh xưng “cụ” đủ để thấy rằng trong tâm thức của từng người dân Phú Quốc từ trẻ đến già, hình ảnh của người anh hùng dân tộc luôn sống mãi và thân thiết như người một nhà.
“Lúc còn nhỏ tôi nghe cha kể lại, sau này đi làm lái xe đọc thêm và nghe từ người dân tôi được biết, cụ Nguyễn Trung Trực vốn là một người dân chài ở tỉnh Gia Định nay là Long An. Nhân dân tỉnh Kiên Giang gọi cụ Nguyễn Trung Trực bằng “ông”, “cụ” hoặc “cụ Nguyễn” vì kiêng gọi tên húy. Cuộc đời cụ tuy ngắn ngủi nhưng rất hào hùng. Cụ đã để lại cho dân tộc chiến thắng vẻ vang đó là đánh chìm tàu chiến Pháp mang tên Esperanza. Năm 1868, cụ bị bọn đô hộ Pháp bắt và hành hình tại chợ Rạch Giá lúc mới có 31 tuổi.
Thương cụ, tưởng nhớ cụ ở Kiên Giang có rất nhiều miếu thờ cụ Nguyễn chứ không riêng gì Phú Quốc. Đền thờ cụ Nguyễn trên đảo là một trong những đền thờ lớn thờ cụ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố ngày 8/8/2011.
Mỗi năm đến ngày mất của cụ, nhân dân các nơi tụ tập về đây tổ chức cúng cơm cho cụ. Khá nhiều người, từ ngư dân, học trò, người buôn bán đến đây lễ bái, cầu xin bình an, học hành tấn tới, thi cử thành đạt, làm ăn phát tài…” – anh Lộc thong thả kể trong lúc lái xe đưa tôi đến thăm đền thờ.
Sự hy sinh sống mãi trong trái tim mọi người dân
Sử sách ghi lại, Nguyễn Trung Trực sinh năm Đinh Dậu 1837, mất năm Mậu Thìn 1868 là liệt sĩ cận đại, nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), tục gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch (vì lúc nhỏ ông có tên là Chơn, rồi từ năm Kỉ Mùi 1859 đổi là Lịch, còn Quản là chức Quản cơ).
Sau khi đốt tàu L’Esperance, ông đổi tên là Nguyễn Trung Trực và tên này được nhân dân gọi cho đến ngày cuối cùng. Quê ông ở phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ngoại ô thị xã Tân An, Long An).
Ông xuất thân trong một gia đình chài lưới ở hạ lưu sông Vàm Cỏ, năm 1861, hưởng ứng lịch Cần Vương chống Pháp, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An.
Lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ. Nghĩa quân dưới quyền lãnh đạo của ông gồm một số nhà yêu nước: Nguyễn Văn Điền (hay Điền), Nguyễn Học, lương thân Hồ Quang… tổ chức cuộc phục kích đốt tàu L’Esperance của Pháp trưa ngày 10/12/1861 tại vàm Nhật Tảo.
Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu qua lại trên địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Sau khi ba tỉnh miền đông Nam Bộ mất (theo Hòa ước Nhâm Tuất 1862) ông được phong làm Lãnh binh. Năm 1861 ông lại được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên. Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23/6/1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Ngày 16/6/1868, ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là thị xã Rạch Giá) tiêu diệt địch.
Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ nhằm chống giặc lâu dài. Pháp phải huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây và tấn công đảo. Đến tháng 10/1868, để bảo đảm lực lượng nghĩa quân và nhân dân trên đảo, ông tự ra nộp mình cho giặc bắt. Chúng nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông quyết không đầu hàng.
Sau đó, ông bị giải về Sài Gòn, viên thống soái Nam Kì lúc đó vừa dụ hàng, vừa hăm dọa, ông đã khẳng khái trả lời: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Không lung lạc được tinh thần người anh hùng, giặc Pháp đem ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868, khi ông mới 31 tuổi.
Chuyện kể rằng, vào buổi sáng 27/10/1868, nhân dân trong vùng tập trung về chợ Rạch Giá để chứng kiến vị anh hùng của họ bị giặc Pháp xử tử. Cụ Nguyễn yêu cầu nhà cầm quyền mở trói, không bịt mắt để ông nhìn đồng bào, quê hương lần cuối.
Người dân trải xuống đất một chiếc chiếu hoa có chữ “Thọ” màu đỏ cho ông đứng thọ hình. Trước giờ xử tử Nguyễn Trung Trực đã ung dung đọc bài thơ tuyệt mệnh: “Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên/Yêu gian đảm khí hữu long tuyền/Anh hùng nhược ngộ vô dung địa/Bảo hận thâm cừu nhất đái thiên” (dịch nghĩa: Theo việc binh nhung thuở trẻ trai/Phong trần hăng hái tuốt gươm mài/Anh hùng gặp phải hồi không đất/Thù hận chang chang chẳng đội trời).
Với từng người dân nước Việt nói chung và người dân Kiên Giang, Phú Quốc nói riêng, cho dù người Pháp đã dùng cái chết để kết thúc cuộc đời một anh hùng, nhưng sự hy sinh của Nguyễn Trung Trực đã thành ngọn lửa bất khuất hâm nóng mọi con tim, nhân lên rộng khắp thành những ngọn lửa bừng cháy mãnh liệt trong cuộc đấu tranh kiên cường giành độc lập và giữ gìn đất nước.
Hiếm có người anh hùng dân tộc nào được nhân dân trong vùng tín ngưỡng như Nguyễn Trung Trực. Để tỏ lòng kính ngưỡng người con ưu tú của dân tộc, vị thủ lĩnh kiên cường của phong trào khởi nghĩa chống Pháp, người dân nhiều nơi đã dựng đền thờ tôn vinh Nguyễn Trung Trực, trong đó tiêu biểu phải kể đến đền thờ tại Long An quê hương ông, đền thờ tại Rạch Giá nơi ông bị xử tử và đền thờ tại Gành Dầu, Phú Quốc nơi ông bị bắt trong trận chiến đấu cuối cùng…
Anh khí như hồng
Đền thờ Nguyễn Trung Trực trên đảo Phú Quốc được dựng ngay tại mũi Gành Dầu, cách trung tâm huyện đảo chừng 40km. Đền thờ được xây theo kiểu chữ tam, gồm chính điện, đông lang và tây lang. Chính điện thờ bài vị của ông, cùng các vị thần linh và những người có công khác như: Chánh soái đại càn, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky, Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, những nghĩa quân liệt sĩ áo vải quả cảm đã không ngại ngần hy sinh cuộc sống để bảo vệ quê hương.
Ở trong đền thờ, có bức hoành phi ngay tại gian giữa thu hút mọi ánh nhìn với bốn chữ vàng “Anh khí như hồng” ca ngợi tiết khí của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực luôn sáng như cầu vồng bảy sắc.
Mỗi năm đến ngày giỗ của ông, người dân thường làm lễ giỗ tưởng nhớ ông và những nghĩa quân liệt sĩ kiên trung. Không dừng lại ở nghĩa cử tôn vinh anh hùng liệt sĩ, đình thần Nguyễn Trung Trực còn nhuốm nhiều màu sắc tín ngưỡng dân gian trong sinh hoạt thường ngày của cư dân địa phương. Vì thế, vào những ngày thường cũng có khá đông người dân và khách du lịch đến đền thờ Nguyễn Trung Trực để cầu xin bình an, may mắn.
Theo thông tin từ truyền thông và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xung quang ngày giỗ của Nguyễn Trung Trực cũng có nhiều điều thú vị. Hay nói cách khác, ông là người anh hùng có hai ngày giỗ.
Theo các tài liệu lịch sử chính thống, anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh vào ngày 27/10/1868 (tức ngày 12/9 năm Mậu Thìn). Theo phong tục tập quán, ngày giỗ được làm ngày trước ngày mất, còn ngày giỗ chính diễn ra đúng vào ngày mất. Các hậu duệ của Nguyễn Trung Trực ở Long An cũng đều cúng giỗ “cụ Nguyễn” vào ngày 12/9 âm lịch hàng năm. Hầu hết các đình, đền thờ Nguyễn Trung Trực ở khắp miền Tây cũng đều làm lễ giỗ, kỷ niệm theo ngày này.
Thế nhưng, ở chính nơi Nguyễn Trung Trực hy sinh – thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, ngày giỗ “cụ Nguyễn” kéo dài 3 ngày từ 26 đến 28 tháng 8 âm lịch hàng năm. Theo lý giải của người dân, thì lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá được tổ chức trước ngày cụ Nguyễn hy sinh khoảng nửa tháng, có thể có liên quan đến việc đền thờ Nguyễn Trung Trực trước đây vốn là một ngôi miếu thờ Cá Ông (Nam Hải Đại Tướng Quân). Người dân thờ cúng ông trong ngôi miếu để qua mắt chính quyền thực dân. Sau nhiều lần trùng tu ngôi miếu ấy đã thành đền thờ Nguyễn Trung Trực như hiện nay.
Kết
Một người anh hùng có hai ngày giỗ, dù còn nhiều tranh luận cũng như quan điểm cần có một cuộc hội thảo cấp khu vực hoặc quốc gia để làm sáng tỏ và thống nhất, nhưng với mọi người dân ở miền Tây Nam bộ thì điều đó có hề chi.
Bởi tinh thần bất khuất của “cụ Nguyễn” của họ luôn sống mãi và câu nói bất khuất của cụ “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây” đã lưu danh vào sử sách cùng các anh hùng nước Việt khác như của Bà Triệu lãnh đạo nhân dân chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào thế kỷ III
“Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người”; như của Thái sư Trần Thủ Độ trước thế giặc Mông Cổ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác” thể hiện quyết tâm đánh giặc đến cùng; như của Trần Bình Trọng danh tướng của nhà Trần “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”…
Những câu nói ấy đã trở thành lời tuyên bố đanh thép trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, thành lời hiệu triệu cho biết bao thế hệ thanh niên ra đi tìm đường cứu nước…
Hồng Minh
https://baophapluat.vn/