Điểm danh 05 địa chỉ du lịch tâm linh Côn Đảo nổi tiếng linh thiêng

Nổi tiếng du lịch tâm linh Côn Đảo – một địa danh lịch sử, nơi được mệnh danh là một trong những hòn đảo kỳ thú và bí ẩn nhất cũng như mới đây vừa được bình chọn là 1 trong 12 hòn đảo bình yên nhất thế giới này, khi đến đây, không thể bỏ lỡ những địa chỉ sau đây nhé !

Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo là một di tích căm thù, có giá trị tố cáo chế độ thực dân, đế quốc đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Do đó Nghĩa Trang Hàng Dương khác hẳn với các nghĩa trang liệt sỹ có trong nước ta, không phô trương khác với thực tế lịch sử mà hài hòa hợp với cảnh trí thiên nhiên, gây ấn tượng tưởng niệm sâu lắng.

Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo

Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2, gồm 3 khu : khu A, khu B và khu C. Theo số liệu ước định có khoảng: 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo. Tuy nhiên không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa tù được lập ở khu vực Chuồng Bò, sau dời lên Hàng Keo. Từ năm 1944, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã giết hại hàng ngàn tù nhân.

Trãi qua 113 năm ngục tù Côn Đảo, có khoảng hai vạn người đã yên nghỉ, nhưng thực tế dấu vết còn lại đến ngày hôm nay là 1.921 phần mộ, trong đó chỉ tìm được 713 phần mộ có danh tánh. Vì trong quá trình bị địch bắt tù đày có nhiều người tù chính trị giữ vững khí tiết và bí mật cho cơ sở nên đã khai tên tuổi, quê quán giả…

Viếng mộ Liệt nữ Võ Thị Sáu

Mộ cô Sáu từ lâu đã là biểu tượng gắn liền với hình ảnh Côn Đảo. Nằm tại khu C nghĩa trang Hàng Dương, mộ cô Sáu là địa điểm thu hút đông đảo du khách đến dâng lễ. Cũng bởi nổi tiếng linh thiêng, luôn che chở cho những người thành tâm hướng thiện mà mộ cô Sáu không lúc nào thiếu vắng người đến hành lễ dâng hương.

Mộ Võ Thị Sáu là ngôi mộ linh thiêng nhất ở Côn Đảo. Đặc biệt hàng đêm có đến hàng trăm, nghìn người viếng thăm

Viếng mộ Liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương

Từng bàn tay chắp trước ngực thành kính khấn cầu. Người hành hương, khách du lịch thì cầu cho gia đình luôn bình an, công việc làm ăn phát đạt, tuy nhiên, trong ý nghĩ sâu thẳm của mỗi người là sự biết ơn những người đã anh dũng ngã xuống để cho mình có cuộc sống hôm nay.

Thắp nhang tại nghĩa trang Hàng Dương

Mỗi ngôi mộ không chỉ là một số phận bi hùng, chiến tích đánh bại quân xâm lược của nhân dân ta, mà mỗi ngôi mộ là một phần mà nghĩa trang Hàng Dương đang bảo vệ và gìn giữ hằng ngày. Nơi đây là khu linh thiêng, khách thập phương đến viếng thăm bày tỏ sự tôn kính, lộc thành với tấm lòng hướng về cội nguồn dân tộc.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo

Đến với Côn Đảo là đến với những trang sử hào hùng của vùng đất này thông qua các di tích lịch sử còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Hệ thống nhà tù Côn Đảo – nơi đã giam cầm và đày ải gần 2000 chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng – điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà của cả nhiều du khách nước ngoài.

Trại Phú Tường Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo nằm ngoài vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được Thống đốc Nam kỳ Bonard ký quyết định thành lập ngày 1/2/1862, gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập – “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể.

Là một di tích đặc biệt, hệ thống nhà tù Côn Đảo là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ áp bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức; là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước.

Nhà tù Côn Đảo cũng là “Trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).

Miếu bà Phi Yến

Đây là ngôi miếu thờ Bà Phi Yến – vị “Thần Nữ” được người dân Côn Đảo hết lòng tín ngưỡng và kính trọng chỉ sau nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Bước qua cổng chào, du khách sẽ cảm nhận được ngay sự linh thiêng, trang nghiêm chốn này với sự im lặng đến ngỡ ngàng. Tất cả mọi người tới đây đều nhẹ nhàng, cẩn trọng.

Người dân địa phương kể rằng, An Sơn miếu gắn liền với câu chuyện bi thương của mẹ con bà Phi Yến. Năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh mang theo vợ, con và thuộc hạ chạy ra đảo Côn Sơn.

Cùng với những người dân chài đang sinh sống ở đây, Nguyễn Ánh đã lập nên 3 làng là An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Ðể đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gửi con cả là Hoàng tử Cảnh đi theo cố đạo Pháp (Bá Ða Lộc) sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến can chồng đừng “cõng rắn cắn gà nhà”. Nguyễn Ánh nghe vậy tức giận, tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ. Nghe tin quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy. Hoàng tử Cải, con bà Phi Yến lúc đó mới 4 tuổi đòi mẹ đi cùng.

Trong cơn tức giận Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải trôi vào bãi biển Cỏ ống và được dân làng chôn cất. Bà Phi Yến, theo truyền thuyết được một con vượn và một con hổ trắng cứu ra khỏi hang, về sống với dân làng và trông nom mộ hoàng tử Cải. Một lần, sau khi bị một kẻ xấu xúc phạm, bà đã tự tử để thủ tiết.

Miếu Bà Phi Yến – An Sơn Miếu

Trân quý đức hạnh của bà, Nhân dân đã lập miếu thờ và ngày 17 và 18/10 âm lịch hang năm làm cỗ chay tổ chức lễ giỗ Bà Phi Yến. Có dịp đến Côn Đảo, bạn đừng quên tới miếu An Sơn để khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.

Chùa Núi Một

Vân Sơn tự còn gọi là chùa Núi Một, tọa lạc trên Núi Một, Côn Đảo. Chùa có vị trí lưng tựa núi, mặt hướng ra vịnh Côn Sơn, thị trấn Côn Sơn và hồ An Hải. Ngôi chùa tọa lạc giữa lưng chừng núi, cách trung tâm thị trấn Côn Sơn khoảng 1,6km, được xây dựng năm 1964. Năm 2011, chùa được tôn tạo, trùng tu và xây dựng thêm nhiều công trình mới trên tổng diện tích gần 2ha, với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Hiện nay, chùa không chỉ là công trình văn hóa, danh thắng, di tích lịch sử của huyện Côn Đảo mà còn là nơi để nhân dân và du khách hành hương, hướng thiện và cầu nguyện, siêu độ cho các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Chùa Núi Một là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút du khách tại Côn Đảo

Vân Sơn tự là ngôi chùa duy nhất ở Côn Đảo, là công trình kiến trúc văn hóa tâm linh tuyệt đẹp gắn liền với vùng đất thiêng. Ngôi chùa đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh. Ngoài khách địa phương, ngôi chùa còn là địa chỉ hành hương của du khách trong và ngoài nước.

Miếu Cô Vân Tiên Cảnh

Miếu Cô Vân (Cô Vân Tiên Cảnh) được lập ở Côn Đảo không rõ vào thời gian nào, nhưng đây là một trong những điểm du lịch tâm linh có tiếng mà du khách nên tham khảo cho chuyến hành trình của mình.

Sự tích về Cô Vân có rất nhiều người kể và mốc thời gian thì ko chính xác và rõ ràng, chỉ chắc chắn rằng Cô mất trên biển. Có người kể rằng khi phát hiện ra xác Cô thì trên giấy tờ của Cô đã bị nước làm nhoè chỉ còn 1 chữ Vân nên gọi là miếu Cô Vân, cũng có người kể khi phát hiện ra xác Cô trên Hòn Cau thì lúc đó Cô chỉ còn là bộ xương trắng, các ngư dân chôn rồi lập mộ tại Hòn Cau.

Miếu Cô Vân trên Hòn Cau Côn Đảo

Trong quá trình đánh bắt cá, khi đi ngang qua đây ngư dân thấy một người con gái mặc đồ trăng đang lướt nhẹ trên những sườn đá dốc, xung quanh lúc nào cũng có sương mù tựa mây nên ngư dân mới gọi là Vân hay cô Vân. Vân ở đây nghĩa là Mây. Ngư dân sau này đánh bắt cá trên vùng biển này hay ghé lại miếu cô Vân cầu cô để có cuộc sống tài lộc thoát khỏi sự nghèo khó, họ đi qua cúng Cô và được Cô cho lộc vì vậy đến Cô nên chỉ cầu xin tiền tài làm ăn. Nơi Cô nằm là Hòn Cau 1 trong 16 đảo thuộc Côn Đảo, cách đảo chính 20-25′ đi cano, tuỳ thuộc vào con nước hàng ngày để có thể đi được Miếu Cô Vân nên trước khi đi mọi người liên hệ với cano để hỏi giờ

Giá tàu giao động từ 2,800,000 đồng – 3,500,000 đồng/chuyến để đi ra Hòn Cau.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời