Di tích lịch sử văn hóa Đình thần Thành Hoàng tại Hà Tiên

Đình thần Thành Hoàng được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 23/11/2010. Đây là sự kiện có ý nghĩa góp phần bảo vệ, tu bổ các hiện vật, công trình kiến trúc, phục dựng lại các lễ hội xưa và quảng bá giới thiệu nơi đây đến đông đảo nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Đình thần Thành Hoàng thuộc khu phố 1, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Vốn là một ngôi đình cổ, đã có hơn 250 năm tuổi, có giá trị lớn về mặt kiến trúc, văn hóa. Đây là một điểm đến không thể bỏ qua khi du khách có dịp đi tour du lịch Hà Tiên – Kiên Giang.

Đầu năm 2003, được sự nhất trí cho phép của thị xã và ủy ban nhân dân phường Bình San, Ban Bảo vệ di tích núi Bình San tiến hành lễ cúng Kỳ Yên có thỉnh sắc theo tập tục truyền thống lần đầu tiên. Cuộc tổ chức lễ hội truyền thống này, được sự hoan nghiên nồng nhiệt của toàn thể nhân dân Hà Tiên.

Đình thần Thành Hoàng thờ những ai?

Đình thần Thành Hoàng là nơi thờ tự các bậc tiền nhân đã có công khai phá và mở mang vùng đất Hà Tiên xưa, gồm có 3 vị: Khai trấn Thượng trụ quốc Vũ nghị Công Mạc Cửu (ở thời mua Minh Mạng), Tổng binh đại đô đốc Mạc Thiên Tích (ở đời chúa Nguyễn Phúc Chu), Tham tướng Mạc Tử Sanh (ở đời chúa Nguyễn Ánh).

Đất Hà Tiên được thành lập năm 1708, khi đó ông Mạc Cửu thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu phong chức Tổng Binh, tước Cửu Ngọc Hầu.

Hà Tiên trở thành một Trấn, rồi sau đó là một Tỉnh của Việt Nam lúc bấy giờ. Con ông là Mạc Thiên Tích và cháu nội ông là Mạc Tử Sanh đều một lòng tận trung với nước, xây dựng và bảo vệ vùng đất nước, chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.

Khi các ông chết, được phong làm Phúc Thần. Dân thờ phụng ba vị Tôn Thần dày công khai phá mở mang bờ cõi, bảo vệ biên cương, phù hộ nhân dân cày cấy được mùa, an bình thịnh vượng. Nơi đó là Đình Thành Hoàng Bổn Cảnh, nhân dân Hà Tiên hết đời này qua đời khác đều nối tiếp phụng thờ, lễ bái. Họ sùng kính uy linh “Mạc Thị Thần Chi” có nghĩa là “kính thờ Tôn Thần Họ Mạc”. Tước vị được vua phong là “Hàm Quang Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.

Ngày lễ tại Đình thần Thành Hoàng

Hằng năm vào ba ngày 15, 16, 17 tháng 2 âm lịch đình thần Thành Hoàng đều tổ chức cúng lễ Kỳ Yên với nhiều họat động văn hóa rất đặc sắc, bài bản. Trong đó có 3 lễ chính là : Túc yết, Đàn cả và lễ tế Tiền hiền- Hậu hiền mang đậm bản sắc của người dân vùng Hà tiên. Tiếp đó là lễ rước sắc sau khi xong lễ hát bội, một đám rước với chiêng, trống, lộng, cờ linh đình cùng đội lân. Lễ được tổ chức trọng thể tại Đình Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh Hà Tiên thu hút đông đảo sự tham gia của người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước.

Kiến trúc Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên

Ban đầu, đình thần Thành Hoàng được lợp bằng cây lá rất đơn sơ, đến năm 1835 đình được sửa lại xây dựng thành miếu lợp bằng cỏ tranh.

Nhân dân Hà Tiên lại trùng tu ngôi Đình, lần này cất quy mô hơn vào ngày mồng 2 tháng Chạp năm Đinh Hợi (tức là ngày 14 tháng Giêng năm 1888).

Đình thần Thành Hoàng Hà Tiên

Năm 1999, đình thành Thành Hoàng được xây dựng lại bằng bê tông chắc chắn hơn với lối kiến trúc của văn hóa Đông Á. Cổng đình thần Thành Hoàng được xây dựng khá quy mô, với mái ngói lợp, hai cột trụ vuông chắc chắn ở hai bên. Đình được xây dựng với nhà rường, mái ngói lợp âm dương, cột gỗ được chạm khắc nhiều câu đối bằng tiếng Hán.

Đình thần Thành Hoàng gồm có 3 gian: Chánh điện, tả hiên, hữu hiên nối liền với tiền đình tạo thành một quần thể hình chữ khẩu. Chính giữa sân làm giếng trời, dùng làm nơi cúng tế chư vị âm linh.

Đình thần Thành Hoàng gắn với hệ thống đình chùa, lăng tẩm và các hoạt động văn hóa như Lễ Kỳ Yên, Lễ giỡ Mạc Cửu… là một trong những ngôi đình có giá trị vật thể và phi vật thể.

Rate this post

Trả lời