Di tích lịch sử Sở Đá tại Côn Đảo

Sở đá ở dưới chân Núi Chúa chuyên việc bắn mìn phá đá. Những khối đá hoa cương dùng để ốp con đường phía trước thị trấn Côn Đảo, xây cầu tàu Côn Đảo, xây móng nhà, tường nhà và các bức tường bao quanh các banh… đều do sở này cung cấp.

Kíp tù khai thác đá hộc ở chân Núi Chúa phải lên núi khoan lỗ, nổ mìn, đập đá, khuân đá, xếp lên xe đẩy về. Khi nổ mìn, mảnh đá văng lung tung, không mấy ngày không có người bị thương. Nạn sập đá xảy ra luôn, lớn nhất là vụ sập đá tháng 9 năm 1932 làm chết tại chỗ 5 người, trong đó có 3 người tù chính trị và làm bị thương nhiều khác.

Bọn coi tù phải điều động hàng trăm người ở những chỗ gần đó đến kích những tảng đá lớn để lấy xác hoặc moi những người bị thương ra. Cảnh tượng rất thương tâm: kẻ gấy tay, cụt chân, người vỡ đầu, phọt óc, lòi ruột gan ra ngoài, máu me bê bết.

Một tù nhân Côn Đảo thời kỳ 1939-1945 cho biết: khoảng trước chiến tranh thế giới, những người trong kíp đập đá Sở Chỉ Tồn còn thấy có một tấm bia dựng ở công trường đá Núi Chúa ghi lại một tai nạn sập đá: 19 người bị chết, 7 người bị thương nặng, 11 người bị thương nhẹ. Tù nhân Sở Chỉ Tồn đã tuyệt thực 5 ngày để phản đối chế độ khổ sai giết người và dựng bia kỷ niệm những người bị nạn, trừng phạt bọn cai tù ở công trường đập đá và cải thiện chế độ lao dịch quá nặng nề. Kíp chở đá còn khó nhọc hơn kíp chở củi, xe gạch. Đường xấu, xe đầy ắp, nặng lặc lè , làm rất cẩn thận mà có lúc xe cũng đổ, gây tai nạn.

Gần 50 km đường rải đá chạy từ Cỏ Ống đến quá Bến Đầm và các nhánh trong thị trấn Côn Đảo, chạy vòng phía trước Núi Chúa là mồ hôi nước mắt của tù khổ sai trong kíp làm đường. Hằng ngày họ phải gò lưng dưới nắng rát, chân đạp lên mặt đường trải đá dăm sắc cạnh, ra sức kéo trục hồ lô lăn đường nặng cả tấn.

Trong khi đó “bọn ngục tốt chực sẵn bên cạnh. Thấy ai hưi trễ nải một chút là múa hèo, múa gậy giáng xuống chan chát, không hề nới tay, mặc hệ cho tù bể đầu, gãy xương. Nhanh lên, mau lên! Làm hối hả đi! Bả vai, chân tay bị thương đau đớn mồ hôi ra như tắm ướt đẫm, thân lưng trần trụi trông rõ lằn ngang, lằn dọc dày đặc”1.

Đó là tình cảnh những người tù khổ sai đang đổ sức ra để nối dài thêm từng tấc đường trên Hòn Côn Lôn dưới thời thuộc Pháp.

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận