Đi tàu cao tốc có say không? Kinh nghiệm giảm thiểu say sóng khi đi du lịch

Cuối năm là mùa của biển động, mưa bão. Nếu chẳng may chuyến du lịch biển của bạn diễn ra vào thời điểm này, chứng say sóng cố hữu có thể biến chuyến đi thành một cơn ác mộng. Vậy làm sao để giảm say sóng khi đi du lịch bằng tàu cao tốc?

Đi tàu cao tốc có say không ?

Chứng say sóng là kết quả của một phản ứng sinh lý phức tạp đối với chuyển động. Khi bạn ở trong cabin của một con tàu, mắt bạn không nhìn thấy sự chuyển động, nhưng tai trong sẽ cảm nhận được điều đó. Mắt bạn đang “nói” với não bộ là bạn không chuyển động, trong khi tai trong lại khẳng định “có”. Kết quả là cơn say sóng xuất hiện.

Chẳng còn gì tệ hơn cảm giác buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, đau đầu và đổ mồ hôi lạnh khi đang lênh đênh giữa sóng biển. Bao nhiêu sự hào hứng khám phá vùng biển mới tan vèo mất, khiến bạn chỉ có thể nằm bẹp trên giường khách sạn và chờ đến ngày về.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), say sóng là một hiện tượng xuất hiện khi bộ não nhận được những dữ kiện sai lệch từ môi trường bên ngoài. Để hoàn thành nhiệm vụ giữ cho thân mình được thăng bằng (không ngả nghiêng), hệ thống cảm nhận của cơ thể không ngừng thu nhận những dữ kiện từ môi trường chung quanh và gởi những dữ kiện này về một bộ phận nằm bên trong lỗ tai.

Bộ phận này có chức năng giống như một máy điện toán, nó sắp xếp các dữ liệu theo thứ tự và chuyển lên óc. Sự say sóng xảy ra khi các dữ kiện chuyển từ bộ phận này lên óc không giống như các dữ kiện mà mắt nhìn thấy. Khi bạn bắt đầu cảm thấy chóng mặt thì có lẽ đã hơi trễ trong việc tìm cách chặn đứng cơn say sóng lại, cơn nôn mửa có thể tiếp nối chỉ trong một vài phút sau.

Theo chuyên gia, người bị say sóng ở thể nhẹ sẽ có cảm giác hơi chóng mặt, tăng bài tiết dịch và buồn nôn. Nặng hơn, người bị say sóng sẽ bị chóng mặt, nôn nhiều kéo theo mạch đập và huyết áp giảm. Trong đó, nhóm đối tượng trẻ nhỏ và người già với sức đề kháng yếu rất dễ bị say sóng khi đi du lịch biển.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, thời tiết là lý do dễ làm cho bạn say sóng. Khi thời tiết thay đổi hoặc khí hậu không thuận lợi, sóng biển và độ nghiêng ngả của tàu dễ làm bạn bị say sóng. Do đó, cách tốt nhất là không nên đi biển vào những giai đoạn thời tiết như này.

Khách làm thủ tục lên tàu cao tốc Superdong

Đừng quá lo lắng! Say sóng đáng sợ thật đấy, nhưng vẫn có cách để đối phó với cơn chếnh choáng khi đi biển. Hãy ghi nhớ những mẹo sau nếu bạn sắp có chuyến du lịch đòi hỏi di chuyển bằng tàu thuyền:

Kinh nghiệm giảm thiểu say sóng khi đi du lịch

Giữ sức khỏe ở trạng thái tốt nhất trước khi lên tàu

Những người bị chứng say tàu xe chỉ cần nghĩ tới việc lênh đênh trên biển thôi là đã nôn nao, khó chịu. Kết quả là họ lo lắng tới mất ăn mất ngủ. Họ không biết rằng nếu thiếu ngủ và cảm thấy kiệt sức khi chuyến đi sắp diễn ra, chứng say sóng càng trở nên trầm trọng.

Vòng luẩn quẩn này chỉ kết thúc khi cơ thể được nạp đầy năng lượng trước giờ khởi hành, trở nên sảng khoái và sẵn sàng chinh phục những con sóng biển. Vì thế, vào thời điểm 2-3 ngày trước chuyến du lịch, bạn cần tuân thủ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Nên bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Bạn tuyệt đối không nghĩ tới hành trình trên biển theo hướng tiêu cực: “Làm sao để “sống sót” sau nhiều giờ ngồi tàu đây? Mình cần uống loại thuốc say sóng nào? Có cần nhịn ăn trước giờ lên tàu để tránh ói mửa không nhỉ?”…

Uống thuốc chống say

Một khi đã quá quen thuộc với chứng say tàu xe, bạn sẽ không còn xa lạ với những viên thuốc giúp ngăn ngừa và điều trị chứng này. Thuốc trị buồn nôn phổ biến gồm các thuốc kháng histamine (như Bonine và Dramamine) và scopolamine (có dạng thuốc viên hoặc miếng dán, là thuốc bán theo toa).

Hầu hết các loại thuốc này đều hoạt động bằng cách chống lại tác dụng của hóa chất do não tiết ra trong lúc bạn say sóng.

Bạn cần nói chuyện với bác sĩ để tìm được loại thuốc tốt nhất với mình, vì có những loại sẽ không phát huy hết tác dụng khi ghép đôi với loại khác. Ngoài ra, cần xem xét cả tác dụng phụ của thuốc. Thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ, khô miệng và mắt. Dramamine có tác dụng tốt nhất nếu bạn uống trước khi bị say tàu xe.

Vì vậy, để có kết quả tốt nhất, hãy uống thuốc trước khi lên tàu, đừng đợi đến khi cơn say sóng kéo đến mới lấy vỉ thuốc ra.

Tận hưởng không khí trong lành

Với những người bị say sóng, sẽ rất hữu ích khi ra khỏi khoang tàu để đi ra boong tàu hoặc ban công, hít thở không khí trong lành và nhìn về phía chân trời. Làm như vậy sẽ giúp mắt bạn “nhìn thấy” chuyển động, sau đó gửi tín hiệu đến não, và tín hiệu này trùng khớp với tín hiệu phát ra từ tai trong.

Chẳng những vậy, những làn gió mát rượi thổi vào mặt sẽ giúp bạn tập trung tận hưởng bầu không khí xung quanh thay vì chăm chăm vào chuyển động của thuyền. Cho nên, bạn cần cố gắng hoạt động, di chuyển càng nhiều càng tốt, tránh ngồi mãi một chỗ trong cabin tàu.

Chọn chỗ ngồi giữa cabin, tránh vị trí dọc hai bên tàu

Sự lắc lư từ bên này sang bên kia và chuyển động lên xuống “bập bênh” của con tàu sẽ được giảm thiểu khi bạn ngồi ở vị trí giữa tàu. Ngược lại, ngồi dọc hai bên tàu sẽ làm bạn cảm nhận rõ hơn từng cơn sóng đánh, khiến tình trạng “lâng lâng” trở nên trầm trọng hơn.

Trước khi lên tàu, bạn cần đăng ký chọn chỗ ngồi thích hợp cho người bị say sóng. Nếu chỗ ngồi đó có tầm nhìn hướng ra bên ngoài thì càng tốt. Bạn sẽ dễ dàng phóng tầm mắt về phía đường chân trời và quên đi cơn say sóng đang nhăm nhe đánh gục mình.

Nhâm nhi thức ăn nhẹ

Đừng chiến đấu cùng cơn say sóng với một cái bụng rỗng. Trước khi lên tàu, bạn cần ăn lót dạ (nhưng đừng ăn quá no) với các thực phẩm ít đường, ít dầu mỡ, không cay. Trong lúc ngồi trên tàu, bạn có thể nhâm nhi một ít bánh quy mặn, bánh mì hoặc trái cây sấy khô.

Bên cạnh đó, dạ dày bạn sẽ thích thú với một chút rượu gừng/trà gừng (gừng là phương thuốc tự nhiên thường được dùng để trị chứng say tàu xe). Bạc hà cũng có tác dụng làm dịu cảm giác nôn nao của dạ dày, nên một tách trà bạc hà sẽ rất lý tưởng cho chứng say sóng.

Đeo vòng chống nôn

Những chiếc vòng chống nôn sẽ tạo áp lực lên một điểm trên cổ tay (thường là điểm bạn thường đeo đồng hồ). Áp lực này giúp bạn xua tan cảm giác buồn nôn – một trong những triệu chứng khó chịu nhất của chứng say tàu xe.

Bấm huyệt

Đây là giải pháp thay thế nếu bạn không có sẵn vòng chống nôn. Theo y học Trung Quốc, bấm huyệt là liệu pháp giúp cân bằng dòng năng lượng trong cơ thể rất hữu hiệu. Buồn nôn là một dấu hiệu cho thấy dòng năng lượng này không ổn định, và bấm huyệt sẽ giải quyết vấn đề đó.

Theo một nghiên cứu, những người thực hiện bấm huyệt trên cổ tay đã giảm đáng kể chứng say tàu xe, đồng thời cảm thấy khỏe khoắn trong suốt hành trình.

Cách thực hiện: Sử dụng ngón tay cái phải ấn huyệt cổ tay bên trái (vị trí ấn là mặt trong cổ tay, cách nếp gấp cổ tay khoảng 4cm). Ấn và giữ yên trong vài phút, cho đến khi các triệu chứng say giảm bớt. Làm tương tự với ngón tay cái trái và cổ tay phải.

Tránh các yếu tố kích thích có thể khiến bạn buồn nôn

Buồn nôn là dấu hiệu đặc trưng của say sóng. Thế nên, bất kỳ kích thích nào gây ra buồn nôn đều làm tình trạng say sóng thêm tồi tệ. “Kích thích” ở đây bao gồm các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay, thực phẩm có tính axit (như trái cây và nước ép cam quýt), các bữa ăn khiến dạ dày quá tải.

Ngoài ra, tránh uống rượu trước và trong suốt quá trình ngồi tàu. Như một loại thuốc lợi tiểu, rượu làm tăng tốc độ mất nước, đồng thời giảm sức đề kháng của cơ thể đối với chứng say tàu xe.

Bên cạnh thực phẩm và đồ uống, bạn cũng cần tránh xa mọi mùi độc hại cũng như những hành khách đang nôn mửa vì say sóng.

Cẩn thận khi chọn hành trình

Khi bạn “biết thân biết phận” rằng mình bị chứng say sóng hành hạ, có lẽ bạn chỉ nên đi những con tàu lớn, và chọn những hành trình đi qua vùng biển êm dịu, không quá động. Đừng lên những con tàu quá cũ kỹ, kẻo bạn không thể chịu nổi tiếng ồn do động cơ tàu phát ra cũng như mùi khó chịu phả ra từ con tàu.

Một lưu ý nữa là bạn phải chọn thời tiết tốt cho hành trình trên biển của mình. Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt nếu có bão xảy ra, tàu sẽ rung lắc nhiều hơn, khiến bạn mệt mỏi hơn và dễ dàng bị cơn say sóng quật ngã.

Giữ tinh thần thoải mái

Cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy tình trạng say sóng thật tồi tệ nếu liên tục nghĩ về nó, ngay cả khi bạn còn chưa lên tàu. Thay vào đó, hãy nghĩ tới viễn cảnh sắp được đi du lịch đến một vùng đất mới, sắp được tham gia một hành trình thú vị trên tàu… bạn sẽ không còn bị nỗi lo say sóng ám ảnh nữa.

https://pacificcross.com.vn/

 

5/5 - (4 bình chọn)

One thought on “Đi tàu cao tốc có say không? Kinh nghiệm giảm thiểu say sóng khi đi du lịch

  1. Pingback: Đi tàu cao tốc ra Côn Đảo có say không ? và cách đi dành cho người say sóng

Trả lời