Đền thờ Thầy Sài Nại ở Phú Quý

Đền thờ thầy Sài Nại được người dân trên đảo xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, đền tọa lạc trên một ngọn đồi cao tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý (Riêng mộ của Thầy nằm ở Thôn Đông Hải, xã long Hải). Hướng chính của Di tích nhìn về phía Tây Nam.

Mộ phần Thầy Nại

Từ thế kỷ XVI – XIX, Phú Quý đã quy tụ cư dân từ nhiều nơi đến khai phá, lập nghiệp, mỗi nhóm người đến đây đều mang theo tín ngưỡng văn hóa dân gian, phong tục tập quán nơi cố hương, cùng chung sức vun đắp xây dựng xóm làng và các thiết chế tín ngưỡng tôn thờ các vị thần linh để cầu mong được bảo trợ, chở che giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Dấu ấn của người Hoa trên đảo Phú Quý còn lưu lại khá rõ nét với khá nhiều các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa được tạo lập và trải qua thời gian được người Việt kế tục thờ phụng như: lăng mộ và đền thờ thầy Sài Nại, thờ Quan Thánh đế quân…Đặc biệt, thầy Sài Nại đã được người dân trên đảo kính trọng, tôn thờ trong nhiều thế kỷ qua và được coi là một trong những vị thần hiển linh nhất gắn chặt với niềm tin và tín ngưỡng của cộng đồng người dân trên đảo qua nhiều thế hệ.

Mộ Thầy Nại Phú Quý

Hàng năm tại đền thờ thầy Sài Nại diễn ra một dịp lễ hội chính vào ngày mùng 4 tháng tư âm lịch, người dân trên đảo gọi là lễ Giao phiên kỵ Thầy. Về trình tự, cách thức thực hiện các nghi thức trong lễ Giao phiên kỵ Thầy cơ bản giống như trình tự, cách thức thực hiện các nghi thức trong lễ Kỵ Bà Chúa tại đền thờ công chúa Bàn Tranh. Tuy nhiên, do lễ Giao phiên kỵ Thầy là mốc thời điểm kết thúc phiên trách thờ phụng, cúng tế của làng trước đó và chuyển giao phiên trách lại cho làng kế tiếp; nên có thêm nghi thức: kiểm tra và bàn giao sắc thần cùng những giấy tờ, sổ sách có liên quan cho làng đến phiên trách (nghi thức này thực hiện sau nghi thức dâng văn tế cho thầy Sài Nại), làng đến phiên trách tiếp theo tổ chức đoàn lễ thỉnh rước sắc phong công chúa Bàn Tranh và thầy Sài Nại về làng mình lưu giữ, phụng thờ (sau khi kết thúc nghi thức chánh lễ tế thần và tiệc lễ).

Phía sau dinh thầy Sài Nại

Đền thờ thầy Sài Nại là di tích mang nhiều dấu ấn, giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh rõ nét quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa trong quá trình chung sống giữa vùng biển đảo xa xôi. Đồng thời thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Phú Quý từ trước đến nay. Lễ hội diễn ra tại đền thờ hàng năm thu hút đông đảo các cộng đồng người dân trên đảo tham gia với tinh thần, thái độ thành kính và là chỗ dựa không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh từ xưa đến nay của nhân dân trên đảo. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, được các thế hệ người người Chăm rồi đến người Việt của các làng trên đảo kế tiếp nhau trông nom, tôn tạo, thờ phụng và thực hiện các nghi thức tế lễ theo đúng tập tục xưa. Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn bảo lưu, gìn giữ đến hôm nay UBND tỉnh Bình Thuận đã công nhận Đền thờ thầy Sài Nại là Di tích Lịch sử Văn hóa Cấp Tỉnh tại Quyết định số 1993/QĐ-UBND ngày 07/9/2010.

5/5 - (4 bình chọn)

Trả lời